Đời sống

Những ‘bóng hồng’ Sán Chỉ mặc váy ra sân cỏ

Chủ Nhật, 22/01/2023 13:15:00 +07:00

(VTC News) - Trên sân bóng ở đỉnh đồi xã Húc Động, hình ảnh những người phụ nữ dân tộc Sán Chỉ mặc váy đá bóng đã trở thành nét đẹp ở huyện biên giới Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.

Trời nhập nhoạng tối, trên sân bóng giữa đỉnh đồi ở xã Húc Động, tiếng những người phụ nữ hô nhau chuyền bóng, tiếng bước chân chạy gấp gáp, tiếng trái bóng lăn trên nền đất... vẫn liên tục vang lên. Họ là những phụ nữ Sán Chỉ, dân tộc chiếm trên 70% dân số xã Húc Động.

“Tranh thủ buổi chiều muộn chúng tôi ra sân tập luyện đá bóng cùng nhóm thanh niên ở các bản làng trong xã. Lúc tập thì quần đùi, áo số thế này thôi, nhưng khi đá giải hay đá giao lưu, chị em chúng tôi lại thay trang phục truyền thống của người Sán Chỉ: áo xanh, váy đen, đầu quấn khăn”. Lau nhẹ những giọt mồ hôi đọng lại trên gương mặt rạng rỡ, chị Mẩy Thị Kim (SN 1992, thành viên CLB bóng đá nữ Sán Chỉ xã Húc Động) cười, bảo.

Ít người biết, chỉ nửa tiếng trước đó, người phụ nữ 30 tuổi ấy vẫn đang cần mẫn trong rừng, cùng nhóm chị em làm cỏ, lấy đất trồng quế.

Những ‘bóng hồng’ Sán Chỉ mặc váy ra sân cỏ - 1

Chỉ tranh thủ những buổi chiều muộn, những người phụ nữ ấy mới mặc quần đùi áo số, ra sân vận động của xã nằm ở lưng chừng núi để tập đá bóng cùng thanh thiếu niên ở địa phương.

Ngày lên nương, chiều tối tập đá bóng

Sáng hôm sau, dẫn chúng tôi men theo con đường mòn trong rừng để đến khu vực những người phụ nữ dân tộc Sán Chỉ đang phát cỏ ở lưng chừng núi, chỉ kịp uống ngụm nước, chị Kim vội cầm liềm rồi sải bước tới điểm làm việc để kịp chiều về ra sân tập bóng cùng đồng đội theo lịch hẹn.

“Chỉ sát những ngày thi đấu, chúng tôi mới tập luyện, nhưng cũng phải 16-17h chiều, mấy chị em mới tập trung nhau lại để tranh thủ đá bóng chừng 20 - 30 phút. Ai rảnh rỗi thì đi vì ngày còn phải đi làm nương rẫy, tối về chăm sóc gia đình”, vừa mạnh tay cắt những cụm cỏ bám sâu trong lớp đất đá chị Kim vừa chia sẻ.

Ngồi bên vệ cỏ nghỉ ngơi sau khi kết thúc công việc, chị tiết lộ, chồng chị - anh Trần A Tám (hiện làm công chức UBND xã Húc Động) là người khởi xướng ra đội bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ của xã, kiêm huấn luyện viên, kiêm trọng tài.

Những ‘bóng hồng’ Sán Chỉ mặc váy ra sân cỏ - 2
Những ‘bóng hồng’ Sán Chỉ mặc váy ra sân cỏ - 3

Trên sân cỏ thi đấu quyết liệt là vậy nhưng khi trở lại đời thường, chị Kim lại cần mẫn vào rừng làm cỏ trồng quế hoặc lên nương cấy lúa.

Năm 2016, khi đang đảm nhiệm vai trò Bí thư Đoàn Thanh niên xã, anh Tám lập ra đội bóng đá nữ gồm 8 thành viên được tuyển chọn từ 4 đội thuộc 4 thôn trong xã.

Vốn chỉ quen với điệu hát Soóng Cọ và những ngày lên nương làm rẫy, hết phát cỏ trồng quế lại nhặt hoa hồi, cấy lúa trên nương, chưa lần nào chơi bóng, thế nhưng, khi nhận được lời “rủ rê” từ chồng, chị Kim hào hứng tham gia.  

“Năm 2016, tại hội hát Soóng Cọ tháng Ba âm lịch, 4 đội của 4 thôn ở xã Húc Động tập hợp các chị em mặc quần đùi, áo số ra sân cỏ. Ngày ấy, chiến thuật còn hạn chế, chúng tôi đá bóng với tinh thần vì sức khỏe, vui là chính và chơi hết mình, cứ thấy bóng là chạy tới đá”, chị Kim cười, nhớ lại thời gian đầu làm quen với sân cỏ.

Sau những lần mặc áo số, năm 2017, chị Kim cùng đồng đội khoác lên mình trang phục dân tộc Sán Chỉ để đá trong lễ hội tổ chức tại địa phương cũng vào tháng Ba âm lịch.

Những ‘bóng hồng’ Sán Chỉ mặc váy ra sân cỏ - 4
Những ‘bóng hồng’ Sán Chỉ mặc váy ra sân cỏ - 5

Chị Kim là một trong những thành viên cứng của đội bóng đá nữ xã Húc Động, chị tham gia từ khi đội bóng mới thành lập.

Hình ảnh đội bóng với các cầu thủ tay ngang là nông dân, tiểu thương... mặc váy trong những trận cầu nảy lửa được đăng tải trên mạng xã hội, trở thành điểm nhấn, nét đẹp của huyện biên giới Bình Liêu.

- Chị đá ở vị trí nào?

- Tôi đá tiền đạo.

- Thời điểm mới đi đá bóng, con của chị lớn chưa?

- Lúc ấy vợ chồng tôi mới sinh được một cháu. Con 4 tuổi nên lúc tôi ra sân đá bóng, chồng vừa bế con, vừa làm huấn luyện viên, hướng dẫn chúng tôi tập luyện. Vất vả nhưng vui!

- Phụ nữ đá bóng như các chị có bị những lời dị nghị từ người xung quanh?

- Không! Chúng tôi không bị những lời bàn ra tán vào. Thậm chí, các ông chồng còn tạo điều kiện trông con cho chị em đi đá bóng.

Nữ cầu thủ nhỏ tuổi với ước mơ được thi đấu ở những giải lớn

“Thảo ơi, chuyền bóng qua đây...!”, bóng vừa lăn tới chân, cô gái với dáng người nhỏ nhắn, khéo léo lừa bóng qua đối phương rồi chuyền về hướng vừa phát ra tiếng gọi mình.

Nữ cầu thủ ấy là La Thị Thảo (17 tuổi), thành viên nhỏ tuổi nhất của đội bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ xã Húc Động. Thảo đang là học sinh lớp 12 trường THPT Bình Liêu. Năm 2018, nữ sinh La Thị Thảo xin gia nhập CLB bóng đá thôn Nà Ếch (xã Húc Động).

Những ‘bóng hồng’ Sán Chỉ mặc váy ra sân cỏ - 6

Những người phụ nữ mặc váy đá bóng từ lâu đã trở thành nét đặc sắc của xã vùng biên giới huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) và trở thành "thương hiệu" nơi đây.

Từ một nữ sinh ngày ngày tới trường gắn bó với con chữ, chưa từng tham gia đá bóng, Thảo đã yêu bộ môn này khi chứng kiến đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo tại chung kết giải vô địch bóng đá U23 châu Á năm 2018 diễn ra tại Thường Châu (Trung Quốc).

Tuổi nhỏ nhưng nữ sinh với nụ cười thường trực luôn chơi lăn xả, không ngại va chạm và thể hiện được bản lĩnh vượt trội trên sân cỏ. Tại giải đấu của xã Húc Động năm 2021, Thảo từng ghi 2 bàn thắng trong trận chung kết, giúp đội bóng thôn Nà Ếch giành chức vô địch.

Trận chung kết giải bóng đá nữ Hội Mùa vàng Bình Liêu 2022 diễn ra từ ngày 4 đến 6/11, La Thị Thảo cũng ghi bàn thắng gỡ hòa 1-1 cho đội bóng xã Húc Động ở hai hiệp đấu chính.

Mặc dù thua chung cuộc trước đội bóng Phòng Giáo dục huyện Bình Liêu, nhưng một lần nữa, Thảo chứng tỏ chân sút đầy tiềm năng của mình. Đây cũng là lần đầu tiên, cô nữ sinh dân tộc Sán Chỉ nhận được huy chương ở một giải đấu vượt ngoài phạm vi xã.

“Những ngày đầu đá bóng em cũng bị “lỗi kỹ thuật” nhiều lắm, nhưng sau một vài trận, em đá ổn hơn. Hiện tại, em cảm thấy mình đá vẫn chưa tốt lắm”, Thảo chia sẻ.

Năm cuối cấp, Thảo dành nhiều thời gian cho việc học nên ít tập luyện trên sân cỏ hơn. Có những lần thi đấu, Thảo cứ từ bàn học ra sân mà không có ngày tập. Nhiều lúc, trên sân bóng ở giữa đỉnh đồi xã Húc Động, Thảo còn chỉ cho các chị cùng đội lối đá, cách chơi để giành chiến thắng.

Khi được hỏi về cầu thủ mình hâm mộ nhất, Thảo cười bảo: “Em hâm mộ tất cả các cầu thủ vì ai cũng có điểm đặc biệt riêng”.

Ước mơ của Thảo là sau này sẽ cùng đội bóng thi đấu nhiều hơn, ở những giải lớn hơn để bản thân mình được cọ xát và học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm cho hành trang sau này.

Những ‘bóng hồng’ Sán Chỉ mặc váy ra sân cỏ - 7

 

“Khi mặc trang phục Sán Chỉ ra sân bóng thay vì quần đùi, áo số, em thấy rất tự hào vì đó là bản sắc văn hoá dân tộc mình. Thời gian đầu, mặc váy rồi chạy đá bóng rất khó, nhưng sau nhiều giải đấu em đã quen và cảm thấy dễ dàng hơn nhiều khi xử lý bóng”.

Cầu thủ La Thị Thảo.

Đội bóng đá nữ có một không hai

Vốn trưởng thành từ phong trào của Đoàn Thanh niên, lại là người thích quan sát, anh Trần Văn Tám nhận thấy, khi chị em phụ nữ Sán Chỉ mặc quần đùi, áo số đá bóng sẽ chỉ như bao đội bóng phụ nữ khác.

Nhưng lúc họ mặc trang phục dân tộc đá bóng thì lại trở nên đặc biệt, thu hút du khách tới Bình Liêu cũng như những người đam mê nghệ thuật.

Anh đưa ra ý tưởng để chị em đội bóng mặc trang phục dân tộc đi đá bóng thay cho quần đùi áo số. Ý tưởng của anh được lãnh đạo xã chấp thuận, và từ đó, phong trào trở thành thường niên và ngày càng lớn mạnh.

Từ lúc chỉ có 8 cầu thủ, đội bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ xã Húc Động hiện có 25 cầu thủ đều là những hạt nhân ưu tú, được tuyển chọn từ 6 đội bóng của 6 thôn.

Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn