Những bộ lạc có nguy cơ "tuyệt chủng"

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 21/02/2010 08:17:00 +07:00

(VTC News) - Những người da đỏ sinh sống trong rừng Amazon của Bra-xin giương cung tên nhắm vào vòng tròn do một “con chim sắt” (máy bay) trên đầu họ tạo ra...

(VTC News) - Những bộ lạc tồn tại biệt lập với thế giới bên ngoài đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của thế giới, khi những bức ảnh chụp về họ được công bố. Đó là cảnh những người da đỏ sinh sống trong sâu thẳm vùng rừng Amazon của Bra-xin đang giương cung tên nhắm vào vòng tròn do một “con chim sắt” (máy bay) trên đầu họ tạo ra.

Một bộ lạc sống biệt lập ở vùng rừng Amazon, gần biên giới với Peru.

Survival, một tổ chức về quyền bản địa quốc tế có trụ sở ở Anh cho biết: “Những bức ảnh trên đã tạo ra những chủ đề nóng trên thế giới và làm cho những bộ lạc sống biệt lập với thế giới bên ngoài trở thành tâm điểm quốc tế, gây nên sự bức xúc về những nguy cơ đối với đất đai và cuộc sống của họ”.

Báo cáo của tổ chức này viết: “Tuy nhiên, bất chấp thực tế này, những bộ lạc tồn tại biệt lập với thế giới bên ngoài hiện nay đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Những bức ảnh chụp được về những bộ lạc này được đăng tải trên một tạp chí khoa học với tiêu đề “Những bộ lạc nguyên thủy đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng”.".


Các thành viên của bộ lạc Paraguayan Ayoreo-Totobiegosode lần đầu tiên được tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

“Chính phủ các nước, các công ty và những cá nhân, tổ chức khác lờ đi các quyền của họ và đã xâm chiếm, phá hủy đất đai của họ mà không phải chịu sự trừng phạt nào.” Báo cáo này trình bày tình thế khó khăn của những bộ lạc nguyên thủy đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Các bộ lạc này sống ở 5 vùng, thuộc những quốc gia Nam Mỹ, gồm: Paraguay, Braxin và Peru. Họ chỉ là số ít trong số hơn 100 bộ lạc bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài trên toàn thế giới. Họ đang phải đối mặt với hai nguy cơ chính ảnh hưởng đến sự sinh tồn của họ.

Một phụ nữ thuộc bộ lạc da đỏ Mashco-Piro, đông nam Peru.

Cho đến nay, nguy cơ lớn nhất mà các bộ lạc này đang phải đối mặt là thiếu đi khả năng miễn nhiễm trước các căn bệnh phổ biến có nguồn gốc từ phương Tây như cúm, đậu mùa, sởi, và một số bệnh đường hô hấp khác.

Mặc dù ở những nơi mà việc tiếp xúc của họ với thế giới bên ngoài được kiểm soát chặt chẽ, song việc một số lượng lớn những cư dân thuộc các bộ lạc này bị chết đi ngay sau cuộc tiếp xúc đầu tiên là một hiện tượng phổ biến.

Những người đàn ông thuộc bộ lạc Awá đang săn bắn trong rừng.

Ở những nơi mà những cuộc tiếp xúc như vậy không được quản lý chặt chẽ cùng các biện pháp về y tế đúng cách thì toàn bộ bộ lạc, hay một số lượng lớn cư dân của bộ lạc đó sẽ dễ dàng bị xóa sổ.

Những tai họa như thế, thật đáng buồn là đã liên tục diễn ra ở khu vực rừng Amazon. Ví dụ, theo tổ chức Survival cho biết thì vào năm 1996, có ít nhất một nửa thổ dân da đỏ Murunahua đã bị chết sau khi họ giao tiếp với những kẻ đi khai thác lậu gỗ hồng sắc.

Những người đàn ông của một bộ lạc đang đi xuống một con đường bị cắt bởi những kẻ khai thác gỗ.

Một nguy cơ lớn khác đơn giản chính là tình trạng bạo lực. Như được chỉ ra trong một vài trường hợp nêu trong báo cáo của Survival thì cư dân của những bộ lạc này phải đối mặt với những băng nhóm khai thác trộm gỗ được trang bị đầy đủ súng ống. Chúng sẵn sàng xả đạn vào thổ dân ngay khi nhìn thấy họ.

Việc công bố những bức ảnh này một năm trước đã tạo ra một phong trào ủng hộ mạnh mẽ những thổ dân của những bộ lạc sống biệt lập với thế giới bên ngoài đang gặp phải tình cảnh khó khăn. Tuy nhiên, nhiều chính phủ vẫn không chịu có những động thái nào dù là đơn giản để bảo vệ lãnh thổ cho họ mà mục tiêu cuối cùng là duy trì sự tồn tại của họ.

Thổ dân da đỏ thuộc bộ lạc Mashco- đông nam Peru. 

5 bộ lạc chưa được thế giới tiếp xúc có nguy cơ nhất bao gồm: Bộ lạc người da đỏ sống ở lưu vực sông Pardo, Bra-xin; Bộ lạc Awá, Bra-xin; Bộ lạc người da đỏ sống giữa hai con sông Napo và Tigre, Peru; Bộ lạc người da đỏ sống ở lưu vực sông Envira, Peru; Bộ lạc Ayoreo-Totobiegosode, Paraguay.

Trong một báo cáo, Survival khẳng định, tất cả những nhóm cư dân này đang phải chịu nạn xâm lấn về đất đai bởi những kẻ khai thác gỗ bất hợp pháp, những chủ trang trại chăn thả gia súc, những kẻ thực dân và các công ty khai thác dầu mỏ, và tất cả đang phải đứng trước nguy cơ khủng khiếp nhất là bị chết hàng loạt do những căn bệnh mà họ không có khả năng miễn nhiễm.

Lều đánh cá của những thổ dân da đỏ bên bờ sông, đông nam Peru.

Bộ lạc Awá gồm những người da đỏ sống gần sông Pardo và sông Envira, đang trở thành nạn nhân của nạn khai thác gỗ cứng đang lan sâu vào những nơi sâu thăm của vùng rừng Amazon.

Trong khi đó, bộ lạc Ayoreo - Totobiegosode sống trong những khu rừng cây bụi Chaco, phía tây Paraguay lại đang phải hứng chịu hậu quả của việc phát quang bất hợp pháp những khu rừng của họ do các chủ trang trại gây ra để lấy đất chăn thả gia súc.

Những ngọn giáo gác chéo được phát hiện trên một con đường mòn ở phía bắc Peru, nơi công ty khai thác dầu mỏ Perenco đang hoạt động. Những ngọn giáo gác chéo là dấu hiệu phổ biến được sử dụng bởi những thổ dân da đỏ để cảnh báo người ngoài không được xâm phạm.

Những bức ảnh chụp từ vệ tinh hồi năm ngoái đã làm lộ ra những khu vực lớn bị phát quang bất hợp pháp ngay phần đất trung tâm của những người da đỏ.

Ở vùng cực bắc của Peru, những người da đỏ sống giữa hai con sông Napo và Tigre đang bị mắc kẹt do sự bùng nổ việc đi khai thác dầu của Peru.

Trong những năm gần đây, có tới 75% diện tích rừng Amazon đã bị cày xới và thu hẹp lại để nhường chỗ cho những khu khai thác dầu mỏ và khí đốt.

Tổng thống Peru trước diễn biến này lại phủ nhận sự tồn tại của những người da đỏ biệt lập tại khu vực sông Napo và Tigre bất chấp có vô số những bằng chứng khẳng định sự tồn tại của họ.

Ở phía bắc xa xôi của Peru, những người da đỏ đang sống giữa những con sông Napo và Tigre.

Căn nhà bỏ hoang của những thổ dân da đỏ vùng sông Rio Pardo, Bra-xin.

Báo cáo của Survival kêu gọi chính phủ các nước Paraguay, Bra-xin và Peru phải nhanh chóng vào cuộc để bảo vệ đất sinh sống của những bộ lạc này.

Stephen Corry, giám đốc của tổ chức Survival nói: “Việc công bố những bức ảnh trên hồi năm trước đã tạo ra một phong trào hưởng ứng giúp đỡ những bộ lạc đang có nguy cơ biến mất này. Thế nhưng, nhiều chính phủ vẫn không chịu có những động thái nào dù là đơn giản để bảo vệ lãnh thổ cho họ nhằm đảm bảo sự tồn tại cho những bộ lạc này.

Tân Vũ (theo National Geographics)

Bình luận
vtcnews.vn