Cô bé Khmer mắt xanh bị câm điếc, quyết học chữ đổi đời

Giáo dụcThứ Hai, 07/01/2019 11:46:00 +07:00

Là người duy nhất trong gia đình có đôi mắt xanh, cô bé người dân tộc Khmer Thị Hoàng Chang (15 tuổi, Kiên Giang) không may bị câm điếc bẩm sinh, nhưng cô không đầu hàng số phận mà quyết vươn lên học con chữ với ước mơ đổi đời.

Học cho có cái chữ với người ta, thời này dốt là không thể làm gì nuôi sống bản thân được”, bà Thị Chặm (36 tuổi, ở ấp Hòa Hưng, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), mẹ của bé Thị Hoàng Chang, mở đầu câu chuyện về hành trình vươn lên khó khăn học chữ của con gái.

matxanh 25

 Cô bé người dân tộc Khmer Thị Hoàng Chang.

Bà Chặm kể Chang có đôi mắt xanh rất đặc biệt, thường gây ngạc nhiên cho những người lần đầu tiếp xúc. Bà cũng không biết vì sao mắt con lại như vậy. Người mẹ này sinh được 3 con (anh lớn học lớp 11, em trai út học lớp 7), chỉ mình Chang không may mắn, bị câm, điếc bẩm sinh.

Dù vậy, bà luôn động viên con gái cố theo con chữ. Chang cũng là động lực để vợ chồng bà tiếp tục "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nuôi 3 con đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Nỗ lực tìm con chữ

Bà Thị Chặm bảo từng rất băn khoăn vì con mình câm điếc, giao tiếp đã khó khăn, làm sao học được chữ. Nhưng nếu đầu hàng trước số phận, không chịu đến trường, tương lai con gái bà sẽ ra sao?

Được người quen giới thiệu, năm 2013, bà Chặm và chồng là Danh Huỳnh (42 tuổi) đưa con đến trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm (huyện Hòn Đất, Kiên Giang) học bán trú. Đây là ngôi trường đặc biệt, giảng dạy từ mẫu giáo đến hết lớp 5 cho trẻ em bị tật nguyền bẩm sinh, trẻ em thiểu năng, chậm phát triển… Giấc mơ con chữ của cô gái không may bị câm điếc bắt đầu, dù nhà cách trường đến 60 km.

“Để Chang đi học xa như vậy là quyết định khó khăn của vợ chồng tôi. Thương con đứt ruột, nhưng phải để nó đi để tìm cái chữ. Những tháng đầu xa con, tôi thường khóc vì thương nhớ. Giờ thấy con ổn, tôi an tâm và bớt xao lòng hơn”, người mẹ kể.

Bà Chặm tâm sự gần một năm đầu học ở xa, Chang thường xuyên ốm và rất nhớ nhà. Mỗi lần về, con lại không chịu đến trường nữa. Cũng may khi ấy Chang không đơn độc. Những đứa bé bị dị tật như em hàng ngày nỗ lực tập viết, đọc, học đàm thoại bằng những chuỗi ký tự đặc biệt.

Sau 2 năm đầu học lớp dự bị mẫu giáo, hai năm tiếp theo, Chang học lớp một. Bây giờ, cô học trò ấy học chương trình lớp 2.

cobematxanh1 22

 

Trường của Chang có hơn 100 học sinh câm điếc. Các em học 5 ngày mỗi tuần, với chương trình theo giáo án đặc biệt. Ngoài giờ học chính thức, giáo viên trường tổ chức ngoại khóa, đàm thoại, hoạt động văn nghệ, thể thao vui chơi cho đám học trò.

Sơ Phạm Nguyễn Minh Hiếu - Phó hiệu trưởng trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm - cho biết Hoàng Chang là một trong ít học sinh tiếp thu khá nhanh hướng dẫn của thầy cô. Nhiều trường hợp học 3-4 năm mới xong chương trình lớp một, 4-5 năm cho chương trình lớp 2.

"Hoàng Chang chăm chỉ, ngoan ngoãn, tập trung theo dõi thầy cô giảng dạy”, sơ Phạm Nguyễn Minh Hiếu nói. Với những em trẻ đặc biệt, chuyện hợp tác như vậy giúp giáo viên rất nhiều.

Giờ đây, Chang đã viết thạo, nét chữ khá đẹp. Nữ sinh còn biết làm các phép tính theo chương trình học lớp 2. Sơ Phạm Nguyễn Minh Hiếu nhận định Chang sẽ hoàn thành tốt chương trình lớp 2 cuối năm 2019, đủ điều kiện học các lớp tiếp theo.

cobematxah2 23

 

Ngôi nhà thứ hai yêu thương

Một chiều trung tuần tháng 12/2018, Hoàng Chang hét toáng lên vui sướng khi thấy cha đến trường đón em về. Đã hơn một tháng, Chang chưa thăm nhà vì cha - người biết chạy xe duy nhất trong gia đình - bận rộn với đồng áng và bị bệnh, không thể lên đón con gái. Hai cha con gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Một lúc sau, ông Huỳnh dắt con gái ra xe máy, vượt đường dài về nhà.

Mẹ, anh trai và cu em út ở nhà đón Hoàng Chang. Bà ngoại hay tin cháu về cũng sang nhà thăm hỏi. Chang vui vẻ trong vòng yêu thương của gia đình. Mẹ hỏi con gái học tốt không bằng "ngôn ngữ ký hiệu", trong khi anh trai xem sổ liên lạc của em.

Ba Chang vào nhà chuẩn bị mâm cơm chiều cho "khách xa mới về". Mấy anh chị em Chang quây quần bên nhau từ chiều đến tối. Không rộn ràng tiếng cười nói, bữa cơm chiều diễn ra chóng vánh. Ánh mắt và cử chỉ trìu mến của nữ sinh đi xa dành cho cha mẹ, anh em làm ngôi nhà thêm ấm cúng.

cogai 24

 

Sáng hôm sau, Chang như một người khác, vui vẻ và cởi mở hơn hẳn chiều hôm trước. Em cùng cậu út sang nhà bên chơi đá banh với đám bạn. Anh hai cũng muốn giúp Chang tập đi xe đạp, tranh thủ khi em về nhà.

Trưa nắng, Chang cùng đám bạn ra ngồi trên cầu vui đùa. Tuổi thơ với những trò nghịch ngợm lại ùa về vây quanh đám trẻ. Trước khi trở lại trường, cô bé còn theo mẹ ra luống rau gần nhà làm cỏ. 

Những tiếng cười bên người thân rồi cũng qua đi, đã đến lúc Chang quay lại trường học - nơi được xem là "ngôi nhà thứ hai" tràn ngập yêu thương của thầy cô, bạn bè.

Ngoài 4 giờ học chính thức, Chang tập văn nghệ cùng các bạn, ngủ trưa, vui đùa, đọc truyện tranh, thỉnh thoảng tụ tập đàm thoại cùng một số bạn thân thiết.

Ở "ngôi nhà thứ hai", ngoài giờ học chính thức, học sinh được “tự quản” thời gian rảnh. Chang và các bạn có thể làm những việc mình thích. Dù vậy, các thầy cô vẫn âm thầm quan sát, đồng hành, hỗ trợ "những đứa con đặc biệt" khi chúng cần.

Hơn 4 năm ở trường, từ một cô bé nhút nhát, Hoàng Chang trở nên vui vẻ, hòa đồng, lanh lợi. Mọi thứ đã quá quen thuộc với cô bé có đôi mắt xanh khá lạ, từ lớp học, nhà ăn, khu vui chơi, nơi tập văn nghệ, chỗ tắm giặt, nơi ngủ…Bất chấp khó khăn, cô bé bị câm điếc đầy nghị lực ấy vẫn đang từng giờ, từng ngày nỗ lực, quyết tâm học con chữ với mơ ước thoát nghèo khổ, vượt lên bệnh tật.

Nếu như nhà là nơi để về, để yêu thương, thì trường cũng là nơi Chang được sống trong sự sẻ chia, đùm bọc. “Trường là gì trong suy nghĩ của em?”, tôi viết câu hỏi. Cô bé nắn nót uốn dòng chữ trả lời: “Giống như nhà của em vậy”.

Qua những câu viết vắn tắt của Hoàng Chang lên trang giấy trắng trong những lần “nói chuyện”, người ta hiểu rằng em từng có giai đoạn rất khó khăn khi những ngày đầu học chữ. Em kể rằng nhiều khi phát khóc vì không thể hiểu cách truyền đạt của giáo viên và những con chữ mới mẻ.

Nữ sinh nhớ lại năm 2015, em bị bệnh nặng, rất ít khi lên lớp. Đó là thời gian cô bé rất nhớ trường, lớp, nhờ bạn bè động viên, em mới có thể tiếp tục đi học. Hoàng Chang cho hay người bạn và cũng là người mẹ thứ hai của em là sơ Hiếu. “Sơ nghiêm khắc nhưng yêu thương em vô cùng”.

“Trường là ngôi nhà thứ hai yêu thương của các em, được rồi nhé!”, sơ Nguyễn Minh Hiếu nở nụ cười tươi, nói tiếp ý của học trò.

Ngày mai, hành trình học chữ của những cô, cậu bé đặc biệt lại tiếp tục.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn