Những bí ẩn chưa thể giải mã trong hang động khổng lồ

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 19/03/2014 07:04:00 +07:00

(VTC News) - Chiếu đèn pin vào, ông thấy nước bắt đầu sục lên, những con cá to bằng bắp chân nhảy lên rào rào.

(VTC News) - Chiếu đèn pin vào, ông thấy nước bắt đầu sục lên, những con cá to bằng bắp chân nhảy lên rào rào.


Kỳ cuối: Những bí ẩn trong hang Tổ Mộ


Lần đó, ông Đinh Hồng Nhâm quyết định một mình vào vùng Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) để tìm lại hang lớn này. Suốt mấy ngày lăn lộn giữa núi rừng mới tìm được cửa hang. Quá đỗi vui mừng, ông Nhâm quên cả sợ hãi, đeo đèn pin trên đầu, lần mò vào hang.

Càng vào sâu bên trong thì thấy hang càng rộng, nghe tiếng nước chảy ào ào. Ông chiếu đèn tứ phía và nhận ra mình đang đứng giữa một không gian rộng lớn. Vòm hang buông những nhũ đá đẹp mê hồn.

Ngay chính giữa hang, ông thấy chiếc ngai bằng đá được mài nhẵn, rộng cỡ 4 người có thể ngồi, chạm khắc những hoa văn kỳ lạ.

Bên trong hang Tổ Mộ 


Hai bên ngai có 4 cột bằng đá thạch nhũ như được đúc tiện. Hai cột trước cao hơn 1m, hai cột sau thấp hơn và đều có màu mận óng ánh đẹp mắt. Phía trước là bãi cát mịn, trên cát có nhiều viên đá có hình dáng như những quả trứng gà nhẵn nhụi, kích thước lớn nhỏ khác nhau.

Lẫn giữa những viên đá, có 6 vật lạ có màu sắc khác nhau, gồm trắng, xanh lục, đỏ sẫm...

Những vật thể lạ được sắp xếp theo hình ngôi sao 5 cánh, mỗi vật nằm ở một đỉnh. Viên lớn nhất nằm chính giữa trung tâm. Sợ rằng đây là phương pháp trấn yểm của người xưa, ông Nhâm không dám động vào.

Trong hang có rất nhiều gốm sứ, bát đĩa đã vỡ vụn. Rất nhiều xương vụn vương vãi. Ông Nhâm tin rằng đó là xương người, bởi muông thú rất khó để tới đây.

Đinh Hồng Nhâm và nhà báo Đinh Vũ Thường trong lần khám phá hang Tổ Mộ  

Lần về cuối hang động, Đinh Hồng Nhâm thấy có một lối đi nhỏ chỉ người gầy mới có thể chui lọt. Lách qua lối nhỏ, đường đi cứ lớn dần, sâu hun hút, tối đen như mực.

Ông chợt lạnh sống lưng khi phát hiện hai bộ xương người. Một bộ ở gần cửa lối đi và một bộ trên phiến đá xanh phẳng lỳ.

Phía đầu bộ xương có mấy hũ sành, bộ chén sứ màu xanh biếc, sạch bóng như vừa mới được lau rửa. Phía sau phiến đá ấy, có hai chiếc cột to bằng bắp chân dựng đứng trên nền cát. Cột bằng đá nhưng khi dùng tay búng vào thành cột thì phát tiếng kêu “boong boong” như gõ vào ống đồng. Lạ hơn, có thể lay cột ngã xuống sát mặt hang theo các hướng khác nhau nhưng không tài nào nhổ lên được.

Đinh Hồng Nhâm nổi da gà khi chợt nghe một tiếng động cực lớn phát ra từ lạch nước ngầm phía sau phiến đá xanh. Chiếu đèn pin vào, ông thấy nước bắt đầu sục lên, những con cá to bằng bắp chân nhảy lên rào rào.

Phần vì không biết lạch nước ngầm bí ẩn này dẫn tới đâu, sợ nước lũ tràn về, phần vì sợ đụng phải thủy quái trong hang như mọi người vẫn thường đồn đại, ông tức khắc quay trở ra.

 

Chuyện lạ trong hang Tố Mộ được Đinh Hồng Nhâm kể lại, trong một thời gian dài là đề tài bàn tán xôn xao của người dân trong vùng. Nhiều sơn tràng và cả những kẻ săn lùng đồ cổ lúc bí mật, lúc công khai tiến hành khám phá hang Tố Mộ, nhưng không tìm ra lối dẫn vào Hung Ton.

Nhà báo Đinh Vũ Thường, thuộc báo Quảng Bình nghe thông tin về hang động kỳ lạ này, đã tìm gặp ông Nhâm để khám phá.

Ngay lúc bắt đầu rẽ vào Hung Ton, ông Nhâm và Đinh Vũ Thường bất chợt nghe những tiếng động lớn. Lần mò đến cái hang rộng ở phía trong Hung Ton, cả hai ngớ người khi trước mặt mình là một đống đá cực lớn, đổ xuống phủ kín chiếc ngai bằng đá, khói bụi vẫn còn bốc lên mù mịt.

Hai bộ xương người phía bên trong vẫn còn nguyên vẹn. Mãi đến năm 2012, người ta mới tìm cách đưa được ra ngoài, cải táng dưới chân núi.

Ông Đinh Hồng Nhâm còn quay trở lại Tổ Mộ nhiều lần nữa, nhưng vẫn chưa tìm ra cách vượt qua lạch nước ngầm phía trong Hung Ton.

Theo một số vị cao niên ở xã Tân Hóa, trong hang Tổ Mộ có thể có một sông ngầm lớn, kéo dài, liên quan với dòng sông chảy qua động Phong Nha cách đó 50 km. Theo các cụ, vào năm 1999, mưa to lũ lớn, một người ở gần động Phong Nha bị chết đuối, vài ngày sau thi thể nổi lên ở gần hang Tố Mộ.

Quá trình tìm hiểu về cái hang thần bí này, tôi nghe được câu chuyện truyền miệng về một vị “vua” có tên Cao Non.

Cuối thế kỷ 19, sau khi bắt giữ vua Hàm Nghi, thực dân Pháp đã tiến vào Minh Hóa lập một trại lính, mục đích là cắt đứt con đường huyết mạch thông giữa miền xuôi với miền ngược, sang Lào.

Ở làng Cổ Liêm, xã Tân Hóa có một thanh niên cường tráng tên là Cao Non. Gia cảnh nghèo khó, anh sống trên rừng và bám lấy rừng kiếm sống.

Quân Pháp tăng cường đàn áp dân chúng, Cao Non đã tập hợp được một đội quân hàng chục trai tráng khỏe mạnh trong vùng. Ban ngày, đội quân này ẩn náu trong những hang động bí ẩn luyện tập võ nghệ. Đêm đến, đội quân Cao Non thoắt ẩn thoắt hiện bắn tên tẩm thuốc độc vào trại lính Pháp.

Binh lính Pháp thương vong vô số, chúng điên cuồng săn lùng quân khởi nghĩa. Thế nhưng, đội quân này luôn biến mất một cách bí ẩn, giặc không thể nào hiểu nổi.

Một lần, mẹ ốm, Cao Non về thôn thăm mẹ, thực dân Pháp giăng bẫy và giết ông. Không còn người lãnh đạo, phong trào đấu tranh tan rã. Tuy nhiên quân Pháp không thể bắt giữ thêm được bất kỳ một nghĩa quân nào. Không một ai có thể biết được những người lính đó đã đi về đâu.

Để tỏ lòng biết ơn công lao của ông, người dân đã tự suy tôn ông là vua và thường gọi là vua Non.

Có thể câu chuyện về Cao Non là có thật, và căn cứ của quân khởi nghĩa chính là hệ thống hang động ngầm bí ẩn bên trong Tổ Mộ.

Năm 2012, khi mọi người chuyển 2 bộ hài cốt ra chôn cất ở chân núi, đã có một đoàn nghiên cứu của tỉnh về lấy mẫu đi giám định. Tuy nhiên, kết quả thế nào, ông Nhâm không được biết. Tổ Mộ vẫn chìm trong bí ẩn.


Hải Minh

Bình luận
vtcnews.vn