Những bí ẩn chưa có lời giải ở 'thung lũng tử thần'

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 16/12/2015 06:38:00 +07:00

Ánh nắng mặt trời khó có thể chiếu xuống được chân thung lũng vì thường xuyên có một “luồng khí bí ẩn” hút lấy ánh nắng mặt trời.

Ánh nắng mặt trời khó có thể chiếu xuống được chân thung lũng vì thường xuyên có một “luồng khí bí ẩn” hút lấy ánh nắng mặt trời.


Bí ẩn thung lũng máy bay rơi

Ngược dòng thời gian để tìm đến những vị già làng trong thung để nghe lại câu chuyện cách đây chừng hơn hai thập kỉ, chúng tôi phải men theo những chân núi để vượt qua thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa), rồi theo những con đường dốc núi hình gấp khúc của dãy Ma Hang ở phía Đông để đến được thung lũng mệnh danh “thung lũng chết” đã mấy chục năm nay.

Thung lũng Ô Kha từ trước đến nay được nhiều người đánh giá là nơi có địa hình hiểm trở. Nằm giữa hai đỉnh núi Ma Hang và núi Chè ở phía Bắc, Ô Kha là một cánh rừng già bạt ngàn nằm lọt thỏm giữa hai dãy núi cao.

Dọc những chân núi là những cây đại thụ đã trên trăm năm tuổi có thân hình xù xì và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của buôn làng nơi đây. Dưới chân thung lũng Ô Kha là dòng suối Hà Mang bắt ngang qua tạo thành một hình cung mềm mại và quyến rũ như một bức tranh thơ mộng của miền rừng.

Ông Những kể lại những chuyện ở thung lũng tử thần
Ông Những kể lại những chuyện ở thung lũng tử thần 

Thế nhưng, những vẻ đẹp thơ mộng ấy vẫn không thể khiến nhiều người tìm đến để thả bước chân viễn du thăm viếng, mà thay vào đó là nỗi ám ảnh khôn nguôi về những con số chết chóc và những câu chuyện thương tâm được chính những người con của buôn làng sống dưới ngọn núi thiêng này kể lại mỗi khi có khách phương xa đến.

Mùa khô, nhiều người dân cho biết, ánh nắng mặt trời khó có thể chiếu xuống được chân thung lũng vì thường xuyên có một “luồng khí bí ẩn” hút lấy ánh nắng mặt trời ở phía trên cao và sau đó biến mất. Còn vào mùa đông, mưa và sương núi làm cho thung lũng như chìm vào trong màn đêm với màu đen âm u giống như màu của thân những cây cổ thụ già nơi chân núi.

Trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù của người dân huyện Khánh Sơn đã không ít lần chứng kiến máy bay địch khi đến vùng đất linh thiêng này thì rơi thỏm xuống khu thung lũng Ô Kha.

Minh chứng sống động nhất về vụ máy bay rơi được nhiều người biết đến nhất vẫn là chuyện về chiếc Yak – 40 chở 31 khách xuất phát từ TP.Hồ Chí Minh đi Đà Lạt vào chiều ngày 14/11/1992. Trong đoàn khách trên chuyến bay này có cả những du khách nước ngoài. Khi đến đoạn thung lũng Ô Kha thì máy bay chao đảo và rơi xuống vực. Duy nhất một du khách nước ngoài là Annette Herfken may mắn sống sót với những vết thương và nỗi ám ảnh kinh hoàng.

Video máy bay rơi sát bờ biển


“Đầu gối trái có một vết thương lớn và sâu. Đầu gối phải đầy máu. Da trên mắt cá chân thì hầu như bị xé toạc ra. Nhưng cảnh tượng hãi hùng nhất phải nằm ở ống chân: tôi nhìn thấy cả xương mình! Một tấc xương phơi lồ lộ ra qua nhiều thớ thịt. Tôi đã phải lấy những miếng xốp ở thân máy bay hứng những giọt nước mưa để làm thức uống trong những ngày bị cô lập trên thung lũng mà không có đường ra. Phải đến ngày thứ 8, tôi mới được những người trong trung tâm cứu trợ đưa vào viện cấp cứu”, Anette đã ghi lại khoảnh khắc rùng rợn trong nhật kí của mình.

Sau khi đã lên phương án chiến lược để tìm kiếm máy bay rơi, lực lượng tìm kiếm quyết định chia thành nhiều tổ mang theo bạt, võng, nhu yếu phẩm tiến sâu vào thung lũng Ô Kha. Trong đó, 2 tổ đi theo hướng Bắc theo cánh núi Ha Mang, các tổ còn lại theo hướng Nam tạo thành vòng kiềm tiến thẳng vào thung lũng Ô Kha. Tuy nhiên, khi lực lượng tìm kiếm đến được chân thung lũng thì cũng đúng lúc trời tối nên phải đóng trại để nghỉ qua đêm đợi trời sáng mới tiếp tục công việc.

Lực lượng tìm kiếm xác định chiếc máy bay đã rơi đâu đó ở vùng núi Khánh Sơn nên chia thành từng nhóm mang theo nhu yếu phẩm lên đường tìm kiếm máy bay mất tích trong thung lũng Ô Kha. Dù vậy, cuộc tìm kiếm máy bay mất tích vẫn tiếp tục trong vô vọng. Gần một tháng hết đoàn này đến đoàn khác vào thung lũng tìm kiếm, dấu vết trực thăng mất tích vẫn chỉ là con số bí ẩn.

Trong khi mọi nỗ lực tìm kiếm tưởng như vô vọng thì Anh hùng lực lượng vũ trang Bo Bo Tới cùng 3 người dân địa phương về báo tin tìm thấy máy bay gặp nạn. “Đâm vào núi nên chiếc trực thăng bị cháy hỏng hoàn toàn. Thuốc men chở lên cứu hộ chiếc Yak-40 cũng bị ném tứ tung ra xung quanh”, một vị cán bộ Tham mưu Quân sự huyện Khánh Sơn cho biết.

Những chuyện kì lạ ở “thung lũng tử thần”

Những con người năm xưa đã trở lại với cuộc sống đời thường dưới những buôn làng vẫn tiếng sáo tiếng khèn vang lên mỗi khi chiều về. Thế nhưng, trong những bữa tiệc trà, kí ức thương tâm về những người tử nạn ở “thung lũng tử thần” vẫn hiện về như nguyên vẹn. Nhiều người vẫn không thể ngờ rằng, chính trên những ngọn núi trầm mặc năm xưa ấy lại xuất hiện những câu chuyện quỷ thần được người đời kể một cách say sưa dưới ánh lửa và hương rượu nồng Tapai.

Theo một già làng ở xã Sơn Trung, những buổi chiều sau những cơn mưa dông, người làng nhìn thấy thung lũng Ô Kha chuyển màu xanh thẳm làm hiện rõ những luồng khí đang uốn lượn bốc lên từ chân núi. Những luồng khí bốc lên khi mờ khi tỏ, khi tụ khi tán tạo thành những hình thù kỳ quái rồi cuối cùng kết thành một dải trắng đục bồng bềnh nơi lưng chừng núi. Nhiều người cho rằng, ở thung lũng này nhiều khí núi, các hồn ma bóng quế thường hay nương tựa vào những dòng khí này mà hiện hình và phát ra những tiếng kêu than rùng rợn.

Dưới mái nhà cũ kỹ nhưng không khí ấm áp phát ra từ chiếc lò sưởi ở phía dưới, người đàn ông đã bước qua tuổi lục tuần nhưng vẫn giữ được dáng vẻ khỏe mạnh của người con sống trên miền sơn cước, ông Hoàng Trọng Những (64 tuổi, thôn O Ma, xã Sơn Trung) vẫn chưa thể nào quên được những kí ức đau đớn về những chiếc máy bay rơi trên thung lũng Ô Kha.

“Hôm nhận được tin đi tìm chiếc máy bay rơi, tôi cũng nhanh chóng theo các anh em đến địa điểm vùng “núi cấm” với hi vọng có thể tìm thấy được người còn sống sót trong vụ tai nạn. Nhưng khi băng qua những chân núi hiểm trở để đến được thung lũng Ô Kha thì cũng đúng lúc trời sập tối. Đến ngày hôm sau, chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng xác người bị cháy đen ở bên cạnh mảnh chiếc máy bay, tôi không còn tin nỗi vào mắt mình nữa.”, ông Những kể lại

Ông Cao Văn Hạnh, Trưởng Công an xã Sơn Trung
Ông Cao Văn Hạnh, Trưởng Công an xã Sơn Trung 

Cũng theo lời người đàn ông này cho biết, mặc dù đã vài năm sau xảy ra hai vụ máy bay rơi, ông cùng một số người trở lại để thắp nén nhang thương cảm những nạn nhân xấu số mà trong lòng không thể cầm được nỗi đau đớn. Và có những câu chuyện mà người đời kể lại nửa thực nửa hư khiến cho thung lũng ngày càng trở nên huyền bí.

Câu chuyện được người thợ săn Đinh Văn Lía (46 tuổi, ở xã Sơn Trung) kể lại khiến những người nghe phải “dựng tóc gáy”. Theo đó, một ngày cuối năm 2012, ông Lía cùng với hai người khác vào núi Chè để săn bắn thú rừng, lúc đang mải mê rượt theo chân một con thú dính đạn thì chẳng may thanh niên này phát hiện mình đã lạc vào giữa khu rừng bạt ngàn mà không biết đâu đường ra. Khoảng một lúc sau thì thấy có ai đó “tát” liên tục vào mặt, nhưng nhìn quanh thì chẳng thấy ai cả ngoài cảnh rừng núi âm u.

Nhớ lời những người lớn tuổi, người thanh niên liền lấy nước tiểu để rửa mặt thì mới thoát ra khỏi cánh rừng đầy ghê sợ. Khi ra gần tới bìa rừng, ông Lía còn nghe có tiếng cười rú ghê sợ. “Về đến nhà tôi kể lại sự việc với những người lớn tuổi để nhờ họ giải thích hiện tượng trên. Nhưng những già làng cũng chỉ cho biết rằng, ở trên núi có nhiều hồn ma trú ngụ nên hạn chế đừng bao giờ đến đó nữa. Từ đó mình không còn dám bén mảng tới những nơi như thế nữa”, ông Lía kể.

Chưa hết, chuyện thung lũng trở lạnh bất thường khi trời đang nắng nóng hừng hực cũng đủ làm người dân cảm thấy rùng rợn. Nhiều người dân cho rằng, có những buổi trưa vào mùa nắng nóng, dường như ai cũng ngộp với cái nắng thì từ hướng thung lũng Ô Kha phát ra luồng khí lạnh tím môi.

Để biết hư thực những câu chuyện người dân trong buôn làng vừa kể, chúng tôi có buổi làm việc với ông Cao Văn Hạnh, Trưởng Công an xã Sơn Trung, thì được vị cán bộ này cho biết, những câu chuyện về “thung lũng tử thần” xưa nay vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn với những người dân địa phương. Sau hai vụ máy bay rơi khiến nhiều người vong mạng đã để lại nỗi ám ảnh đối với rất nhiều người, cũng từ đây nhiều người thêu dệt nên những chuyện về thần thánh ma quỷ để cho thêm phần kì bí mà thôi.


Nguồn: Ngô Lệ (Người đưa tin)
Bình luận
vtcnews.vn