Những anhí vạch rừng đi học (kỳ 2)

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 09/03/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Hai chị em Vù Nhù Só là tấm gương về sự chăm chỉ, khát vọng vượt ra khỏi đỉnh dốc Tà Tổng, mà các anhí noi theo.

(VTC News) - Hai chị em Vù Nhù Só là tấm gương về sự chăm chỉ, khát vọng vượt ra khỏi đỉnh dốc Tà Tổng, mà các anhí noi theo.


Trong những ngày lang thang ở vùng đất Mường Nhé xa xôi, tôi gặp được chị Vù Nhù Só, Phó Ban tuyên giáo huyện ủy Mường Nhé. Đối với các anhí (em gái) người Hà Nhì ở bản Sen Thượng và cả xã Sín Thầu, chị Só rất... nổi tiếng. Hai chị em Vù Nhù Só là tấm gương về sự chăm chỉ, khát vọng vượt ra khỏi đỉnh dốc Tà Tổng, mà các anhí noi theo. Hai chị em Vù Nhù Só là người đầu tiên của bản Sen Thượng và cả xã ngã ba biên giới Sín Thầu đã vượt qua lễ giáo của người Hà Nhì, chỉ coi con gái như con trâu con ngựa, cặm cụi đến tội nghiệp trên núi cao, rừng sâu.

Chị Vù Nhù Só - tấm gương của phụ nữ Hà Nhì. 

Chị Só vẫn còn nhớ, những đêm trăng, trong ngôi nhà tường đất dày nửa mét, chị và người chị gái Vù Gạ Nu cùng bọn trẻ bản Sen Thượng ngồi quây tròn bên bếp lửa nghe già bản kể những truyền thuyết về tổ tiên người Hà Nhì.

Truyền thuyết kể rằng, tổ tiên người Hà Nhì cũng có con chữ riêng, nhưng vì một thanh niên người Hà Nhì học mãi không thuộc chữ liền lấy trộm chữ nuốt vào bụng, những mong mình sẽ biết chữ. Thế nhưng, người thanh niên đó không những không biết chữ mà người Hà Nhì từ đó cũng không còn chữ để học nữa. Để ghi nhớ mọi sự kiện về tổ tiên, văn hóa của mình, các thế hệ người Hà Nhì phải gắng sức thuộc lòng. Tuy nhiên, sức ghi nhớ của con người có hạn mà văn hóa dân tộc lại rộng lớn vô biên, nên nhiều chuyện cứ rơi rụng dần. Sau mỗi buổi kể chuyện, già bản lại khuyên bọn trẻ chăm chỉ học chữ, để lưu giữ văn hóa dân tộc, để thoát khỏi xó rừng tăm tối, nghèo khổ. Nghe già bản nói vậy, chị em Só cũng như bọn trẻ trong bản đều ước ao được biết con chữ.

Học sinh Hà Nhì học bán trú ở Chung Chải. 

Bố mẹ Vù Nhù Só nghe hai cô con gái mới hơn 10 tuổi đầu trình bày nguyện vọng xin được đi học tiếp thì... buồn cười lắm. Ngày đó, xã Sín Thầu cũng như những xã vùng ngã ba biên giới, mới chỉ có từ lớp 1 đến lớp 3 mà thôi. Muốn học tiếp từ lớp 4 đến lớp 8 thì phải ra trường thiếu niên dân tộc ở xã Mường Nhé, cách Sín Thầu 45 cây số leo núi, luồn rừng. Vì thế, đám con gái đều chỉ học hết xóa mù là nghỉ học, ở nhà làm nương làm rẫy, lấy chồng, nuôi con. Thế nhưng, khi nghe hai cô con gái đòi được tiếp tục đi học, ông Vù Phà Sinh rất vui. Ông Sinh chỉ có mỗi hai cô con gái, nên ông mong hai con đổi đời lắm. Vậy là xã Sín Thầu có hai cô gái đầu tiên học lên lớp 4.

Ông Sinh nhận quán xuyến hết mọi công việc lớn bé, trong nhà ngoài nương, quyết tâm để vợ cùng hai con gái đi tìm con chữ. Cơm nắm, ruốc thịt, gạo nước được đóng đầy gùi, ba mẹ con lên đường. Thanh niên khỏe mạnh cuốc bộ từ Sín Thầu ra xã Mường Nhé mất 2 ngày, ba mẹ con Vù Nhù Só vừa đi vừa nghỉ phải mất 3 ngày.

Học chữ. 

Việc đầu tiên là ba mẹ con vào rừng chặt tre nứa, cắt gianh làm gian nhà tạm nhỏ xíu sau trường. Hàng ngày, hai chị em Só đi học, mẹ Só cuốc đất trong núi trồng rau, cả ngày lo việc cơm nước cho hai con. Nhiều gia đình khác cũng làm như vậy, tạo nên một phong trào học tập rất mạnh mẽ ở vùng rừng núi heo hút tưởng như bị bỏ quên. Những khi hết gạo, mẹ Só lại cuốc bộ về Sín Thầu lấy nguồn tiếp tế. Ông Sinh thường mổ lợn, sấy thịt làm ruốc, mổ trâu, bò hoặc lấy thịt thú rừng hun khói gửi cho ba mẹ con ăn trong suốt 4 năm trời đằng đẵng học tập ở xã Mường Nhé.

Học xong lớp 8 thì chị em Só đã lớn, đã cứng cáp lắm. Đôi chân leo núi của hai cô gái nhỏ nhắn chẳng thua kém gì người lớn. Vậy nên, bố mẹ Só quyết tâm cho hai con ra tận tỉnh lỵ Lai Châu để học tiếp trường thiếu niên dân tộc tỉnh.

Kể lại chuyến rời mảnh đất "một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe" để đi tìm tri thức của chị em nhà Só mà thấy cái sự ham học của hai cô gái này cũng như của những người Hà Nhì nơi đây thật kỳ lạ.

Cả bản Sen Thượng năm đó chỉ có hai chị em Só và hai đứa cháu trai là Lý Xuân Cà và Lò Phà Lèn, gọi Só bằng dì, là quyết tâm đi học. Cơm nắm đầy gùi, thịt hun khói đầy bị, 4 dì cháu lên đường khi bóng đêm còn tràn ngập khắp nơi, sương giăng mịt lối.

Nhọc nhằn gieo chữ. 

Ngày ấy, vùng đất ngã ba biên giới rừng rú mịt mù. Chị Só kể rằng, để ra đến tỉnh lỵ Lai Châu, bốn dì cháu phải đi bộ ròng rã nửa tháng trời. Khủng khiếp nhất là những con dốc, đặc biệt là dốc Tà Tổng, cứ như thang trời dằng dặc 28 cây số, phải đi trọn một ngày cật lực mới qua được. Bốn dì cháu cứ bám vào vách đá mà đi.

Khiếp nhất và cảnh vắt cắn, Mường Tè được mệnh danh là "thủ đô của vắt". Thấy hơi người là chúng nhảy tanh tách, chui vào quần hút máu. 4 dì cháu phải xắn quần, cởi bỏ giầy dép để dễ trông thấy vắt mà bứt ra, chứ thả quần xuống, chúng chui vào hút máu ễnh bụng cũng chả biết. Chân trần cuốc bộ lại bị cỏ lác cứa da chảy máu.

Rừng rú vùng ngã ba biên giới những năm 80 thú rất nhiều. Khỉ vượn nhao ra cướp đồ ăn của 4 dì cháu. Đàn voi hiền lành đi thung thăng bên suối. Hổ, báo đuổi nai, hoẵng ở mép rừng. Trong số các loài thú thì sợ nhất là gấu. Mùa mưa, quả vả, quả dâu da bên đường chín rũ, gấu kéo hàng đàn ra ăn. Giống gấu rất hung dữ và có tính cảnh giác cao. Nếu không đụng đến chúng thì không sao, còn dọa dẫm hay trêu đùa là chúng tấn công ngay.

Phụ nữ Hà Nhì đã vượt qua định kiến lạc hậu để học hành, thành đạt. 

Lần đầu tiên leo con dốc Tà Tổng, Só suýt mất mạng vì sốt rét. Dọc con dốc không có một bóng nhà, Só cứ lịm đi, người lúc nóng lúc lạnh, đôi chân nhũn ra, không bước nổi. Chị Nu thương em khóc nức nở. Khi đó trời đã sẩm tối mà con dốc cứ vời vợi. Cà và Lèn phải thay nhau hết cõng lại dìu Só đến gần nửa đêm mới gặp nhà dân. Chủ nhà vào rừng hái thuốc, sắc mấy nồi Só mới tỉnh lại.

Ngày nào cũng vậy, phải dậy từ 3 giờ sáng, cuốc bộ liên tục đến 8 giờ tối mới nghỉ mà cũng phải mất 9 ngày trời mới ra đến huyện lỵ Mường Tè. Đấy là chưa kể gặp lũ, lũ dâng đến sườn núi thì chỉ còn cách chui vào hốc đá rồi đốt lửa ngủ qua đêm. Cũng có khi phải chờ vài ngày mới qua được suối.

Học sinh từ những nẻo đường nơi ngã ba biên giới, gồm các xã như Thu Lũm, Ka Lăng, Mù Cả, Sín Thầu, Chung Chải... đổ về huyện lỵ Mường Tè. Cứ đủ 50 đến 60 người thì lập thành một tốp, rồi một thầy hoặc cô giáo phụ trách dẫn các em cuốc bộ suốt một tuần trời mới ra đến tỉnh lỵ Lai Châu. Những con suối Nậm Pô, Nặm Nhé mùa lũ nước ào ào thốc ra sông Đà. Thầy giáo và học sinh nam vào rừng chặt luồng làm bè qua suối, dây thừng được buộc cố định vào gốc cây bên kia, học sinh ngồi lên bè, rồi cứ thế lần dây kéo sang.

Xưa kia, học sinh Hà Nhì phải cuốc bộ nửa tháng trời ra huyện lỵ để học chữ, nhưng giờ đường đã mở vào tận Sín Thầu, nên sự học đã đỡ vất vả hơn. 

Đợt ấy, lũ ở con suối cắt qua bản Kan Hồ (xã Kan Hồ) lớn lắm. Một cậu học sinh hơn Só mấy tuổi tên là Lỳ Phí Cà, nhà ở Thu Lũm nhận nhiệm vụ kéo bè đưa các em gái qua suối. Nước chảy mạnh, đánh tan bè, chị em Só và mấy em gái Hà Nhì chới với trong dòng nước. Cà và một số thanh niên liều mạng lao xuống dòng nước vớt mọi người lên. Một ngọn tre sắc bị lũ cuốn chọc thủng chân Cà, khiến máu chảy ròng ròng. Thầy giáo phải xé áo buộc vết thương rồi thầy trò thay nhau khiêng Cà đi liên tục suốt ngày mới đến một trạm xá "dã chiến". Anh Cà sau khi tốt nghiệp ĐH Biên phòng đã tình nguyện về công tác ở một đồn biên phòng xa xôi thuộc huyện Mường Tè.

Từ ngày đi học lớp 9 ở huyện lỵ Lai Châu, cho đến hết lớp 12, chị em Só không một lần về được Sín Thầu thăm nhà. Nghỉ hè hoặc nghỉ Tết, hai chị em cùng cuốc bộ về huyện lỵ Mường Tè, rồi bố hoặc mẹ thay nhau cuốc bộ từ Sín Thầu ra gặp hai con cho đỡ nhớ, cũng để biết tình hình học tập của con thế nào. Nếu hai chị em mà cuốc bộ về đến Sín Thầu, khi quay ra sẽ không kịp khai giảng.

Những căn lều trọ học của học sinh Hà Nhì ở ngã ba biên giới. 

Tốt nghiệp lớp 12, hai chị em Vù Nhù Só trở thành cán bộ của huyện Mường Tè. Chị Só làm tạp vụ ở văn phòng UBND huyện, còn chị Nu làm ở Phòng Tài chính. Không dừng lại ở chiếc bằng PTTH, năm 1992, chị Só tiếp tục thi vào trường trung cấp nấu ăn ở Hải Dương. Học xong, chị được phân công làm ở nhà khách UBND huyện Mường Tè.

Mặc dù đã lấy chồng, có con, song người con gái Hà Nhì này vẫn quyết tâm nâng cao trình độ hơn nữa. Năm 1996, chị thi đỗ khoa Lịch sử Đảng, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền. Tốt nghiệp, chị lại về UBND huyện công tác và khi huyện Mường Tè tách thành hai huyện, Mường Tè thuộc Lai Châu và Mường Nhé thuộc Điện Biên, thì chị về công tác ở Ban Tuyên giáo huyện ủy Mường Nhé, giờ thì đã thành lãnh đạo. Người chị gái Vù Gạ Nu hiện cũng vừa lấy bằng cử nhân Luật Quản lý kinh tế và vẫn công tác ở Phòng Tài chính huyện Mường Tè.

Có thể nói, hành trình đi học của hai cô gái này là một kỳ tích. Con đường đi tìm con chữ của chị em Vù Nhù Só đầy chông gai, vất vả, song nó là tấm gương cho các cô gái Hà Nhì noi theo. Công việc của chị Só là triền miên đi hết bản xa, bản gần để tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước. Đi đến đâu chị cũng động viên người Hà Nhì quyết tâm đi tìm con chữ. Giờ đây, tuy các anhí Hà Nhì vẫn còn thiệt thòi, khổ cực hơn các cô gái miền xuôi rất nhiều, song các anhí đều đua nhau đi học để biết chữ, để mang ánh sáng văn minh về bản làng, để trở thành cán bộ, thoát khỏi mảnh đất tận cùng xa xôi này.

Còn tiếp…

Diêm Giang

Bình luận
vtcnews.vn