Những anh hùng như huyền thoại nơi Thành cổ

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 27/07/2011 06:30:00 +07:00

(VTC News) - Tất cả những người đã chiến đấu ở Thành cổ, đã nằm lại Thành cổ đều xứng đáng danh hiệu Anh hùng.

(VTC News) - Một điều khá thú vị là 4 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trực tiếp tham gia chiến dịch Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm đỏ lửa năm 1972 đều cùng một Trung đoàn Quang Sơn anh hùng.

Lần đầu tiên sau 39 năm họ gặp nhau tại chiến trường xưa trong dịp Đại lễ cầu siêu và vinh danh “Tên anh đã thành tên đất nước” do Trung tâm Thông tin truyền thông Vì Môi trường phát triển và Giáo hội Phật giáo Hà Nội tổ chức vào ngày 10-7 vừa qua. Những câu chuyện về những hành động anh hùng của các anh là những câu chuyện huyền thoại có thật của những con người có thật, trên một mảnh đất có thật của một dân tộc anh hùng.


Làm phên dậu chặn địch từ xa

Anh hùng Vũ Trung Thướng nhập ngũ năm 1961 vào Sư đoàn Quân tiên phong, sau đó không lâu anh được đi học tại trường Sĩ quan Pháo binh. Ra trường, anh về công tác tại Tiểu đoàn 13, Quân khu Hữu ngạn. Năm 1966, về Đại đoàn Đồng bằng, tham gia chiến trường Quảng trị . Năm 1972 trực tiếp chiến đấu 81 ngày đêm Thành cổ với chức vụ Chính trị viên C5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B. Ông kể lại: “Đại đội tôi được cấp trên giao phải chốt chặt tại ngã ba Long Hưng. Một Địa điểm cách Thành cổ gần 1km về phía nam. Chốt chặt có nghĩa là phải đánh địch từ xa, chặn địch từ xa, tạo điều kiện cho các đơn vị khác tiêu diệt địch. Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và nguy hiểm, nhưng phải bằng moi cách để hoàn thành nhiệm vụ.

Từ trái sang phải: Các Anh hùng Vũ Trung Thướng, Trần Minh Vân, Bùi Trung Thành và Mai Ngọc Thoản về thăm lại Thành cổ trong dịp Đại lễ cầu siêu 10-7 vừa qua. Người đi phía sau là nghệ sỹ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính. (Ảnh: Nguyễn Việt Hùng). 

Thế là tôi cùng với Đại đội trưởng Tạ Đình Dọng lên kế hoạch tác chiến. Hơn ai hết tôi hiểu công việc của người chính trị viên lúc này là phải động viên anh em chiến sĩ, thà hy sinh chứ không để mất trận địa. Bước vào chiến dịch, Nghị quyết Trung đoàn đã khẳng định quyết tâm đánh giặc bằng sáu chữ: “Quang Sơn còn, Quảng Trị còn”. Tinh thần ấy được chúng tôi quán triệt đến từng chiến sĩ, và căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể mà Trung đoàn giao cho, cả Đại đội chúng tôi thể hiện quyết tâm bằng khẩu hiệu: “Còn người còn trận địa, còn người còn tiến công”.

Địch ngày đêm dội pháo đạn vào trận địa. Chúng cho rằng muốn đánh chiếm Thành cổ thì phải chiếm được ngã ba Long Hưng, một trong những yết hầu quan trọng, cho nên ngày cũng như đêm cả vùng ngã ba Long Hưng như bị đào xới lên. Tiếng bom đạn inh tai nhức óc. Nhưng bom đạn không khuất phục được trái tim yêu nước của người lính. Bộ đội ta cũng rất sáng tạo, không nằm yên một chỗ mà luôn cơ động di chuyển, phát hiện địch, đánh triệt để làm cho địch luôn ở thế bị động và sợ hãi. Với cách đánh linh hoạt, anh dũng quả cảm, ngã ba Long Hưng luôn trụ vững, không những thế mà còn làm tiêu hao sinh lực địch trong suốt 81 ngày đêm đêm đỏ lửa.

Thành cổ Quảng Trị (Ảnh: Phạm Ngọc Dương). 

Đại đội 5 còn lập một thành tích quan trọng khác, đó là tiêu diệt một Trung đội ngụy có ý đồ cắm cờ ba que gần cổng thành phía nam trên Thành cổ bằng 6 quả B41, dập tắt mưu đồ xảo quyệt của chúng.

Các anh là lực lượng tiền tiêu, là phên dậu chở che cho Thành cổ.

Giữ vững liên lạc trong mưa bom bão đạn

Hạ sĩ Mai Ngọc Thoản tham gia chiến dịch 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị với chức vụ Tiểu đội trưởng thông tin hữu tuyến. Nhiệm vụ của các anh là rải dây và đảm bảo thông tin thông suốt  trong suốt 81 ngày đêm chiến đấu từ sở chỉ huy đến các tiểu đoàn, đại đội trong và ngoài Thành cổ.  Đặc biệt, đường dây vượt sông Thạch Hãn nối từ Sở chỉ huy mặt trận đến các đơn vị chiến đấu trong Thành cổ. Tổng cộng có hơn 15 đầu mối tất cả.

Trong cuộc chiến tranh vệ quốc, người lính thông tin hữu tuyến luôn đối mặt với hiểm nguy trận mạc. Không có cách nào khác, các anh phải tự mình rải dây , dây đứt phải nối, đứt nơi nào phải đến nơi đó để nối . Nghe ông kể, tôi cứ hình dung những chiến sĩ thông tin lom khom dưới bão đạn để làm nhiệm vụ mới thấy sự kiên gan lớn biết chừng nào.

Bảo tàng Thành cổ. (Ảnh: Phạm Ngọc Dương). 

Kể về chiến công của anh hùng Mai Ngọc Thoản phải kể đến chiến công một mình anh bơi giữa dòng sông Thạch Hãn để nối dây liên lạc.

Hôm đó là ngày 13-7, địch đánh phá rất ác liệt để gây sức ép trên bàn Hội nghị Pari. Pháo đạn địch bắn chi chít trên Thành cổ và cả một khúc sông Thạch Hãn. Không may đường dây hữu tuyến qua sông Thạch Hãn trúng đạn bị đứt.  Cũng trong  sáng hôm đó, Tiểu đội thông tin hữu tuyến có 3 chiến sĩ hy sinh. Các chiến sĩ khác đi làm nhiệm vụ ở các đầu mối khác. Thế là anh cùng với chiến sĩ Nhạc luồn ra sông làm nhiệm vụ này, nhưng chỉ mới đi được một đoạn thì Nhạc lại bị thương, đành quay lại. Cũng phải nói thêm rằng bộ đội ta vượt sông Thạch Hãn để vào thành hoặc đưa thương binh, liệt sĩ về bờ bắc thường đi vào ban đêm để tránh thương vong. Còn lúc này đây không có lựa chọn nào khác là phải đi ngay. Lúc đấy khoảng 11h trưa.

Sông Thạch Hãn ngày nay. (Ảnh: Phạm Ngọc Dương). 

Để bơi được anh đành phải dùng miệng cắn một đầu dây. Mỗi lần bên kia đầu dây quay tổng đài phát sinh dòng điện, giật tê cả hàm nhưng anh vẫn cố chịu. Vì không đủ dây để nối, anh phải bơi ngược dòng. Đạn pháo nổ lụp bụp khắp mặt sông, nhiều đến nỗi chúng không thể phát hiện được có người đang bơi giữa dòng sông và bom đạn cũng không khuất phục được anh. Có thể dòng sông Mẹ quặn đau nhưng cũng dành chút sức lực còn lại để chở che, để rẽ bom, gạt pháo cho anh an toàn.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở lại đơn vị được Sở chi huy thông báo: Chính đồng chí đã vừa nối đường dây cho Trung đoàn nhận mệnh lệnh quan trọng của cấp trên lệnh cho Trung đoàn phải đảm bảo liên lạc với chỉ huy và đánh thắng trong ngày đó.

Bắn rơi nhiều máy bay, hạn chế thương vong cho bộ đội

Đại đội trưởng cao xạ 16 do Bùi Trung Thành chỉ huy có nhiệm vụ đánh địch trên không, không cho địch vào oanh tạc ném bom vào các trận địa của ta trong và ngoài thành Cổ. Đồng thời yểm trợ cho bộ binh đánh địch. Đại đội đóng cách Thành cổ trên 500m, cách nhà thờ Trí Bưu chỉ 100m, nơi mà chúng ra sức oanh tạc nhằm chọc thủng phòng tuyến của ta về phía nam của thành. Đại đội đã góp công rất lớn trong chiến công của Trung đoàn trong suốt 81 ngày đêm bắn rơi 29 máy bay và tiêu diệt 75 tên địch. Trong đó có thành tích nổi bật bắn rơi chiếc máy bay chở tên Đại tá Lê Trọng Bảo, Phó Tư lệnh Không quân Ngụy, Tư lệnh trưởng Lữ đoàn 2.

Du khách tham quan Thành cổ. (Ảnh: Phạm Ngọc Dương). 

Ông cho biết: “Hôm đó có 5 máy bay lù lù bay vào. Bốn chiếc trực thăng đi trước, một chiếc cán-gáo (OV10) bay sau cùng. Phán đoán địch có thể có âm mưu gì đây buộc người chỉ huy phải tính toán. Sau mấy giây suy nghĩ tôi quyết định không bắn vào 4 trực thăng mà nhắm mục tiêu vào chiếc cán-gáo và ra lệnh bắn. Hai quả đạn thoát khỏi nòng pháo bay thẳng vào mục tiêu. Chiếc OV10 bùng cháy tại chỗ, tiêu diệt tên đại tá ngụy và 8 sĩ quan pháo binh trong đó có tên Hùng Phi Hổ chỉ huy pháo binh”.

Trong chiến trận người lính pháo cao xạ luôn phải phơi mình trước bom đạn, là mục tiêu trên không cho đối phương. Do đó, ngoài việc yểm trợ cho bộ binh và đánh địch trên không cần phải bảo toàn lực lượng. Ông kể câu chuyện về tướng Hoàng Đan, Tư lệnh sư đoàn 304, có lần gửi quà cho một đại đội một xe hàng và chỉ được mở trước lúc vào chiến dịch. Anh em cứ tưởng là quà thì phải là thuốc lá, bánh kẹo, lương khô… Nhưng khi mở ra thì lại là một xe đầy cuốc xẻng. Ông muốn nhắc nhở bộ đội rằng muốn đánh thắng địch phải bảo toàn lực lượng, muốn bảo toàn lực lượng phải có công sự vững chắc. Đây là một bài học kinh nghiệm của người cầm quân cần phải thực hiện. Đại đội trưởng cao xạ Bùi Trung Thành luôn tâm niệm bài học đó và ông cho các chiến sĩ của mình làm công sự vững chắc, đào hầm đầy đủ. Chính vì vậy trong 82 ngày đêm chiến đấu, đại đội do ông chỉ huy đã hạn chế rất nhiều thương vong, đảm bảo lực lượng để trụ vững và chiến đấu đến cùng.

Người chỉ huy của một trung đoàn anh hùng

Trung đoàn 48 (biệt hiệu là Trung đoàn Quang Sơn) trước đây có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch ở vòng ngoài như ở Cồn Tiên, Dốc Miếu… làm nên những chiến công oai hùng và bọn giặc khi nghe đến tên Trung đoàn đã vô cùng khiếp sợ. Bước vào chiến dịch 82 ngày đêm Thành cổ, Trung đoàn được Sư đoàn 320B giao chốt giữ Thành cổ và tăng cường các lực lượng để bảo vệ thành . Trung đoàn phó Trần Minh Vân đã cùng Ban chỉ trung đoàn lên kế hoạch tác chiến với một tinh thần cảm tử mà Nghị quyết đảng ủy Trung đoàn đã nêu lên quyết tâm đánh địch đến cùng, bám trụ đến cùng: “Quang Sơn còn, Quảng Trị còn”. Nhiệm vụ của người chỉ huy là phải bao quát được tất cả các trận địa, mỗi trận địa là một căn cứ vững chắc cả về lực lượng, số quân và tinh thần chiến đấu. Sức mạnh của Trung đoàn chính là sức mạnh của từng đơn vị. Chính vì vậy, Trung đoàn đã trụ vững trong suốt 82 ngày đêm chiến đấu kiên cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thành cổ Quảng Trị năm 1972. (Ảnh: Phạm Ngọc Dương chụp lại). 

Hôm nay các anh gặp nhau, thăm lại chiến trường xưa, cầm tay nhau vui cười đấy mà đôi mắt nhòe lệ. 39 năm biết bao đồng đội còn nằm lại nơi này, hóa thân vào đất, nước và trời xanh Quảng Trị. Đại tá anh hùng Vũ Trung Thướng chia sẻ suy nghĩ của ông với mọi người: “Những đồng đội của chúng tôi có tên tuổi mà trở thành vô danh. Chúng tôi là những người may mắn, các anh nằm xuống cho chúng tôi còn sống đến ngày hôm nay. Chúng tôi được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng thực ra là bó đũa chọn cột cờ. Chính các anh, tất cả những người đã chiến đấu ở Thành cổ, đã nằm lại Thành cổ đều xứng đáng danh hiệu Anh hùng.”

Thực vậy, các anh là anh hùng trong lòng nhân dân của một dân tộc anh hùng!

Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.vn

Phạm Đình Lân



Bình luận
vtcnews.vn