NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI

Tổng hợpThứ Hai, 09/08/2010 08:00:00 +07:00

Ngày 31/7/2010 vừa qua, cầu truyền hình 3 nước Pháp-Việt-Lào đã được Đài Truyền hình Kỹ thuật Số VTC phát sóng trực tiếp trên tất cả các kênh của VTC.

Ngày 31/7/2010 vừa qua, cầu truyền hình 3 nước Pháp-Việt-Lào đã được Đài Truyền hình Kỹ thuật Số VTC phát sóng trực tiếp trên tất cả các kênh của VTC. Đây là lần đầu tiên, VTC thực hiện một cầu truyền hình với quy mô lớn như vậy. “Thành công hơn cả mong đợi…”, là những gì mà ekip thực hiện chia sẻ với chúng tôi ngay sau khi tiếng nhạc kết thúc chương trình vang lên. Sự mệt mỏi, căng thẳng ẩn hiện trên mỗi khuôn mặt, còn niềm vui cứ võ òa theo từng câu nói…

 

 

Ấm lòng với tình cảm của kiều bào

Trước khi bắt tay vào thực hiện cầu truyền hình, VTC và các bên đối tác đã có nhiều cuộc họp bàn lên kế hoạch chi tiết, chuẩn bị ứng biến với mọi tình huống có thể xảy ra. Vì đây là chương trình phát sóng trực tiếp với quy mô lớn trên nhiều kênh sóng VTC2, VTC10, HD3, HDVIP, VOVTV, VTV,  HTV1 (Đài truyền hình Hà Nội) và Đài truyền hình TP.HCM, nên công tác chuẩn bị vô cùng cầu kỳ, tốn thời gian và công sức. Có hai nhóm phóng viên của VTC đã lên đường sang thành phố Paris và Viêng Chăn để tiền trạm trong thời gian một tuần và ghi nhận những tình cảm nồng ấm của kiều bào ta.

Tại Pháp, cộng đồng người Việt Nam hiện nay có khoảng 300.000 người gồm nhiều thành phần, như: thương gia, công nhân, trí thức... trong đó có khoảng 5.000 sinh viên từ Việt Nam sang học tập, nghiên cứu khoa học. Một bộ phận bà con định cư từ trước những năm 60-70 và đã có nhiều thế hệ tiếp theo đang sinh sống tại Pháp. Một bộ phận bà con sang sau năm 1975, phần lớn là để đoàn tụ gia đình. Hầu hết bà con có tình cảm gắn bó với quê hương, đều mong muốn được về thăm đất nước. Trong chuyến tiền trạm lần này, đoàn phóng viên VTC vô cùng cảm động khi chứng kiến tình cảm của bà con kiều bào Pháp dành cho quê hương. Bà Hoài Thu (PGĐ kênh VTC1) chia sẻ: “Khi Đoàn tiếp xúc với Hội người Việt Nam tại Pháp mọi người đều rất phấn khởi và dành nhiều tình cảm cho chúng tôi. Hội người Việt Nam tại Pháp cũng mong muốn từ lâu có một cầu truyền hình để họ có cơ hội được tương tác và chia sẻ những tình cảm của mình với người thân và bà con qua cầu. Bà Ký, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp cho chúng tôi biết: Bà xa quê hương đã nhiều năm nay, nỗi nhớ về quê hương đất nước luôn canh cánh trong lòng. Được biết, ngày 31.7 tới sẽ có cầu truyền hình Hà Nội- Pháp- Vienchan tất cả bà con ở Pháp mừng lắm và mong muốn được tham gia”.

Trong chuyến tiền trạm, Đoàn đã đến làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Pháp. Đại sứ  Lê Kinh Tài đã đón tiếp đoàn với tình cảm thân mật. Ông cho biết: “Chúng tôi làm cầu nối giữa đồng bào trong nước với đồng bào ngoài nước, với bạn bè Pháp thông qua các hình thức liên hệ kết nghĩa giữa các địa phương Việt Nam với các tỉnh, thành phố của Pháp. Hầu hết bà con Việt Nam tại Pháp được đối xử bình đẳng như những người gốc Pháp, có rất nhiều người Việt Nam thành đạt. Có thể nói, thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp là có đội ngũ trí thức tương đối mạnh, tham gia và giữ vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực tại Pháp.  Thường xuyên có những hoạt động tuyên truyền về tình hình thực tế, luật pháp của nước sở tại, đồng thời thông tin về tình hình trong nước đến với bà con. Cầu truyền hình Hà Nội - Pháp - Vienchan diễn ra trong thời điểm này là cơ hội tốt giới thiệu với kiều bào và bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam sau những năm đổi mới”.

Một kỷ niệm nữa làm những phóng viên VTC vô cùng cảm động đó là buổi đón tiếp Đoàn được các thành viên trong Hội Việt Kiều Pháp chuẩn bị rất chu đáo, không thiếu một hội viên nào. Đó là một cuộc giao lưu thật đầm ấm và đầy ý nghĩa. Cũng tại đây ông Nguyễn Quang Riệu - một giáo sư thiên văn nổi tiếng đã có hơn 40 năm làm việc tại Viện thiên văn quốc gia Pháp với nhiều đóng góp khoa học có giá trị cho Việt Nam, Pháp cũng như thế giới, đã mời cả Đoàn về nhà riêng để xem những công trình mà ông đã dày công nghiên cứu, đó là những cuốn sách thiên văn đầy giá trị. Chứng kiến công trình nghiên cứu đồ sộ của ông, không ít các thành viên trong Đoàn cảm thấy thật không uổng công cho chuyến đi công tác lần này. Thật sự là một cuộc chiêm ngưỡng đáng tự hào.

 

 

 

Và những khoảnh khắc khó quên

Trong những ngày ở Pháp, Mai Phương và các đồng nghiệp của cô đã có dịp đến thăm ngoại ô Paris vùng  gần Montreuil gặp ông  giám đốc Bảo tàng Montreuil - nơi này có một không gian lưu trữ những hiện vật của Bác Hồ. Rồi những ngày sau đó là gặp một số nhân vật như cô Alionor - một người Pháp biết hát ca trù và nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo đến để bàn về kịch bản chương trình trực tiếp diễn ra vào tối 31/7. Hay cuộc gặp với họa sỹ Lê Bá Đảng, chủ tịch Hội di sản quốc gia Philippe Chaplin - người có bộ sưu tập postcard về phố cổ Hà Nội rất quý giá và một số người Pháp có quan hệ mật thiết với Việt Nam; hoặc tranh thủ đến thăm và ghi hình Nhà thờ Đức bà Paris, Bảo tàng Louvre, Vườn hoa Luxembourg, Đồi Mont- Martre, Chateau de Versaille,.. nhằm phục vụ cho chương trình trực tiếp cũng như những phóng sự giới thiệu mảnh đất du lịch cần khám phá. “Chúng tôi được đi dạo dọc sông Seine trên con thuyền Ruồi nổi tiếng và được ngắm nhìn vẻ đẹp Paris một cách lung linh nhất”, Mai Phương khoe.

 Nhưng với Mai Phương, có lẽ đáng nhớ nhất là cuộc phỏng vấn hiếm hoi và quý giá với bà Irina Bokova - Tổng giám đốc Unesco tại trụ sở của Unesco tại Paris. Một cuộc phỏng vấn chỉ diễn ra trong 30 phút nhưng đã ghi lại được rất nhiều thông tin giá trị. Cô chia sẻ: “Đọng lại trong tôi là cảm giác rất tự hào và xúc động. Vì tôi là người đại diện cho một đài truyền hình thứ hai được phỏng vấn bà”.

Quay lại với việc thực hiện cầu 3 quốc gia này, khó khăn lớn nhất với những người làm chương trình có lẽ là việc tác nghiệp ở một điểm cầu cách xa quê nhà Việt Nam với những chi phí vô cùng lớn. Đó là chi phí thuê sân khấu tại trụ sở của UNESCO, thiết bị up - link, thiết bị đường truyền vệ tinh đưa tín hiệu về Việt Nam. Quan trọng hơn là việc phải đối mặt và đưa ra các phương án nhằm xử lý những rủi ro có khả năng xảy ra. Ngoài ra, ê kip tác nghiệp sang Pháp phải mang theo bộ trường quay dã chiến chuyên dụng cho những chương trình tác nghiệp ở xa.

Dễ dàng hơn so với Pháp, tại Lào, toàn bộ thiết bị máy móc và nhân lực cùng hai chiếc xe màu đã theo đường bộ thẳng tiến tới thủ đô Viêng Chăn trước ngày diễn ra cầu một tuần. PV, BTV Xuân Tuyến cho biết: “Một tuần tại Vienchan, công việc của Đoàn tại đây là chuẩn bị nội dung và dàn dựng sân khấu. Chúng tôi có tất cả 10 người nhưng đã làm việc với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất. Đặc biệt ở đây chúng tôi đã được đón nhận những tình cảm nồng hậu và sự giúp đỡ nhiệt tình từ những thành viên trong hội đồng hương Xiêng Khoảng”.

Tại điểm cầu Hà Nội, sân khấu nổi tại chùa Trấn Quốc, Hồ Tây cũng được dàn dựng công phu với dàn trống hội Thăng Long dọc hai đường lên sân khấu với các thiết bị ánh sáng và những màn biểu diễn nghệ thuật cầu kỳ tới từ Đòan ca múa nhạc Thăng Long và các nghệ sĩ chuyên nghiệp khác dưới sự chỉ đạo của vị tổng đạo diễn là nhạc sĩ Trọng Đài.

Có một vấn đề mà ngay từ khi bắt tay vào họp bàn đã khiến những người thực hiện khá băn khoăn. Đó là vấn đề ngôn ngữ. Nếu như khán giả theo dõi trực tiếp trên truyền hình thì sẽ nhận thấy phía dưới màn hình có bắn phụ đề khi chương trình kết nối đầu cầu Pháp hoặc Lào. Để làm được như vậy, đội ngũ phiên dịch đã phải làm việc căng thẳng, hết công suất trong thời gian diễn ra cầu. Có ba tổ phiên dịch tại ba nước liên tục dịch đuổi và phiên âm ra các thứ tiếng khác nhau với tốc độ nhanh và chính xác nhất để khán giả có thể theo dõi kịp thời. Riêng đầu cầu Viêng Chăn, một MC Lào được mời đồng hành với Mai Anh đã khiến nhiều khán giả cảm nhận rằng sự song hành này đã làm tăng thêm phần hấp dẫn và thân thiện cho chương trình. Với quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng tuyệt đối như vậy, đêm 31/7 vừa qua cầu truyền hình trực tiếp đã diễn ra suôn sẻ và không gặp khó khăn gì đã để lại những thiện cảm tốt trong lòng người xem.

Khép lại cầu truyền hình Hà Nội - Viêng Chăn - Paris  là những cảm xúc ngọt ngào của thông điệp “Hòa điệu văn hóa và Khát vọng hòa bình”. Đúng như thông điệp ấy, không chỉ khán giả hay những người đã tham gia xuất hiện trong chương trình như Việt Kiều hai nước Lào, Pháp, những người dân Việt Nam mà những người trực tiếp thực hiện cầu truyền hình này - các phóng viên của VTC cũng cảm thấy đọng lại trong lòng họ là những ấn tượng, những cảm xúc về tình yêu, tính nhân văn và khát vọng hòa hợp giữa con người với con người.

 

 

Cầu truyền hình Hà Nội - Viêng Chăn - Paris/ Unesco - Hòa điệu Văn hóa và Khát vọng hòa bình là chương trình do Bộ ngoại giao và Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC thực hiện. Chương trình nhằm tôn vinh những đóng góp của văn hóa các nước, trong đó có Việt Nam với Thăng Long – Hà Nội 1000 năm tuổi – Thành phố vì Hòa Bình, tạo nên sự hòa điệu văn hóa, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng Hòa Bình. Bên cạnh đó, một nội dung đặc biệt, gắn bó mật thiết với hệ giá trị văn hóa Việt Nam, đó là lễ kỉ niệm ngày sinh lần thứ 120 của Chủ Tịch Hồ Chí Minh – đồng thời kỉ niệm 20 năm ngày UNESCO công nhận Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc” và “Danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại”.

Bình luận
vtcnews.vn