Nhóm thanh niên giả danh công an bắt người có thể bị xử lý thế nào?

Pháp luậtThứ Bảy, 26/05/2018 07:12:00 +07:00

Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), nhóm người giả danh công an bắt giữ người ở Quốc Oai (Hà Nội) có thể bị xử lý hình sự tội “bắt giữ người trái pháp luật” với mức án có thể lên đến 12 năm tù.

Liên quan việc nhóm thanh niên giả danh công an tự ý bắt giữ người xảy ra vào sáng 21/5 trên địa bàn thôn Ngô Sài (Quốc Oai, Hà Nội), luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, nhóm người này có thể bị xử lý hình sự với tội danh “bắt giữ người trái pháp luật” cùng nhiều tình tiết tăng nặng.

“Theo dõi thông tin về vụ việc trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đánh giá đây là một vụ việc hết sức nghiêm trọng”, luật sư Trương Anh Tú bày tỏ.

Theo luật sư Tú, các đối tượng thực hiện hành vi bắt người trái pháp luật một cách hết sức manh động và có tổ chức.

Ngoài việc dùng thủ đoạn mạo nhận là công an nhằm tránh sự can thiệp của người dân, những đối tượng này còn sử dụng trái phép những công cụ hỗ trợ như còng số 8, dùi cui điện phục vụ cho việc bắt giữ người.

Hơn nữa, hành vi bắt giữ người trái pháp luật còn được thực hiện ngay giữa chốn đông người, điều đó thể hiện sự manh động, coi thường pháp luật cao độ của những đối tượng này.

14

 Nhóm đối tượng giả danh công an bắt giữ người tại Quốc Oai bị người dân ngăn lại

Luật sư Trương Anh Tú cho biết, hành vi nêu trên của những đối tượng bắt người trái pháp luật xâm phạm tới cả hai khách thể được luật hình sự bảo vệ đó là quyền tự do và quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của công dân.

Hành vi của các đối tượng này đã có dấu hiệu của “Tội bắt người trái pháp luật” được quy định tại Điều 157 BLHS.

Khi thực hiện việc bắt người trái pháp luật, những đối tượng này đã có hành vi xâm hại tới sức khỏe của nạn nhân (đánh, chích điện vào người nạn nhân). Do vậy, để xác định đúng tội danh, người bị hại cần đi giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể.

Nếu giám định pháp y cho kết quả người bị hại tổn thương từ 31% đến 60% cơ thể, ngoài tình tiết định tăng nặng được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 157 là tình tiết “Có tổ chức”, những đối tượng này còn phải chịu thêm tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 157 BLHS đó là “Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giam, giữ mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

“Nếu bị truy tố ở khoản 2 Điều 157, những đối tượng này sẽ đối diện với khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù. Trong trường hợp tỷ lệ thương tích của người bị hại được kết luận là từ 61% cơ thể trở lên, những đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự về tội bắt người trái pháp luật được quy định tại khoản 3 Điều 157 BLHS với khung hình phạt  từ 5 năm tù đến 12 năm tù”, luật sư Tú cho biết.

Cũng theo luật sư Tú, qua giám định pháp y, nếu người bị hại bị tổn thương cơ thể, các đối tượng này còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do đã xâm hại tới sức khỏe của người bị hại. Trách nhiệm này được quy định tại Điều 590 của BLDS hiện hành.

​Ngoài ra, việc các đối tượng này sử dụng những công cụ hỗ trợ trái pháp luật sẽ phải chịu xử phạt hành chính.

​“Với tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có diễn biến phức tạp như hiện nay, cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm khắc với những đối tượng coi thường pháp luật, bắt người trái pháp luật”, luật sư Tú kết luận.

Video: Giả danh công an, chích điện người dân

Tùng Lâm - Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn