Nhóm khủng bố khét tiếng nhất thế giới kiếm hàng tỷ USD bằng cách nào?

Thế giớiThứ Bảy, 01/04/2017 12:01:00 +07:00

Buôn lậu dầu mỏ, bắt cóc tống tiền, thu phí bảo kê, cướp bóc là những cách IS biến mình thành nhóm khủng bố giàu nhất thế giới với doanh thu tới 2 tỷ USD/năm.

Để có tiền chi tiêu, IS không từ bỏ thủ đoạn nào và những đồng tiền bất chính từ các hoạt động quy mô giúp chúng trở thành tổ chức khủng bố giàu có nhất thế giới.

Sản xuất và buôn lậu dầu

Theo CNN, tổ chức khủng bố khét tiếng IS có thể kiếm được 1-2 triệu USD mỗi ngày từ việc bán dầu. Nguồn dầu mỏ này chủ yếu đến từ các nhà máy lọc dầu và giếng khoan mà IS kiểm soát ở miền bắc Iraq và miền bắc Syria.

174800_Zing__IS__Chien_bi

Các chiến binh IS.

Theo ước tính, mỗi ngày, nhóm phiến quân sẽ sản xuất khoảng 44.000 thùng dầu ở Syria và 4.000 thùng ở Iraq. Các chiến binh sau đó sẽ tuồn lậu số dầu này vào miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ trước khi mang đi rao bán với giá cao, CNN cho biết thêm.

Luay al-Khatteeb, người sáng lập kiêm giám đốc Viện Năng lượng Iraq nói, thông qua hoạt động sản xuất và buôn lậu của mình, IS đang cố gắng thiết lập một quốc gia tự cung tự cấp trong Tam giác Sunni ở phía tây và bắc Iraq.

"Có khoảng 6 triệu người đang sống trong vùng bị IS kiểm soát ở Iraq và Syria và họ đều là những người cần nhiên liệu", ông này khẳng định.

Bắt cóc, đòi tiền chuộc

Năm 2012, Bộ Tài chính Mỹ ước tính rằng al-Qaeda và các chi nhánh của tổ chức này đã kiếm được 120 triệu USD từ tiền chuộc sau các vụ bắt cóc con tin trong suốt 8 năm liền.

IS và al-Qaeda hoạt động riêng rẽ, nhưng trong hoạt động này chúng lại liên thủ với nhau và chia chác sau mỗi thương vụ hợp tác. Một công ty ở Thụy Điển từng tiết lộ rằng họ đã phải gật đầu trước cái giá 70.000 USD mà IS đưa ra để đổi lấy nhân viên bị bắt cóc của mình.

Video: IS cho trẻ em hành quyết con tin

Mặc dù các khoản khoản tiền chuộc thường không được công khai, nhiều người cho rằng Pháp từng thương lượng dùng tiền chuộc để giải cứu các công dân nước mình.

Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản lại quyết không thỏa hiệp với yêu sách này tổ chức khủng bố khét tiếng nhất hành tinh. Cả Washington và Tokyo từng từ chối dùng tiền để đổi lấy tính mạng của công dân khi IS gợi ý đưa ra một khoản tiền chuộc.

Buôn đồ cổ

Ở mỗi khu vực chiếm đóng, IS nắm quyền kiểm soát bảo tàng, các bộ sưu tập cá nhân và khu khảo cổ học. Đây là nguồn cung cấp đồ cổ khổng lồ bao gồm những tác phẩm nghệ thuật và lịch sử vô giá.

Tổ chức khủng bố khét tiếng cũng cho phép người dân địa phương đào bới các địa điểm cổ đại miễn là những người này chia phần trăm giá trị những thứ mà họ kiếm được.

mumdtaofthu-vien1

Các chiến binh IS cướp đồ cổ.

Theo ông Vitaly Churkin, đại diện thường trực của Nga tại Liên hiệp quốc, IS thu về khoản tiền khổng lồ lên tới 140 triệu USD mỗi năm từ việc buôn lậu hàng nghìn cổ vật của Syria và Iraq.

Các báo cáo cũng cho thấy, IS phá hủy một số địa điểm cổ kính và có niên đại lâu đời ở Iraq để lấy cổ vật rồi rao bán với cái giá cắt cổ trên thị trường chợ đen.

Ông Qais Hussain Rashid, Tổng giám đốc bảo tàng Iraq nói với CNN, các tay súng của nhóm phiến quân đã "cắt những bức phù điêu và bán chúng cho bọn tội phạm và các tay buôn đồ cổ".

"Chúng cắt đầu và để lại chân vì đầu là phần có giá trị", ông Rashid cho hay.

Thu thuế phí

Năm 2014, IS giành được quyền kiểm soát các vùng rộng lớn ở Iraq và Syria, đồng thời thiết lập ra thứ mà chúng gọi là nhà nước hợp pháp với các bộ máy hành chính.

Từ đó, chúng bắt đầu đặt ra các mức thuế đối với người dân địa phương theo hình thức "tự nguyện bắt buộc".

IS đánh thuế lên tất cả mọi thứ như hàng hóa, nhu yếu phẩm, điện nước, viễn thông, tiền mặt, lương thưởng, giao thông hay khảo cổ.

Video: IS cho chiến binh nhí hành quyết tù nhân

Các doanh nghiệp sẽ trả khoảng 20% doanh số nếu muốn có những thứ thiết yếu để duy trì hoạt động. Các lái xe muốn di chuyển qua những chốt kiểm soát mà chúng dựng lên ở khắp mọi nơi buộc phải giao tiền mặt.

Bên cạnh đánh thuế, nhóm phiến quân còn kiếm được một khoản không nhỏ từ tiền bảo kê với cách thức cũng rất đơn giản.

Chúng đòi tiền từ chủ những cửa hàng hoặc những người sinh sống tại những khu vực chúng kiểm soát. Chúng đến từng nhà, từng cửa hàng, dí súng vào đầu mọi người và đòi tiền, CNN cho biết.

Cướp ngân hàng

Một trong những cách thức kiếm tiền manh động khác của IS là cướp ngân hàng.Bộ Tài chính Mỹ trong một báo cáo cuối năm 2015 tiết lộ, IS có thể sở hữu số tiền lên đến 1 tỷ USD do kết quả của các cuộc tấn công vào ngân hàng tại Syria và Iraq.

Trong khi đó, hãng tin tình báo thế giới Stratfor nói rằng, vào tháng 6/2014, nhóm khủng bố này đã đột nhập vào một số ngân hàng ở Mosul và đánh cắp khoảng 500 triệu USD.

Song Hy (Nguồn: CNN)
Bình luận
vtcnews.vn