Nhóm FIMO sáng chế vệ tinh Cansat

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 07/05/2018 07:30:00 +07:00

Nhóm bạn trẻ lấy tên là FIMO đến từ Trường ĐH Công nghệ (Hà Nội) gồm: Ngô Xuân Trường, Nguyễn Văn Hải, Trần Trung Kiên, Đỗ Thành Công đã sáng chế ra vệ tinh Cansat để tham gia cuộc thi Cansat với chủ đề “Giám sát chất lượng tầng không khí” do Trung tâm vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) tổ chức.

Có kích thước chỉ bằng lon nước ngọt, nhưng vệ tinh Cansat do nhóm sinh viên thiết kế có thể đo được nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ bụi... trong tầng không khí.

Sau thời gian mày mò nghiên cứu, vệ tinh Cansat, nặng 200 gr tích hợp 4 cảm biến và 1 định vị GPS cũng đã được nhóm FIMO hoàn thành. Quá trình hoạt động của Cansat tương tự như các vệ tinh sử dụng ngoài không gian, khi được phương tiện phóng đưa lên độ cao thích hợp, vệ tinh sẽ tách khỏi phương tiện phóng đồng thời các hệ thống của vệ tinh được kích hoạt, thu thập các dữ liệu trong không khí như: đo nhiệt độ, độ ẩm, đo nồng độ bụi, nồng độ CO, áp suất khí quyển… gửi về trạm mặt đất và hiển thị trên phần mềm.

“Chúng tôi đã thử nghiệm thả vệ tinh từ trên nóc tòa nhà 21 tầng của ký túc xá Mỹ Đình tương đương với độ cao 100 m xuống đất. Kết quả cho thấy, trong chưa đến 1 phút, vệ tinh đã đo được chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) ở dưới đất cao hơn so với không khí ở trên cao. Điều này có thể lý giải do dưới mặt đất bị ảnh hưởng bởi khói bụi từ xe cộ lưu thông trên đường nên chỉ số AQI cao, còn lên trên cao thì không khí sạch hơn”.

tenlua_sccx

 

Tại cuộc thi Cansat diễn ra vào tháng 3/2018 vừa qua, vượt qua các đội mạnh đến từ các trường đại học có tiếng về ngành công nghệ thông tin tại Hà Nội và TP.HCM, nhóm FIMO đã giành giải nhất. Vệ tinh của FIMO thả từ độ cao 250 m xuống đã ghi nhận được mức độ ô nhiễm không khí trên cao cao hơn so với dưới mặt đất do các ống khói nhà máy xả thải ra môi trường.

Theo đánh giá của ban tổ chức, so với sản phẩm của các đối thủ, trạm thu mặt đất của nhóm FIMO có thêm phần mềm giám sát hoạt động của vệ tinh với các chức năng hiển thị quỹ đạo di chuyển của vệ tinh, thông tin đo đạc chính xác, có kết quả ngay khi quá trình phóng vệ tinh kết thúc. Trong quá trình vận hành, dữ liệu thô thu được, nhóm nghiên cứu phân tích, đánh giá và chỉ ra các thông tin về chất lượng không khí hữu ích, có ý nghĩa với người dùng.

Hiện tại 4 thành viên của nhóm FIMO bận rộn làm đồ án tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên, các thành viên trong nhóm vẫn muốn trong tương lai tiếp tục được theo đuổi đam mê đưa công nghệ vào chinh phục không gian.

"Chúng tôi đánh giá cao nhóm FIMO trong điều kiện hạn chế về tài chính nhưng các em vẫn thiết kế được vệ tinh nhỏ gọn, đo đạc các số kỹ thuật nhanh chóng, chuẩn xác. Qua cuộc thi này, chúng tôi hướng tới việc giúp các kỹ sư tương lai có cái nhìn tổng quát, trải nghiệm thực tế công nghệ chế tạo vệ tinh.

Đồng thời kích thích sức sáng tạo của các kỹ sư trẻ trong việc đưa các ứng dụng của công nghệ chế tạo vệ tinh vào thực tế đời sống. Đây cũng được coi là tiền đề cho việc phổ cập và phát triển ngành công nghệ chế tạo vệ tinh tại Việt Nam", ông Vũ Việt Phương, Phó tổng giám đốc Trung tâm vũ trụ Việt Nam, Chủ tịch ban giám khảo cuộc thi, cho biết.

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn