NHNN yêu cầu chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng

Kinh tếThứ Ba, 26/06/2012 04:29:00 +07:00

(VTC News) – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng.

(VTC News) – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng.


Ngày 25/6/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản số 3854/NHNN-QLNH yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng. Cụ thể, NHNN yêu cầu TCTD chấp hành nghiêm chỉnh các quy định tại Thông tư số 12/2012/TT-NHNN và Chỉ thị số 05/CT-NHNN.


Các TCTD chỉ phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng với khối lượng cần thiết để đáp ứng nhu cầu chi trả theo yêu cầu của khách hàng khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả và đảm bảo việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng chấm dứt vào ngày 25/11/2012.

TCTD có trách nhiệm báo cáo trước cho NHNN (Vụ Quản lý ngoại hối) khi có nhu cầu phát hành chứng chỉ vàng, trong đó phải làm rõ sự cần thiết và mục đích của đợt phát hành. Đồng thời, có lộ trình giảm lãi suất huy động chứng chỉ ngắn hạn vàng ở mức phù hợp để giảm lượng vàng huy động.

Hiện một số ngân hàng chủ yếu huy động vàng với vài kỳ hạn ngắn và lãi suất từ 1% - 2%/năm (Ảnh: Internet) 

Nếu NHNN phát hiện dấu hiệu vi phạm các quy định liên quan đến huy động và cho vay vốn bằng vàng của TCTD, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố sẽ tiến hành ngay việc kiểm tra, thanh tra TCTD đó.


Việc tuân thủ thời hạn chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng theo quy định tại Thông tư 12 của các TCTD là một trong những cơ sở để xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng cho các TCTD.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản nới hạn chấm dứt huy động vàng từ 1/5/2012 sang 25/11/2012. Một số đầu mối như Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)… đã trở lại huy động vàng, bên cạnh một số thành viên khác như Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nam Á (NamABank)…

Tuy nhiên, hiện hầu hết các thành viên còn triển khai hoạt động này chỉ áp lãi suất rất thấp, chủ yếu từ 1% - 2%/năm, cũng như chỉ cơ cấu một số kỳ hạn ngắn.


PV


Bình luận
vtcnews.vn