Nhìn lại con đường chông gai Triều Tiên – Hàn Quốc đi qua để tiến tới ‘kỷ nguyên không chiến tranh’

Thế giớiThứ Năm, 20/09/2018 07:15:00 +07:00

Ngày 19/9, trả lời họp báo kết quả sau hai ngày hội đàm, hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc tuyên bố đã ký cam kết "một kỷ nguyên không chiến tranh" trên Bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố được lãnh đạo liên Triều đưa ra sau ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại thủ đô Bình Nhưỡng, được xem là nỗ lực hạn chế mối đe dọa xung đột trên bán đảo Triều Tiên. 

"Thế giới sẽ thấy quốc gia bị chia cắt này tự mang đến tương lai mới như thế nào" - ông Kim nói trong tiếng vỗ tay của những người tham dự. "Kỷ nguyên không chiến tranh sẽ bắt đầu. Hôm nay miền Bắc và miền Nam quyết định loại bỏ tất cả mối đe dọa có thể gây ra chiến tranh khỏi toàn bộ Bán đảo Triều Tiên." - ông Moon Jae-in nói.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng của hai bên đã ký thỏa thuận dài 17 trang cam kết sẽ ngừng mọi hoạt động thù địch chống lại nhau. Bên cạnh đó, Triều Tiên - Hàn Quốc thỏa thuận một số nội dung cải thiện mối quan hệ khác như tham gia ứng cử đồng đăng cai tổ chức Olympic mùa hè 2032, xây đường sắt và đường bộ kết nối hai bên, dừng tập trận quân sự nhắm vào nhau, bỏ 11 chốt biên phòng tại vùng phi quân sự từ giờ đến cuối năm 2018.

photo1537324503282-15373245032831499617806 4

 Hình ảnh Bán đảo Triều Tiên và chim bồ câu trắng mang ý nghĩa hoà bình trong phòng tiếp đón Tổng thống Moon Jae-in. (Ảnh: Sputnik)

Cuộc chiến kéo dài hơn 60 năm

Sau giai đoạn xung đột 1950-1953, Chiến tranh Triều Tiên dừng lại với một hiệp ước đình chiến, không có hiệp ước hòa bình. Hai miền Nam-Bắc Triều vẫn duy trì tình trạng chiến tranh về lý thuyết cho đến ngày nay.

Khi đó, Triều Tiên - nơi Nhật chiếm đóng từ 1910 đến 1945 - bị Mỹ và Liên Xô kiểm soát sau khi Chiến tranh thế giới II kết thúc. Mỹ đề xuất tạm thời lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới chia đôi bán đảo. Năm 1948, CHDCND Triều Tiên thành lập ở miền Bắc và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) thành lập ở miền Nam. 

Chính quyền hai miền đều không hài lòng với việc bán đảo bị chia đôi và đều có tư tưởng thống nhất dưới chế độ của mình. Các cuộc đụng độ quân sự dọc biên giới thường xuyên xảy ra.

korea-war-1

Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). (Ảnh: Asian Security Blog) 

Năm 1950, cuộc đụng độ leo thang và biến thành chiến tranh trên diện rộng khi 135.000 binh sỹ Triều Tiên triển khai dọc vĩ tuyến 38 tiến đánh Hàn Quốc. Triều Tiên nhanh chóng tràn xuống phần lớn diện tích Hàn Quốc chỉ sau vài ngày khai chiến.

Lực lượng Liên Hợp Quốc do Mỹ chỉ huy tham chiến, đẩy lui quân đội Triều Tiên về phía bắc vĩ tuyến 38 và gây thiệt hại nặng nề. Xung đột lên cao khi lực lượng đồng minh đẩy quân đội Triều Tiên đến biên giới với Trung Quốc.

Trước thực tế đó, Trung Quốc quyết định tham chiến. Trong hai năm tiếp theo, hai phía giao chiến đến khi bế tắc ở khu vực vĩ tuyến 38, ranh giới chia đôi bán đảo.

Đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực, tháng 7/1953, Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên đồng ý ký hiệp ước đình chiến, trong khi Hàn Quốc từ chối. Hiệp ước đình chiến này tạm dừng xung đột quân sự trên bán đảo, tạo ra một vùng phi quân sự (DMZ) ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc. Ước tính có khoảng 5 triệu người thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên.

"Chiến tranh lạnh"

Sau xung đột, cả hai miền Triều Tiên lâm vào tình trạng kiệt quệ. Trong những năm 1960, hàng loạt đụng độ vũ trang mức độ thấp xảy ra tại DMZ, Triều Tiên - Hàn Quốc đối đầu. Lực lượng Trung Quốc rời khỏi Triều Tiên nhưng lực lượng Mỹ vẫn duy trì hiện diện ở Hàn Quốc.

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Richard Nixon chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc vào năm 1972, Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Park Chung-hee bắt đầu liên lạc bí mật với Chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung. Các cuộc gặp gỡ bí mật giữa hai bên tiếp tục diễn ra và đến tháng 7/1972, Tuyên bố chung Bắc-Nam được ban hành, thông báo Ba Nguyên tắc Tái thống nhất. Theo tuyên bố, một đường dây nóng giữa hai bên cũng được thành lập.

Trong những năm 1970, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter hy vọng đạt được hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên nhưng không thành công vì kế hoạch rút lực lượng quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc gặp phải nhiều trở ngại. Dù chủ động đối thoại, quan hệ liên Triều mới chỉ dừng lại ở những đàm phán quy mô nhỏ.

Năm 1983, đối thoại ba bên Mỹ - Hàn - Triều được đề xuất, nhưng bị gián đoạn, bởi cùng thời điểm này lại xảy ra vụ ám sát Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-Hwan tại Myanmar, kết luận khi đó là do Triều Tiên thực hiện. Tháng 9/1984, tổ chức Chữ Thập Đỏ Triều Tiên gửi cứu trợ khẩn cấp cho Hàn Quốc sau trận lụt nghiêm trọng. Đối thoại được khôi phục, đưa tới cuộc đoàn tụ đầu tiên cho các gia đình ly tán trong chiến tranh vào năm 1985, cũng như một loạt trao đổi văn hóa.

Dù vậy, không khí thiện chí lại bị ảnh hưởng bởi các sự kiện như tập trận chung Mỹ - Hàn, máy bay Hàn Quốc được cho là bị mật vụ Triều Tiên đánh bom năm 1987.

Trong giai đoạn này, Tổng thống Hàn Quốc mới được bầu Roh Tae-woo khởi động Sáng kiến ngoại giao Phương Bắc Nordpolitik, đề xuất phát triển một “Cộng đồng Triều Tiên”. Các cuộc đối thoại cấp cao sau đó diễn ra, đưa tới Thỏa thuận Hòa giải, không hung hăng, trao đổi và hợp tác. Tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên năm 1991 cũng được xác lập. Cùng thời điểm, cả Triều Tiên và Hàn Quốc gia nhập Liên Hợp Quốc vào tháng 9/1991. Việc cùng gia nhập vào Liên hợp quốc có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đánh dấu việc kết thúc cuộc tranh luận luật pháp giữa hai quốc gia, khởi đầu một kỷ nguyên hòa giải và cùng tồn tại. 

Hoàng hôn và ánh dương

Mối quan hệ giữa hai bên vẫn còn nhiều hạn chế, song song với những lo ngại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Dù vậy với thỏa thuận 1991, họ thành lập một đường dây nóng quân sự và đồng ý báo trước các hoạt động quân sự cho nhau, cố gắng thay thế tình trạng đình chiến bằng cơ chế hòa bình.

Năm 1998, Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Kim Dae-jung khởi động Chính sách Ánh dương đối với Triều Tiên, hay có tên chính thức là Chính sách hòa giải và hợp tác trong quan hệ với miền Bắc. Điều này tạo con đường dẫn tới hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên giữa ông Kim Dae-jung và ông Kim Jong-il năm 2000. Ông Kim Dae-jung đã giành giải Nobel Hòa Bình vì những đóng góp hướng tới hòa giải này.

Hoạt động thương mại giữa hai bên được tăng cường và Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân vào tháng 10/2002 và vụ thử tên lửa hạt nhân tháng 10/2006 làm tan biến ý chí hòa giải và tình hình Bán đảo Triều Tiên lại trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, Hàn Quốc cùng với cộng đồng quốc tế đã cố gắng tìm giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại để giải quyết vấn đề hạt nhân.

kim-jong-un-moon-jae-in-3 3

 Cuộc gặp của các lãnh đạo liên Triều. (Ảnh: Getty)

Năm 2007, hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần hai diễn ra giữa Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Kế thừa tinh thần tuyên bố chung của hội nghị đầu tiên, thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến cải thiện mối quan hệ, hòa bình thịnh vượng chung, hai bên đã ký kết tuyên bố hòa bình, trong đó kêu gọi tổ chức các cuộc đàm phán quốc tế để thay thế thỏa thuận đình chiến của Chiến tranh Triều Tiên bằng hiệp ước hòa bình vĩnh viễn.

Năm 2010, Hàn Quốc chính thức kết thúc Chính sách Ánh dương, mối quan hệ liên Triều tiếp tục bước vào thời kỳ bất ổn, trong khi hai bên ngày càng căng thẳng vì không tìm được tiếng nói chung về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Tháng 1/2017, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thông báo kế hoạch phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa đã tiến tới bước hoàn thiện cuối cùng.

Triều Tiên thực hiện hàng loạt thử nghiệm vũ khí và đưa ra nhiều phát ngôn căng thẳng với Mỹ, kinh tế bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Tháng 1/2018, ông Kim kêu gọi cải thiện mối quan hệ với Hàn Quốc. Triều Tiên – Hàn Quốc thảo luận về việc gửi phái đoàn Triều Tiên sang Hàn Quốc tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang vào tháng 2/2018.

Sự kiện Olympic được đánh giá là bước đột phá trong nỗ lực ngoại giao cải thiện mối quan hệ liên Triều, nỗ lực kêu gọi Triều Tiên đàm phán về khủng hoảng hạt nhân. Tháng 4/2018, ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in gặp nhau lần đầu tiên tại làng đình chiến biên giới Bàn Môn Điếm. Hội nghị tiếp theo diễn ra vào tháng 5.

Video: Thủ đô Bình Nhưỡng ngập tràn cờ hoa đón chào Tổng thống Moon Jae-in

Quả bóng đang ở sân nhà Mỹ

Trong thỏa thuận chung ký ngày 19/9/2018, Bình Nhưỡng cam kết sẽ phá hủy cả bãi thử động cơ tên lửa Tongchang-ri và bãi thử hạt nhân Yongbyon, được cho là cơ sở hạt nhân quan trọng của Triều Tiên, nếu Mỹ có những động thái phù hợp. Các nhà phân tích cho rằng lời đề nghị của ông Kim có thể tạo cơ hội để vòng đối thoại mới với Mỹ bắt đầu. Câu hỏi lớn nhất vẫn còn đó là Triều Tiên muốn được trả cái giá như thế nào từ Mỹ.

Bên cạnh quá trình phi hạt nhân hóa, vai trò của Mỹ trong việc chính thức tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên cũng là không nhỏ. Cơ chế hòa bình chính thức trên bán đảo sẽ cần sự tham gia của cả Mỹ và Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng liên Triều hoàn toàn có thể tự tuyên bố kết thúc chiến tranh hoặc ký hiệp ước hòa bình song phương. Ngoài ra, nhân tố lớn trong mọi cuộc đàm phán tiến tới kết thúc chiến tranh Triều Tiên sẽ là tình trạng của hàng nghìn binh sỹ Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc, vốn được Triều Tiên xem là mối đe dọa trực tiếp.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn