Nhiều vướng mắc của doanh nghiệp BĐS chưa được giải quyết: Chuyên gia nói gì?

Bất động sảnThứ Hai, 13/02/2023 13:23:00 +07:00
(VTC News) -

Sau cuộc họp về tín dụng bất động sản của NHNN ngày 8/2, nhiều doanh nghiệp cho rằng vẫn chưa có giải pháp cụ thể để "cứu" thị trường địa ốc đang gặp nhiều khó khăn.

Trả lời PV VTC News, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội nhận xét, hội nghị vẫn chưa giải quyết được nhiều vấn đề mà doanh nghiệp đang vướng mắc. Cụ thể, việc yêu cầu giải ngân khoản vay cho một dự án bất động sản phải có giấy phép xây dựng là rất khó. Bởi lẽ, việc xin cấp phép đôi khi phải mất rất nhiều thời gian, có khi tới cả năm.

Nhiều vướng mắc của doanh nghiệp BĐS chưa được giải quyết: Chuyên gia nói gì? - 1

Sau cuộc họp với NHNN, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần có những biện pháp cụ thể, hiệu quả hơn để gỡ khó cho thị trường BĐS. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, mức lãi suất cho vay với bất động sản hiện nay quá cao, NHNN và ngân hàng thương mại cần phải hạ mức lãi suất này ở cả đầu ra và đầu vào. Đồng thời, cần bỏ bất động sản ra khỏi lĩnh vực có hệ số rủi ro cao. Theo vị này, hiện lãi suất tiết kiệm đang hấp dẫn hơn nhiều kênh đầu tư khác nên dòng tiền chảy vào ngân hàng lớn. Khi lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn, dòng tiền sẽ chảy sang bất động sản. Đồng thời, ngân hàng cũng nên hạ lãi suất cho vay để gỡ khó cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.

Vị này phân tích thêm, trong hội nghị, ngành ngân hàng nhấn mạnh những dự án có pháp lý, chủ đầu tư có uy tín mới được vay vốn, còn người mua muốn vay cũng phải chứng minh khả năng trả nợ và mua dự án có tính thanh khoản tốt... Như vậy, việc vay vốn vẫn rất khó khăn với cả chủ đầu tư và người mua nhà.

Một vướng mắc nữa là vấn đề giãn, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp bất động sản cũng chưa giải quyết được. Nếu không có biện pháp hiệu quả, chắc chắn thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp phải giải thể.

Bất động sản có vai trò rất lớn trong nền kinh tế quốc dân, nếu không có dòng tiền bất động sản sẽ bất động như hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

'Doanh nghiệp phải tự cứu mình'

Nhận định với VTC News, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay bất động sản đang trong tình trạng ảm đạm chứ chưa thực sự đóng băng. Nhưng lĩnh vực này lại đứng trước "quả bom" đó là trái phiếu đến kỳ đáo hạn. Bên cạnh đó, nhiều dự án vẫn đang nằm chờ, chưa được thông qua và thiếu nguồn vốn lớn.

"Bất động sản có vai trò rất lớn trong nền kinh tế quốc dân, nếu không có dòng tiền bất động sản sẽ bất động như hiện nay", ông Long nói.

Theo ông Long, cuộc họp vừa qua đã thể hiện rất rõ quan điểm của NHNN đó là ngân hàng không đóng hầu bao đối với những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có phương án kinh doanh tốt. “Dư nợ hiện nay của thị trường bất động sản là rất lớn, room tín dụng lên tới 21-22%, trong khi đó room nền kinh tế chỉ có 17%. Vậy giờ phải xem nguyên nhân làm sao doanh nghiệp bất động sản lại khó vay tín dụng".

Lý do chính là ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, mà doanh nghiệp kinh doanh thì phải đảm bảo điều kiện để tránh rủi ro. Thực tế, hoạt động bất động sản thời gian qua cũng có nhiều bất cập như doanh nghiệp phát triển không có trọng tâm, huy động vốn một cách tràn lan, đặc biệt nhất là trái phiếu. Do đó, cần những cảnh báo và phòng ngừa trước. Bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng phải xem xét lại và tìm nhiều cách huy động vốn. Trước mắt, có thể hạ giá sản phẩm.

Ngân hàng phải xét đủ điều kiện mới cho vay, chứ không dám vượt “rào” cho vay trái quy định.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh

“Doanh nghiệp có phương án kinh doanh rõ ràng, hiệu quả sẽ được xem xét. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải tạo niềm tin với thị trường về hoạt động trái phiếu, thậm chí có thể phải chịu lỗ, bán tài sản của mình đi để thanh toán trái phiếu đáo hạn. Như vậy, mới tạo được niềm tin cho nhà đầu tư.

Trước mắt chính doanh nghiệp phải chủ động tự cứu mình trước, sau đó kinh doanh một cách hiệu quả và có niềm tin thì ngân hàng nhất định sẽ cho vay”, chuyên gia Ngô Trí Long phân tích.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích: Hội nghị của NHNN đã ghi nhận được ý kiến của đồng loạt doanh nghiệp bất động sản, từ đó buộc hệ thống ngân hàng phải tìm cách xem có thể thay đổi, giúp ích gì cho quá trình hồi phục của doanh nghiệp hay không.

Hội nghị cũng là nơi để ngân hàng giải thích với doanh nghiệp quy trình họ đang thực hiện có đúng quy luật thị trường và quy định của Nhà nước hay không, từ đó để doanh nghiệp chủ động tháo gỡ khó khăn của mình.

Một thông tin quan trọng được đưa ra tại hội nghị là NHNN không có động thái siết tín dụng, mà chỉ yêu cầu các ngân hàng thương mại giám sát rủi ro của các doanh nghiệp bất động sản, từ đó, sàng lọc kỹ trước khi cho vay, chỉ giải ngân với các dự án đủ kiện.

Ngân hàng thương mại thực chất cũng giống doanh nghiệp, nhưng cái khác là họ kinh doanh tiền. Vốn đầu tư của họ cũng phải huy động rồi cho vay. Khi huy động phải có lãi nên khi cho vay phải tính toán để họ có lãi và tránh tối thiểu được rủi ro. Chính vì vậy, ngân hàng phải xét đủ điều kiện mới cho vay, chứ không dám vượt “rào” cho vay trái quy định", ông Thịnh nói.

Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay là doanh nghiệp phải tái cấu trúc, chủ động giải quyết các khó khăn của mình.

Ngoài ra, doanh nghiệp bất động sản cần thay đổi về điều kiện bán hàng, xem có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp hay cổ phiếu bổ sung trên thị trường chứng khoán hay không. Đây mới là cách huy động vốn trung và dài hạn, chứ không nên chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.

Ngọc Vy - Đức Thiện
Bình luận
vtcnews.vn