Nhiều trẻ nhỏ mất thị lực vĩnh viễn do không được chữa trị kịp thời

Sức khỏeThứ Bảy, 28/07/2018 15:55:00 +07:00

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 2-3 triệu người bị lác, hiện tượng này ở trẻ em ngày càng tăng và có thể gây ảnh hưởng nặng tới thị lực.

Tại buổi khám sàng lọc và phẫu thuật mắt miễn phí cho gần 100 trẻ em ở Tuyên Quang có hoàn cảnh khó khăn diễn ra tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 phối hợp cùng Quỹ bảo trợ Trẻ em tỉnh Tuyên Quang, hai con gái (10 tuổi và 13 tuổi, cùng bị bệnh lý đục thủy tinh thể bẩm sinh do di truyền từ bố) của vợ chồng anh Đặng Văn Định và chị Đặng Thị Cần là trường hợp đáng tiếc.

Hai cô bé bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, thị lực rất kém đến mức dù đi học như các bạn cùng lứa, nhưng đến nay gần như vẫn không biết mặt chữ, đi học chỉ là “cho vui” và hòa nhập cộng đồng.

Anh Định chia sẻ dù biết con mắc bệnh ngay từ lọt lòng, nhưng kinh tế gia đình quá khó khăn nên không thể đưa con đi điều trị. Bản thân anh và con gái lớn cũng từng tham gia một chương trình khám, thay thủy tinh thể nhân tạo nhân đạo, nhưng do mắt không phù hợp để thay thủy tinh thể nhân tạo dạng cứng được miễn phí trong chương trình đó, còn thủy tinh thể nhân tạo mềm phải tự bỏ một phần chi phí, gia đình không gánh vác được nên đành bỏ qua cơ hội đó.

Tuy nhiên, kết luận của đợt khám này, cả hai cháu đều không có cơ hội để phục hồi thị lực do đã quá muộn. Sự tiếc nuối, thất vọng hằn rõ trên khuôn mặt vợ chồng anh Định và hai cô con gái nhỏ.

Nhieu tre nho mat thi luc vinh vien do khong duoc chua tri kip thoi hinh anh 1

 

Qua trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Đức Anh - Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cảnh báo lác, sụp mí, đục thủy tinh thể bẩm sinh đều là những bệnh lý về mắt cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời nếu không sẽ dẫn tới tình trạng nhược thị - tình trạng giảm thị lực của một hoặc 2 mắt do mắt không được nhìn trong lứa tuổi nhỏ, thậm chí dần mất thị lực vĩnh viễn.

Đặc biệt, theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 2-3 triệu người bị lác. Hiện tượng bị lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều trẻ em được khám, chữa muộn đã gây ảnh hưởng nặng đến thị lực vì có tới 70% trẻ bị lác có kèm theo các tật khúc xạ.

Bên cạnh đó, bệnh lý sụp mí mắt cũng khá thường gặp ở trẻ em. Tuy không gây mù mắt, bệnh cũng khiến trẻ bị giảm chức năng thị giác và gây mất thẩm mỹ trên khuôn mặt.

PGS.TS Nguyễn Đức Anh giải thích trong trường hợp trẻ bị lác, sẽ xuất hiện hiện tượng ức chế một mắt, dù hai mắt vẫn mở bình thường, nhưng thực tế chỉ có một mắt nhìn được, mắt còn lại không được điều tiết sẽ dần kém đi.

Với bệnh lý sụp mí, mắt bị che lấp đồng tử khiến ánh sáng không vào được mắt, sẽ dẫn tới nguy cơ làm giảm thị lực, gây nhược thị. Tương tự, bệnh đục thủy tinh thể cũng ngăn cản ánh sáng đi vào mắt khiến thị lực của trẻ ngày càng giảm.

Chuyên gia này nhấn mạnh: “Việc phát hiện và điều trị muộn khi trẻ đã nhược thị sẽ khó khăn trong điều trị phục hồi. Nhiều trường hợp phát hiện quá muộn, phẫu thuật chỉ có thể giúp trẻ cân bằng hai mắt đối với trẻ lác, nhưng thị lực không được hồi phục. Phát hiện sớm để điều trị nhược thị rất quan trọng bởi trong lác, việc điều trị không chỉ duy trì cân bằng hai mắt, mà cần tái tạo lại sự phối hợp hai mắt, không còn hiện tượng ức chế một mắt”.

Thực tế, việc phát hiện sớm với các bệnh lý bẩm sinh này không quá khó. Các phụ huynh có thể nhận biết bệnh lý mắt lác ngay từ khi con còn rất nhỏ như thấy mắt con nhìn vào trong hoặc ra ngoài, đôi khi lệch hướng khác. Sụp mi cũng dễ phát hiện khi một bên mắt sa xuống thấp, đôi khi cả hai mắt đều bị sụp xuống.

Còn để phát hiện bệnh đục thủy tinh, cha mẹ có thể cảnh giác khi thấy hiện tượng con nhìn kém, hoặc đồng tử có màu trắng...

Video: Bệnh viện làm gì để tránh trao nhầm con?

"Ở khu vực thành thị, tỷ lệ trẻ bị bệnh lý về mắt diễn tiến đến nhược thị thấp hơn vì các phụ huynh có điều kiện đưa con đi khám, phát hiện bệnh sớm. Tuy nhiên ở các tỉnh xa, số trẻ mắc bệnh lý này khá cao và để lại di chứng rất đáng tiếc cho trẻ.

Nhóm bệnh nhân trong đợt này, rất đáng tiếc là có những cháu tuổi đã lớn, bệnh về mắt đã ảnh hưởng nhiều đến thị lực, trong khi với bệnh lý như mắt lác, có khi chỉ cần đeo kính cho trẻ đã có thể điều chỉnh được”, PGS.TS Nguyễn Đức Anh tiếc nuối.

Khám sàng lọc và phẫu thuật mắt miễn phí cho gần 100 trẻ em ở Tuyên Quang là một phần chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ” 2018 do Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thực hiện chương trình phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em bị khuyết tật về mắt có cơ hội phục hồi thị lực, tìm lại niềm vui và niềm tin vào cuộc sống.

Theo bác sĩ Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, năm 2017 Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí bảo trợ trẻ em các địa phương thực hiện phẫu thuật nhân đạo chữa các bệnh lý, dị tật về mắt cho khoảng 400 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ” năm 2018 sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để địa phương phối hợp cùng các bệnh viện phẫu thuật cho trẻ mắc các bệnh lý về mắt. Những trẻ được phẫu thuật mắt nhân đạo trong dịp này là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị các khuyết tật mắt như lác, sụp mí, đục thủy tinh thể và một số bệnh lý về mắt…

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn