Nhiều trẻ bị đỏ da, bong vẩy, mụn phỏng nước đầy người: Độc tố này là nguyên nhân

Sức khỏeThứ Sáu, 04/05/2018 08:04:00 +07:00

Khi trẻ bị đỏ da, phỏng nước, bong vẩy da lan tỏa, trên da xung huyết đỏ, cha mẹ cần chú ý đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế tránh hậu quả đáng tiếc.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận cùng lúc hai bệnh nhi 3 tuổi là cháu N.H.H. (ở Tuyên Quang) và N.V.T (ở Hà Giang) nhập viện khi cơ thể xuất hiện mụn phỏng nước vùng mũi miệng, mắt, trên da xung huyết đỏ nhiều, mụn nước rải rác tứ chi. Các nốt phỏng nước loét nông, chỉ xuất  hiện tập trung nhiều ở hốc  tự nhiên trên cơ thể 2 cháu bé.

tre-bi-phong-nuoc

 Trẻ bị mụn nước, vết phỏng nước loét ở vùng mang tai, cổ.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cả hai bệnh nhi mắc hội chứng 4S, còn gọi hội chứng bong vảy da do tụ cầu (Stahylococcal scalded skin syndrome).

Theo BS. Nguyễn Thị Hiền hội chứng 4S là hội chứng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhiều nhất ở trẻ sơ sinh. Bệnh rất dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh da liễu khác. Chính vì vậy khi thấy trẻ có biểu hiện phồng mụn nước, sốt cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên môn gần nhất.

Về hai bệnh nhi trên, sau khi được điều trị sức khỏe của hai cháu bé ổn định và được ra viện.

Bác sĩ Hiền cho biết thêm, hội chứng bong vẩy da do tụ cầu là bệnh nhiễm trùng da cấp tính gây nên do ngoại độc tố của tụ cầu. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là đỏ da, phỏng nước, bong vẩy da lan toả. Nguyên nhân dẫn đến bệnh là do tụ cầu vàng nhóm 2 gây ra. 

Có 2 loại độc tố là ET-A và ET-B. Những độc tố này gây đứt các cầu nối, phá vỡ lớp hạt của thượng bì, hình thành bọng nước, gây bong tách lớp thượng bì. Bệnh có thể khu trú hoặc lan rộng, hay gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh do hệ thống miễn dịch, khả năng đào thải độc tố của thận của trẻ chưa hoàn chỉnh.

Trẻ bị bệnh có thể bị lây từ mẹ mang vi khuẩn hoặc những người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ. Bệnh có thể bùng phát thành dịch ở những phòng nuôi dưỡng trẻ sơ sinh.

tre-bi-phong-nuoc1

Trẻ bị phỏng nước vùng miệng.  

Bệnh bắt đầu từ 1 nhiễm trùng ở quanh hốc mắt, mũi, miệng, hoặc các nếp kẽ bẹn, nách sau đó xuất hiện các thương tổn đỏ da, mụn nước, mụn mủ dập vỡ nhanh đóng vẩy tiết. Kèm theo biểu hiện trên da bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, sốt, sau 24 - 48h, da đỏ nhanh chóng lan rộng ra toàn thân, phù nề, đau.

Những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị mất nước, rối loạn điện giải. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh tiến triển trong vòng 5-7 ngày, các thương tổn khô lại, bong vẩy da và khỏi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hiền cảnh báo: “Nếu mẹ bị áp xe vú do tụ cầu thì không nên cho con bú cho đến khi điều trị khỏi hẳn. Đối với những người nuôi dưỡng trẻ, nếu bị viêm da, viêm họng... cần điều trị khỏi hẳn mới tiếp tục chăm sóc trẻ".

Video: Tội nghiệp bé gái 8 tháng tuổi bị thanh sắt rỉ đâm thủng sọ

Thu Nga
Bình luận
vtcnews.vn