'Nhiều ông chủ tịch tỉnh rất thích... hoành tráng'

Thời sựThứ Ba, 24/09/2013 12:50:00 +07:00

“Chủ tịch tỉnh người ta thích quyết, cứ làm cho hoành tráng, thiếu tiền thì xin trung ương. Nhiều nơi cứ vẽ ra dự án sau đó đi chạy”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh nói: “Chủ tịch tỉnh người ta thích quyết, cứ làm cho hoành tráng, thiếu tiền thì xin trung ương. Nhiều nơi cứ vẽ ra dự án sau đó đi chạy”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh thể hiện quyết tâm tuyên chiến với tình trạng đầu tư công dàn trải, tràn lan, kém hiệu quả, khi trình dự án Luật đầu tư công xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23/9.

Tình trạng này gây lãng phí, tham nhũng, nợ đọng hàng trăm ngàn tỉ đồng và nay, theo dự luật, người quyết định chủ trương đầu tư sai, kém hiệu quả sẽ bị xử lý.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh - Ảnh: Phương Hoa
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh - Ảnh: Phương Hoa 
“Nhiều ông chủ tịch tỉnh rất thích... hoành tráng”

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư công tràn lan, dàn trải, kém hiệu quả là do pháp luật thiếu quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định đầu tư và đặc biệt là chưa có quy định xử lý trách nhiệm người quyết định đầu tư sai, quyết định đầu tư kém hiệu quả.

“Hiện nay lãng phí nhiều nhất là từ chủ trương đầu tư. Thủ tướng từng rất bức xúc về chuyện có những con đường miền núi rộng 60-70m, lãng phí vô cùng. Chủ tịch tỉnh người ta thích quyết, cứ làm cho hoành tráng, thiếu tiền thì xin trung ương. Nhiều nơi cứ vẽ ra dự án sau đó đi chạy” - ông Vinh nói.


Ông Vinh khẳng định: “Bây giờ ra luật này thì không làm được như vậy nữa, muốn đầu tư phải qua thẩm định về hiệu quả, thẩm định vốn, có tiền mới được làm. Luật này cũng quy định giám sát, đánh giá sau đầu tư. Ví dụ dự án thủy lợi lúc đầu vẽ ra bảo là tưới tiêu cho 1.000ha, suất đầu tư 2 tỉ đồng/ha, nhưng khi hoàn thành thì chỉ tưới tiêu cho 500ha và tổng vốn đầu tư vẫn là 2.000 tỉ đồng, rất kém hiệu quả nhưng không ai bị xử lý. 
Chúng ta cần phải ra luật để ngăn cản đầu tư tràn lan, đang gây lãng phí rất lớn trên đất nước ta. Không thể bó tay với đầu tư dàn trải”.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng cho thấy: “Việc phân cấp quá rộng, lại thiếu các chế tài và biện pháp quản lý giám sát nên đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế như: phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư tràn lan không tính đến khả năng cân đối vốn, bố trí vốn dàn trải; dẫn đến thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc từng năm, hiệu quả đầu tư kém và lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
Tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, gây áp lực đến cân đối ngân sách nhà nước các cấp” (tổng số nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản ở các địa phương hiện đã trên 90.000 tỉ đồng - PV).

Lần đầu tiên dự luật đưa ra quy định xử lý trách nhiệm đối với người quyết định chủ trương đầu tư. “Có những công trình đầu tư sai, ví dụ xây cái chợ không có người đến, gây lãng phí rất lớn nhưng không ai chịu trách nhiệm” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị “cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật xây dựng (sửa đổi) - Ảnh: Phương Hoa
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật xây dựng (sửa đổi) - Ảnh: Phương Hoa 
Chế tài xử lý tình trạng nợ đọng

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật xây dựng (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng bày tỏ quyết tâm “hạn chế việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, giá hợp đồng xây dựng trong quá trình thực hiện, đồng thời bổ sung các chế tài cần thiết để xử lý tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng hiện nay”.

Ông Dũng nói: “Đối với các dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước, một số quy định về phân quyền cho chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí xây dựng trong điều kiện năng lực của nhiều chủ đầu tư còn hạn chế có nhiều việc phải dựa vào tư vấn, cũng như còn thiếu các quy định cụ thể về việc kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước đối với chi phí xây dựng dẫn đến những sơ hở, dễ bị lợi dụng để làm tăng chi phí, gây thất thoát, lãng phí và làm giảm hiệu quả dự án”.


Dẫn câu chuyện thực tế vừa rồi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho điều chỉnh tổng mức đầu tư bốn dự án giao thông đã tiết kiệm được 15.000 tỉ đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị: “Cần quy định rất chặt chẽ việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, thể hiện rõ, minh bạch hết trong luật chứ không thể quy định nguyên tắc chung chung được. Quy định về thưởng cũng vậy, vừa rồi có chuyện đường vành đai 3 Hà Nội hoàn thành vượt tiến độ, nhà thầu đòi thưởng hơn 170 tỉ đồng.

"Cần quy định rõ chuyện này, tôi thấy dự luật quy định thưởng không quá 5% giá trị hợp đồng, vậy nếu hợp đồng 10.000 tỉ đồng mà thưởng 5% thì biết bao nhiêu? Tôi cho anh em lên mạng tìm xem các nước có thưởng không thì không thấy. Tuy nhiên, tôi đề nghị trong đầu tư xây dựng cơ bản phải quy định về mức phạt”, ông Giàu cho biết.


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển chỉ ra mánh lới của các nhà thầu là “tìm mọi cách để trúng thầu, sau đó cố tình tìm mọi cách dây dưa thời gian triển khai dự án, chờ điều chỉnh giá, nên nhiều công trình tăng giá hơn cả chỉ số CPI, thậm chí tăng gấp hai lần giá trúng thầu”.

Ông Hiển cũng đề nghị luật này phải đưa ra quy định, chế tài để chấm dứt quy hoạch tùy tiện. Ông cũng bày tỏ bức xúc: “Không hiểu trách nhiệm thuộc về ai khi mà hàng loạt công trình siêu mỏng, rồi chung cư mini chất lượng kém, công trình sai phép, không phép vẫn được xây dựng, tồn tại” và đề nghị đưa ra quy định để lập lại trật tự trong xây dựng.

Triền miên điều chỉnh giá trị hợp đồng

Bày tỏ sự kỳ vọng đối với dự luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị làm rõ sự liên thông với Luật đấu thầu. “Điều tôi quan tâm là công tác đấu thầu, chỉ một giá thôi, trúng thầu bao nhiêu thì giá trả bấy nhiêu. Bây giờ đang có chuyện trúng thầu 100 tỉ, lúc thanh toán vài trăm tỉ là bình thường. Thế giới không có chuyện này đâu. Chỉ vài trường hợp bất khả kháng, thiên tai “trời đánh” mới cho điều chỉnh chứ không thể có chuyện mình điều chỉnh lương thì ông ấy cũng đòi điều chỉnh dự toán. Cần chấm dứt câu chuyện triền miên điều chỉnh giá trị hợp đồng” - Chủ tịch Quốc hội nói. Ông cho rằng nếu không chấm dứt chuyện này “thì không có cách nào chống được tham nhũng, lãng phí”.




Theo TTO
Bình luận
vtcnews.vn