'Nhiều người du học không về, lãnh đạo địa phương cần trăn trở'

Giáo dụcThứ Năm, 10/12/2015 08:18:00 +07:00

TS Lê Trường Tùng cho rằng việc nhiều bạn trẻ đi du học nhưng không chọn cách về nước là thực trạng đáng báo động khiến cho những người lãnh đạo phải suy nghĩ.

(VTC News) – TS Lê Trường Tùng cho rằng việc nhiều bạn trẻ đi du học nhưng không chọn cách về nước là thực trạng đáng báo động khiến cho những người lãnh đạo phải suy nghĩ.

Xung quanh vấn đề thu hút nhân tài đang được tranh luận gay gắt trong thời gian qua, PV VTC News đã phỏng vấn TS Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT đại học FPT) để có góc nhìn đa chiều về sự việc.
TS Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT đại học FPT)
TS Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT đại học FPT)

- Tại sao sau khi tốt nghiệp đại học tại khoa Toán, Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp (MGU) – một trường đại học danh giá hàng đầu thế giới, ông lại chọn con đường về nước ?

Lứa sinh viên chúng tôi – lứa tốt nghiệp phổ thông khi đất nước còn chưa thống nhất. Việc học gì chủ yếu theo sự phân công của nhà nước và bằng kinh phí của nhà nước.

Tôi được cử đi học Toán lý thuyết ở trường Tổng hợp Matxcơva . Đầu tiên cũng nghĩ là do mình giỏi, phù hợp với năng khiếu giải toán, cho đến ngày sực tỉnh là cái tài mà mình ngộ nhận chẳng là gì trong giới toán học tinh hoa quốc tế.

Thế là bỏ ngang không học tiếp nữa.

Còn làm việc ở nước ngoài ư? Biết mỗi toán lý thuyết cao siêu nói ra không ai hiểu, lại không còn mê đắm cái mà mình biết  thì làm gì bây giờ.

Khi đó cũng chẳng có ai mời gọi, lại đúng mùa hè năm 1980, Matxcơva cần giải phóng ký túc xá sớm để chuẩn bị đón khách Olympic nên được cấp vé máy bay về sớm.


- Quyết định về nước của ông khi đó liệu có chính xác?

Như chuyện “tái ông mất ngựa” – làm thế nào biết được cái gì chính xác cái gì không.

Tôi theo trường phái cái gì đã quyết định rồi thì đều xem là chính xác, ít nhất ở thời điểm quyết định.

- Nhưng ông nói rằng chỉ học được toán lý thuyết cao siêu nói ra không ai hiểu thì biết làm gì khi về nước?

Sau này tôi chuyển hướng sang Tin học. Tôi tham gia vào hàng ngũ những người giỏi Tin học nhất trong những người học Toán, và giỏi Toán nhất trong những người biết Tin học.

Sau đó lại chuyển sang giáo dục  và trở thành người làm giáo dục biết cả Toán lẫn Tin học. Tôi ưu thế hơn nhiều người khác ở khâu tính toán và ứng dụng Tin học, thế cũng là ổn rồi. 

- Thời điểm về nước khi ấy đất nước còn rất khó khăn. Cuộc sống mưu sinh của ông sau khi về nước thế nào?

Thời đó bao cấp, những năm hậu chiến với muôn vàn gian khó. Không thể duy trì cuộc sống gia đình nổi, mà cũng không có cách gì để làm ra tiền – sống lay lắt đến đâu thì đến.

Sau khi lập gia đình, tôi cùng vợ và con nhỏ ở một nửa căn phòng tầng áp mái tại nhà D5 trong Đại học Hà nội ngày nay. Với 10 mét vuông nhưng chúng tôi lạc quan nói là 30 mét khối.

Cả gia đình tôi nhịn ăn, nhịn mặc, dịch sách.

Tôi còn làm thơ nữa: Một chiếc bánh mỳ cũng hết trọn ngày lương/Em chịu nhịn trưa một mình thầm khóc/Trách cơn mưa cuối mùa sao mà ác/Ướt em rồi ướt cả cạp lồng cơm…
Du học sinh: Về hay ở? (Nguồn: VTV)
- Nếu tìm cách ở lại nước ngoài thời điểm đó, có khi ông đã có những thành tựu lớn hơn trong sự nghiệp?

Ai mà biết được. Ít ra thì trong một số bạn bè tôi quen biết đang làm việc ở nước ngoài, chưa ai làm đến chức Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch trường đại học cả.

Tôi có anh bạn cũng làm đến chức Hiệu trưởng  - nhưng là Hiệu trưởng trường dạy lái xe ô tô ở Hungary. Tôi mà  ở nước ngoài thì biết đâu ngay cái chức Hiệu trưởng trường dạy lái xe cũng không làm nổi.

- Vấn đề về hay ở của du học sinh nói chung, nhân tài nói riêng là vấn đề không mới nhưng vì sao gần đây lại được tranh luận gay gắt sau sự việc lùm xùm của giảng viên Doãn Minh Đăng và ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ?

Tôi nghĩ là do trùng hợp thôi, vì không có việc liên quan đến anh Đăng, và không có thông tin về 3 tỷ USD du học hàng năm thì thực trạng này vẫn đang tồn tại.
Lê Vũ Hoàng, quán quân  Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 6 hiện đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Úc.
Lê Vũ Hoàng, quán quân "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 6 hiện đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Úc. 

- Trong kỳ họp quốc hội vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cũng phải đặt câu hỏi giữa hội trường QH “12/13 nhà vô địch Olympia không về nước làm việc có khiến chúng ta  trăn trở  không?”. Dù họ không đi du học bằng ngân sách nhà nước nhưng ông thấy thực trạng  này có đáng báo động?

Đi du học  và sau đó rất nhiều bạn ở lại không về thì hiển nhiên là đất nước có vấn đề. Trách nhiệm thuộc về ai thì những người đó phải trăn trở nhiều hơn.

Chẳng hạn nếu tại một địa phương, người tài cứ đi không về thì trước hết các tân Bí thư, tân Chủ tịch mới được bầu phải băn khoăn trăn trở tìm lời giải.

Băn khoăn của lãnh đạo khác băn khoăn của phụ huynh, và băn khoăn của người dân nói chung.

- Người xưa thường nói “Đất lành thì chim đậu”.Vì vậy, khi cơ chế còn nhiều bất cập thì họ chưa về cũng là điều dễ hiểu?

Việc thay đổi cơ chế để “chim” về đậu nhiều hơn thì trách nhiệm trước hết là của lãnh đạo.

Làm sao cho đất lành hơn, để “chim Việt” tụ về một cách hồ hởi, tự nguyện.

Khi “đất chưa lành” nhiều, một số “chim Việt” đang đậu đâu đó mưu cầu hạnh phúc là thông cảm được.
TS Lê Trường Tùng cho rằng những nhà lãnh đạo cần có biện pháp để thu hút nhân tài nhiều hơn nữa để Việt Nam thực sự là miền đất lành
TS Lê Trường Tùng cho rằng những nhà lãnh đạo cần có biện pháp để thu hút nhân tài nhiều hơn nữa để Việt Nam thực sự là miền "đất lành" 

- Vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã khởi kiện hàng loạt nhân tài và những người này cũng đang không biết lấy tiền đâu ra để đền cho ngân sách thành phố. Phải chăng những sự việc như thế này sẽ càng khiến nhân tài sợ về Việt Nam?

Tôi cho rằng nhân tài không đền được tiền theo thỏa thuận đã ký thì tốt nhất làm việc vài năm để hoàn thành nghĩa vụ với thành phố Đà nẵng.

Tôi nghĩ sau những gì xảy ra, lãnh đạo Đà nẵng cần lựa chọn người cử đi học kỹ hơn, đặt mục tiêu 2/3 số người mình cử đi sau này thành tài về phục vụ là thành công rồi.

Đồng thời, thành phố Đà Nẵng cũng cần có cơ chế chấp nhận ai có điều kiện học cao hơn thì cho học tiếp chưa cần thực hiện nghĩa vụ cống hiến cho thành phố ngay.

Đà Nẵng cần xem thành công học vấn của cá nhân cử đi cũng là thành tích của địa phương.

Với các cá nhân được cử đi, cần xác định rõ nghĩa vụ của mình để sau này khỏi mang tiếng không chỉ ảnh hưởng đến tên tuổi của mình mà còn để tiếng không hay cho cả gia đình, người thân.

- Nhân tài thì nghĩ lo trước hết cho gia đình còn nhiều người lại cho rằng phải cống hiến cho đất nước. Phải chăng có sự mâu thuẫn ở đây?

Mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc. Phải thành thật mà nói khái niệm “hạnh phúc” và “cống hiến cho đất nước” không phải bao giờ cũng trùng nhau.

- Một CEO nổi tiếng trong giới trẻ cho rằng, nếu là nhân tài thực sự thì sẽ luôn tìm kiếm được cơ hội ở bất kể nơi đâu, dù đó là ở Việt Nam?

Thế giới đang ở giai đoạn phát triển nhanh nên cơ hội có ở mọi nơi. Tuy nhiên theo tôi ở Việt Nam, nếu có tài vừa vừa thì dễ có cơ hội, còn rất tài thì khó hơn nhiều.

Có tài vừa vừa có thể có cơ hội ở Việt Nam bằng cách núp bóng ai đó tài hơn, hoặc khởi tạo một doanh nghiệp quy mô vừa phải với độ an toàn cao.

Rất tài về kinh tế-công nghệ-nghệ thuật thì còn bị cơ chế chưa hoàn toàn minh bạch kìm hãm, hoặc xã hội chưa phát triển ở mức sẵn sàng đón nhận.

Tuy nhiên cũng phải thấy một điều là khi tài vừa vừa – hoặc ngay cả không có tài, thì ở một số nước cũng có nhiều cơ hội thu xếp cuộc sống dễ dàng hơn và dễ chịu hơn.

- Nhiều người cho rằng cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa thì không cần đặt vấn đề về hay ở nhưng liệu Việt Nam có những Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn… hay không nếu những vị này ở Việt Nam làm việc?

Vẫn có những “nhân tài nội địa” vang danh toàn cầu như Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird đấy thôi.

Tất  nhiên Ngô Bảo Châu mà không đi tu nghiệp ở Pháp, ở Mỹ thì không có Ngô Bảo Châu gắn tên tuổi với Bổ đề Cơ bản như bây giờ.

Nhưng biết đâu lại có Ngô Bảo Châu khác ở Việt nam hoành tráng hơn, chẳng hạn cùng Giáo sư Hồ Ngọc Đại triển khai Công nghệ giáo dục không chỉ ra các tỉnh thành Việt nam mà ra vài chục nước – được quốc tế công nhận thành tựu và trao tặng giải thưởng WISE - giải “Nobel giáo dục” hàng năm cho giáo dục trị giá 500 ngàn USD .

- Nếu con của ông và những sinh viên hoàn thành việc du học thì ông sẽ tư vấn cho họ thế nào trước quyết định về hay ở? Rõ ràng là lúc đó ông phải đưa ra lời khuyên cụ thế chứ không thể nói theo kiểu “ở cũng được, về cũng được”?

Tôi tôn trọng quyết định của con và của sinh viên. Các thế hệ khác nhau có cách nhìn khác nhau về hiện tại, tương lai. Kinh nghiệm của thế hệ đi trước chưa chắc phù hợp với thế hệ sau.

Đúng là tôi sẽ nói “về cũng được, mà ở cũng được”, vì về hay ở cuối cùng là việc của các con, của các em sinh viên chứ không phải của tôi. 

Mong muốn của tôi nếu có cuối cùng cũng chỉ là mong muốn của tôi, không phải của các em.

Tôi sẽ cố gắng cung cấp thông tin mà tôi có được, về thì có gì hay gì dở, ở lại có gì dở gì hay, các em sẽ quyết dựa vào các thông tin này và các thông tin khác mà các em có được.

Tôi chỉ khuyên về hay ở là quyết định quan trọng, cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định, và về hay ở là vì các em trước hết, đừng quyết định nhân danh cái gì đó xa xôi, mơ hồ.

Mà chắc gì tất cả các em đều xem chuyện về hay ở là quan trọng, nay về, mai ở, rồi hôm sau lại về, cũng đâu có sao…

Xin cảm ơn ông!


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn