Nhiều người bỏ họp, hội trường HĐND vắng tanh: Đại biểu TP.HCM lên tiếng

Thời sựThứ Năm, 10/12/2015 03:00:00 +07:00

Đại biểu HĐND TP.HCM đã lên tiếng về việc nhiều đại biểu bỏ họp tại buổi họp HĐND chiều 9/12.

(VTC News) – Đại biểu HĐND TP.HCM đã lên tiếng về việc nhiều đại biểu bỏ họp tại buổi họp HĐND chiều 9/12.

Ngày 10/12, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Từ Minh Thiện – Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (thuộc UBND TP.HCM) tại cuộc họp HĐND VIII, lần thứ 20, nhiệm kỳ 2011 - 2016.

- Tại buổi họp HĐND TP.HCM chiều qua (9/12) có nhiều đại biểu, khách mời vắng mặt, hội trường vắng tanh khiến nhiều cử tri băn khoăn, quan điểm của ông thế nào?

Qua báo chí phản ánh, tôi có biết và thiết nghĩ có thể các đại biểu bận việc, giải quyết các vấn đề khác của cá nhân hay đơn vị nên vắng mặt.

Tuy nhiên, việc vắng mặt có thể ảnh hưởng ít nhiều đến việc biểu quyết, đóng góp ý kiến, lắng nghe chỉ đạo cấp trên không được sâu sát, dẫn đến việc triển khai các vấn đề về sau chưa chuẩn hoặc không đúng theo quan điểm chỉ đạo.

- Có ý kiến cho rằng, những đại biểu vắng mặt là những người không có vai trò, nhiệm vụ hoặc ít tầm ảnh hưởng trong HĐND TP.HCM?

Đã là đại biểu trong HĐND thì họ đều có vai trò như nhau, không thể có suy nghĩ như vậy được. Họ là đại diện tiếng nói, ý chí, tâm tư, nguyện vọng của người dân nên họ dù thế nào đi nữa cũng đều quan trọng, có tầm ảnh hưởng đến xã hội, đến người dân TP.HCM.

 Đại biểu Từ Minh Thiện. Ảnh: Phan Cường

- Ông đánh giá thế nào về những vấn đề đưa ra chất vấn trong kỳ họp HĐND TP.HCM lần này?

Tại TP.HCM, chất vấn và trả lời chất vấn đã có được qua mấy nhiệm kỳ rồi. Trong nhiệm kỳ này có nhiều nguyện vọng của người dân được chuyển đến hội đồng. Về cách điều hành, chủ tọa HĐND đã có cách điều hành linh hoạt, làm tốt công việc điều phối.

Vấn đề chất vấn của đại biểu có trách nhiệm hơn và đi sâu hơn, đi tới cùng vụ việc. Ví dụ, các giám đốc Sở khi trả lời đại biểu mà đi chệch vấn đề, chưa đúng theo yêu cầu cử tri đại biểu thì bị chủ tọa “lái” đi vào trọng tâm, đúng hướng hơn.

Hôm nay có đến mấy chục câu hỏi đưa ra có giám đốc Sở quên hay trả lời chưa đúng thì chủ tọa bám theo vấn đề đó buộc trả lời cho đúng mà đại biểu, cử tri quan tâm.

Về mặt cơ bản thì đáp ứng được, ngày một thỏa đáng. Tuy nhiên thành phố lớn quá, có những vấn đề phức tạp phải có sự nghiên cứu, cần có thời gian, nếu trả lời ngay tại hội trường cũng có những cái chưa hết. Vấn đề nào nắm sát thì các vị lãnh đạo trả lời ngay, còn không có thì nên trả lời bằng văn bản cho đại biểu.

- Ông mong muốn gì ở thế hệ lãnh đạo kế thừa của thành phố trong thời gian tới? 

Những người cán bộ, lãnh đạo được nhân dân bầu cần phải có trách nhiệm, có tầm nhìn, có tâm để thực hiện được nhiệm vụ rất quan trọng của TP, không chỉ về kinh tế mà còn nhiều mặt như văn hóa – giáo dục – chính trị… 

Lãnh đạo và cấp dưới phải cùng nhau đoàn kết, chỉ huy được các Sở - Ngành làm sao rút ngắn được chính sách phù hợp với thực tế xã hội. Hiện nay, trong từng vấn đề ở TP.HCM, tôi thấy đang thiếu 1 vị nhạc trưởng, đứng ra điều khiển dàn nhạc làm sao bắt nhịp cho hài hòa, không lệch nhịp.

 Sáng nay (10/12) đã có đông đại biểu đến tham dự họp HĐND TP.HCM. Ảnh: Phan Cường
- Gần đây, ở nghị trường Quốc hội có lên án một số hiện tượng như tư duy nhiệm kỳ, những chuyến tàu vét cuối cùng...Theo ông, ở TP.HCM có hiện tượng này hay không? 

Theo cá nhân tôi, tư duy nhiệm kỳ không chỉ có ở Việt Nam mà các quốc gia khác đều có, chỉ có nhiều hay ít thôi.

Điều này có thể xảy ra, những vị lãnh đạo hoạt động trong 1 giai đoạn nhất định nào đó, muốn khẳng định dấu ấn cá nhân, bằng nỗ lực cá nhân, tuy nhiên cũng có vị về khả năng, tư duy còn hạn chế vì vậy cũng để lại ít hay nhiều “tư duy nhiệm kỳ”, “đáp cánh an toàn”.

Do đó, cách làm tốt nhất của lãnh đạo nhiệm kỳ tới là làm sao thực hiện việc công được tốt nhất, hiệu quả nhất, nhiều nhất, hạn chế tối đa tư duy nhiệm kỳ để người dân an tâm, tin tưởng.

- Có nhiều ý kiến nêu một số trường hợp người đi trước về hưu, "đáp cánh an toàn" để lại hậu quả người đi sau, ông nhìn nhận việc này thế nào?

Nếu ai đi trước làm được thì người dân ghi nhớ công lao, ngược lại không làm được hoặc để xảy ra sai phạm tiêu cực thì có pháp luật giải quyết, xử lý; nếu vi phạm về đạo đức thì bản thân họ cũng bị lương tâm cắn rứt, xã hội lên án, người dân nhìn bằng ánh mắt khác.

Ngoài ra, các vị đó còn sự giám sát ở trên nữa, nếu anh ở dưới vi phạm mà về hưu thì cũng phải chịu sự truy ngược lại nguồn gốc trách nhiệm xem lại những quyết định trực tiếp, gián tiếp, đơn vị nào chịu trách nhiệm liên đới chứ không thể để chìm xuồng hay đáp cánh an toàn được, làm như vậy nhân dân ngày càng tin tưởng hơn ở Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

TP.HCM còn nhiều vấn đề lớn tồn tại, mong muốn cái tốt đến, đẩy lùi cái xấu đó là nguyện vọng chính đáng người dân thành phố. Cần minh bạch, công khai, dân chủ, tạo cơ hội sòng phẳng cho tất cả người dân trong xã hội, nhằm mang đến chất lượng cuộc sống tốt cho người dân về mọi mặt, thành phố phải xứng đáng tên gọi “hòn ngọc Viễn Đông”.

- Xin cảm ơn ông!

Huy Cường (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn