Nhiều khuất tất sau vụ cháy chợ Hải Hà,180 gian hàng bị thiêu rụi

Bạn đọcThứ Sáu, 04/07/2014 08:02:00 +07:00

(VTC News) - Đang phát sinh mâu thuẫn do chuyển chợ cũ sang Trung tâm thương mại (TTTM), một vụ hỏa hoạn xảy ra thiêu rụi 180 gian hàng.

(VTC News) - Đang phát sinh mâu thuẫn do chuyển chợ cũ sang Trung tâm thương mại (TTTM), một vụ hỏa hoạn xảy ra thiêu rụi 180 gian hàng.  

TTTM vắng như chùa bà Đanh đành chuyển thành chợ dân sinh?  

Theo phản ánh của các tiểu thương, chợ trung tâm Hải Hà (thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, Quảng Ninh) được xây dựng đi vào hoạt động đã hơn 20 năm, trở thành chợ truyền thống của huyện miền đông tỉnh Quảng Ninh với hơn 600 hộ tiểu thương buôn bán.

Năm 2008, tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của huyện đến năm 2010 định hướng đến năm 2020, trong đó có việc nâng cấp chợ trung tâm Hải Hà, nhưng việc nâng cấp chợ trung tâm Hải Hà chỉ có trên giấy.

cháy chợ, Trung tâm thương mại, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, thiểu thương
Một góc chợ truyền thống trung tâm Hải Hà, thị trấn Quảng Hà (Hải Hà, Quảng Ninh) - Ảnh: MK 

Thay vào đó, từ tháng 9/2010, một khu đô thị TTTM của Công ty TNHH Đức Dương được khởi công xây dựng trên đường Hoàng Hoa Thám, con đường tránh thị trấn Quảng Hà. Đến tháng 10/2011, TTTM cao 3 tầng nằm bên khu đô thị mới của doanh nghiệp này hoàn thành nhưng bỏ hoang không có người buôn bán.

cháy chợ, Trung tâm thương mại, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, thiểu thương
Chợ Trung tâm thương mại của Công ty Đức Dương xây dựng khang trang, hiện đại nhưng 'vắng như chùa Bà Đanh' - Ảnh: MK 

Đến ngày 8/6/2012, các tiểu thương chợ trung tâm Hải Hà ngỡ ngàng nhận được thông báo từ chính quyền huyện yêu cầu họ tới bàn bạc để di chuyển sang họp chợ tại TTTM của Công ty Đức Dương trong khi họ vẫn đang yên ổn buôn bán tấp nập. Vì từ ngày 28/5/2012, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cho phép TTTM đổi tên thành Chợ Trung tâm Hải Hà mới thay thế chợ cũ.

Cuộc họp bàn giữa chính quyền, doanh nghiệp và hơn 200 tiểu thương đã không đi đến thống nhất vì tiểu thương không chấp thuận. “Lý do mà chúng tôi phản đối vì đó là Trung tâm thương mại, không phù hợp làm chợ dân sinh, khi xây dựng chẳng ai thông báo lấy ý kiến tiểu thương cả. Chợ dân sinh mà tống lên tầng 2, tầng 3 làm sao bán được. Đã thế giá lại cao khoảng 130 nghìn đồng/m2, trong khi ở chợ cũ này chỉ 22 nghìn/m2” - bà Ngọc nói.

Chị Lâm Thị Lượt, một tiểu thương bán đồ gia dụng cho hay, ngay tại cuộc họp bàn chuyển chợ, do chị lên tiếng phản đối đã bị một người mà theo chị là bảo vệ doanh nghiệp tát tai cảnh cáo.

cháy chợ, Trung tâm thương mại, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, thiểu thương
Các ki - ốt xây dựng lên nhưng đóng cửa im lìm vì không có tiểu thương kinh doanh - Ảnh: MK 

Sau cuộc họp bàn bất thành, tiểu thương liên tục kiến nghị huyện để họ được ở chợ cũ kinh doanh chứ không muốn vào bán hàng ở TTTM vì không phù hợp. Huyện ra thông báo sẽ chuyển chợ, đồng thời chỉ đạo Ban quản lý chợ không ký hợp đồng với tiểu thương.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy cũng ra văn bản với nội dung: “Nếu các hộ kinh doanh tại chợ cũ không đăng ký kinh doanh tại chợ mới nghĩa là các hộ đó không còn nguyện vọng kinh doanh tiếp”.

Tới ngày 24/9/2012, hàng trăm tiểu thương đã thuê xe ô tô kéo vào tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị tỉnh can thiệp. Sau 2 ngày 2 đêm gây sức ép, sáng 26/9/2012, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định tạm dừng việc ép tiểu thương vào chợ mới, đồng thời lập đoàn thanh tra Dự án TTTM. Tiểu thương ra về tiếp tục buôn bán ở chợ cũ.  

cháy chợ, Trung tâm thương mại, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, thiểu thương
Vì sao chợ đẹp, hiện đại nhưng dân lại không sang kinh doanh? - Ảnh: Mk 

Chuyển chợ chưa thành thì xảy ra hỏa hoạn  

Trong khi người dân tiếp tục buôn bán tại chợ cũ theo chỉ đạo của tỉnh thì hồi 19h ngày 25/10/2013, tại khu C của chợ xảy ra vụ hỏa hoạn thiêu rụi toàn bộ hàng hóa của 180 quầy hàng ở đây. Nhiều quầy đã đóng cửa, chợ đã cắt điện nhưng người ta thấy có 3 điểm bị cháy, đầu tiên là khu quầy nhà bà Thù Thị Phương rồi đến 2 điểm khác. Ngọn lửa từ dưới bốc lên nhanh chóng lan ra các quầy hàng khác.

Khi xe cứu hỏa tới nơi thì các quầy hàng đã cháy lớn, đến khi ngọn lửa được dập tắt vào lúc quá nửa đêm thì toàn bộ hàng hóa của 180 ki-ốt chỉ còn là đống tro tàn. Tiểu thương ước tính thiệt hại ít nhất cũng phải lên tới hơn chục tỷ đồng. Huyện nói bà con tự khắc phục ổn định làm ăn, dân khấp khởi làm lại quầy, lấy hàng về bán.

cháy chợ, Trung tâm thương mại, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, thiểu thương
Sau khi bị cháy 180 ki - ốt, người dân lại phải huy động vốn, xây dựng lại quầy hàng để tiếp tục cuộc mưu sinh - Ảnh MK 

Trong khi người dân đặt nghi vấn có kẻ nào đó đốt chợ bởi điện đã được cắt thì không thể do chập điện nhưng ngày 6/12/2013, huyện ra thông báo cho biết cơ quan công an xác định cháy chợ do chập điện. Cùng ngày, huyện cũng thông báo tổ chức đối thoại, tiếp tục di chuyển tiểu thương sang TTTM của Công ty Đức Dương.

Nhưng ngày 9/12/2013, chỉ có khoảng 40 tiểu thương tham dự buổi đối thoại, còn hơn 200 tiểu thương kéo lên Trung ương kiến nghị. Cuộc đối thoại ngày 14/12/2013, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thông đã chỉ đạo huyện Hải Hà không được dùng biện pháp thúc ép dân sang chợ mới mà phải để dân tự nguyện.

Theo đó, vẫn duy trì 2 chợ, giao UBND huyện tiếp tục ký hợp đồng kinh doanh với tiểu thương, đồng thời báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về đề nghị giữ lại chợ cũ của tiểu thương.  

Di chuyển không thành đành “vẽ” ra dự án  

Cuối tháng 12/2013, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan chức năng phải giải quyết thỏa đáng kiến nghị chính đáng của dân đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; Xây dựng phương án quản lý cả chợ cũ và chợ mới đảm bảo công khai, minh bạch để người dân so sánh, lựa chọn phương án quản lý chứ không có chỉ đạo xóa chợ cũ, dồn dân sang họp chợ mới.

Cơ quan chức năng làm rõ kiến nghị nghi vấn của dân; chấn chỉnh hoạt động của Công ty Đức Dương trong tổ chức quản lý kinh doanh chợ; thái độ với dân.  

cháy chợ, Trung tâm thương mại, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, thiểu thương
Sau khi thúc ép dân chuyển sang kinh doanh chợ mới bất thành, huyện đề xuất tỉnh phê duyệt Dự án xây dựng công viên cây xanh trên nền chợ cũ và đương nhiên phải 'xua' dân đi mới có mặt bằng xây dựng - Ảnh: MK  

Sau nhiều lần đối thoại bất thành, ngày 15/5/2014, hàng trăm tiểu thương mang theo băng rôn, biểu ngữ diễu hành từ chợ vào trụ sở UBND huyện đề nghị không bắt dân phải di dời sang chợ mới. Buổi chiều, tiểu thương đã chặn cửa không cho chủ tịch rời khỏi phòng, chặn xe ô tô… Ít ngày sau, 6 phụ nữ đã bị bắt về hành vi gây rối và chống người thi hành công vụ.

Từ tháng 5 đến nay, loa phóng thanh phát oang oang hối thúc dân di chuyển sang chợ mới. Khu đất chợ cũ dành để xây dựng quảng trường công viên cây xanh. Đa số tiểu thương vẫn quyết bám chợ cũ. Ngày 26/6 là hạn chót để chấm dứt hoạt động tại chợ cũ để chuyển sang chợ mới.

Tối 25/6, hàng trăm tiểu thương tập trung ở các lối vào chợ, họ muốn giữ lại để tiếp tục kinh doanh ở chợ này. Suốt đêm các tiểu thương trải chiếu ngồi, nằm trong căn chợ cũ mà chính quyền định làm quảng trường. Sáng 26/6, điện các quầy hàng không được đóng, dân phải đốt đèn ắc quy để lấy ánh sáng bán hàng.

cháy chợ, Trung tâm thương mại, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, thiểu thương
Bao mồ hôi, nước mắt, tiền của của dân đầu tư xây dựng để kinh doạnh tại chợ cũ truyền thống liệu có dễ bỏ đi? - Ảnh: MK 

Mới đây, trong buổi làm việc với báo chí, ông Kim Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND huyện Hải Hà, cho biết việc hối thúc dân di chuyển sang chợ mới được huyện thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh. Ngày 12/6, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản ủy quyền cho huyện triển khai việc di chuyển tiểu thương sang chợ mới. Huyện Hải Hà đã ra quyết định phê duyệt phương án di dời chợ. Theo đó, việc di dời sẽ hoàn tất trong tháng 6.

Theo ông Chiến, việc di chuyển tiểu thương để huyện lấy 2,5 ha đất chợ cũ thực hiện Dự án xây dựng quảng trường cây xanh theo quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 6/2013, sau một năm “ép” tiểu thương sang chợ mới không có kết quả…

cháy chợ, Trung tâm thương mại, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, thiểu thương
600 hộ tiểu thương đang kinh doanh yên ổn tại chợ cũ, gắn với cuộc sống của 600 hộ gia đình, giờ họ đang như ngồi trên đống lửa - Ảnh: MK  

Chưa biết vụ việc này sẽ đi đến đâu, chỉ biết rằng hiện hàng trăm hộ tiểu thương này đang như ngồi trên đống lửa. Dư luận đang đặt ra câu hỏi vì sao Dự án xây dựng Quảng trường cây xanh trên nền chợ cũ không được quy hoạch cùng với thời điểm xây dựng TTTM của Công ty Đức Dương? Chỉ đến khi TTTM hoạt động không hiệu quả, đành vận động, thúc ép dân sang họp chợ ở đây bất thành thì mới “vẽ” ra Dự án quảng trường cây xanh trên nền chợ cũ để ép dân phải bỏ chợ cũ để sang họp chợ mới tại TTTM Đức Dương?

Nếu việc làm của chính quyền huyện và doanh nghiệp hợp lòng dân, có lợi cho dân thì tại sao gần 600 hộ tiểu thương lại ký vào một bản danh sách dài phản đối chuyển chợ cũ sang chợ mới?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn