Nhiều giáo viên khẳng định đề thi môn Ngữ văn có sự nhầm lẫn, thiếu chặt chẽ

Giáo dụcThứ Ba, 26/06/2018 15:10:00 +07:00

Nhiều giáo viên Ngữ văn nhận định, có sự nhầm lẫn trong kiến thức giữa yếu tố tự nhiên và thành phần tự nhiên trong câu hỏi phần Đọc hiểu, đề thi Ngữ văn còn khiên cưỡng, thiếu chặt chẽ.

Nghi vấn đề thi có sai sót?

Theo đó, câu 2 phần Đọc hiểu yêu cầu: “Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến các yếu tố nào thuộc tiềm lực tự nhiên của đất nước?”.

ThS. Địa lí Lê Thị Lợi, trường THPT Nhân Việt, TP.HCM cho biết, “hai khái niệm này, về cơ bản là tương đương nhau. Tuy nhiên, nếu xem xét kĩ thì yếu tố tự nhiên là tập hợp con của thành phần tự nhiên. Hay nói cách khác, khái niệm thành phần tự nhiên rộng hơn khái niệm yếu tố tự nhiên”, ThS Lợi chia sẻ.

“Khái niệm thành phần tự nhiên rộng hơn yếu tố tự nhiên. Chẳng hạn như, khí hậu thuộc thành phần tự nhiên, còn mưa, nhiệt độ, gió là yếu tố tự nhiên. Cách hỏi của đề văn là chưa chính xác, vì khoáng sản thuộc thành phần tự nhiên”, thầy Dương Vũ Trường, nhóm trưởng bộ môn Địa lí trường THPT Bình Hưng Hòa, TP.HCM phân tích.

de-thi-mon-van-vtc

 Nhiều giáo viên cho rằng đề thi môn Ngữ văn chưa thật chặt chẽ, làm khó thí sinh.

Đề thi còn khiên cưỡng, thiếu chặt chẽ

ThS Ngữ văn Trần Nguyệt Nga, trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM nhận định: “Nhìn một cách tổng thể về đề thi thì những tranh cãi về khái niệm địa lí không quá quan trọng, vì thí sinh có thể hiểu và làm được bài. Đặc thù của văn chương là có tính ẩn dụ chứ không phải như ngôn ngữ khoa học”.

“Tuy nhiên, câu Nghị luận văn học quá khiên cưỡng, đến giáo viên còn cảm thấy mơ hồ thì không biết học sinh sẽ làm bài như thế nào. Đã gọi là liên hệ so sánh thì phải có yếu tố tương đồng, đằng này đề thi yêu cầu liên hệ sự đối lập giữa “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu) và "Hai đứa trẻ" (Thạch Lam) thì không mấy ăn nhập. Lẽ ra, đề thi nên hỏi về giá trị nhân đạo thì sẽ hay hơn và hướng học sinh nhận thức rõ được vấn đề chân, thiện, mĩ trong cuộc sống”, ThS. Nga trăn trở.

Cùng quan điểm, Thầy Nguyễn Việt Đức, giáo viên luyện thi Ngữ văn trường THPT Diên Hồng, Quận 10, TP.HCM tỏ ý không hài lòng khi cho rằng: "Câu Nghị luận xã hội mới xem tưởng dễ lấy 2 điểm. Nhưng đọc kĩ lại mông lung".

"Đề cũng không quá phức tạp theo như học sinh và dư luận đánh giá. Vấn đề tranh cãi chủ yếu ở câu Nghị luận văn học là có cơ sở vì cách hỏi thiếu chặt chẽ. Nhưng nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả thì có lẽ ít học sinh nói được", ThS. Cao Thị Nhân An, giáo viên giảng dạy Ngữ văn trường THPT Bình Hưng Hòa, Quận Bình Tân, TP.HCM nhận xét.

Đề thi môn Văn cụ thể như sau:

de-thi-van

 

PHAN THẾ HOÀI
Bình luận
vtcnews.vn