Nhiều giải pháp bảo đảm quyền lợi người tham gia BHXH, BH thất nghiệp

Sức khỏeThứ Ba, 28/05/2019 17:59:00 +07:00

Đó là khẳng định của Chính phủ tại Báo cáo số 193/BC-CP gửi Quốc hội về việc bảo đảm quyền lợi của người lao động theo quy định tại khoản 7 Điều 10 Luật BHXH.

Theo đó, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành có nhiều biện pháp để từng bước khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp mang lại kết quả tích cực.

NLD 01_20180802101215AM

Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều biện pháp đảm bảo quyền lợi cho người lao động về BHXH, BH thất nghiệp 

Báo cáo nhận định, tình trạng chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp tại các doanh nghiệp đang có xu hướng giảm hàng năm nhưng tổng số tiền chậm đóng vẫn còn cao gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 10/2018, số nợ BHXH, BH thất nghiệp phải tính lãi toàn quốc là 6.760 tỷ đồng. Riêng doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ bỏ trốn tính đến tháng 9/2018 là 2.270 doanh nghiệp với số nợ BHXH, BH thất nghiệp phải tính lãi khoảng 147 tỷ đồng.

Về nguyên nhân của thực trạng này, Chính phủ nhận định:

- Về quản lý nhà nước: Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp được đẩy mạnh nhưng còn chưa thật hiệu quả đối với BHXH tự nguyện; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp chưa được thường xuyên; việc xử lý vi phạm pháp luật về BHXH BH thất nghiệp, trong đó, có hành vi chậm đóng tiền BHXH BH thất nghiệp ở nhiều nơi còn chưa nghiêm; sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền một số địa phương.

- Về tổ chức thực hiện: Thông tin về quá trình đóng BHXH, BH thất nghiệp đến người lao động chưa thường xuyên, kịp thời; công tác phối hợp trong quản lý đối tượng tham gia, theo dõi, đôn đốc và xử lý nợ còn chưa hiệu quả.

Về phía doanh nghiệp và người lao động: Ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, phá sản, chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam. Ngoài ra, người lao động còn thiếu thông tin về việc đóng tiền BHXH, BH thất nghiệp của mình hoặc do áp lực việc làm nên không dám đấu tranh với người sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi của mình; nhiều nơi chưa có tổ chức công đoàn hoặc có tổ chức công đoàn nhưng chưa đấu tranh mạnh mẽ với người sử dụng lao động để thực hiện vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.

Về quy định của pháp luật: Từ năm 2016, Luật BHXH quy định tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động. Tuy nhiên, do có vướng mắc trong quy trình tố tụng nên việc khởi kiện của tổ chức công đoàn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, Luật BHXH năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung tăng tính tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH để bảo đảm quyền lợi cho người lao động như: quy định về quyền của người lao động định kỳ được cung cấp thông tin về đóng BHXH; quyền thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH của cơ quan BHXH; tổ chức công đoàn khởi kiện ra Toà án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; tăng mức lãi đối với số tiền chậm đóng BHXH…

Bên cạnh các quy định nêu trên, thực hiện quy định tại khoản 7 Điều 10 Luật BHXH, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Cụ thể, quy định cho phép các doanh nghiệp đang gặp khó khăn còn chậm đóng tiền BHXH, BH thất nghiệp được đóng riêng cho từng người lao động để kịp thời giải quyết quyền lợi cho người lao động hưởng các chế độ BHXH hoặc ghi nhận quá trình đóng BHXH cho người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết các chế độ BH thất nghiệp hoặc tiếp tục tham gia BHXH tại các đơn vị doanh nghiệp mới.

Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT; Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội bổ sung tội trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp trong Bộ luật hình sự năm 2015; ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng cho các địa phương.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều văn bản gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật BHXH. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Thanh tra ngành LĐ-TB&XH tiến hành 2.226 cuộc cuộc thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp; thực hiện lồng ghép các cuộc thanh tra về pháp luật lao động là 2.767 cuộc (ban hành 40.529 kiến nghị và ban hành 1.054 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 20,9 tỷ đồng)

Ngành BHXH thực hiện 1.643 cuộc thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp tại 4.006 đơn vị sử dụng lao động; 4.852 cuộc kiểm tra tại 10.055 đơn vị sử dụng lao động (Tổng số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ trước khi có quyết định là 2.776 tỷ đồng; trong và sau thời gian thanh tra, số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp là gần 1.464 tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi nợ là 52,7%).

Các biện pháp thực hiện nêu trên từng bước hạn chế tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp, số nợ giảm hơn so với những năm trước; quyền lợi của người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp đang nợ đóng BHXH, BH thất nghiệp được giải quyết kịp thời hơn.

Thời gian tới, Chính phủ xác định, tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH, tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp, đặc biệt là những trường hợp chậm đóng trong thời gian dài.

Trong đó, tập trung vào các giải pháp nhằm nắm bắt, quản lý được đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, BH thất nghiệp; xây dựng ứng dụng tra cứu thông tin về BHXH trên thiết bị di động nhằm cung cấp kịp thời thông tin đóng, hưởng BHXH, BH thất nghiệp tới người lao động; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH của cơ quan BHXH; nghiên cứu, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn và các cơ quan liên quan thực hiện việc khởi kiện, khởi tố các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng, gian lận BHXH, BH thất nghiệp.

Tiến hành rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, có chủ bỏ trốn để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động một cách toàn diện, thận trọng và đề xuất quá trình sửa đổi Luật BHXH và các luật khác có liên quan, đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH./.

Phạm Chính
Bình luận
vtcnews.vn