Nhiều dự án tại Mê Linh bị bỏ hoang: Doanh nghiệp muốn làm nhưng cũng trầy trật

Kinh tếThứ Sáu, 29/03/2019 12:32:00 +07:00

Do vướng mắc về quy hoạch, chính sách đất dịch vụ và hạ tầng nên nhiều doanh nghiệp dù muốn triển khai dự án cũng đành bất lực.

Muốn làm cũng không xong

Trong khi nhiều dự án tại Mê Linh bị bỏ hoang nhiều năm do chủ đầu tư không đủ năng lực, thị trường bất động sản đi xuống, thì nhiều chủ đầu tư dù muốn thực hiện nhưng cũng không phải dễ dàng.

Dự án khu đô thị Phúc Việt (Mê Linh) có diện tích 32 ha, chủ đầu tư dự án đã chuẩn bị mọi nguồn lực từ máy móc, vật liệu, sắt thép…để làm hạ tầng toàn bộ dự án.

Tuy nhiên, đã 7 năm trôi qua, doanh nghiệp không thể triển khai do vướng điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố.

dia4

Nhiều chủ đầu tư muốn triển khai dự án nhưng gặp nhiều vướng mắc.

Năm 2015, quy hoạch chung mới được thông qua, doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch 1/500 cho dự án. Cho đến thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chưa được phê duyệt quy hoạch. Vì vậy, dự án vẫn án binh bất động mặc sắt thép hoen gỉ, máy móc đắp chiếu, gạch ngói bị rêu mốc.

Ông Lê Văn Thắng, chủ đầu tư dự án Phúc Việt cho biết, huyện Mê Linh đang yêu cầu các doanh nghiệp phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhà trẻ mẫu giáo để người dân về ở. Thế nhưng, 5 năm gửi hồ sơ lên sở Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đề nghị phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho dự án để phù hợp với quy hoạch phân khu, nhưng giờ vẫn chưa xong.

“10 năm chúng tôi vẫn phải thuê đất của dân để lấy đường vào. Nguyên nhân là do theo quy hoạch khi còn ở Vĩnh Phúc, các dự án đều bám vào các tuyến đường lớn, nhưng đường mới chỉ trên kế hoạch, khi về Hà Nội cũng không ai làm. Chính vì thiếu hạ tầng, các doanh nghiệp không thể triển khai được dự án chứ không phải là chúng tôi không muốn làm” – ông Thắng nói.

Chồng chéo chính sách quy hoạch

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại, nhiều dự án bất động sản tại Mê Linh đang bị yêu cầu tính lại tiền sử dụng đất theo cách tính của Hà Nội, chứ không chấp nhận cách tính của tỉnh Vĩnh Phúc trước đây.

Việc này đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Thêm vào đó, có dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, giải phóng xong mặt bằng nhưng do Nhà nước thiếu đất dịch vụ nên khi doanh nghiệp mang máy móc vào triển khai thì bị người dân phản đối dẫn đến tiến độ bị chậm trễ.

Trong khi doanh nghiệp muốn phát triển dự án thì loay hoay với bài toán đầu tư khi chính sách thay đổi, thì bản thân các cơ quan chức năng cũng lúng túng, khi sợ làm sai. 10 năm chờ đợi đã khiến một số dự án thua lỗ, bỏ trốn, khiến cơ quan chức năng và cả người mua nhà muốn liên hệ cũng không tìm thấy đâu.

Người dân ở đây cũng cho biết là họ rất mong muốn Thành phố Hà Nội có câu trả lời đứt khoát về chính sách đất dịch vụ để bảo vệ quyền lợi của mình. Các doanh nghiệp cho rằng, nếu Hà Nội quyết liệt và trách nhiệm trong việc đẩy nhanh thủ tục hành chính, thì họ sẽ nhanh chóng hoàn thiện đưa dự án vào hoạt động.

Đại diện lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, nguyên nhân của các dự án chậm là do huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội vì vậy phải chờ điều chỉnh quy hoạch. Mặc dù năm 2008, Mê Linh chính thức về Hà Nội tuy nhiên các quy hoạch phân khu và chi tiết huyện mê linh phải cuối năm 2014 mới hoàn chỉnh và phê duyệt.

Do vậy, từ năm 2008 - 2014 thì các doanh nghiệp này phải dừng chờ điều chỉnh quy hoạch. Kể cả doanh nghiệp đã được Hà Nội cho triển khai cũng phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết.

Năm 2015, quy hoạch khung mới được phê duyệt, các doanh nghiệp bắt đầu điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Bên cạnh đó, do thị trường bất động sản của năm 2010-2015 đóng băng, không phát triển do vậy ảnh hưởng lớn đến việc triển khai dự án….

Mới đây, UBND huyện Mê Linh đã họp với toàn bộ các doanh nghiệp, các chủ đầu tư của các dự án đề rà soát và báo cáo thành phố xem xét hướng giải quyết sớm cho các dự án.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn