Nhiều đại biểu không tin giải pháp tăng phí với ô tô

Thời sựThứ Bảy, 10/12/2011 07:05:00 +07:00

(VTC News) - "Việc biểu quyết tăng lệ phí trước bạ và thuế đăng ký ô tô lên 20% chỉ có 61,5% ĐB thông qua, nó thể hiện nhiều ĐB không tin vào giải pháp này".

(VTC News) - “Việc biểu quyết tăng lệ phí trước bạ và thuế đăng ký ô tô lên 20% chỉ có 61,5% đại biểu thông qua, đây là tỷ lệ thông qua nghị quyết đạt yêu cầu nhưng rất thấp. Điều này thể hiện nhiều đại biểu, trong đó có tôi không tin tưởng lắm vào giải pháp này”, đại biểu Nguyễn Hoài Nam đánh giá.

Đấy là đánh giá của đại biểu Nguyễn Hoài Nam (bên lề kỳ họp thứ 3, HĐND TP hà Nội khoá XIV) về việc HĐND thông qua phương án tăng phí trước bạ, lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số đối với ôtô dưới 10 chỗ ngồi, xe máy trên 15 triệu, nhằm hạn chế xe cá nhân góp phần giảm ùn tắc giao thông.

“Người ta vẫn nói đây là một trong những giải pháp mà Chính phủ yêu cầu, nên chúng ta cứ làm thí điểm trước, còn hiệu quả đến đâu thì về sau sẽ đánh giá”, đại biểu Nam nói.

Theo Đại biểu Nam, tình trạng tắc đường do quy hoạch chưa tốt. Ảnh chụp trên đường Nguyễn Trãi.

PV - Hà Nội vừa quyết định tăng lệ phí lên 20%, chúng ta làm cách nào để ngăn chặn việc người Hà Nội ra các tỉnh ngoài để đăng ký?

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam: Hôm qua biểu quyết chỉ có 65% đại biểu ủng hộ, như vậy là có tới gần 40% các đại biểu đã nói không, nhưng việc thông qua Nghị quyết là phụ thuộc số đông, còn rõ ràng với quy định như vậy sẽ dẫn đến việc người ta có thể mượn, người ta có thể sang các tỉnh lân cận: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… làm thủ tục đăng ký, chỉ cần kèm một công chứng ủy quyền mất khoảng 150.000 đồng là được.

Chỉ trừ những đại gia thích biển Hà Nội thôi, còn lại những người lao động, có điều kiện một chút, người ta mua cái xe khoảng 700-800 triệu đồng, thì với số tiền tăng phí và thuế thì đây là vấn đề lớn, buộc người ta sẽ phải tính toán.

- Với các giải pháp hiện nay Hà Nội đang làm như phân làn, đổi giờ làm, tăng phí trước bạ… ông có kỳ vọng năm tới Hà Nội có thể giải quyết được ùn tắc giao thông không?

Tôi chắc chắn rằng sẽ không giảm, tất cả các biện pháp đó chỉ là những giải pháp cấp bách, tạm thời, chỉ hy vọng nó có một cái nào đó để nhắc nhở ý thức người tham gia giao thông. Còn bản chất muốn giảm ùn tắc giao thông thì vẫn phải là quy hoạch, quản lý quy hoạch và giãn dân ra khỏi khu vực nội đô.

- Với giải pháp đổi giờ làm, giờ học thì sao, ông có ý kiến gì và tại sao Hà Nội không tự quyết định?

Đổi giờ là triển khai theo tinh thần kết luận thông báo các giải pháp về chống ùn tắc. Đây cũng là một trong những giải pháp, nhưng Thành phố sẽ không quyết định mà chỉ đưa ra bàn luận để lấy ý kiến đồng thuận trong HĐND, sau đấy trình Chính phủ để Thủ tướng quyết định.

Hà Nội không thể tự quyết định đổi giờ được nếu không có văn bản ủy quyền quyết định của Chính phủ. Vì cơ quan trên địa bàn Hà Nội có nhiều cơ quan Trung ương, như Quốc hội, Chính phủ, các Bộ… như vậy làm sao Hà Nội có thể quyết định được.

- Sáng nay, ông có chất vấn việc xây khu đô thị và chung cư cao tầng ở khu vực trung tâm, cá nhân ông nhìn nhận đó có phải là nguyên nhân chính gây ùn tắc không?

 
 ĐB Nguyễn Hoài Nam.
Chính xác, tôi đã nói ở phiên chất vấn, đó là sự tăng dân cơ học mang tính chất quản lý vĩ mô và nhà nước. Đây là việc Hà Nội đang phải trả giá, trách nhiệm là của những nhà quản lý và làm quy hoạch trước đây.

Về các khu đô thị mới mọc lên thời gian gần dây, sáng nay tôi đã chất vấn, nhưng chưa được trả lời là trách nhiệm của Chính phủ hay trách nhiệm của lãnh đạo Thành phố.

- Quy hoạch hiện nay gặp rất nhiều vấn đề, ông nhìn nhận thế nào để có thể thay đổi quy hoạch?

Cái quan trọng nhất không phải là quy hoạch, mà các yếu tố về quy hoạch bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, tôi có thể khẳng định là như vậy.

Việc tổ chức và quản lý quy hoạch là cái đang yếu của Hà Nội, vấn đề này trách nhiệm không chỉ của riêng Hà Nội, mà của cả Chính phủ và các Bộ.

- Có ý kiến cho rằng, những biện pháp hành chính như Hà Nội đang làm, đặc biệt là tăng phí trước bạ, phí đăng ký biển số… đang chuyển gánh nặng rất lớn cho người dân, ông nghĩ sao về điều này?

Tôi chỉ có thể nói rằng đấy là những giải pháp trước mắt, phải thí điểm để đánh giá tác động của nó. Còn lâu dài tôi đã nói là quy hoạch và quản lý quy hoạch theo hướng không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô, để tránh tăng cơ học.

Một biện pháp nữa là phải đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm mà 10 năm nay chúng ta đang làm, và phải đến năm 2016 mới xong.

Ngoài ra, phải quản lý thật chặt hè phố và lòng đường, trả hè cho người đi bộ và đường cho giao thông. Cái này mới là gây ùn tắc, tôi đã chất vấn trách nhiệm nhưng thành phố chưa giải trình cụ thể xử lý thế nào.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Việt(ghi)

Bình luận
vtcnews.vn