‘Nhiều CLB V.League coi người đại diện như kẻ trục lợi’

Thể thaoThứ Hai, 05/02/2018 15:40:00 +07:00

Dù có chứng chỉ hành nghề của FIFA, ông Nguyễn Minh Châu cho rằng nhiều CLB ở V.League vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm với công việc của mình cũng như các đồng nghiệp.

Mới đây, bóng đá Việt Nam nóng lên với vụ bảng báo giá “nghìn USD” của một công ty truyền thông muốn làm đại diện, khai thác hình ảnh của thủ môn Bùi Tiến Dũng. Sự việc trở nên căng thẳng khi CLB Thanh Hóa đe dọa sẽ kiện đơn vị nào sử dụng hình ảnh người gác đền của U23 Việt Nam trái phép.

Là người đại diện cầu thủ lâu năm tại V.League, ông Nguyễn Minh Châu đã có những lý giải xung quanh vấn đề này.

“Vụ việc của Tiến Dũng có cả mặt hay lẫn dở. Hay là thông qua một công ty đại diện, thương hiệu của thủ môn này sẽ được tăng lên, thu nhập tốt hơn. Đó là tiền đề, động lực cho họ cố gắng để giữ gìn hình ảnh. Còn dở là việc họ làm quá đường đột, giống như việc dội nước sôi vào tay vậy. CLB Thanh Hóa phản ứng mạnh mẽ là điều dễ hiểu, bởi Bùi Tiến Dũng do họ đào tạo”, ông Châu phân tích.

dai dien v league

Theo người đại diện có hơn 10 năm kinh nghiệm tại V.League, Bùi Tiến Dũng có quyền ký hợp đồng cho với một bên nào đó để làm đại diện cho mình, khi cần sẽ làm việc với Thanh Hóa. Điều đó không ai có thể ngăn cản được. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay cách tốt nhất là các bên ngồi lại với nhau, tìm ra giải pháp dung hòa đảm bảo cả CLB, phía đại diện lẫn cầu thủ đều có lợi về mặt vật chất.

Theo ông Châu, hiện tại nhiều đội bóng tại V.League vẫn chưa thật sự tôn trọng người đại diện, bởi góc nhìn có phần phiến diện.

Ông nói: “Tâm lý chung của các CLB Việt Nam xem người đại diện là kẻ ăn bám, hay trục lợi theo hợp đồng của cầu thủ. Vì thế, họ có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với chúng tôi. Với nhiều người, họ nghĩ chúng tôi đặt quyền lợi của bản thân mình lên trên hết, nhưng đằng sau câu chuyện là khác hẳn”.

Ông phân tích khi cầu thủ (đặc biệt là ngoại binh) có người đại diện thì chính người này sẽ chịu trách nhiệm trước CLB chủ quản hay pháp luật Việt Nam nếu cầu thủ nảy sinh rắc rối, cầm tiền bỏ trốn chẳng hạn. Xa hơn, chẳng may nếu thân chủ bị qua đời, người đại diện phải chịu hậu quả nặng nề nhất.

tien-dung(2)

Bùi Tiến Dũng có thể tạo nên cuộc cách mạng trong bóng đá Việt Nam khi có một đối tác làm đại diện để khai thác hình ảnh, tạo ra nguồn thu nhập tốt hơn.

Ông Châu lấy ví dụ từ chính bản thân mình. Người đại diện này từng phải vào bệnh viện Chợ Rẫy đúng dịp Tết để đưa tiền đạo Henry (từng đá cho Đồng Nai, Bình Dương) đi cấp cứu vì lên cơn nhồi máu cơ tim. Lúc đó, CLB chủ quản gần như không thể giúp được gì bởi đang dịp nghỉ ngơi.

Hay cách đây 3 năm, tiền đạo Abass (Bình Dương) bị gãy xương mác ở chung kết Cup quốc gia 2015, buộc phải phẫu thuật trong đêm. Khi đó, phía CLB rất bận bịu, một mình ông phải lấy giấy tờ xe đi cầm cố, lấy 6.000 USD để thân chủ của mình được chăm sóc tốt nhất.

Sau đó, ông còn chi tiền cho em trai cũng như bạn gái của Abass qua chăm sóc, rất tốn kém. “May mà khi đó Abass đá cho Bình Dương, thời ông Nguyễn Minh Sơn còn làm chủ tịch. Ông ấy là người chu đáo với cầu thủ nên đã chỉ đạo để thanh toán toàn bộ chi phí điều trị cho Abass, chứ nhiều trường hợp người đại diện phải gánh hết”, ông Châu giãi bày.

Qua sự việc của Tiến Dũng, ông Châu chỉ mong các đội bóng hiểu hơn về công việc của ông cũng như các công sự. Bởi xét đến cùng, tôn trọng người đại diện cũng là xem trọng cầu thủ. Và đó mới đúng là biểu hiện của bóng đá chuyên nghiệp thật sự.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn