Nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi bị sởi: Làm thế nào để phòng ngừa dịch?

Sức khỏeThứ Ba, 19/02/2019 15:21:00 +07:00

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận bé T.M.C. (7 tháng tuổi, trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ) mắc sởi phải nhập viện khẩn cấp.

Bé 7 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao 38,5 độ, ho, phát ban đỏ toàn thân, chảy nước mũi. Bệnh nhi nhanh chóng được bác sĩ chăm sóc, điều trị tích cực. Hiện bé được theo dõi thêm để bảo đảm sức khỏe.

Theo các bác sĩ, tình hình bệnh sởi trong cả nước đang có diễn biến khá phức tạp. Điều bất thường là có nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi vẫn bị mắc, dù hoàn toàn có thể có miễn dịch từ người mẹ thông qua sữa mẹ. Rất có thể nguyên nhân trẻ mắc sởi là do người mẹ trước đó chưa được tiêm phòng sởi và cũng chưa từng mắc sởi.

tre mac soi

 Bệnh nhi mắc sởi đang được các bác sĩ chăm sóc và theo dõi tình trạng sức khỏe. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Trước tình hình trên, các bác sĩ khuyến cáo đối với các bậc cha mẹ, nhất là những người mẹ có con nhỏ dưới 9 tháng tuổi cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Bên cạnh đó, phụ huynh không nên cho trẻ tiếp xúc với những nguồn nghi ngờ mắc sởi khác hoặc không để trẻ chơi ở những nơi đông người qua lại.

Các sản phụ trước khi mang thai nên tiêm phòng đầy đủ và hoàn thành lịch tiêm trước 3 tháng các loại vắc xin sởi – quai bị - rubella, thủy đậu, cúm để tạo miễn dịch cho cả mẹ và bé trong quá trình mang thai.

Khi trẻ đến độ tuổi tiêm chủng cha mẹ phải đưa trẻ đến trạm xá hoặc cơ sở y tế có dịch vụ tiêm chủng để tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho trẻ.

Nếu trẻ có những biểu hiện sốt, phát ban dạng sởi, bắt đầu từ mặt sau đó lan dần xuống dưới chân, tay, kèm theo viếm kết mạc mắt, viêm đường hô hấp (ho, chảy nước mũi, khò khè, khó thở,…) thì rất có thể trẻ đã mắc sởi. Lúc này, phụ huynh cần cách ly trẻ ở nhà, chăm sóc, bồi bổ dinh dưỡng cho trẻ thật tốt, cố gắng hạ sốt, cho trẻ nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa.

Nếu bé sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, có viêm phổi, suy hô hấp...nên đưa ngay trẻ đến bệnh viện để tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Trước đó, 18/2, theo Báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, tuần từ 11/2 – 17/2 tại Thủ đô ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi nâng tổng số người mắc sởi từ đầu năm lên 192 trường hợp.

Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội đã đạt 96,13% nhưng hiện còn một số đơn vị có tỷ lệ tiêm chưa đạt yêu cầu trên quy mô phường, xã như: phường Đội Cấn (quận Ba Đình) tỷ lệ tiêm 64,1%; phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) (82,6%) và 17/21 phường của quận Đống Đa có tỷ lệ tiêm dưới 95%.

Đáng chú ý, trong thời điểm khí hậu phức tạp, giao mùa, Hà Nội và các tỉnh/thành phố khác số ca mắc sởi đang có chiều hướng gia tăng. Hiện cả nước đã ghi nhận 43 tỉnh/thành phố có người mắc sởi, tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực phía Nam.

Video: Dịch sởi có nguy cơ bùng phát, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tiêm phòng đầy đủ

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn