Nhật "xuống giọng", Bắc Kinh được đà suy diễn

Thế giớiThứ Bảy, 18/08/2012 12:11:00 +07:00

(VTC News)- Nhật trục xuất 14 nhà hoạt động Trung Quốc hôm 17/8 cho thấy thái độ mềm mỏng của Tokyo trong khi Bắc Kinh vẫn muốn biển Hoa Đông nổi sóng.

(VTC News) – Sau 48 giờ bị bắt giữ ở Nhật Bản, 14 nhà hoạt động Trung Quốc đã được trục xuất về nước cho thấy cách ứng xử mềm mỏng của Tokyo nhằm “ghìm” cơn sóng lớn đang khuấy động biển Hoa Đông nhiều ngày qua, tờ Ishigaki đưa tin từ Nhật Bản hôm 18/6.

Theo Wantchinatimes, 7 trong số 14 nhà hoạt động người Trung Quốc (bao gồm 2 phóng viên) đã về đến Hong Kong vào lúc 8h tối ngày 17/8 sau chuyến bay gần 2 tiếng đồng hồ từ thành phố Naha ở đông nam Nhật Bản vào buổi chiều cùng ngày.
Tại sân bay Hong Kong, nhiều người đã tụ tập chào đón 7 người trở về từ Nhật Bản với quốc kỳ và tấm khẩu hiệu lớn “Nhiệt liệt chào mừng những chiến binh Điếu Ngư”.
Trong khi đó, số còn lại sẽ về nước bằng thuyền ở Ishigaki dưới sự hộ tống của tàu tuần duyên Nhật ra khỏi vùng đảo tranh chấp Senkaku, hãng tin AFP nói.
Nhật hạ giọng, “ghìm” sóng trên biển Hoa Đông
Trước những yêu cầu liên tiếp từ chính phủ Bắc Kinh và sự phản ứng gay gắt của người dân Trung Quốc, sáng ngày 17/8, người phát ngôn chính quyền Tokyo tuyên bố Thủ tướng Yoshihiko Noda đã ký duyệt quyết định trục xuất 14 nhà hoạt động Trung Quốc khỏi Nhật Bản.
 Đám đông tập trung ở sân bay Hong Kong đón 7 nhà hoạt động người Trung Quốc trở về sau 2 ngày bị bắt giữ ở Nhật Bản
Tuy nhiên, phía Tokyo cũng nhấn mạnh hành động thả người không xuất phát từ động cơ chính trị hay quyết định cảm tính mà là “sự tuân thủ nghiêm túc luật pháp Nhật Bản”, người đứng đầu nội các Nhật Osamu Fujimure phát biểu trong họp báo.
Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền đảo với Hàn Quốc còn chưa kịp lắng xuống, việc “đụng độ” với Bắc Kinh tại thời điểm nhạy cảm này gây nhiều áp lực lên chính phủ Tokyo khiến Thủ tướng Noda phải khẩn cấp triệu tập một cuộc họp nội các đặc biệt hôm thứ Sáu vừa qua.
Quyết định cuối cùng của ông Noda nhằm trục xuất các nhà hoạt động Trung Quốc về nước đã vấp phải sự lên án gay gắt của nghị sĩ theo chủ nghĩa dân tộc Shintaro Ishihara – người từng tuyên bố ý định mua các đảo tranh chấp từ chủ sở hữu tư nhân.
“Đây rõ ràng là hành vi phạm tội (nói về các nhà hoạt động Trung Quốc) và việc trả tự do cho họ một cách dễ dàng như vậy sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín của một quốc gia pháp quyền nghiêm khắc như Nhật Bản”, ông Ishihara trả lời phỏng vấn ở Tokyo ngay sau quyết định trục xuất của Thủ tướng Noda.
Trong khi đó, Vương Bình - chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ngạo mạn nói: “Việc Nhật Bản bắt công dân Trung Quốc không phải lần đầu tiên xảy ra nhưng có lẽ chính quyền Tokyo đã biết kiềm chế hơn sau những va chạm trước đây”.
 Các nhà hoạt động người Trung Quốc mang cờ lên đảo tranh chấp với Nhật Bản hôm 15/8
Năm 2010, một thuyền trưởng tàu cá người Trung Quốc có tên là Zhan Qixiong đã từng bị Nhật Bản bắt giam 2 tuần khi xuất hiện “trái phép” gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. 
Khi đó nội các Nhật Bản dưới quyền cựu Thủ tướng Naoto Kan đã kiên quyết đưa vụ việc ra tòa án quốc tế khiến quan hệ Nhật – Trung trở nên căng thẳng.

Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, những tranh chấp địa chính trị và lịch sử giữa Nhật Bản và Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao 2 nước mà còn “tác động mạnh” tới các hoạt động kinh tế song phương, Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản Yukio Edano nhấn mạnh.
Do đó, cách Nhật Bản xử lý vụ việc liên quan tới Trung Quốc lần này được các nhà phân tích đánh giá cao về mặt đối ngoại, thể hiện đường lối khôn khéo của chính quyền Tokyo nhằm ngăn chặn mối đe dọa đa phương, tránh cùng lúc phải đối mặt với nhiều “kẻ thù” trong bối cảnh mâu thuẫn với Hàn Quốc còn chưa được giải quyết.
Vụ bắt – thả công dân Trung Quốc, Nhật một tay “tung hứng”?
Trong một diễn biến trước tuyên bố trục xuất của chính quyền Tokyo, giới bình luận Bắc Kinh xôn xao tin đồn Nhật Bản “cố tình để các nhà hoạt động Trung Quốc lên đảo tranh chấp và diễn bài bắt – thả theo kế hoạch từ trước”, theo Nhân dân Nhật báo hôm 17/8.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc các nhà hoạt động Trung Quốc có thể đặt chân lên đảo tranh chấp Senkaku/ Điều Ngư vào hôm 15/8 là điều khó tin vì trước đó Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã khống chế được con tàu chở những người này ở khoảng cách không gần đảo.
 Hình ảnh 2 tàu tuần duyên Nhật áp sát tàu chở các nhà hoạt động Trung Quốc trên vùng biển thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Thậm chí, Ủy ban Hành động Bảo vệ Quần đảo Điếu Ngư có trụ sở ở Hong Kong– đơn vị tổ chức chuyến đi này còn nói rằng tàu chở các thành viên của họ đã bị 9 tàu hải giám Nhật bao vây ngay từ khi mới vào đến vùng biển tranh chấp.
Tờ Nhân dân Nhật báo dẫn lời ông Jiang Feng – tổng biên tập báo Tin tức Trung Quốc có trụ sở ở Tokyo cho rằng “hành động nhượng bộ của chính phủ Nhật Bản chẳng qua là một bước trong âm mưu lớn hơn đã được vạch ra từ trước”.
Theo đó, việc Tokyo bắt giữ các nhà hoạt động người Trung Quốc ngay trên đảo nhằm khẳng định các nhà chức trách nước này đã quan tâm hơn tới vùng đảo tranh chấp, rằng chính quyền Nhật Bản đang kiểm soát các đảo một cách hiệu quả và có thể kịp thời ngăn chặn mọi hành vi “xâm phạm trái phép”. 
Bên cạnh đó, chính phủ Tokyo cũng muốn thông qua việc này để chứng minh cho người dân trong nước thấy được tầm quan trọng của việc tăng cường lực lượng bảo vệ thường trực trên quần đảo tranh chấp với các nước.
Cũng theo giới phân tích từ Bắc Kinh, một mặt Nhật “cố tình tạo tình huống nhạy cảm” trên đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 15/8, mặt khác lại tỏ ra “mềm mỏng” khi tuyên bố thả người hôm 17/8 thực chất nhằm mục đích “che mắt thiên hạ”, khiến người ta cho rằng đó là việc làm “đại lượng”, “khôn ngoan” và mang tính “hòa hảo”.
 Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố trục xuất 14 nhà hoạt động Trung Quốc hôm 17/8
Tokyo muốn dựa vào đó để “xoa dịu” căng thẳng với Bắc Kinh hay chỉ để “lấy lòng” dư luận quốc tế hòng thực hiện một âm mưu to lớn nào đó? 
Ở chiều hướng ngược lại, nhiều người đặt câu hỏi, cách suy diễn của Trung Quốc liệu có thực sự đúng hay chỉ là phản ứng “ngạo mạn” nhằm đáp trả hành động “nghĩa hiệp” của Nhật Bản?
Tranh chấp trên biển Hoa Đông không phải là vấn đề mới nảy sinh và dĩ nhiên, việc các bên có tuyên bố chủ quyền hành động ra sao sẽ quyết định sự ổn định và hòa bình chung trong khu vực cũng như mối quan hệ song phương, đa phương giữa các nước.
“Thay vì chỉ trích và ngờ vực lẫn nhau, các nước nên cùng hợp tác để giải quyết vấn đề một cách khôn ngoan, vì lợi ích lâu dài và chính đáng”, theo giáo sư ngành khoa học chính trị Nam Chang-hee thuộc Đại học Inha (Hàn Quốc).

Hạ Giang 
Bình luận
vtcnews.vn