Nhật rải quân lên các đảo tiền tiêu để đối phó Trung Quốc

Thế giớiChủ Nhật, 03/01/2016 12:07:00 +07:00

Giới chức quân sự Nhật Bản đang theo đuổi tham vọng thiết lập các hệ thống vũ khí chống hạm và phòng không trên diện rộng nhằm tạo đối trọng với Trung Quốc.

Giới chức quân sự Nhật Bản đang theo đuổi tham vọng thiết lập các hệ thống vũ khí chống hạm và phòng không trên diện rộng nhằm tạo đối trọng với Trung Quốc.

Theo Reuters, Tokyo đối phó với Trung Quốc trên biển Hoa Đông bằng cách thiết lập các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không trên 200 hòn đảo do nước này kiểm soát. Nó sẽ tạo ra hệ thống phòng thủ trải dài 1.400 km tới gần đảo Đài Loan, Trung Quốc.

Việc tự do tiến vào vùng biển phía tây Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong tham vọng trở thành cường quốc biển của Bắc Kinh cũng như đẩy Mỹ và đồng minh ra khỏi khu vực.
Tên lửa chống hạm di động Type 88 của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản
Tên lửa chống hạm di động Type 88 của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản 
Tuy nhiên, trong trường hợp chiến hạm Trung Quốc muốn tiến ra vùng biển phía tây Thái Bình Dương, chúng phải vượt qua rào chắn này của Nhật Bản.

Nhật Bản không giữ kín việc bố trí các hệ thống chống hạm và phòng không trên các đảo ở Hoa Đông. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên giới chức Nhật Bản chỉ ra tác động của nó với việc kiềm tỏa hải quân Trung Quốc.

Nó được coi là một phần trong học thuyết “chống tiếp cận/chống chiếm giữ” của Tokyo, thường được biết đến với thuật ngữ quân sự “A2/AD”.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng tuyên bố tăng cường hiện diện trên biển Hoa Đông, điều chắc chắn khiến Bắc Kinh không hài lòng. Theo đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ triển khai khoảng 10.000 binh sĩ, các hệ thống tên lửa và các trạm radar trên các đảo xa. Các đơn vị thủy quân lục chiến, tàu ngầm, tiêm kích tàng hình F-35 hay các phương tiện đổ bộ và tàu sân bay của Nhật Bản luôn sẵn sàng hỗ trợ. Ngoài ra, Tokyo còn có sự hậu thuẫn của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ, có trụ sở tại Yokosuka ở phía nam Tokyo.

Giáo sư Toshi Yoshihara tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cho biết: “Quần đảo Ryukyu có thể hỗ trợ đắc lực cho chiến lược “A2/AD” của Nhật Bản. Ví dụ, Tokyo triển khai tên lửa chống hạm và phòng không trên các xe chuyên chở di động ở các đảo có thể tạo thành rào chắn đáng gờm đối với Hải quân Trung Quốc. Trong trường hợp chiến tranh xảy ra, hệ thống rào chắn này sẽ là cái gai thực sự gây nhức nhối với cho Bắc Kinh".

Cũng theo ông Yoshihara, Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khi tìm và diệt các bệ phóng tên lửa di động. Theo tính toán, các chiến dịch không kích của Trung Quốc phải vượt qua khoảng cách địa lý 1.000 km. Bắc Kinh sẽ tốn nhiều nguồn lực nếu sử dụng không quân, tên lửa hành trình và tên lửa liên lục địa để tấn công các đảo. Tấn công đổ bộ, cách chắc chắn nhất để đánh bật các lực lượng bảo vệ đảo, cũng lại là cách rủi ro nhất, nếu các lực lượng của Nhật và Mỹ đáp trả.

Sự dồi dào nhưng linh hoạt của các loại vũ khí giá rẻ mà Nhật Bản đang sở hữu như tên lửa chống hạm di động Type 88, Type 12 và các loạt tên lửa phòng không khác giúp Nhật Bản dễ dàng gây tổn thất cho quân đội Trung Quốc.

Rào chắn trên biển Hoa Đông là cách thông minh để ngăn Hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, Tokyo cần tính tới việc tên lửa của Trung Quốc ngày càng tinh vi, có khả năng tấn công các căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ và Nhật Bản cùng các đồng minh trong và ngoài khu vực.

Nguồn: Zing News
Bình luận
vtcnews.vn