'Nhật ký' ra ngư trường cùng ngư phủ

Thời sựThứ Bảy, 21/07/2012 01:00:00 +07:00

(VTC News) – Gió rít từng cơn, con sóng hung dữ như muốn nhấn chìm con thuyền, nhưng những chiếc thuyền như những vũ công đang nhảy múa trên nền sóng nhấp nhô.

(VTC News) – PV VTC News vừa theo chân đoàn ngư phủ đi đánh cá tại một vùng biển miền Trung, ghi lại hành trình tìm miếng cơm manh áo của những người dân nghèo.

Nghỉ hè về thăm quê, tôi theo chân ông cậu ra biển một chuyến để hiểu thêm được cái nghề mà bấy lâu nay ông cha chúng tôi vẫn bám trụ với nó.

Nghề "cực chẳng đã”

Trời chạng vạng tối, đoàn thuyền đánh cá của ngư dân xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) bắt đầu ra khơi trong khi các căn nhà cửa vùng quê biển đã đóng then cài.

Ở vùng quê nghèo này, đa số người dân đều là ngư phủ và họ thường bắt đầu ra biển mưu sinh khi trời chưa sáng hoặc khi màn đêm buông xuống.

Trời chiều, các ngư dân chuẩn bị cho việc ra khơi đánh cá. 

Đoàn người đi chung thuyền với ông cậu tôi xuống cảng cá, nơi đoàn thuyền của ngư phủ đậu, sau khi hoàn thành các việc như tiếp nhiên liệu, lấy đá, lên trình sổ theo dõi việc ra vào cửa lạch cho ban chỉ huy đồn biên phòng 168… xong thì đoàn thuyền nhổ neo ra khơi.


Gió rít từng cơn, từng con sóng hung dữ như muốn nhấn chìm con thuyền, nhưng những chiếc thuyền đánh cá như những vũ công đang nhảy múa trên nền sóng nhấp nhô.

Ra đến ngư trường đánh cá, cũng là lúc trời bắt đầu tối đen như mực. Neo đậu xong xuôi, các thành viên trên thuyền mới bắt đầu bữa cơm tối đạm bạc, với rau, dưa, củ cải và đặc biệt là không thể thiếu món cá.
Những phận người lênh đênh trên sóng biển...

Chú Vinh, một thành viên trong thuyền nói đùa, "làm nghề biển này suốt ngày ăn cá nhưng cũng không bao giờ chán, cũng giống như cánh đàn ông mình không bao giờ biết chán đàn bà đó thôi".


Câu nói ngụ ý như đời của ngư phủ nơi đây luôn gắn liền với nghề biển này, hết đông lại hè, hết nghề cá thì chuyển sang nghề giã cào, nghề câu mực. Mặc cho mưa tuôn nắng xối, mặc giông bão chập chùng, không đi biển biết lấy gì mà ăn.

Ăn cơm xong, đèn điện của các thuyền bật sáng trưng, các thành viên trên thuyền mang đồ nghề ra câu mực.

Cậu tôi cho biết, mùa hè này là thuyền đi “mành” (đi đánh cá), người nào muốn câu mực thì câu cho riêng họ, còn đến lúc đánh cá thì mới là của chung cả tập thể.
gắn liền cuộc đời với biển. 

Việc đánh cá cũng tùy theo ngày và theo con trăng, có khi thì đến lúc nước biển dâng lên thì đánh cá, cũng có lúc chờ thủy triều rút xuống thì mới đánh. Nhưng có lúc thì mặt trăng bắt đâu mọc là đã đánh rồi (khoảng 22h30) hoặc là khi mặt trời bắt đầu hừng đông (khoảng 4 giờ sáng).


Chú Vinh câu được mực to khoảng 1kg, chú hý hửng bảo “ngày mai cu Tèo nhà mình có tiền đóng học phí rồi”. Cậu tôi cũng cầm lấy cái cần câu và chọn một góc để ngồi thả câu, ở nhà, cậu có 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học.

Việc thả lưới đánh cá được nhóm thanh niên làm thoăn thoắt, một người nhảy xuống thuyền thúng kéo theo chiếc đèn nổi trên mặt nước và phát sáng để dẫn đàn cá theo vào lưới.

Nghe tiếng hô của người thanh niên, 8,9 thành viên trên thuyền bắt đầu hì hục kéo lưới lên, trong khi từng đàn cá tung tăng bơi lội theo ánh đèn ở nơi đáy lưới.

Việc gỡ cá ở lưới xong xuôi, thuyền nhổ neo chạy vào bờ, lúc này, nhiều người tranh thủ chợp mắt, có người lại phì phèo điếu thuốc, trò chuyện với nhau cho qua cơn buồn ngủ.

Ông Nguyễn Văn Thiết, một ngư phủ lão làng của làng chài Cẩm Nhượng rít thuốc, ngửa mặt lên trời phà một làn khói trắng dày đặc rồi đưa ánh mắt nhìn về phía xa xăm kể, ông biết đi biển từ lúc 10 tuổi, đến khi lập gia đình thì vẫn tiếp tục làm nghề này.
Trở về đất liền khi người thân vừa thức giấc...

“Trước đây, ngư trường còn nhiều hải sản, vật giá còn rẻ nên mỗi chuyến đi biển về còn có dư giả được chút đỉnh. Bây giờ ngư trường hạn hẹp, hải sản bị khai thác cạn kiệt mà vật giá, giá nhiên liệu lại tăng cao nên mỗi chuyến đi biển không bị lỗ là may rồi. Như hôm nay chắc cũng được mỗi người ít chục nghìn”.


Ông nói với tôi, nghề biển này vất vả lắm, biết là nghề của ông cha truyền lại nhưng cực chẳng đã nên mới theo cái nghề này và chỉ mong sao mấy đứa con của ông sẽ không nối nghiệp bằng cái nghề lênh đênh trên sóng nước này.

Ông lại tiếp tục rít những khói thuốc như nuốt những đắng cay, cơ cực của đời mình vào trong lòng, ánh mắt ông vẫn luôn nhìn về nơi xa xăm. Như muốn ước mơ cho số phận của các con ông không phải lênh đênh trên sóng biển như cuộc đời của ông nữa.

“Đầu ấp tay gối” là xa xỉ!

Trời hửng sáng, những người mẹ, người vợ của những ngư dân đi xuống cảng cá để ngóng chồng, ngóng con vào bờ.

“Nghề biển ni vất vả lắm cháu ạ, chồng con thì suốt ngày đầu tắt mặt tối nơi đầu sóng ngọn gió, khi trời yên biển lặng thì còn đỡ, chứ lúc sóng to gió lớn thì lo lắm, ăn không ngon, ngồi không yên. Cứ ra ra vào vào ngước mặt ra biển và chắp tay cầu khấn cho chồng con mình được bình an trở về”. Bác Thanh, vợ của một ngư phủ trải lòng.
"Một nửa cuộc đời" luôn ngóng đợi trên bờ... 

Trước đây, khi ngư trường chưa cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, cá mực còn nhiều, tàu thuyền mở cửa biển dăm bảy hôm là đầy khoang, cập bờ.

Bây giờ, cứ mỗi khi ra khơi là phải dong tuốt ra biển Đông với cuộc hải hành gần 50 hải lý, “lặn lội” suốt cả tháng trời chưa chắc đã làm đủ chi phí. Do vậy, càng ngày, những chuyến biển của ngư dân càng kéo dài. Đồng nghĩa với sự chờ đợi của những người vợ trên bờ càng mòn mỏi.     


Đối với người dân miền biển, hình ảnh ngày ngày “đầu ấp, tay gối” là hầu như không có. Chị Trần Thị Huyền, một phụ nữ có chồng làm nghề biển bày tỏ đầy nỗi niềm: “Mỗi khi chồng bọn tui ra biển, trong lòng những người vợ ở nhà đầy ắp nỗi lo. Lo không biết chuyến biển này có thông suốt không, chồng mình làm có thu nhập không. Bởi hầu hết cuộc sống của những hộ ngư dân đều trông chờ vào nguồn thu của chồng".

Vào mỗi chuyến biển, người chồng ra khơi mang theo muôn vàn lời khấn cầu bình yên của người vợ.

Thế nhưng rủi ro vẫn thường xuyên xảy ra, tang tóc gieo rắc khắp các vùng quê biển, đã có nhiều căn nhà vốn trống vắng lại càng thêm lạnh lẽo bởi sự mất mát của người chồng, người cha.

Hoàng Thiên Dũng
Bình luận
vtcnews.vn