Nhật ký một ngày ở bùng binh lớn nhất Hà Nội

Thời sựThứ Tư, 04/05/2011 08:30:00 +07:00

(VTC News) – “Cô gái chết thảm hôm qua, 25/4, cũng một phần vì xe tải đi sai đường, không nghe hiệu lệnh của Công an” – Trung sĩ Chu Mạnh Dũng cho biết.

(VTC News) – Ở rốn giao thông của Hà Nội, những chiến sĩ CSGT phơi mình 8 tiếng mỗi ngày để đường bớt tắc, người dân bớt hiểm nguy...

Trung sĩ Thế Anh đang quan sát, điều khiển giao thông ở ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. Ảnh: HT 

Ở rốn giao thông Hà Nội...

Ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi ở Hà Nội, giờ đây được gọi là “rốn giao thông” của miền Bắc. Vì khi đường Giải Phóng cấm các xe tải thì những “hung thần xa lộ” ấy đều phải đi qua nút giao thông này.

Hàng ngày, người dân ở các địa phương thuộc Hà Tây cũ đi làm trong nội đô Hà Nội và các học sinh, sinh viên đi học tại các trường quanh đây, tạo thành dòng người đông nghịt mọi lúc.

“Cô gái chết thảm hôm qua, 25/4, cũng một phần vì xe tải đi sai đường, không nghe hiệu lệnh của  Công an” – Trung sĩ Chu Mạnh Dũng, đội Cảnh sát giao thông số 7 vừa nói với chúng tôi, vừa chỉ tay vào vòng xuyến lớn nhất Hà Nội ấy.

Anh phân tích, xe tải có gầm rất lớn nên lái xe khó có thể quan sát kỹ phía dưới. Nên nếu có xe máy đi gần thì rất dễ xảy ra tai nạn.

Thế nên, đội Cảnh sát giao thông số 7 luôn phải cắt cử người đứng ở đây từ 6 giờ 30 phút sáng, lúc người dân bắt đầu đi làm, đi học. Còn những chiếc xe tải, tuy bị cấm lưu thông từ 6 đến 9 giờ sáng và từ 3 giờ chiều đến 9 giờ đêm, nhưng nhiều lái xe vẫn coi thường luật, ngang nhiên “lướt phố” vào thời gian này.

“Nhưng rất khó để xử phạt vì lúc đó phải ưu tiên phân luồng giao thông, nếu không là đường tắc” – Trung sĩ Dũng giãi bày. Đồng thời, anh chỉ cho chúng tôi những tình huống tưởng chừng như đơn giản nhưng lại làm bao người khốn khổ.

Người dân đi ngược chiều ở "rốn giao thông" miền Bắc. Ảnh: HT 

“Phía đường Nguyễn Trãi, chỉ cần người ta “tận dụng” vài giây đèn vàng, không chịu dừng lại mà vẫn muốn phóng xe đi, sẽ “đụng” với những người đang đi trên đường Khuất Duy Tiến lúc đó vẫn còn đèn xanh…và sinh ra tắc đường. Nếu có chiếc xe bus hoặc xe tải trong đó thì càng khó để “gỡ” – Trung sĩ Dũng nói.

…thấy nhiều người coi luật bằng vung

Đứng cùng CSGT ở đây vào buổi sáng, VTC News không khó để phát hiện những lỗi lặp đi lặp lại của người dân. Ví dụ như đi sai phần đường, cố tình vượt đèn đỏ dù chỉ còn vài giây nữa là đèn xanh, “tranh thủ” đi ngược chiều để đến đích nhanh hơn…

Đèn vẫn còn đỏ nhưng những chiếc xe máy này vẫn tranh thủ đi trước vài giây, sẽ rất nguy hiểm nếu phía đường bên cạnh vẫn còn ô tô chạy tới. Ảnh: HT 

Nhìn những chiếc xe ô tô tải to đùng, phi bon bon và những chiếc xe máy lao vút để “tiết kiệm” mấy giây đèn vàng ở chiều ngược lại, người ta dễ nhận ra những hiểm họa rập rình. Bốn mạng người chết trong vòng 2 tháng ở cùng một nơi, dường như vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh, để người ta biết lắng nghe cảnh sát và đèn giao thông.

Nỗi vất vả của Cảnh sát giao thông

“Làm đây hơn 20 năm, đã quen với tiếng ồn nhưng nhiều khi ngủ, mình vẫn bị giật mình” – Trung tá Nguyễn Văn Chính tâm sự với chúng tôi về di chứng thần kinh mà những người như anh mắc phải.

Thế mà đứng trực ở đây buổi chiều, khi bị hai người vi phạm giao thông bực tức, quát tháo, các anh vẫn bình tĩnh nhắc nhở. “Cái này quen rồi. Có khi còn bị lái xe vi phạm đâm thẳng vào người” – Trung sĩ Thế Anh kể lại.

Đứng ngoài đường 8 tiếng mỗi ngày, nhiều chiến sĩ khi ngủ ở nhà vẫn bị giật mình bởi ám ảnh tiếng ồn. Ảnh: HT 

Mỗi người như các anh phải trực ngoài đường 8 tiếng mỗi ngày, chia làm hai ca, mỗi ca 4 tiếng. “Mỗi tuần được nghỉ một ngày thôi. Ngày lễ, tết thì phải tăng cường quân, ít khi được nghỉ” – Thế Anh tâm sự.

Chàng trai mới tốt nghiệp trường trung cấp Cảnh sát Nhân dân ấy đã rám hết cả da vì nắng nóng. Nhưng hàm răng trắng hay cười, khiến người ta dễ thiện cảm.

Thế Anh bảo, lương của cậu chỉ được hơn 2 triệu, cộng với 30 nghìn bồi dưỡng mỗi ngày đi làm, chỉ tạm đủ ăn trong thời bão giá.

Thời gian đi làm cũng không cố định, nên giờ giấc ăn ngủ của các chiến sĩ như cậu cũng thất thường. Nếu trực từ 10 giờ sáng thì đến 2 giờ chiều mới nghỉ, rồi 6 giờ tối phải có mặt ở chốt, làm việc đến 10 giờ đêm.

“Nhiều người cứ ghét bọn mình vì hay xử phạt. Nhưng không làm thế thì người ta còn vi phạm nhiều hơn vì “nhờn”. Cũng có khi, thấy những người lao động chở cồng kềnh một chút mà phạt cũng thương. Vì họ cũng là người lao động mà” – Trung sĩ Chu Mạnh Dũng tâm sự.

Thế nên, khi thấy VTC News có ý định viết về giao thông, những chiến sĩ ở đây rất nhiệt tình giúp đỡ. Không phải là vì họ sẽ được lên báo, mà như lời Trung sĩ Thế Anh nhắn nhủ: “Các anh viết làm sao để mọi người hiểu, chấp hành tốt luật giao thông cho chúng em đỡ mệt, chứ chả ai thích phạt cả đâu”.

Hoàng Lan
Bình luận
vtcnews.vn