Nhật Bản, Trung Quốc và cuộc đối đầu gay gắt ở Senkaku/Điếu Ngư

Thời sự quốc tếThứ Ba, 20/04/2021 09:00:00 +07:00
(VTC News) -

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại Senkaku/Điếu Ngư tiếp tục gia tăng, đặc biệt là sau khi Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh hồi tháng 1.

Sách trắng quốc phòng Nhật Bản công bố tháng 7/2020 chỉ trích Trung Quốc về những nỗ lực dai dẳng nhằm “đơn phương thay đổi nguyên trạng” trên biển Hoa Đông bất chấp sự lây lan COVID-19 trên toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác quốc tế.

“Mặc dù có sự phản đối của Nhật Bản, các tàu công vụ của Trung Quốc liên tục xâm nhập vào vùng lãnh hải của chúng ta quanh quần đảo Senkaku", tài liệu này khẳng định. 

Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư kéo dài nhiều năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên Sách trắng quốc phòng Nhật Bản mô tả các hành động của Trung Quốc xung quanh Senkaku/Điếu Ngư là “không ngừng”.

Nhật Bản, Trung Quốc và cuộc đối đầu gay gắt ở Senkaku/Điếu Ngư - 1

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tiếp tục là điểm nóng trong quan hệ Trung-Nhật. (Ảnh: Kyodo)

Trong năm 2020, 1.157 tàu Hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển tiếp giáp Senkaku/Điếu Ngư, tăng hơn 5% so với năm 2019 và gần gấp ba lần so với năm 2012.

Từ đầu năm tới nay, Bắc Kinh vẫn duy trì các vụ xâm nhập tương tự. Theo Lực lượng tuần duyên Nhật Bản, tần suất tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào khu vực lân cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tăng từ hai lần/tháng vào năm 2020 lên trung bình hai lần/tuần trong tháng 2.

Bắc Kinh cũng "tích cực" điều hàng loạt máy bay quân sự thực hiện hàng trăm chuyến bay trong khu vực, buộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) phải điều máy bay chiến đấu ngăn chặn từ sáng tới tối. Chiến thuật này được đánh giá là nhằm tiêu hao năng lực của JSDF và khiến tình hình quanh Senkaku/Điếu Ngư thêm phức tạp.

Một sự kiện khiến căng thẳng tại Senkaku/Điếu Ngư nóng hơn là Trung Quốc thông qua luật Hải cảnh hồi tháng 1. Luật này cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) sử dụng vũ khí nóng tại những vùng biển được Bắc Kinh coi là thuộc quyền tài phán, nhưng lại không quy định cụ thể các khu vực mà luật này có thể được áp dụng hay làm thế nào việc cho phép nổ súng sẽ được đưa ra.

Bên cạnh đó, CCG cũng được phép đuổi hoặc giám sát các tàu nước ngoài bị nghi ngờ tham gia những hoạt động mà Trung Quốc cho là vi phạm luật pháp của nước này. 

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, đồng nghĩa hải cảnh Trung Quốc có thể thực thi luật pháp theo luật hải cảnh mới tại đây. 

Không lâu sau động thái gây quan ngại của Trung Quốc, Nhật Bản cũng viện dẫn luật cho phép lực lượng tuần duyên nước này được phép nổ súng ngăn cản các lực lượng nước khác có ý định tiếp cận, đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. 

Hồi đầu tháng 3, Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết, Tokyo có thể triển khai lực lượng phòng vệ nếu lực lượng tuần duyên của nước này không thể tự mình xử lý các tình huống và “các tiêu chuẩn theo kiểu tuần duyên” có thể được áp dụng cho lực lượng phòng vệ. Điều này đồng nghĩa lực lượng phòng vệ cũng có thể bắn vào tàu nước ngoài bị cho là xâm phạm lãnh hải Nhật Bản.

Nhật Bản, Trung Quốc và cuộc đối đầu gay gắt ở Senkaku/Điếu Ngư - 2

Cảnh sát tuần duyên Nhật ngăn tàu Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. (Ảnh: Japan Forward)

Tuy nhiên, giới lập pháp và chuyên gia của Nhật Bản cho rằng các biện pháp này là chưa đủ. Theo họ, cần ban hành một luật mới để lấp đầy những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật của Nhật Bản và đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.

Hồi tháng 4, truyền thông Nhật Bản dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết, Nhật Bản đang xem xét triển khai tiêm kích tàng hình F-35B tới một căn cứ của Lực lượng Phòng vệ trên không ở tỉnh Miyazaki trong nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ xung quanh các hòn đảo xa xôi ở phía tây nam của nước này, trong đó có Senkaku/Điếu Ngư. 

Theo giới quan sát, với các diễn biến mới này, căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể leo thang hơn nữa nếu hai bên không kiềm chế và tìm kiếm biện pháp hóa giải mâu thuẫn.

Ông Sheila A Smith, chuyên gia cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington cảnh báo nguy cơ Nhật Bản hoặc Trung Quốc hiểu sai ý định của nhau. 

“Các tàu thuyền của Trung Quốc và Nhật Bản từ trước đến này luôn hành động thận trọng để tránh xung đột. Nhưng hiện giờ, với hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, các chỉ huy trên biển của Nhật Bản sẽ hết sức nhạy cảm trước các ý định của tàu thuyền Trung Quốc”, ông Smith cho hay. 

Theo một số chuyên gia, việc Trung Quốc tăng cường hiện diện ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột tiềm tàng ở khu vực này. Nó cũng được xem là phép thử cho cam kết an ninh của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Tokyo - đồng minh quan trọng nhất của Washington trong khu vực.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi bảo vệ của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.

Hồi tháng 1, chính quyền Biden tái khẳng định cam kết bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời phản đối bất cứ ý định đơn phương nào nhằm thay đổi thực trạng ở biển Hoa Đông. 

Song Hy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn