Nhật Bản thu hồi 18.000 chai tương ớt Chinsu: Masan có lúc mất gần 3.000 tỷ đồng

Kinh tếThứ Hai, 08/04/2019 18:50:00 +07:00

Thông tin Nhật Bản thu hồi 18.000 chai tương ớt Chinsu khiến dư luận xôn xao và có lúc lấy đi gần 3.000 tỷ đồng của Masan, đơn vị sở hữu thương hiệu này.

Cuối tuần trước, dư luận xôn xao trước thông tin Nhật Bản thu hồi 18.000 chai tương ớt Chinsu do có chứa axit benzoic, axit sorbic... Theo quy định của Nhật, không được sử dụng axit benzoic trong tương ớt của nước này.

Thông tin này khiến dư luận xôn xao nhưng điều khiến cộng động mạng chú ý hơn cả chính là phần trả lời của Masan, đơn vị sở hữu tương ớt Chinsu. Masan nhận định nhiều khả năng tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật là "sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam", hoặc sản phẩm không rõ xuất xứ.

tuong-ot-chinsu-1912153

 Hình ảnh loại tương ớt Chin-su buộc phải thu hồi vì chứa chất cấm. (Ảnh: OsakaCity) 

Trước diễn biến này, giới đầu tư chứng khoán cho rằng ngày 8/4 sẽ là phiên giao dịch đầy khó khăn cho cổ phiếu MSN của Masan. Dự báo này đã đúng trong phiên sáng.

Có thời điểm MSN xuống “đáy” 85.800 đồng/CP sau khi giảm 2.500 đồng/CP. Đà giảm này của MSN đã khiến vốn hóa thị trường Masan mất 2.908 tỷ đồng.

Tuy nhiên, về cuối phiên MSN đã được VN-Index “cứu”. Hôm nay, chỉ số VN-Index nóng lên theo giờ. Chỉ tăng nhẹ đầu phiên nhưng tới cuối phiên VN-Index tăng tốc.

Đóng cửa phiên đầu tuần, VN-Index dừng ở mức 997,56 điểm sau khi tăng 8,3 điểm, tương ứng 0,84%. Chỉ số này đang tiến rất sát tới mốc quan trọng 1.000 điểm.

Sức nóng của VN-Index giúp MSN lấy lại được những gì đã mất. Chốt phiên, MSN về giá tham chiếu 88.300 đồng/CP. Có lẽ MSN phải “cảm ơn” cổ phiếu dầu khí. Dầu khí là nhóm ngành đang “hâm nóng” thị trường chứng khoán.

Hôm nay, loạt cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng mạnh đã lan tỏa niềm tin cho nhà đầu tư. Dẫn đầu là “anh cả” của ngành – Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS). Đóng cửa phiên đầu tuần, GAS tăng 3.200 đồng/CP lên 107.000 đồng/CP.

Đây là phiên thứ 6 liên tiếp GAS đứng trên mốc thị giá hơn 100.000 đồng/CP. Nhiều khả năng GAS vẫn duy trì được sức nóng của mình khi lực bán ra cổ phiếu này không đáng kể. Các cổ phiếu dầu khí nhỏ hơn cũng đi lên đáng kể.

PVD tăng 800 đồng/CP lên 20.300 đồng/CP, PVT tăng 400 đồng/CP lên 17.000 đồng/CP, PXS tăng 330 đồng/CP lên 5.180 đồng/CP,…Bên cạnh cổ phiếu dầu khí, VHM, VCB, PLX cũng đóng góp không nhỏ giúp VN-Index tăng tốc cuối phiên.

Cụ thể, VCB tăng 1.600 đồng/CP lên 69.700 đồng/CP, VHM tăng 2.000 đồng/CP lên 94.600 đồng/CP, PLX tăng 1.200 đồng/CP lên 62.600 đồng/CP.

Trong khi đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đi ngược chiều thị trường nên chỉ số VN30-Index tăng chậm hơn so với VN-Index. Chốt phiên, VN30-Index chỉ tăng 1,86 điểm, tương ứng 0,21% lên 906,55 điểm. Các cổ phiếu ngược xu hướng có thể kể đến như VJC (giảm 2.300 đồng/CP xuống 110.500 đồng/CP), DHG (giảm 600 đồng/CP xuống 118.400 đồng/CP),…

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 1,05 điểm, tương ứng 0,98% lên 108,93 điểm. HNX30-Index tăng 2,02 điểm, tương ứng 1,02% lên 200,08 điểm. Upcom-Index là chỉ số duy nhất đỏ sàn khi giảm 0,17 điểm, tương ứng 0,29% xuống còn 56,76 điểm.

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn