Nhật Bản 5 ngày để yêu (Phần 2)

Tổng hợpThứ Hai, 27/05/2013 11:20:00 +07:00

... Chú chó ấy đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của tình yêu, lòng trung thành, sự tận tụy với người chủ đồng thời cũng là một người bạn.

       FUJISAN - SẮC MÀU THỜI GIAN

       Fuji hay Fujisan ấy chính là núi Phú Sĩ, là ngọn núi lửa đã ngủ yên, là ngọn núi cao nhất của Nhật Bản với chiều cao thực 3.776 mét, mang hình chóp nón cắt ngọn, một biểu tượng nổi tiếng không chỉ ở đất nước Phù Tang mà vang danh cả phần còn lại của thế giới. Phú Sĩ là đề tài trong các bức họa và nhiếp ảnh nghệ thuật cùng văn chương và âm nhạc. Phú Sĩ trải dài thuộc tỉnh Shizuoka và Yamanashi nằm gần như trung tâm đảo Honshu. Ðỉnh núi Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ trắng chảy dài xuống lưng chừng xa trông như chất kem sữa đặc đầy chảy tràn từ miệng núi lửa. Chân núi có năm hồ nước ngọt lớn gọi là “ngũ hồ”, cùng với hồ Ashinoko ở gần đó tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp làm cho Phú Sĩ thêm hùng vĩ.

      Các nhà khoa học xác định Phú Sĩ có bốn thời kỳ hoạt động núi lửa. Lần phun trào gần nhất cách nay gần 300 năm (1707). Ngọn núi lửa nay đã “chết”. Tuy nhiên người ta vẫn lo nó sắp “thức giấc” trở lại. Nỗi lo lắng ấy có lý khi các áp lực địa chất ngày một mạnh hơn trong thời gian qua như trận động đất mạnh 9 độ Richter hồi năm 2011 xảy ra ngoài thềm đại dương, kết hợp một cơn dư chấn mới đây gần Phú Sĩ đang tạo áp lực cực lớn lên bầu magma của núi lửa. Áp lực ấy cao gấp 16 lần mức bình thường. Con số thật “đáng sợ”. Người ta dự tính một khi Fujishan phun trào trở lại nó có thể ảnh hưởng tới 400.000 người và gây thiệt hại hơn 30 tỷ USD.

 Đường lên núi Phú Sĩ

      Không đến được với Phú Sĩ trong hai tháng “mở cửa” để có thể leo lên đỉnh núi lửa 3.776 mét, mà lại đến với Phú Sĩ vào Tết âm lịch, vào cái đận cả một vùng Phú Sĩ chìm trong nền nhiệt độ dưới 0, tuyết trắng phủ như bông, xe chỉ đưa lên first step (chặng 1) độ cao 1.291 mét. Nói thế thôi chứ có đến Phú Sĩ vào hai tháng 7 và 8 tôi cũng chẳng thể leo nổi bởi hành trình leo núi đầy cam go.

      Người quản lý cho hay đây là thời gian Phú Sĩ có nền khí hậu lý tưởng nhất. Trên đỉnh núi gió nhẹ, nhiệt độ từ 5 đến 6 độ C. Mặc dù thời gian mở cửa không nhiều song hằng năm vẫn lôi cuốn tới 25 triệu người Nhật Bản và ngoài nước tới tham quan du lịch. Công việc trèo lên đỉnh núi Phú Sĩ với người Nhật Bản được coi là công việc thiêng liêng cố gắng làm một lần trong đời. Những người leo núi thường bắt đầu cuộc hành trình từ buổi chiều xuyên qua đêm để rồi sáng sớm hôm sau được ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc ở trên núi. Từng  đoàn người nối đuôi nhau trong màn đêm được soi rọi qua ánh đèn pin lung linh rực rỡ xa trông như một con rồng khổng lồ đang cuộn mình trườn ngược.

      Lên đỉnh Phú Sĩ phải mất từ 5 đến 9 giờ, nhưng khi xuống chỉ cần 3 giờ đồng hồ. Thời tiết khắc nghiệt, đường leo khó khăn hiểm trở nếu không có “lửa từ trái tim” thì không đủ nghị lực để… leo. Với người Nhật Bản Phú Sĩ là ngọn núi thần núi thiêng che chở cho đất nước Nhật. “Thứ nhất Fuji, thứ nhì Naka, thứ ba Nasa”. Có nghĩa là vào đêm mồng 1 Tết, may mắn nhất là người có giấc mơ thấy Phú Sĩ, thứ nhì là Chim ưng, và thứ ba là Cà tím. Những người sùng bái núi Phú Sĩ đã thành lập một tổ chức “tín ngưỡng ngọn núi” này có tên là Fuiiko.

      Trong hành trình tham quan núi Phú Sĩ có hồ Kawaguchi nằm ở thung lũng Kowakodani, vết tích của miệng núi lửa phun trào cách đây 3.000 năm. Ta có thể nhìn thấy những giếng nước nóng mà nguồn nước có hàm lượng sulphuric nồng nàn hăng hắc bay trong không khí. Nguồn nước ấy đem luộc trứng vỏ trứng chín có màu xám tro. Nhưng nó mang theo truyền thuyết khi ăn một quả trứng được luộc tại đây có thể kéo dài tuổi thọ thêm 7 năm. Có người “xơi” tới 3-4 quả ngon lành. Leo bộ hơn cây số lạnh giá dưới tuyết lên tận căn nhà lưng chừng núi để mua trứng luộc tại chỗ có giếng nước chứ không chờ họ chuyển qua đường cáp xuống trung tâm thương mại. Hy vọng trứng ra lò nóng hôi hổi này thì sự mầu nhiệm cao hơn, “thọ” thêm hai ba chục năm tuổi. Tôi chỉ “xơi” một quả, thọ thêm 7 năm đã là quá nhiều. Sống lâu hơn chưa chắc đã hay ho.

Khách đến suối nước nóng ăn trứng

      Hồ Ashinoko nằm bên“Ngũ hồ” và là hồ lớn nhất đến nỗi từ bờ bên này dõi bên kia chỉ thấy tận chân trời ngọn núi Fujisan mờ nhạt. Chúng tôi được leo lên một chiếc thuyền lớn màu xanh rêu có chạm nổi những hình thù cổ quái sơn nhũ vàng và trên boong thuyền dựng nhiều cột buồm dây lèo chằng chịt với một bức tượng “Hải tặc” thời xa xưa dữ dằn to lớn như hải tặc trong phim vậy. Có lẽ những người làm du lịch muốn cho du khách trải nghiệm con thuyền “Cướp biển” bởi con thuyền đi trong gió tuyết phũ phàng trên mặt hồ rộng mênh mông. Khung cảnh thật hấp dẫn khi mà du khách chen nhau lên boong dưới trời mưa tầm tã chụp những bức ảnh với trùm “Hải tặc”.

      “BIỂN CÂY” – CÁNH RỪNG MA ÁM

      Ở chân núi Phú Sĩ phía bắc có một khu rừng có tên Aokigahara tĩnh lặng u tối đến bất thường, được coi là khu rừng “chết chóc”. Mỗi năm có hàng chục người Nhật Bản tìm đến Aokigahara để thực hiện cuộc hẹn hò với thần chết. Nó chỉ thua cây cầu Golden ở Francico nước Mỹ về số người tìm đến cái chết hằng năm. Khu rừng còn có tên “Jukai” tức “Biển cây”, một trong số ít rừng nguyên sinh còn lại của Nhật Bản. Ðất rừng chủ yếu là đá núi lửa có nhiều hang hốc hiểm trở và sâu thẳm.

      Thích thú đấy nhưng cũng “rờn rợn” khi nhìn thấy những tấm biển khuyên nhủ dựng nơi cửa rừng “Cuộc sống là quà tặng quý giá của cha mẹ ta”, “Hãy suy nghĩ lại. Ðừng dại dột!”, “Ðừng giữ lấy buồn phiền. Nói chuyện với chúng tôi!”, và phía dưới là số điện thoại liên lạc 080-5334-….

 

Tác giả ở First Step núi Phú Sĩ

      Người ta đồ rằng ở dưới “Biển cây” có mỏ thép ngầm khiến la bàn “liệt”, mất phương hướng định hướng nên người đi rừng bị lạc không thể trở ra và chết đói ở đó. Lập luận ấy bị bác bỏ vì trong thế chiến thứ 2 máy bay khí tài quân sự qua đây có sao đâu. Lại có dư luận cho rằng rừng Aokigahara là sự chuộc tội của “Yurei” - tức hồn ma của những người chết yểu, hoặc bị đột tử, hoặc là địa điểm của “ubasute” có nghĩa bỏ rơi một bà cụ già trong thời đói kém ở khu vực này hồi thế kỷ XIX. Một số người lại nói chính các gốc cây là nguồn chứa các nguồn “năng lượng tiêu cực” liên quan nhiều vụ tự tử và chết chóc. Người khác nói ma quỷ trong rừng “hối thúc” người ta nghĩ đến chuyện tự sát và không cho họ thoát ra khỏi cánh rừng.

      Những người khác lại đổ trách nhiệm cho câu văn “rừng Aokigahara là điểm tự sát yêu thích” trong cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1960 của nhà văn Seicho Matsumoto mà đoạn kết là đôi tình nhân tìm đến cái chết ở cánh rừng này. Nhưng có ý kiến phản bác rằng người ta tìm đến “Biển cây” tự tử từ trước khi cuốn tiểu thuyết này được in ra. Các ý kiến nữa nói số lượng người tự sát cao ở “Biển cây” là do cuốn sách “Cẩm nang đầy đủ cho tự sát” in năm 1993 của Wotaru Tsurumuim, người nói cánh rừng là “chỗ hoàn hảo để chết”. Bởi cả hai cuốn sách thường được tìm thấy bên cạnh những thây người trong cánh rừng. Ða số người tự sát ở rừng Aokigahara thường chọn cách treo cổ, khoảng 100 vụ/năm. Uống rượu thật nhiều để bị ngộ độc, hoặc dùng các loại thuốc cũng là cách lựa chọn. Không nhiều người lại chọn cách ngồi hít khí độc carbon dioxide trong xe hơi đóng kín đậu ở bìa rừng, hoặc họ đem theo than đá để tự chết ngạt. Cũng có một số rất ít nữa chọn cách rạch cổ tay hoặc dùng súng.

      Khi có những cách chết bạo lực chính quyền luôn nghĩ thiên về khả năng nạn nhân bị giết vì rừng Aokigahara cũng là điểm lý tưởng để giấu xác. Trong các trường hợp này người giữ rừng hoặc du khách chỉ phát hiện ra các bộ xương trong các căn lều của họ, nó “kể” được chuyện gì đã xảy ra và nạn nhân là ai từ những đôi giầy, quần áo, ví tiền, giấy tờ cùng ảnh của họ. Người chết mỗi năm một tăng. Nhà địa chất Azusa Hayano cho biết riêng ông tìm thấy hơn 100 xác chết trong 20 năm qua. Ông tìm thấy nhiều thông tin qua các xác chết rằng họ cảm thấy cô đơn trong một xã hội chạy theo đồng tiền. Số vụ tự sát “ổn định” khoảng 20 xác/năm. Nhưng tăng lên 57 vụ từ năm 1994 và năm 2004 đạt con số kỷ lục: 108 xác. Gần đây chính quyền địa phương ngưng công bố các vụ tự tử trong cánh rừng nhằm ngăn chặn hiệu ứng “kích thích” những người khác tìm đến nơi được coi là “tự sát lý tưởng”.

Núi Phú Sĩ nhìn từ xa

       Số vụ tự sát cao đến độ năm 2009 chính quyền quận Ymanashi phải thuê người kiểm tra rừng tìm dấu vết và nói chuyện với những người lạ xuất hiện trong “Biển cây”. Nhật Bản có tỷ lệ tự sát cao nhất thế giới. Càng nghiêm trọng hơn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gần đây. Chính phủ Nhật đã ra chỉ tiêu giảm các vụ tự sát chỉ còn 20% so với hiện tại vào năm 2016 bằng các biện pháp giáo dục, tư vấn và tiếp cận những người gặp hoàn cảnh sống khốn cùng. Nhưng các chuyên gia khuyến cáo nạn tự sát sẽ chỉ kết thúc khi nào điều kiện kinh tế được cải thiện, người dân tìm được việc làm ổn định, chờ đến khi ấy “Biển cây” vẫn là điểm lý tưởng cho người ta tìm đến cái chết.

       TOKYO – MỘT NHẬT BẢN HIỆN ÐẠI

      Ðược chọn tháng 6 năm 1989, biểu tượng chính thức của Tokyo là ba hình cung tạo nên chữ T theo hình dáng của lá cây ginkgo, nó biểu thị cho vẻ đẹp, sự thanh bình, phồn thịnh và phát triển trong tương lai của Tokyo. Tokyo tiếng Nhật là Tokyo-to có nghĩa là Ðông kinh đô. Vùng đô thị Tokyo là vùng đô thị đông dân nhất thế giới với dân số từ 35 đến 39 triệu người. Và là vùng đô thị có GDP cao nhất thế giới 1.479 tỷ USD theo sức mua tương đương vào năm 2008. Tokyo được Saskia Sassen mô tả là một trong 3 trung tâm chỉ huy của nền kinh tế thế giới cùng với London và New York. Thành phố này được xem là một Alpha + thành phố thế giới theo xếp hạng của GaWC năm 2008. Tokyo là nơi đặt cơ quan đầu não của chính phủ Nhật Bản, Hoàng cung Nhật Bản và là nơi cư ngụ của Hoàng gia Nhật Bản.

      Ðương kim Thiên Hoàng Akihito (đời thứ 135) đang sống ở đây. Tầm quan trọng của Tokyo được nâng lên chủ yếu là công của hai nhà lãnh đạo lỗi lạc: Tokugawa Leyasu và Minh Trị Thiên hoàng (Meiji). Tokyo cũng như Osaka đã được thiết chế từ thập niên 1900 như là một thành phố đường sắt với nhiều nhà ga bao quanh. Tokyo đã trải qua hai tai họa lớn và phục hồi một cách nhanh chóng đáng nể sau hai sự kiện, một là trận động đất lớn Kanto năm 1923, và tai họa kia là cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 năm 1939 – 1945. Những bom lửa năm 1945 cũng hủy diệt không kém hai quả bom nguyên tử ở Hyrosima và Nagasaki cộng lại. Sau chiến tranh Tokyo được xây dựng lại hoàn toàn và được trưng bày cho thế giới xem trong Thế vận hội 1964 tổ chức tại thành phố này.

Tokyo về đêm

       Tokyo trở thành thành phố lớn nhất trên thế giới vào năm 1965 vượt qua khỏi New York. Thập niên 1970 đem lại những phát triển về chiều cao. Hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo và xe lửa đi lại trong thành phố trở thành bận rộn nhất trên thế giới. Tokyo với vai trò trung tâm của vùng đại đô thị, là trung tâm giao thông nội địa và quốc tế lớn nhất Nhật Bản với hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ và đường không phát triển hiện đại nhất thế giới. Giao thông công cộng trong Tokyo bao gồm chủ yếu là hệ thống xe lửa và tàu điện ngầm được quản lý bao quát bởi nhiều nhà điều hành. Hệ thống đường cao tốc nối thủ đô tới các điểm khác trong vùng đại Tokyo, vùng Kanto và các đảo rất thuận lợi. Kiến trúc của Tokyo được hình thành phần lớn sau thế chiến thứ 2 do vậy khung cảnh của Tokyo hiện nay là thuộc kiến trúc hiện đại đương thời có rất ít các công trình cổ.

      Ở một “đại đô thị” cái gì cũng nhất thế giới từ kinh tế, hệ thống giao thông, văn hóa, kiến trúc, đến các chuỗi trung tâm thương mại lớn tầm cỡ Global cùng mật độ dân số cao sầm uất hơn cả Paris mà đường phố thì sạch sẽ “như lau như ly”, con người thì thân thiện lịch lãm đến không ngờ có lẽ cũng vào hạng… nhất thế giới. Cái cách cúi gập đầu chào nói lời dịu êm ở bất cứ không gian giao tiếp nào từ quầy bán hàng đến tiếp tân khách sạn, từ nơi ăn sáng đến đón người nơi công sở, xách va ly giúp không lấy tiền “boa” và kể cả khi nhập xuất cảnh nhất nhất kèm theo nụ cười cởi mở dễ thương. Có lẽ người Nhật Bản không biết cáu gắt dẫu có ai đó chen ngang không xếp hàng hoặc tranh cầu thang máy. Có lẽ người Nhật Bản cũng không biết nói to dẫu ở nơi phố chợ hay sân ga tầu điện ngầm người chật đông như nêm cối. Có lẽ người Nhật Bản không tham lam nên không có móc ví xẻ túi lấy tiền-đồ, cũng như ai đó để quên hành lý đi xa quay lại vẫn còn nguyên đó.

      Và sự sạch sẽ đường phố không một mẩu rác thải làm tôi bối rối khi phải tìm nơi có thể hút thuốc lá và vứt mẩu giấy kẹo. Người Nhật Bản rất quan tâm tới những điều kiện sống tốt nhất cho con người, đến nỗi nhà vệ sinh công cộng không thu phí, có cả khu dành riêng cho người khuyết tật lẫn trẻ em và người già chứ không chỉ hai loại đàn ông và đàn bà. Ngô Thanh Tùng - anh chàng từng học tập và làm việc ở Nhật Bản nhiều năm nói với tôi, khi phỏng vấn một hoa hậu Nhật Bản rằng cô tự hào gì về đất nước thân yêu của cô, thì niềm tự hào của cô lại là thứ không ai ngờ. Ðó là chiếc bồn cầu. Tưởng Tùng nói chuyện để “giết thời gian” khi chờ quá cảnh ở sân bay Pusan, nhưng tới Nhật Bản, quả là chiếc bồn cầu Nhật cho con người ngồi trên đó một hứng thú thực sự. Phía tay phải bồn cầu có một bảng điều khiển điện tử công nghệ cảm ứng, chỉ “chạm” thôi, ngoài được sưởi ấm dưới mông trong tiết trời se lạnh, còn được tự động tẩy rửa với tia nước nóng phun êm ái như massage, thậm chí xả thải, báo động và gọi cứu hỏa.

Chú chó Hachiko

      Ở Nhật Bản có những chuyện không thể giải thích nổi. Ví như một chị trong đoàn chúng tôi mua hàng vội bỏ đi không lấy lại tiền thừa vì thấy nó nhỏ bé không đáng là bao, nhưng cô bán hàng để số xu tiền thừa vào một cái khay lách quầy vội vã chạy theo trả lại bằng được còn nói đôi lời gì đó như cảm ơn và hẹn gặp lại. Màng lưới siêu thị ở Tokyo dày đặc là thế, đắt đỏ nhất thế giới, vậy mà vẫn có nhiều chuỗi “Cửa hàng 100 Yên” (tương đương 23.000 VND) cho một món hàng dành cho “Chương trình chi tiêu tiết kiệm”. Vào buổi tối khuya ở Tokyo tôi đã lọ mọ đến sân ga Shibuya để ngắm bức tượng chú chó Hachiko bằng đồng được dựng trước cửa nhà ga. Mười năm đợi chờ một đoàn tàu về sau hoàng hôn. Mười năm kiên nhẫn trong gió mưa bão tuyết. Chính xác như một chiếc đồng hồ. Chú chó ấy đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của tình yêu, lòng trung thành, sự tận tụy với người chủ đồng thời cũng là một người bạn. Chuyện là chú chó Hachiko nhiều năm dài theo tiễn giáo sư Hidesaburou Uenot tới nhà ga này lên tàu để đến trường đại học vào buổi sáng, để rồi chiều tà Hachiko lại đến đây đón giáo sư về nhà. Rồi vào chiều một ngày Hachiko không đón được giáo sư Ueno nhưng vẫn kiên trì đến nhà ga chiều chiều suốt 10 năm mà không hay biết giáo sư đã bị đột quỵ tại giảng đường. Rồi Hachiko trung thành tận tụy cũng đã trút hơi thở cuối cùng tại sân ga Shibuya. Câu chuyện đã trở thành bất tử. Ði vào sách giáo khoa của học sinh Nhật. Thế giới thì biết đến và ấn tượng về chú chó Hachiko qua bộ phim nổi tiếng “Hachiko Monogatan” được công chiếu năm 1987 và được dựng lại năm 2009. Ga Shibuya là một xa cảng đông đúc nhất thế giới có tới 2,5 triệu người qua lại mỗi ngày từ “thế giới tàu điện ngầm metro Tokyo”. Và người ta đã tôn vinh Hachiko bằng một bức tượng để mọi người qua đây chiêm ngưỡng.

      Vào tháng 3 năm 2011 thế giới đã lặng đi chứng kiến thảm họa kép động đất sóng thần ở Nhật Bản. Trong số hàng ngàn câu chuyện xúc động mà ta chưa có cơ hội để nghe, chỉ hai câu chuyện sau chính là tấm gương về nhân cách Nhật Bản. Chuyện thứ nhất, một người đàn ông ở Sendai nhảy xuống nước đưa ba người phụ nữ lên ban công an toàn và chấp nhận hy sinh khi chiếc xe theo dòng nước lao về phía mình. Người bạn của ba người phụ nữ ấy vẫn còn thảng thốt “Ba cô ấy được an toàn nhờ một người lạ. Người đã tặng cả cuộc sống để cứu lấy họ!” Và câu chuyện thứ hai, về 50 nhân viên nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima quyết bám trụ để vận hành nhà máy. Con gái của một người trong số họ hy sinh tên là Namico Aoto đã nghẹn ngào chia sẻ trên Twitter: “Bố tôi xung phong trở lại nhà máy dù chỉ nửa năm nữa ông sẽ nghỉ hưu. Ở nhà bố có vẻ không giống với những người có thể giải quyết được việc lớn như hôm nay. Tôi tự hào về ông!”

       Nhật Bản cho tôi ngưỡng vọng. Không phải “kính nhi viễn chi” từ đất nước mình nữa. Mà tôi đã đến với Nhật Bản trong 5 ngày để yêu và yêu hơn Nhật Bản.                                        

      Bút ký của Khiếu Quang Bảo

Bình luận
vtcnews.vn