Nhân vụ Calciopoli 3:Cuộc sống phía sau những bàn thắng

Thể thaoThứ Sáu, 03/06/2011 02:03:00 +07:00

Sau khi rời xa sân cỏ, những cầu thủ Italia đã nhận được những gì từ xã hội ?

273 bàn thắng sau 605 trận chuyên nghiệp, 3 lần đoạt danh hiệu Vua phá lưới Serie A và tham dự một World Cup mà ở đấy anh và đội Thiên thanh đã thua trong loạt luân lưu ở trận chung kết. Chúng ta đang nói về Giuseppe Signori và những gì anh đã làm trong sự nghiệp.

Bây giờ, ở tuổi 43, sau khi đã trải qua rất nhiều sóng gió trong cuộc đời và chứng kiến nhiều đồng đội của mình trong hoàn cảnh tương tự sau khi rời bóng đá, anh bảo: “Tôi đã thấy rất nhiều đồng đội của tôi gặp khó khăn khi trở lại cuộc sống trong một cương vị khác. Tôi nghĩ đấy cũng chính là khó khăn của tôi. Khi treo giày, tôi phải làm lại tất cả từ đầu và buộc phải làm những điều trước kia chưa từng”. 

Từ một chân sút hàng đầu, Signori giờ phải đối đầu với án phạt tù do dàn xếp tỉ số. 

Signori, thần tượng một thời ở Foggia, Lazio và Bologna nói vậy trong cuốn sách “Hiệp phụ: Những khó khăn sau khi giã từ sân cỏ của các cầu thủ chuyên nghiệp Italia”. Những khó khăn ấy rất nhiều: thất nghiệp, không hòa nhập được với cuộc sống mà họ đã ít gắn bó với nó hơn do nhiều năm quần quật trên sân cỏ, trên bãi tập và trong khách sạn trong những chuyến thi đấu xa. Nhưng điều nghiêm trọng hơn cả, cũng chính là điều Schillaci đã từng trải qua (và đã vượt qua): một số cầu thủ nổi tiếng trong quá khứ cảm thấy lạc lõng và cô đơn đến mức tuyệt vọng sau khi treo giày, khi bắt đầu một cuộc sống mới mà họ rõ ràng không phải là “sao”.

Alessio Del Piano, cựu cầu thủ Brescia và Monza ở Serie B, nói trong cuốn sách, rằng “các đồng đội cũ luôn luôn gọi cho tôi đề nghị giúp đỡ, bởi họ không tìm được việc làm, hoặc một chỗ đứng trong xã hội. Và điều kì quặc là khi họ tìm kiếm sự giúp đỡ thì thường không ai chìa tay ra cho họ cả. Trên sân cỏ, họ là những cầu thủ xuất sắc, nhưng ngoài đời thì...”. 

Albertini là điển hình cho thành công của các cựu danh thủ. 

Những số liệu thống kê cho thấy, sau khi giải nghệ, rất nhiều cầu thủ không thể nào hòa nhập vào cuộc sống mới. Chỉ có 2% số cầu thủ treo giày thành công trong việc tạo lập một sự nghiệp ngoài bóng đá. 66% số cầu thủ đã từng chơi tại Serie A mùa bóng 1988-1989 thổ lộ rằng họ muốn tiếp tục sự nghiệp trên sân cỏ ở các cương vị khác. Trên thực tế, chỉ có 16,5% trong số họ hiện đang hoạt động trong lĩnh vực bóng đá, với các chức danh HLV, giám đốc thể thao, chuyên viên thể lực, HLV thủ môn, thậm chí BLV trên truyền hình. Nhưng chỉ có 10% trong số này làm việc trên trong thời gian ít nhất là 3 năm liên tiếp. Chính vì thế, mà họ tỏ ra ngưỡng mộ những ai có khả năng hoạch định tương lai cho mình. 

Trong số những tấm gương nổi bật, có cựu chân sút lừng danh của đội tuyển Italia Paolo Rossi, hiện là chủ một công ti chuyên về bất động sản và du lịch trang trại, đồng thời cũng là BLV bóng đá trên truyền hình trả tiền Sky. Dù thành công trên lĩnh vực bóng đá rất ít, nhưng hầu hết các cầu thủ hiện đang chơi bóng vẫn tin rằng, cuộc sống của họ sau khi giải nghệ sẽ vẫn gắn liền với bóng đá. 69,8% số cầu thủ hiện tại khẳng định rằng họ không lo ngại trước việc không nhiều các đồng nghiệp đi trước thành danh trên lĩnh vực này.

Tommassi giờ trở thành người điều hành khóa học giúp đỡ các cựu cầu thủ hòa nhập dễ dàng hơn với cuộc sống

Theo cuốn sách, 90% trong số hơn 3 nghìn cựu cầu thủ được phỏng vấn hiện đang sống hết sức khó khăn sau khi giã từ sân cỏ. Trước tình hình ấy, tổ chức Hiệp hội cầu thủ nhà nghề (AIC) đã tổ chức những khóa học có tên “Vẫn còn một sự nghiệp” do cựu tiền vệ nổi tiếng của Roma Damiano Tommasi điều hành. Hiện là tân chủ tịch của Hiệp hội thay cho luật sư lão thành Sergio Campana, Tommasi nhấn mạnh rằng: “Mục tiêu của khóa học là trang bị cho các cầu thủ những công cụ cần thiết để tái hòa nhập vào cuộc sống lao động mới mà không nhất thiết phải là bóng đá”.

Khóa học gồm có 7 bài, và cuối cùng là việc thực tập ở các CLB thể thao hoặc các công ti khác nhau. Có 31 cựu cầu thủ đăng kí tham gia, trong đó có Luigi Di Biagio (cựu Roma và Inter), Igor Protti (cựu Bari và Lazio), Fabio Pecchia (cựu Napoli) và Francesco Toldo (cựu Fiorentina và Inter). Tuy nhiên, bất chấp thực tế khó khăn, điều tích cực của hiện tại so với quá khứ chính là ở chỗ học vấn của các cầu thủ hiện tại cao hơn trước kia. Việc 66,9% cầu thủ học hết trung học (so với 45,6% cách đây 20 mùa bóng) chính là điều kiện để họ cảm thấy tự tin hơn khi trở lại với đời sống bình thường, điều mà trước kia các bậc tiền bối của họ không có được.

Như thế, “hiệp phụ” cũng sẽ bớt đáng sợ hơn....

Theo Anh Ngọc (Thể thao văn hóa)

Bình luận
vtcnews.vn