Nhân viên sân bay Cam Ranh đánh khách Trung Quốc: Cần xử lý cả khách gây rối

Kinh tếThứ Bảy, 07/05/2016 06:48:00 +07:00

(VTC News) - Trong vụ việc nhân viên an ninh soi chiếu sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa đánh khách Trung Quốc do có hành vi gây rối, luật sư cho rằng, cần xử lý thêm cả hành khách nhằm tạo sự răn đe tốt hơn.

(VTC News) - Trong vụ việc nhân viên an ninh soi chiếu sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa đánh khách Trung Quốc do có hành vi gây rối, luật sư cho rằng, cần xử lý thêm cả hành khách nhằm tạo sự răn đe tốt hơn.

Cần xử phạt cả hành khách gây rối

Ngày 5/5, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam đã thông báo quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Văn Thái - nhân viên an ninh soi chiếu của CHKQT Cam Ranh trong khi thi hành nhiệm vụ đã có hành vi đánh khách vào tối 2/5/2016.

Theo đó, ông Thái chịu mức phạt là 10 triệu đồng theo quy định tại Điểm b, khoản 5, Điều 24, Nghị định 147 ngày 30/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Điểm e, khoản 1, Điều 10, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Mặc dù vậy, trả lời phỏng vấn của báo điện tử VTC News, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn Luật sư Tp. HCM) – người đã từng làm việc ở vị trí thẩm phán nhiều năm tại Tp. HCM lại cho rằng: Theo Điểm a, khoản 4, Điều 24 của Nghị định 147/2013, lẽ ra những người gây rối tại khu vực hạn chế của sân bay hàng không dân dụng, mỗi người có thể bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng, thậm chí, bị khởi tố hình sự về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” nếu hậu quả nghiêm trọng do làm ảnh hưởng an toàn cho chuyến bay, nếu hành vi gây rối này khiến chuyến bay bị đình trệ.

Theo LS Phạm Công Út: Cục Hàng không phải xử phạt cả hành khách quấy rối.
Theo LS Phạm Công Út: Cục Hàng không phải xử phạt cả hành khách quấy rối. 

“Rất tiếc là tôi chưa thấy việc xử phạt nghiêm túc đối với hành khách trong trường hợp này, cũng như chưa thấy Cục Hàng không đề cập đến thông qua kênh báo chí nên dư luận không đồng tình” – LS Út nói.

Cũng theo LS Út: Đối với nhân viên an ninh sân bay dân dụng, họ hoàn toàn được phép tham gia phát hiện, ngăn chặn đối với những hành vi gây rối của hành khách theo quy định tại điểm c khoản 2 điều 36 Nghị định 81/2010.

“Rất tiếc là cơ quan quản lý đã xử phạt nhân viên an ninh của mình không đúng luật, lại thiếu tình nên tạo sự bất bình cho dư luận” – ông Út cho hay.

 

Đối với nhân viên an ninh sân bay dân dụng, họ hoàn toàn được phép tham gia phát hiện, ngăn chặn đối với những hành vi gây rối của hành khách theo quy định tại điểm c khoản 2 điều 36 Nghị định 81/2010.

Luật sư Phạm Công Út
 
Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn Luật sư Tp. HCM) cũng liên tưởng câu chuyện các hành khách gây rối này với câu chuyện hãng hàng không Quốc gia Việt Nam Airlines từ chối vận chuyển huấn luyện viên Lê Minh Khương vì hành vi gây rối.

Hoặc mới đây việc Cục Hàng không phạt ca sỹ Lệ Quyên 4 triệu đồng vì cho con "tè" vào túi nôn khi máy bay chuẩn bị hạ cánh đã khiến dư luận ồn ào phản ứng.

“Do đó, nếu áp dụng pháp luật thì các cơ quan chịu trách nhiệm về trật tự an toàn hàng không dân dụng cần xử lý các tình huống vi phạm một cách thấu tình đạt lý, không nên tạo hình ảnh xấu cho ngành hàng không dân dụng Việt Nam bằng những cách xử lý mang tính tùy nghi” – Luật sư Út kết luận.

Không mạnh tay, sao an ninh sân bay đảm bảo

Theo Cục Hàng không, việc nhân viên an ninh soi chiếu của sân bay quốc tế Cam Ranh Nguyễn Văn Thái đánh hành khách người Trung Quốc là hành vi vượt quá chức trách nhiệm vụ của nhân viên an ninh hàng không.

Tuy nhiên, theo một đại diện truyền thông của hãng hàng không nội địa, ở một khía cạnh nào đó, có thể thấy, việc nhân viên an ninh hàng không phải “mạnh tay” để đảm bảo an ninh hàng không là chuyện có thể hiểu và thông cảm được.

Trả lời phỏng vấn VTC News, ông Hoàng Hữu Cương, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), cho biết: Cũng giống như các lực lượng an ninh, công an, quân đội, bộ phận an ninh sân bay có nhiều biện pháp, nhiều động tác để giữ người nhằm đảm bảo an toàn khu vực, chứ không đánh người.

Tuy nhiên, khi hành khách có hành động quá khích, tùy vào mức độ, nhân viên an ninh sẽ có cách xử lý phù hợp.

“Nếu đối tượng chưa có hành động phản kháng đến mức quá giới hạn, nhân viên an ninh có thể khóa còng tay, cách ly khỏi khu vực hành khách, bắt giữ và cao hơn nữa là giao cho công an xử lý. Còn khi phản kháng quá giới hạn thì ai cũng phải ra tay” – ông Cương nói.

Du khách Trung Quốc làm náo loạn sân bay Cam Ranh hôm 2/5. Ảnh: SCMP.
Du khách Trung Quốc làm náo loạn sân bay Cam Ranh hôm 2/5. Ảnh: SCMP. 

Trong vụ việc vừa qua tại sân bay quốc tế Cam Ranh, hành khách nam người Trung Quốc khi được kéo xuống đã có hành động, ý định, biểu hiện cướp giùi cui điện - công cụ hỗ trợ của lực lượng an ninh hàng không.

Hành động này của hành khách, theo ông Cương được coi là quá khích bởi “khi cướp được công cụ hỗ trợ, họ có thể tấn công lại lực lượng an ninh hàng không hoặc nếu không thì qua đó tạo cớ lên, khiến tình hình phức tạp hơn”.

Ông Cương nhấn mạnh: Trong tình huống của anh Thái, nhân viên an ninh sân bay này đã sai ở chỗ là dùng chân tay. Đây là hành động không được phép đối với nhân viên hàng không. Thay vì đánh lại hành khách, anh Thái lẽ ra có thể dùng các biện pháp mạnh khác để bắt giữ, trấn áp.

“Tôi hết sức thông cảm với hành động của anh Thái, nó là sự bức xúc, dồn nén, tâm lý lúc đó. Ngay sau sự việc xảy ra, anh Thái cũng hối hận vì không kiềm chế được cảm xúc, bị kích động theo sự lôi cuốn của đám đông” – ông Cương bày tỏ.

Vị Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh này phân tích: Trong những sự cố tương tự, khi có đám đông tụ tập, la ó, gây hỗn loạn sân bay hoặc hành khách có hành động bất bình thường , gây rối trật tự, theo quy trình, lực lượng an ninh hàng không sẽ tập trung lực lượng.

Việc đầu tiên họ làm để đảm bảo an ninh đó là tuyên truyền, giải thích cho cá nhân hành khách đó, mặc dù bất đồng về ngôn ngữ nhưng nhân viên an ninh phải phối hợp với các công ty tour du lịch (những người biết tiếng Trung, tiếng Anh) để phiên dịch cho khách hiểu.

Thứ hai là yêu cầu hành khách phải chấp hành các quy định. Trong trường hợp hành khách có hành động quá khích, lực lượng an ninh sẽ bắt giữ nhưng không được có hành động đánh người.

“Tóm lại, sự cố đánh người vừa qua được tiềm ẩn từ lâu bởi sự đột biến của khách Trung Quốc qua cảng thời gian này nhiều và ngày nào cũng phải xử lý những vụ việc như vậy. Trước sự việc trên, cũng đã có trường hợp người Trung Quốc đã cầm điện thoại của nhau, tưởng mất lại đổ cho nhân viên an ninh.

Hơn nữa, trước đó, hành khách phải chờ đợi hơn 2 tiếng, nhiều người không hiểu, cứ đến sân bay thấy chậm chuyến lại đổ lỗi cho sân bay trong khi nguyên nhân là do kẹt không lưu tại Hong Kong” – ông Cương lý giải.

Clip: Lật tẩy hàng loạt vụ hành khách lấy đồ của nhau ở sân bay


Nói thêm về vụ việc, ông Cương cho hay: Chuyến bay mang số hiệu VN 462 cất cánh đi Hong Kong lúc 17h55 nhưng đến tận 19h40 vẫn tiếp tục bị trì hoãn vì lý do kẹt không lưu tại Hong Kong, chính vì vậy đại diện hàng không Việt Nam tại sân bay Cam Ranh đã đưa toàn bộ hành khách vào nhà chờ. Việc trễ chuyến đã khiến nhiều người tỏ ra bức xúc.

Cũng vì phải chờ đợi lâu, một số du khách có thái độ không hợp tác đối với sự hướng dẫn của nhân viên tại sân bay. Trong khi, một số du khách khác có những động thái la hét, nhảy lên ghế kích động thu hút đám đông, mất trật tự.

Đại diện của một hãng hàng không tại Việt Nam cũng chia sẻ với VTC News: “Làm trong ngành hàng không, tôi biết, trong thực tế, trước khi xuất phát, ở sân bay có thể có các tình huống phát sinh, người tiêu dùng nên có ý thức nâng cao văn hóa đi lại bằng đường hàng không. Các hành khách không nên có hành động quá khích gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự và hoạt động xuyên suốt của hàng không tại khu vực sân bay”.

Cũng theo vị này: Cơ quan an ninh sân bay là đơn vị chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn trong khu vực sân bay, trong trường hợp hành khách kích động thì tùy theo mức độ, cơ quan an ninh cần có biện pháp xử lý để tránh những tiêu cực xảy ra.

“Ví dụ, nhân viên hàng không yêu cầu khách vào phòng làm việc mà khách không vào hoặc chống đối thì buộc phải cưỡng ép...

Tùy theo trường hợp cụ thể cũng như mức độ hành xử của khách hàng, giả dụ, khách chỉ đứng và nói phản đối thôi thì nhân viên an ninh chỉ dùng những biện pháp đúng mức nhưng nếu khách quậy phá thì cũng phải can thiệp” – vị đại diện của hãng hàng không trên lưu ý.

Bởi, theo vị này, chỉ cần hoạt động thiếu kiềm chế thôi sẽ ảnh hưởng tới nhiều hành khách khác cũng như vấn đề an toàn hàng không. Vụ huấn luận viên Lê Minh Khương gây rối trên máy bay Vietnam Airlines vào năm 2011 có thể coi là một ví dụ điển hình, vì sự quá khích của ông, thay vì chuyến bay được bay ra Hà Nội như lịch trình thì lại phải quay lại sân bay Tân Sơn Nhất. 

Ngọc Hân

Bình luận
vtcnews.vn