‘Nhận tội để sống đặng có cơ hội kêu oan’

Pháp luậtThứ Ba, 28/07/2015 10:31:00 +07:00

Đó là lời trần tình của ông Bàn Văn Thái, một trong năm công dân bị oan ở Tuyên Quang, trước đoàn giám sát liên ngành.

Đó là lời trần tình của ông Bàn Văn Thái, một trong năm công dân bị oan ở Tuyên Quang, trước đoàn giám sát liên ngành.

Những lời trình bày của năm công dân bị oan ở tỉnh Tuyên Quang chưa được bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào kiểm chứng; chúng tôi cũng không thể kiểm chứng.

Nhưng cả năm con người không giết người mà vẫn cứ nhận tội bừa tại cơ quan điều tra, sau đó ra tòa phản cung và tòa không thể kết tội được họ là điều rất đáng suy ngẫm.


Chúng tôi xin trích đăng lời trình bày của họ và xin không bình luận gì.

Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã thông tin về vụ án giết người lạ lùng ở Tuyên Quang. Theo đó, sau sự kiện nạn nhân Đặng Quang Cường ở thôn 6, xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang chết bất thường, từ lá đơn tố giác nặc danh, Công an huyện Hàm Yên đã khởi tố, bắt giam năm công dân được nêu tên trong đơn về tội giết người. Đó là Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang, Đặng Văn Tuyên và Đặng Việt Sơn.

Vụ án được chuyển lên Công an tỉnh Tuyên Quang điều tra tiếp, sau đó VKS tỉnh này truy tố năm bị cáo ra tòa. Trải qua 14 phiên xử, tòa vẫn không kết án được họ. Thay vì đình chỉ và xác định năm công dân này bị oan, cơ quan tố tụng tỉnh này đã thay đổi quyết định khởi tố năm người này từ giết người sang cố ý gây thương tích rồi sau đó đình chỉ với lý do gia đình bị hại đã rút đơn yêu cầu khởi tố.

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát liên ngành, năm người nói trên trình bày ngay sau khi bị bắt, họ đã bị tra khảo, bức cung chịu không nổi nên mới phải nhận tội. Cả năm người yêu cầu cơ quan tố tụng phải xin lỗi và bồi thường oan cho mình. Dưới đây là những lời trình bày của họ.

Đặng Văn Tuyên: Đau quá nên khai… 


Khoảng 5 giờ chiều 13/9/2012, có hai công an huyện Hàm Yên đến gặp bạn em là Bàn Văn Sơn, sau đó Sơn gọi điện thoại kêu em về. Em về đi cùng Sơn và hai công an lên công an huyện. Rồi họ bắt em viết tường trình và lấy cung cho đến khoảng 22h đêm 13/9.

Sáng 15/9/2012, em vẫn trả lời như hôm trước thì bị cán bộ dùng dùi cui điện và tay đánh em. Em đau quá nên khai: “Em cùng với Quang và Sơn có đánh 3-4 người” ở ngã ba thôn 6, xã Bằng Cốc. Sau đó cán bộ bảo: “Mày nhớ lại đi, mày chỉ đánh một người thôi”.

Em nói em không nhớ, sau đó cán bộ lại hỏi: “Đánh xong chúng mày đi đâu?”. Em bảo xong giải tán, đi về. Sáng 16/9/2012, em vẫn trả lời như thế thì cán bộ tiếp tục đánh em, em không chịu được thì bảo là để nạn nhân ở ven đường. Cuối cùng, em bị đánh nhiều quá nên phải khai nhận theo ý cán bộ.


Sau đó mấy ngày, có hai cán bộ công an tỉnh đến cho bọn em viết giấy nhờ trợ giúp viên pháp lý. Em hỏi bị khởi tố vì tội gì thì hai cán bộ mới bảo em bị khởi tố về tội giết người. Trước đó, cán bộ Công an huyện Hàm Yên có bảo em người bị giết là Cường.

Đặng Việt Sơn: Họ bắt tôi nhận tội giết người

 
Hai tháng sau cái chết của anh Cường, ngày 13/9/2012, trưởng Ban công an xã Cảm Nhân gọi cho cha tôi bảo tôi lên có việc cần gặp. Tôi đi cùng công an viên của xã đến UBND xã thì gặp hai công an huyện Hàm Yên đề nghị phối hợp điều tra.

Đến tối thì công an hỏi lý lịch, sau đó thì cho tôi vào phòng khóa cửa. Một lúc sau có một số công an huyện Hàm Yên vào hỏi cung. Họ hỏi tôi có đánh người không. Tôi bảo ngày 15/7/2012 có bạn tôi sang chơi, tôi không đánh ai. Sau đó công an đánh và ép tôi phải nhận là đánh anh Cường.

Họ liên tục đánh đấm tôi, khóa tay tôi bằng còng số 8 rồi treo tôi lên cửa sổ. Vừa treo vừa đánh tôi. Lúc ấy tôi đau quá nên tôi cứ khai theo ý muốn của công an, vì nếu tôi không khai họ sẽ tiếp tục đánh tôi. Lúc họ đánh tôi, họ bắt tôi nhận tội giết người.


Đến ngày 16/9, công an bảo tôi ký vào lệnh tạm giam. Lúc ấy tôi chỉ biết Tuyên và anh Quang, ngoài ra không biết ai khác. Sau đó họ lại đưa nhiều loại giấy tờ khác nữa và tôi ký vào.

Đến ngày 19/9 thì tôi bị chuyển lên trại tạm giam công an tỉnh. Khi vào đó, tôi khai lại sự thật là tôi không giết người, không đánh ai. Nhưng cán bộ bảo tôi khai ở trên Công an huyện Hàm Yên thế nào thì giờ cứ khai như thế. Tôi sợ bị đánh tiếp nên lại khai nhận đã giết người.

Trong suốt quá trình bị tạm giam, tôi nhiều lần xin được viết đơn kêu oan. Có một lần quản giáo cho tôi viết đơn và tôi viết đơn gửi cho bí thư tỉnh Tuyên Quang. Trước đó, có trợ giúp viên pháp lý bảo tôi nếu oan thì viết đơn kêu oan.

Nhưng quản giáo bảo viết như này thì không ai gửi cho đâu mà phải viết là gửi cho cơ quan điều tra tỉnh Tuyên Quang. Nên tôi viết đơn kêu oan đưa cho quản giáo gửi cho Công an tỉnh Tuyên Quang. Sau đó lá đơn được gửi lại cho tôi vì tôi tố cáo công an.


Quang cảnh thực nghiệm hiện trường vụ án giết người mà năm công dân Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Việt Sơn, Đặng Văn Tuyên và Đặng Văn Quang bị cáo buộc oan. Ảnh tư liệu 

Đặng Văn Quang: Xích tay và đánh…

 
Khoảng 6h sáng 16/9/2012, anh trai tôi (tức Đặng Văn Sang, chú họ của nạn nhân Cường - PV) gọi tôi bảo sang xem làm sao, cháu nó chết rồi. Tôi sang bên nhà Cường, lúc đó người cũng đông rồi, tôi ở luôn đó và phụ mọi người lo đám tang cho cháu tôi.

Khoảng 10h ngày 14/9/2012, có cán bộ công an bảo mời tôi ra xã có tí việc rồi chở thẳng lên Công an huyện Hàm Yên. Tối, họ đưa tôi vào buồng hỏi cung. Tôi bảo đó là cháu tôi, tôi “không được làm việc đó”. Rồi họ xích tay tôi vào ghế. Ngày hôm sau, 15/9/2012, họ tiếp tục đánh tôi, tôi đau quá không chịu được nên phải nhận là đã đánh và giết cháu Cường.

Tôi có nói với họ là nhà tôi còn hai con nhỏ, không có người chăm sóc nhưng họ không có ý kiến gì cả. Cả lúc bị đưa xuống trại giam Công an tỉnh Tuyên Quang, tôi cũng trình bày hoàn cảnh như vậy nhưng họ không nói gì.

Trong suốt thời gian tôi bị giam hơn 30 tháng, công an cũng không thông tin cho tôi về tình trạng hai con của tôi.
Lúc ở trong trại, tôi rất nhiều lần xin khiếu nại nhưng không được.

Bàn Văn Thái: Tôi phải nhận tội để sống…

 
Đêm 14/7/2012, vợ tôi bị ốm nên cả nhà tôi không đi đâu. Chiều 15/7/2012, tôi mới thả trâu rồi ở nhà ăn cơm với vợ con. Sáng 16/7, tôi mới được cha anh Cường báo là anh Cường đã chết. Cường nó là em họ tôi. Tôi bảo Tiếp - con trai tôi sang lo đám tang cho Cường.

Ngày 15/9/2012, các cán bộ Khánh, Phú và một số cán bộ nữa đến nhà tôi bảo tôi ra UBND xã Bằng Cốc có việc. Họ bảo tôi ngồi lên xe máy và chở tôi thẳng lên huyện Hàm Yên.

Cán bộ Oanh hỏi lý lịch của tôi rồi đi ra ngoài. Một lúc sau, tôi được gọi sang phòng hỏi cung và cán bộ Oanh hỏi tôi: “Mày giết thằng Cường phải không?”. Tôi bảo tôi không biết, thằng Cường là em tôi, tôi chẳng giết nó làm gì, xưa nay tôi chả đánh ai cả. Cán bộ Oanh liền tát tôi hai phát. Rồi sau đó tôi được cho ăn cơm.

Sau đó có thêm năm cán bộ vào, họ lại dùng nhục hình với tôi, treo tôi lên cửa sổ và gí dùi cui điện bắt tôi nhận tội. Tôi choáng váng như gần chết đến nơi. Họ đánh tôi từ 1h chiều đến 5h chiều nên tôi phải nhận, nhận để sống, để gặp được cha mẹ mà nói tôi không phạm tội giết người.

Khi bị chuyển về trại giam Công an tỉnh Tuyên Quang tôi cũng không nhận mình giết Cường nhưng vì bị đánh, bị gí dùi cui điện nhiều lần, có khi cả vào chỗ kín nên tôi lại phải nhận tội.

Trong phiên xử đầu tiên ngày 21/5/2013, trước tòa tôi không nhận tội. Sau đó, ngày 7/6/2013, tôi được gọi ra “nhà ba tầng” (nơi làm việc của PC45 Công an tỉnh Tuyên Quang trong trại tạm giam - PV), các cán bộ công an lại bức cung, nhục hình tôi. Họ gí dùi cui điện vào ngực, vào chỗ kín của tôi, tôi đau quá và lại nhận tội.

Tôi chẳng có tội gì nhưng lại bị kết tội giết người. Khi ra trại, tôi lại cầm giấy có ghi tội cố ý gây thương tích. Tôi đau khổ lắm. Nhà tôi có trâu, bò… đã đều phải bán hết đi rồi.

Bàn Văn Tiếp: Đau quá nên hỏi gì cũng dạ, vâng

 
Ngày 16/7/2012, vừa ngủ dậy, tôi thấy ông Đặng Văn Cầu gọi cha tôi là Bàn Văn Tiếp bảo thằng Cường nó chết rồi. Lúc đó tôi đang chăn heo nên tôi không nghe rõ. Tôi và vợ đi làm nương nốt cho xong. Sáng 17/7, cha tôi bảo tôi vào hộ (tức giúp đám tang - PV).

Sau đó tôi đi làm thuê ở xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. Chiều 15/9/2012, tôi bị bắt và đưa về Công an huyện Hàm Yên, bị khóa tay vào thành ghế. Một cán bộ công an dùng chai nước vụt vào gáy tôi, tôi gục xuống bàn và ngất đi.

Tỉnh dậy, một cán bộ hỏi tôi: “Chúng mày giết người còn định trốn à, trốn cũng không thoát đâu”. Sau đó họ liên tục đánh tôi đến gần 12h đêm, ép tôi nhận tội giết người. Nhưng tôi không nhận tội vì tôi không biết gì cả.
Nếu nói về vai vế thì ông Cường là chú tôi, làm sao tôi giết chú ấy được.

Sáng 16/9/2012, họ đánh tôi từ lúc làm việc cho đến hơn 10h trưa, tôi đau quá không chịu được. Họ hỏi: “Anh và những người khác đánh và giết anh Đặng Văn Cường phải không?”. Tôi đau quá nên họ nói gì tôi cũng chỉ vâng, dạ mà thôi.

Nguồn: Pháp luật TP.HCM
Bình luận
vtcnews.vn