Nhân tài phá cam kết, Đà Nẵng sẽ kiện và thu tiền về

Thời sựThứ Sáu, 14/03/2014 08:20:00 +07:00

Có tới 29 học viên phá bỏ cam kết khi tham gia đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao phải bồi hoàn cho Đà Nẵng là 31,1 tỉ đồng.

Tờ Tuổi trẻ dẫn lời ông Nguyễn Xuân Anh, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: "Có khi sắp tới cần phải kiện ra tòa để thu hồi số tiền trên".

Không thực hiện đúng phải kiện

Trong 8 năm (từ năm 2006 đến nay), Đà Nẵng đã phải chi 600 tỷ đồng cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua hai đề án 393 và 922, tính bình quân, mỗi năm là 75 tỷ đồng.

Thế nhưng khi đánh giá lại quá trình triển khai, nhiều ý kiến cho rằng, Đà Nẵng cần siết chặt việc cam kết đào tạo vì những người được đưa đi đào tạo rồi bỏ nửa chừng, đi làm cho công ty nước ngoài hoặc lấy chồng ở nước ngoài chứ không về phục vụ cho thành phố như đã cam kết.

Nhiều nhân tài nhận đãi ngộ nhưng rồi tự phá bỏ cam kết
Nhiều nhân tài nhận đãi ngộ nhưng rồi tự phá bỏ cam kết
Trong số 608 người được đưa đi đào tạo thì có đến 29 trường hợp (tương đương với khoản chi phí 33 tỷ đồng) bỏ khỏi đề án, hiện chỉ mới thu hồi được 2,3 tỷ đồng, còn hơn 31 tỷ đồng…chưa biết khi nào thu được.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh: "cần thay đổi hình thức xử lý đối với nhưng trường hợp phá vỡ cam kết cho phù hợp với quy định của chính phủ. Nếu ai phá vỡ hợp đồng thì buộc phải hoàn trả đúng số tiền mà Đà Nẵng bỏ ra để đào tạo là hợp lý".

Trước đó UBND TP Đà Nẵng từng ra quyết định chấm dứt tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP Đà Nẵng đối với 3 học viên được hỗ trợ kinh phí đi du học nước ngoài, đồng thời yêu cầu họ bồi thường kinh phí gấp 5 lần kinh phí đã hỗ trợ do vi phạm hợp đồng đào tạo.

Theo quyết định, kể từ ngày 12/6/2013, chấm dứt tham gia đề án đối với các học viên: Hồ Thị Như Mai và Hà Thanh An do tự ý bỏ việc, không thực hiện đủ thời gian làm việc đối với thành phố theo cam kết; Nguyễn Văn Lời do không hoàn thành chương trình nghiên cứu theo quy định của đề án.

 UBND TP Đà Nẵng đã giao Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng tiến hành các thủ tục thanh lý hợp đồng đối với các học viên và gia đình sau khi họ đã hoàn tất việc bồi thường gấp 5 lần. Nếu các học viên và gia đình không bồi thường thì giao Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm thủ tục kiện ra tòa.

Theo hợp đồng, học viên đi du học sẽ được hỗ trợ từ 1.000 đến 2.000 USD/tháng, tùy thuộc du học ở nước nào. Khi hoàn thành khóa học phải về làm việc ít nhất 7 năm cho TP Đà Nẵng. Đối với học viên trong nước, mức hỗ trợ từ 1 triệu đến 3 triệu đồng/tháng và làm việc 5 năm cho thành phố.

Ông Nguyễn Phú Thái, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng: "Thành phố tạo mọi điều kiện cho nhân tài được đi học nhưng nếu họ không quay về cống hiến, phá vỡ quy tắc hợp đồng thì cứ xét theo luật", ông Thái nhấn mạnh.

Nhân tài... chạy

Chuyện nhân tài phá bỏ cam kết không phải là hiếm gặp. Trước đó tiến sĩ V.Đ.Q. (33 tuổi) - tốt nghiệp ngành công nghệ hóa học tại Trường ĐH Ulsan (Hàn Quốc), song về làm việc tại sở KH&CN Bạc Liên với nhiều vai và 5 lần chuyển vị trí khiến vị tiến sĩ này chọn cách ra đi.

Vốn tốt nghiệp ngành công nghệ hóa học tại Trường ĐH Ulsan (Hàn Quốc) năm 2011, Tiến sĩ Q về Bạc Liêu theo tiếng gọi của chính sách thu hút nhân tài. Sau đó ông được Sở Nội vụ Bạc Liêu tiếp nhận, bố trí công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ.

Khi vừa nhận công tác tại Bạc Liêu (tháng 6/2011), ông Q. được Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh này ký hợp đồng làm việc tập sự tại văn phòng sở.

Hơn một tháng sau, ông Q. lại được điều chuyển qua làm chuyên viên văn phòng quản lý khoa học cơ sở.

Tổng cộng trong thời gian hơn một năm (tháng 6/2011 đến tháng 7/2012) ông Q. được điều chuyển 5 lần qua các nhiệm vụ: chuyên viên phòng quản lý sở hữu trí tuệ, chuyên viên văn phòng sở, phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Sở Khoa học và công nghệ.

Khi được "thu hút" về Bạc Liêu, ông Q được nhận hỗ trợ theo chính sách là 200 triệu đồng nhưng sau đó ông đã hoàn trả số tiền này cho tỉnh và công tác đến tỉnh khác (Cà Mau).

Mới đây nhất, Hà Nội cũng đưa ra chính sách đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu (mức 1,05 triệu đồng/tháng) tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận, xét đặc cách không qua thi tuyển, cho phép mua nhà, thuê nhà theo chính sách ưu tiên, hỗ trợ việc học sau đại học cho những người thuộc đối tượng trọng dụng nhân tài.

Nếu đào tạo sau đại học trong nước, người học được hưởng mức hỗ trợ hàng tháng bằng 1,5 mức lương tối thiểu, hỗ trợ bảo vệ luận văn tốt nghiệp bằng 30 lần mức lương tối thiểu và luận án tốt nghiệp tiến sĩ bằng 80 lần mức lương tối thiểu.

Tuy nhiên, giới chuyên môn từng cảnh báo nhiều lần rằng lương quan trọng, song đó chưa phải là điều kiện quyết định để nhân tài thực sự phát huy được hiệu quả và gắn bó.

Bình luận
vtcnews.vn