Nhân sự EVN: Hàng chục nghìn người leo thang mỗi tháng vẫn ghi hóa đơn sai

Kinh tếThứ Năm, 16/07/2015 07:18:00 +07:00

EVN đang trong tình trạng dư thừa lao động nhưng tình trạng ghi sai hóa đơn điện vẫn diễn ra khiến dư luận bất bình.

(VTC News) – EVN đang trong tình trạng được cho là dư thừa lao động do năng suất thấp nhưng tình trạng ghi sai hóa đơn điện vẫn diễn ra khiến dư luận bất bình.

Năng suất lao động thấp

Cuối năm 2014, tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong những công ty Nhà nước nằm bét bảng về năng suất lao động.

EVN có tới 67.000 lao động chỉ ghi chữ, thu tiền, còn năng suất lao động chỉ bằng 1/10 Singapore, bằng 3/4 Malaysia và chưa bằng 1/2 của Thái Lan. Ví dụ, tại Tổng công ty Điện lực HCM, năng suất lao động cao nhất hiện nay là 2,4 triệu kwh/người lao động. Trong khi đó, tại Malaysia là khoảng 2,9 triệu kwh/người lao động, tại Tập đoàn Tepco (Nhật Bản) là 7,5 triệu kwh/người lao động.

Nhiều chuyên gia trong ngành vẫn từng nói để làm ra 1 đơn vị điện nhiều nước chỉ cần 2,5 lao động còn Việt Nam là 20-55 lao động. PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại cho rằng nguyên nhân là do con ông cháu cha được nhận vào rất nhiều. Chính vì vậy đáng ra chỉ cần nhận 2-3 người để làm một công việc nào đó thì có khi nhận đến 20 người.

EVN đang phải chi 110 tỷ đồng mối tháng cho hàng chục ngàn công nhân leo thang ghi số điện hàng tháng
EVN đang phải chi 110 tỷ đồng mối tháng cho hàng chục ngàn công nhân leo thang ghi số điện hàng tháng 
Năng suất lao động tại EVN thấp đã được bộc lộ từ lâu. Thế nhưng, dư luận vẫn không khỏi bất bình khi biết sếp lớn của EVN “ăn gian” giờ công sở để đi... đánh golf.

Theo nguồn tin riêng của báo Thanh Niên, ông Thiều Kim Quỳnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực miền Bắc (EVN NPC) bị tố cáo “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động, bỏ việc đi chơi golf một cách có hệ thống trong nhiều năm”.

Theo kết luận của lãnh đạo EVN, Tổ công tác của EVN xác định ông Quỳnh có đi chơi golf trong giờ hành chính mà ông này không cung cấp được tài liệu chứng minh là việc đi chơi đó đã được sự chấp thuận của lãnh đạo EVN NPC.

Tuy nhiên, vì EVN không có đủ thẩm quyền để kiểm tra, xác minh tính pháp lý của các bản photo nhật ký sân golf của sân golf Vân Trì, nên nội dung tố cáo ông Quỳnh bỏ việc cơ quan, đi chơi golf có hệ thống trong nhiều năm là “chưa đủ chứng cớ xác định”. Vì thế, ông Thiều Kim Quỳnh vẫn được lãnh đạo EVN NPC đánh giá là “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Sếp lớn chểnh mảng công việc nên năng suất lao động tại EVN thấp là điều dễ hiểu. Bản thân Chủ tịch Tập đoàn EVN Hoàng Quốc Vượng cũng phải thừa nhận năng suất lao động tại Tập đoàn còn quá thấp.

Trong buổi làm việc với Bộ Công thương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không hài lòng khi năng suất lao động của EVN thấp. “Tôi được biết có chi cục điện lực, lãnh đạo trước khi nghỉ hưu nhận thêm hàng trăm nhân viên vào làm việc. Thử hỏi như thế thì làm sao năng suất lao động cao được?”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu EVN làm phải nâng cao năng suất lao động trong thời gian rất ngắn. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã có chỉ đạo triển khai xây dựng đề án nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động của EVN.

Liên tục sai sót

EVN có 67.000 lao động chỉ ghi chữ, thu tiền. Công việc không quá nhiều vì đôi khi “cần tới 20 người làm công việc của 2-3 người” nhưng sai sót lớn vẫn xảy ra. Sai sót của ngành điện ảnh hưởng nhiều nhất tới người dân chính là ghi sai hóa đơn điện dẫn đến số tiền người dân phải trả tăng vọt.

Từ cuối tháng 5 đến nay, dư luận xôn xao về tình trạng hóa đơn điện bỗng dưng tăng gấp 3, thậm chí có trường hợp tăng gấp 8 lần so với tháng trước. Trong khi đó, nhiều người dân khẳng định lượng điện tiêu thụ của gia đình họ không thể tăng nhiều như vậy được.

Trả lời những bức xúc này của người dân, ngành điện cho rằng cuối tháng 5 là khoảng thời gian nắng nóng “cực đỉnh” nên người dân sử dụng nhiều thiết bị điện hơn, trong đó có điều hòa. Bên cạnh đó, trời càng nóng, điều hòa càng ngốn nhiều điện hơn để làm mát. Cộng thêm với việc tính giá điện theo hình thức lũy kế nên hóa đơn điện tăng vọt là điều dễ hiểu.

Cuối tháng 6, lãnh đạo EVN Hà Nội khẳng định đến thời điểm đó, EVN Hà Nội vẫn chưa phát hiện bất cứ sai sót nào về ghi hóa đơn điện.

Nhưng mới đây, một hộ dân ở Hà Nội vừa nhận được hóa đơn tiền điện tháng 6 với số điện tiêu thụ sai khác tới 172 số điện so với con số thực tế trên công tơ điện, khiến hóa đơn tiền điện của gia đình tăng gần gấp đôi.

Khi phản ánh sự việc tới Công ty Điện lực Đống Đa, đơn vị này thừa nhận đã ghi sai hơn 172 số điện so với thực tế sử dụng của gia đình. Lượng điện tiêu thụ của gia đình giảm xuống khiến số tiền phải đóng của khách giảm gần một nửa.

Đây không phải lần đầu tiên ngành điện khiến người dân hốt hoảng vì ghi sai hóa đơn điện. Năm 2014, tình trạng này cũng đã diễn ra. Phó tổng giám đốc EVN Hà Nội - Nguyễn Quang Trung cho rằng một số trường hợp sai sót trong việc ghi chỉ số công tơ là ngoài ý muốn và mong được khách hàng cảm thông.

Năm 2015 được EVN chọn là năm “Năng suất - hiệu quả”. Tuy nhiên, trong khi dư luận chưa được chứng kiến năng suất lao động tại EVN có nhiều cải thiện thì họ đã phải hứng chịu những sai sót từ những nhân viên EVN.

Thanh Hà

Bình luận
vtcnews.vn