Nhan nhản nước phở được nấu bằng hóa chất

Kinh tếChủ Nhật, 16/06/2013 01:47:00 +07:00

(VTC News) – Thịt gà, lợn bơm chất tăng trọng; Nước phở được nấu bằng hóa chất là những sự cố tiêu dùng đáng chú ý nhất tuần qua.

(VTC News) – Thịt gà, lợn bơm chất tăng trọng; Nước phở được nấu bằng hóa chất là những sự cố tiêu dùng đáng chú ý nhất tuần qua.

Dùng túi nilon kém chất lượng: Nguy cơ ung thư phổi

Các chuyên gia khuyến cáo, sử dụng túi nilon kém chất lượng, người tiêu dùng sẽ phải đối diện với những nguy cơ có hại cho sức khỏe.

Điều này cũng dễ hiểu, vì hầu hết túi nilon bán ngoài thị trường hiện nay đều được sản xuất từ nhựa tái sinh từ các cơ sở sản xuất gia công, họ tận dụng cả rác thải (nhựa) y tế, quy trình sản xuất thủ công, đặc biệt là túi màu để đựng thức ăn, thực phẩm đều bị nhiễm kim loại chì, clohydric... gây tác hại cho não và nguy cơ ung thư phổi cao.

Các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu và chứng minh, các loại túi nilon phải mất từ 500-1.000 năm mới có thể tự phân hủy. Việc chôn lấp túi nilon sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, khó thở, nôn ra máu, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ... Đặc biệt, các loại túi nilon màu chứa thực phẩm có thể khiến thực phẩm nhiễm các kim loại như chì, clohydric gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây ung thư phổi.

Nguy hại hơn là hiểm họa từ các loại túi nilon tái chế. Đặc biệt là các loại túi nilon được tái chế từ rác thải, công đoạn tái chế xử lý rất thủ công, trong quá trình sản xuất được trộn các loại hóa chất làm tăng độ dẻo và bền của sản phẩm đang bán rộng rãi trên thị trường tiềm ẩn nhiều hoá chất độc hại.

Theo ông Mai Văn Tiến, Phó giám đốc Trung tâm vật liệu (Viện hóa học công nghiệp Việt Nam): “Nếu dùng túi nilon từ nhựa tái chế không sạch, sẽ lẫn mầm bệnh và vi khuẩn. Trong quá trình sản xuất, nhà sản xuất cho màu và phụ gia để chống dính nhằm tăng sản lượng. Vi khuẩn, kim loại nặng lẫn trong nhựa để làm túi sẽ trực tiếp nhiễm vào cơ thể người, gây bệnh ung thư. Sở dĩ có nguy trên là do cơ chế lây nhiễm và phôi nhiễm khi nilon gặp nhiệt độ cao".

Cũng quan điểm với ông Tiến, PGS.TS Ngô Quốc Quyền (Viện Hóa học) cũng cho rằng, những loại túi nilon hiện nay khi sử dụng xong nếu không xử lý đúng quy trình mà để vùi xuống lòng đất thì sẽ rất nguy hiểm, vi loại túi này sẽ làm lớp đất bị bít lại và bị xi măng hóa. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới môi trường đất, nguồn nước, mà còn ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người.

Nước phở không cần xương

Hóa chất tạo ngọt cho nước phở 
Không cần lích kích ninh xương, không cần tốn nhiều tiền. Chỉ cần cho vài viên đường hóa học Trung Quốc, thêm ít mỡ lợn cho có vẻ giống nước dùng được ninh từ xương. Đó là kĩ nghệ để có 1 nồi nước dùng phở ngon ngọt được người bán hàng tại chợ Đồng Xuân mách nước…
 
Theo những người bán hàng tại khu vực đường Thái Hà, gần chợ Đồng Xuân: đường hóa học có vị ngọt hơn đường thông thường từ 30-70 lần, thậm chí có loại ngọt hơn từ 200-600 lần, lại rẻ và dễ sử dụng nên được mua nhiều. Cứ 1kg đường hóa học (loại viên to bằng hạt đỗ, hình thoi) giá 220.000đồng/kg nhưng có độ ngọt cao hơn đường mía đến 40 lần, tức tương đương 40 kg đường thường. Còn loại ngọt hơn.

Trung bình một nồi nước hầm xương 15 lít thì chỉ cần cho 30-35 viên đường lụa là nồi nước hầm sẽ có vị ngọt đậm. Tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với việc dùng hạt nêm hay mì chính. Chỉ cần một lạng đường lụa với giá trung bình 45.000 đ thì có thể dùng để chế biến làm hàng cho cả tháng

Theo các chuyên gia hóa học: Đường hóa học, các loại chất tạo ngọt được tổng hợp bằng phương pháp hóa học, thành phần chủ yếu là natri sacharin, không có giá trị dinh dưỡng, chỉ là dùng để làm tăng khẩu vị của món ăn. Một số loại đường hóa học còn có tác hại nhất định đến cơ thể con người.

Nếu thai phụ thường xuyên ăn nhiều đường hóa học, sẽ có tác hại gây kích thích niêm mạc đường ruột và ảnh hưởng đến chức năng men tiêu hóa, dẫn đến suy giảm chức năng tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa và gây trở ngại cho sự hấp thụ chất dinh dưỡng. Đồng thời có thể lầm tăng gánh nặng cho thận, có hại đối với thận. Sử dụng bừa bãi có thể gây ung thư gan, thận, phổi hoặc thậm chí gây dị dạng bào thai.

Hãi hùng công nghệ “ép” mít chín bằng hóa chất

Mít được bơm hóa chất cho nhanh chín 
Muốn mít nhanh chín, múi vàng, thơm ngon không bị đắng…chỉ cần “bơm” trực tiếp hóa chất vào trong trái. Ngày hôm sau, mít non, vỏ cứng, chưa có mùi thơm đồng loạt thành mít chín “hảo hạng”.

Phương pháp làm cho mít chín rất khác người, chỉ cần “tiêm chích” hóa chất để “biến” mít non thành mít chín. Công nghệ này được dân mít ưu tiên hàng đầu.

Công nhân không có bảo hộ lao động, thường xuyên tiếp xúc với tạp bẩn. Vô hình trung tay họ “liếm” hết bụi bẩn theo nhựa bám vào đám múi thành phẩm. Do phải tiếp xúc nhiều với mít tẩm hóa chất, tay của công nhân, người nào người nấy đều sần sùi, mẩn ngứa, lở loét nhìn rất khó coi.

Phế phẩm từ mít như: hạt, xơ, vỏ ném bừa bãi, thối rữa…trở thành bãi đáp “lý tưởng” cho ruồi, muỗi, nhặng. Rổ đựng mít lâu ngày không được “tắm”, ngả màu đen ngòm, hoen ố; quanh vành rổ, nhựa mít, ruồi- nhặng bu đầy.

Điều lạ, mặc dù công nhân ngày đêm “mần thịt” nhưng không tài nào“nuốt” trôi số mít trong vựa. Hôm nay đang chẻ số mít này, nhà chủ đã “nạp” hóa chất để ngày mai số khác chín rồi làm tiếp.

Chúng tôi được anh Tứ hướng dẫn rất tỷ mỉ về nghề mít. Theo anh Tứ trong các công đoạn làm mít thì khâu “nạp” hóa chất là quan trọng nhất bởi cho mít “ăn” hóa chất quyết định đến tiến độ, chất lượng, lợi nhuận của nghề lột mít.

Gà, lợn tăng trọng: Người tiêu dùng ăn chất độc

Mới đây, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau tiến hành kiểm tra một số cơ sở giết mổ heo trên địa bàn tỉnh và đã phát hiện nhiều cơ sở bơm nước vào heo nhằm tăng trọng lượng của thịt heo sau khi giết mổ nhằm trục lợi.

Gà, lợn được bơm thuốc tăng trọng 
Mánh khóe của các gian thương này là bơm nước trực tiếp vào hệ tiêu hóa của heo cho đến khi căng tròn khiến heo không đứng được phải ngã lăn quay ra sàn.

Ông Cao Mạnh Hùng, Thanh tra viên (Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau), cho biết, đối với heo có trọng lượng 100 kg, nếu không bơm nước số lượng thịt cho ra sau khi giết mổ khoảng 84 kg, còn khi bơm nước vào thì số lượng thịt sẽ tăng lên hơn 90 kg. Bằng hình thức này, các chủ cơ sở kinh doanh thu lợi từ 400 đến 500.000 đồng/con.

Bên cạnh việc bơm nước cho heo, tình trạng “nhồi” cám, bánh đúc cho gà, vịt cũng khá phổ biến tại các chợ bán gia cầm đầu mối phía Bắc. Với hình thức nhồi những miếng bánh đúc, cám vào diều gà, vịt với mục đích để chúng tăng cân, mỗi một con gia cầm thương lái có thể bỏ túi mấy chục ngàn đồng tiền lãi.

Ông Đặng Hoàng Hà, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết: “Không cần biết nước bơm vào heo có sạch hay không sạch, nhưng chất lượng thịt sẽ giảm. Thịt của heo bị bơm nước sẽ giảm chất lượng và sẽ sớm bị hư hỏng, hôi thối hơn.

Châu Anh(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn