Nhận lương 'trong mơ', vì sao nhân viên Vietnam Airlines vẫn ‘làm cao’?

Kinh tếThứ Hai, 12/01/2015 12:00:00 +07:00

Nhận mức lương cao ngất ngưởng nhưng vẫn dính nhiều sai phạm nghiêm trọng vậy mà nhân viên Vietnam Airlines vẫn “làm cao”.

(VTC News) – Nhận mức lương cao ngất ngưởng nhưng vẫn dính nhiều sai phạm nghiêm trọng vậy mà nhân viên Vietnam Airlines vẫn “làm cao”.

Lương cao ngất, sai phạm nhiều

Tiếp viên hàng không là một trong những nghề khiến bao người lao động phải ghen tị vì có mức lương “trong mơ”. Nhưng ở các hãng hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng, lương tiếp viên hàng không vẫn “thua kém” nhiều so với các vị trí khác, mà điển hình nhất là phi công.

Theo công bố của Vietnam Airlines trước khi thực hiện IPO, mức lương trung bình dành cho phi công của Vietnam Airlines là 74,8 triệu đồng/tháng, vị trí tiếp viên là 18,7 triệu đồng/tháng. Thu nhập của các vị trí khác cũng khá cao khiến chi phí nhân công chiếm khoảng 8 - 9% cơ cấu chi phí của Tổng Công ty.

Có thể thấy, số tiền mà Vietnam Airlines chi trả cho nhân công là rất cao. Ví dụ, tính tới thời điểm 2012, chỉ riêng Đoàn bay 919 đã trả cho các phi công nước ngoài trong 3 năm đã lên tới khoảng 120 triệu USD. Thuế thu nhập cá nhân mà nhân viên Đoàn bay 919 phải nộp cho đạt khoảng 700 tỷ đồng, thấp hơn không nhiều so với số thuế mà nhiều Tập đoàn lớn phải nộp.

Vietnam Airlines
Nhân viên Vietnam Airlines xin nghỉ hàng loạt - Ảnh minh họa

Mặc dù được trả lương rất cao nhưng nhân viên Vietnam Airlines vẫn mắc nhiều sai phạm lớn. Một số sai phạm không chỉ ảnh hưởng tới bản thân Vietnam Airlines mà còn ảnh hưởng tới cả hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngày 26/4/2012, đoàn bay 919 của Vietnam Airlines khiến hành khách trên chuyến bay VN970 từ Tp.HCM đi Busan (Hàn Quốc) được một phen hú vía vì đã tuyển dụng phi công 1 giờ bay Kim Tae Hun điều khiển. Chuyến bay không hạ cánh được xuống sân bay.

Không chỉ vậy, Đoàn bay 919 còn vi phạm tài chính của công đoàn và trốn thuế hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài ra, Vietnam Airlines còn dính nhiều tai tiếng khi nhân viên có nhiều sai phạm lớn. Tháng 9/2013, nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc bị cảnh sát Tokyo tạm giữ để phục vụ điều tra do nghi ngờ chuyển 21 món hàng quần áo ăn cắp trị giá 125.000 yen (tương đương 25,7 triệu đồng).

Mặc dù nữ tiếp viên này được tự do nhưng tiếng xấu của Vietnam Airlines không vì thế mà được xóa nhòa khi một số nhân viên khác của hãng hàng không này bị cáo buộc buôn lậu mỹ phẩm, “xách tay” 50 iPhone 5S và 20 lượng vàng mà không khai báo,…

Nhân viên Vietnam Airlines vẫn “làm cao”

Dù nhận được mức lương cao ngất ngưởng nhưng một số nhân viên Vietnam Airlines vẫn mắc nhiều sai phạm. Vậy mà, mới đây, nhân viên Vietnam Airlines (phi công, điều hành khai thác bay và bộ phận bảo dưỡng tàu bay) gây sốc khi đệ đơn xin nghỉ việc hàng loạt.

Nguyên nhân chính của quyết định ra đi hàng loạt được cho là xuất phát từ vấn đề lương bổng chênh lệch giữa phi công Việt Nam và phi công quốc tịch nước ngoài do Vietnam Airlines đang thuê.

Lương trung bình của phi công Việt Nam tại Vietnam Airlines trung bình khoảng 74,8 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi Vietnam Airlines đang trả lương cho phi công nước ngoài ở mức cao hơn rất nhiều, từ 8.000-13.000 USD (khoảng hơn 160-260 triệu đồng).

Mức chênh lệch này là nguyên nhân được cho là khiến nhiều người muốn nghỉ việc ở Vietnam Airlines để chuyển sang hãng hàng không đối thủ. Sở dĩ, các nhân viên này có thể “làm cao” vì nhân sự trong ngành này thuộc dạng “hàng hiếm”. Quá trình đào tạo nhân viên hàng không kéo dài và khá khắc nghiệt.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Đoàn trưởng Đoàn bay 919 tiết lộ để trở thành lái chính của Vietnam Airlines, phi công phải mất ít nhất 7 năm với những thử thách rất khắc nghiệt. Không chỉ đối mặt với thử thách khắc nghiệt, phi công còn "gánh" chi học phí đào tạo khổng lồ, dao động từ 1,4 đến 2,4 tỷ đồng (bao gồm chi phí học trong và ngoài nước) trong khoảng 3 năm.

Vì thế, trong nhiều năm gần đây, Vietnam Airlines luôn thiếu phi công.

Có lẽ vì vậy nên ngay sau khi nhân viên Vietnam Airlines xin nghỉ hàng loạt, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã có chỉ thị về quản lý đảm bảo nguồn nhân lực tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Một trong những nội dung đó là thay đổi mức lương.

Theo đó, khung tiền lương cơ bản mới của phi công, một cơ trưởng người Việt Nam lái tàu bay A321 có bậc cao nhất hưởng lương 92 triệu đồng/tháng (trước thuế), cơ trưởng bậc cao nhất B777, B787, A330, A350 hưởng mức lương 102 triệu đồng/tháng (trước thuế).

Thanh Hà

Bình luận
vtcnews.vn