Nhân hội anh đào, nhìn lại văn hóa người Việt trẻ

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 16/04/2011 08:45:00 +07:00

(VTC News) - Sau mỗi lễ hội, dư âm sâu sắc nhất là nỗi buồn về văn hóa của người Việt, đặc biệt là người Việt trẻ.

(VTC News) - Lễ hội hoa Hà Nội, lễ hội hoa Anh đào, chuỗi hoạt động kỉ niệm 1000 năm Thăng Long là một vài chương trình ấn tượng trong những năm qua. Tuy nhiên, sau mỗi lễ hội, dư âm sâu sắc nhất lại là nỗi buồn về văn hóa của người Việt, đặc biệt là người Việt trẻ. Đó là câu chuyện từ văn hóa đến ứng xử của người Việt trẻ hiện nay.

Người Việt trẻ ngày nay rất năng động, tự tin, họ thực sự là những công dân toàn cầu với trình độ học thức cao, ngoại ngữ tốt và một phông văn hóa đủ để đứng ngang hàng với bạn bè trên thế giới. Thế nhưng khi nhắc đến cách ứng xử của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ thì nhiều người chỉ còn biết lắc đầu. Nhân lễ hội hoa Anh đào Genki năm nay, chúng ta hãy thử điểm lại một vài cách ứng xử “chưa đẹp”’ trong những lễ hội trước như một cách rút kinh nghiệm để hình ảnh người Việt Nam đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế.

ngắt hoa, bẻ cành 
Hẳn chúng ta còn nhớ lễ hội hoa Hà Nội được tổ chức đầu năm 2010. Hàng trăm loại, hàng nghìn kiểu thiết kế đẹp đẽ và tinh tế tôn vinh vẻ đẹp của các loài hoa được mang ra trưng bày. Chúng ta tự hào khi bạn bè trên thế giới trầm trồ vì sự đa dạng, phong phú về giống loài và sự khéo léo của con người Việt Nam, nhưng thật đáng buồn khi du khách phải thốt lên rằng “very bad” khi chứng kiến đám đông hỗn loạn chen lấn, ngang nhiên giẫm đạp thẳng vào những công trình nghệ thuật hoa mà phải rất khó khăn các nghệ nhân mới tạo ra được.

Vô tư ngắt hoa, bẻ cành hay tạo dáng trong khu vực trưng bày, thậm chí là mắt trước mắt sau đã "chôm" một chậu hoa xinh xinh "mang về làm kỉ niệm” là những hình ảnh có thể bắt gặp ngay khi diễn văn khai mạc lễ hội vừa kết thúc. Đến nỗi trước khi lễ hội hoa lần sau diễn ra, trưởng BTC phải “thương lượng” rằng, lễ hội có thành công như mong đợi hay không, trông chờ nhiều vào ý thức giữ gìn của người dân.

Cảnh "chôm chỉa" 
Vô tư giẫm đạp bãi hoa. Hình ảnh tại Lễ hội hoa Hà Nội 2010. 
Đợi bảo vệ quay đi để ngắt hoa. Ảnh: VnExpress. 
Với lễ hội hoa Anh đào, những tưởng ý thức người xem sẽ được cải thiện tốt hơn vì dù sao đây cũng là lễ  hội mang tính chất quốc tế, ngoại giao khi tôn vinh loài hoa biểu tượng cho nước bạn. Sự kì vọng vào ý thức đó cũng hoàn toàn có cơ sở khi đây là lễ hội mà đối tượng khán giả chủ yếu là các bạn trẻ, những người có học thức và  nhận thức cao.

Nhưng chỉ cần nhìn vào kế hoạch tổ chức lễ hội hoa Anh đào năm nay với một lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt cùng 500 tình nguyện viên, mỗi cây anh đào cần tới nhiều bảo vệ và 8 tình nguyện viên đứng canh cũng đủ để thấy sức "phá hoại” của nhiều bạn trẻ trong các mùa lễ hội trước là như thế nào.

Có lẽ nhiều người Nhật sẽ phát khóc khi chứng kiến cảnh hoang tàn sau lễ hội năm đầu tiên, 2008, cả khu triển lãm Giảng Võ biến thành một bãi rác với những cây hoa xơ xác trơ trụi cành. Chúng ta là người Việt, chúng ta thấy hành động đó đơn giản là sự yêu quý muốn giữ kỉ niệm bằng cách vô tư chụp ảnh hay ngắt hoa mang về, nhưng trong suy nghĩ của người khác, có thể hành động đó chính là sự không tôn trọng. Mà sự không tôn trọng, là một biểu hiện của văn hóa ứng xử.

Lễ hội hoa Anh đào Genki bắt đầu diễn ra vào hôm nay 16/4, lễ hội năm nay còn mang ý nghĩa chung tay vì thế giới trong cuộc chiến chống thiên tai, như một cách cổ vũ tinh thần của người Nhật kiên cường. Bạn trẻ Việt hãy hành động để bạn bè trên thế giới nhìn vào ta thấy một nền văn hóa lâu đời với cung cách ứng xử có văn hóa!

Thùy Linh
Bình luận
vtcnews.vn