Nhẫn đọc thông minh mở ra con đường sáng cho tương lai của người khiếm thị

Khoa học - Công nghệThứ Bảy, 23/12/2017 07:35:00 +07:00

Các nhà khoa học tại Viện công nghệ thông tin, Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam nghiên cứu và chế tạo thành công Hệ thống nhẫn đeo tay hỗ trợ đọc sách cho người khiếm thị.

nhadoc4 4

Thạc sĩ Nguyễn Thế Hoàng Anh – Chù nhiệm dự án bên cạnh Hệ thống nhẫn đeo tay hỗ trợ đọc sách cho người khiếm thị

Được thực hiện từ năm 2015 với ngân sách của Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, nhóm nghiên cứu Viện khoa học công nghệ gồm 10 thành viên bao gồm những nhà nghiên cứu chuyên về những lĩnh vực cụ thể như xử lí ảnh, xử lí tiếng nói, điện toán đám mây,… đã nghiên cứu và chế tạo thành công Hệ thống nhẫn đeo tay hỗ trợ đọc sách cho người khiếm thị.

Công nghệ này có khả năng phiên dịch các ký tự chữ viết in thông thường thành âm thanh giúp cho người khiếm thị có thể đọc hiểu các văn bản, giấy tờ mà không cần nhờ đến người khác hỗ trợ.

Phần cứng bao gồm một camera nối với máy tính bảng mạch đơn Singer board, ngoài ra còn kèm theo các hệ thống khuếch đại âm thanh và bộ loa đi kèm.

Hệ thống này hoạt động theo cơ chế người dùng đeo nhẫn có gắn camera và di chuyển ngón tay trên các dòng chữ, những hình ảnh này sau đó được một mô-đun đặc biệt tiếp nhận, xử lí và chuyển thành âm thanh, đọc lên thành tiếng cho người sử dụng.

Đối tượng hướng đến của nghiên cứu là những người khiếm thị, những người già có thị lực kém, trẻ em đang tập đọc từ 3-5 tuổi hoặc người có trình độ công nghệ không được cao.

Thạc sĩ Nguyễn Thế Hoàng Anh – Chù nhiệm dự án trăn trở: “Ở Việt Nam có hơn 3 triệu người có vấn đề về mắt, hay còn được gọi là khiếm thị, Mắt của họ có thể rất kém nhưng chưa mù hẳn, đây là những đối tượng mà mình hướng tới”.

nhadoc

Hệ thống nhẫn đọc có cấu tạo đơn giản và cách sử dụng cũng rất đơn giản

Với suy nghĩ làm sao để giản tiện nhất cho người dùng, hệ thống nhẫn đọc có cấu tạo đơn giản và cách sử dụng cũng rất đơn giản. Người dùng chỉ cần bấm một nút khởi động, sau đó di chuyển ngón tay và đợi nghe nội dung.

Chia sẻ về những hạn chế mà Hệ thống đeo tay hỗ trợ người khiếm thị đọc sách đang gặp phải, theo Thạc sĩ Hoàng Anh: “Chúng ta vẫn chưa làm chủ được công nghệ chế tạo thiết bị, hiện nay hệ thống vẫn đang dùng các thiết bị có sẵn như camera, loa hay bảng mạch, bộ vi xử lí,...

Thứ hai là việc xử lí thông tin tốn rất nhiều tài nguyên, thời gian xử lí chậm, mất từ 10-15s mới xử lí được một dòng chữ. Chất lượng âm thanh cũng chưa được tốt”.

Đối với những ký tự mà Hệ thống đọc thông minh có thể nhận diện, dễ dàng để nhận biết nhất là những phông chữ phổ biến như Time new roman, Arial,....

Nhóm nghiên cứu cũng đã thử nghiệm trên chữ viết tay nhưng kết quả chưa mấy khả quan. Hiện, các nhà nghiên cứu mới thu được kết quả tích cực từ những ký tự chữ số viết tay.

Đối với mục tiêu phát triển trong tương lai, Thạc sĩ Hoàng Anh kỳ vọng vào việc hoàn toàn làm chủ công nghệ, cùng tích hợp khả năng chuyển ngữ cho bộ máy, tức là phiên dịch tiếng Việt sang tiếng Anh để nhắm tới các đối tượng người nước ngoài đến Việt Nam.

Ngoài ra, trong một tương lai không xa, hệ thống này thậm chí có thể tích hợp và sử dụng trên nền các thiết bị công nghệ khác như Google Glass hay smartphone,....

Hiện nay, hệ thống nhẫn đọc trông còn khá cồng kềnh, nhưng đây mới chỉ là sản phẩm trong phòng thí nghiệm. Những hệ thống này sẽ được nghiên cứu, cải thiện sao cho nhỏ gọn hơn. Thời gian xử lí thông tin cũng là một hạn chế đang được nghiên cứu để khắc phục.

Là sản phẩm công nghệ phục vụ nhóm đối tượng khá chuyên biệt, nên các nhà khoa học tại Viện công nghệ thông tin không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà quan tâm đến hiệu quả cho người sử dụng.

nhadoc1

Người dùng đeo nhẫn có gắn camera và di chuyển ngón tay trên các dòng chữ, những hình ảnh này sau đó được một mô-đun đặc biệt tiếp nhận, xử lí và chuyển thành âm thanh, đọc lên thành tiếng cho người sử dụng.

Hiện tại, hệ thống đeo tay hỗ trợ người khiếm thị đọc sách đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. Trong thời gian tới nếu được sản xuất đại trà, thiết bị sẽ nhỏ hơn nhiều và đặc biệt giá cả sẽ khá thấp, phù hợp với khả năng tài chính hạn hẹp của nhiều người khiếm thị.

Thạc sĩ Hoàng Anh chia sẻ: “với một bộ sản phẩm sử dụng các thiết bị có sẵn trên thị trường như thế này, giá cả sẽ rơi khoảng hai triệu đồng một bộ. Giá thành như thế này theo tôi vẫn khá là đắt.

Trong thời gian tới, nếu thiết bị này có thể đưa vào sản xuất đại trà, và tự sản xuất 100% thì tôi hy vọng giá của bộ thiêt bị này chỉ trên dưới 500.000 VNĐ. Với mức giá ấy thì công nghệ có thể đến tay nhiều người hơn”.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 3 triệu người mắc chứng bệnh suy giảm thị lực (mù và khiếm thị). Thế nhưng, chỉ có 1% người mù và khiếm thị có khả năng đọc được bằng chữ nổi.

Hiện nay, trên thế giới chỉ có khoảng 2% các tài liệu, sách báo được chuyển sang định dạng cho người mù và khiếm thị. Tại Việt Nam, tỷ lệ trên còn thấp hơn rất nhiều.

Để hỗ trợ cho người mù và người khiếm thị tiếp cận thông tin, nhiều hãng công nghệ lớn trên thế giới đã cho ra đời các ứng dụng nhận dạng và tổng hợp tiếng nói như Dragon của LH, Siri của Apple, Google voice search...

Tuy nhiên, các ứng dụng này chỉ có khả năng hỗ trợ tiếng Anh, các ứng dụng dành cho tiếng Việt gần như là không có.

Việc nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm như thế này là một động thái đáng mừng đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt tại Việt Nam.

Điều này sẽ giúp người khiếm thị tiếp cận được những thông tin sách báo hàng ngày một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn