Nhận diện cướp giật hung bạo trên phố Sài Gòn

Pháp luậtThứ Tư, 01/10/2014 12:00:00 +07:00

(VTC News) – Bọn cướp giật thường đi từng tốp nhỏ lẻ từ 1-2 đối tượng, chúng ít tham gia băng nhóm nhưng ra tay mọi lúc mọi nơi, hết sức liều lĩnh.

(VTC News) – Bọn cướp giật thường đi từng tốp nhỏ lẻ từ 1-2 đối tượng, chúng ít tham gia băng nhóm nhưng ra tay mọi lúc mọi nơi, hết sức liều lĩnh.

Đó là nhận định chung của cảnh sát hình sự đặc nhiệm cũng như nhóm “hiệp sỹ đường phố” Sài Gòn về vấn nạn cướp giật có dấu hiệu lộng hành trở lại tại TP.HCM.

Video: Cô gái bị cướp trắng trợn trước cửa hiệu thuốc

Hiệp sỹ bày cách nhận diện cướp

'Hiệp sỹ đường phố' chuyên săn bắt cướp Minh Tiến cho biết hiện nay, ngoài những đối tượng ăn mặc bụi đời, dáng dấp 'xì-ke' nhìn vào dễ nhận biết thì còn có những tên cướp ăn mặc sang trọng chạy xe đắt tiền hoặc chạy xe như đi giao hàng dưới dáng vẻ thân thiện khiến nhiều người mất cảnh giác, không đề phòng.

Và như vậy bọn chúng có đủ thời gian tiếp cận "con mồi", ra tay bất ngờ nên nạn nhân không kịp phản ứng.

"Tuy nhiên, đặc điểm chung nhất của các đối tượng trộm cắp, cướp giật là chạy xe lòng vòng, ánh mắt dáo dác, nhìn bên này, ngó sang bên nọ tìm “hàng” nên cũng không quá khó để phát hiện" - Minh Tiến chia sẻ kinh nghiệm.

 'Hiệp sỹ' Minh Tiến bắt gọn hai tên cướp trên phố Sài Gòn. Ảnh: Huy Phan

Về cách phòng chống cướp giật, trộm cắp tài sản, hiệp sỹ Minh Tiến chia sẻ, người dân khi ra ngoài đường nên ngó trước nhìn sau trong vòng bán kính từ 10 – 20m. Nếu đi về khuya thì lại càng phải nhìn, quan sát kỹ hơn. Nếu đi trên đường vắng, mà xuất hiện 1 nhóm thanh niên từ 1 – 3 người đi theo, kèm sát mình thì đích thực là sắp có cưỡng đoạt tài sản xảy ra nên hết sức đề phòng.

"Hiệp sỹ" Minh Tiến cho biết, do tình hình trộm cắp, cướp giật đang báo động nên anh và nhóm bạn đồng nghiệp đã quyết định tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường thành phố trung bình từ 8-12 tiếng đồng hồ/ngày, kinh phí tự túc.

Anh cũng cho hay đang hoàn tất các giấy tờ cần thiết để xin thành lập đội hiệp sỹ săn bắt cướp để mong có được một tổ chức xã hội chính danh nhằm đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho thành phố.

Video: Ngồi cùng xe hiệp sỹ rượt cướp trên phố Sài Gòn

Theo nhận định của "chuyên gia" về phòng chống trộm cắp, cướp giật, thì các vụ cướp giật, trộm cắp xảy ra một phần do phía người dân hớ hênh, sơ hở, chủ quan, ỷ lại tạo điều kiện cho bọn trộm, cướp ra tay.

Hiệp sỹ Nguyễn Văn Minh Tiến nhớ lại: "Có khi trên đường đi tuần tôi phát hiện người dân mang dây chuyền không có cổ áo, đeo túi xách 1 bên, vừa chạy xe vừa nghe điện thoại, để giỏ xách hớ hênh… chạy đến dặn dò họ thì có người lại cho tôi là dở hơi, là đùa ghẹo họ nên họ không quan tâm. 10 người được tôi nhắc thì có đến 7 người không chịu nghe, ngược lại còn quay lại chửi mắng tôi cho rằng tôi nói xui”.

Video: Cướp điện thoại bị dân trói đánh hộc máu mũi giữa phố

Hứng lên là cướp

Một chiến sĩ đặc nhiệm hình sự cho biết: “Đa số đối tượng cướp giật là những con nghiện hứng lên mang xe đi cướp giật chứ không phải băng nhóm như trước đây”.

Đội trưởng CSHS Nguyễn Lê Hùng

Tuy nhiên, về mức độ nguy hiểm, manh động, táo tợn thì những đối tượng này lại liều lĩnh hơn trước. Bọn chúng sẵn sàng chống trả lại nạn nhân hoặc người truy đuổi. Nhiều đối tượng có sử dụng hung khí như dao, mã tấu thậm chí có cả hàng nóng như súng. 

Khi thắc mắc về vấn đề cảnh sát theo dõi, truy đuổi tội phạm thường hay bị giới hạn bởi địa bàn hoạt động, thì một cảnh sát hình sự cho biết: “Đối với lực lượng cảnh sát đặc nhiệm thì không hạn chế ranh giới hành chính. Một quận trung bình có khoảng 10 cảnh sát đặc nhiệm, ngoài ra còn kết hợp với trinh sát địa bàn khu vực".

Trung tá Nguyễn Lê Hùng – Đội trưởng CSHS đặc nhiệm, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45), CA TP.HCM có lời khuyên đến người dân, "trường hợp đi trên đường người dân bị cướp giật thì cố gắng để ý đến biển số xe, đặc điểm xe, hình dạng bọn cướp, thời gian và địa điểm bị cướp, sau đó đến trình báo cơ quan công an nơi gần nhất. 

Đồng thời, nếu đang đi trên đường, cần thiết phải nghe hoặc gọi điện thoại nên tấp xe lên lề đường, nhìn trước ngó sau thật kỹ để xem có ai đi theo hay không. Người dân phát hiện thấy những đối tượng nào khả nghi, đang đeo bám nên báo ngay cho cơ quan công an khu vực, hoặc lực lượng phản ứng nhanh 113.

Video: Cướp giật túi xách bị dân truy đuổi, tóm gọn ê chề

Các công ty du lịch, lữ hành, những nơi tổ chức tour cho người nước ngoài vào Việt Nam, nên khuyến cáo du khách thật thận trọng trong việc giữ gìn tài sản cá nhân khi ra ngoài đường như chụp hình, quay phim, nhất là khi đi vào đêm tối, hạn chế mang túi xách cá nhân.

Đối với quần chúng nhân dân, tốt nhất nên bỏ các loại tài sản có giá trị vào cốp xe, nhất là ở các loại xe tay ga.  Các loại tài sản có giá trị lớn không nên mang ra ngoài đường vào ban đêm để tránh bị cướp bất ngờ".

Phan Cường

Bình luận
vtcnews.vn