Nhân bản xét nghiệm: 'Trời không dung, đất không tha'

Sức khỏeThứ Ba, 20/08/2013 05:07:00 +07:00

(VTC News) - Tướng công an nói, 10 người bị khởi tố trong vụ xét nhân bản xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức đã làm cái việc mà "trời không dung, đất không tha".


(VTC News) - Tướng công an nói, 10 người bị khởi tố trong vụ xét nhân bản xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức đã làm cái việc mà "trời không dung, đất không tha".


Chiều 20/8, tại Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an thành phố (CA TP) Hà Nội đã chính thức công bố việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 10 đối tượng sai phạm trong xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức.


"Trời không dung, đất không tha"

Tại buổi họp báo này, Thượng tá Phan Cao Thu, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) – cho biết: “Sai phạm của Giám đốc, Phó Giám đốc (GĐ) phụ trách khoa xét nghiệm bệnh viện đa khoa Hoài Đức được làm rõ.

Thiếu tướng Trần Thùy – PGĐ CATP Hà Nội
Thiếu tướng Trần Thùy – PGĐ CATP Hà Nội (Ảnh: Minh Quân) 
Cụ thể, hai bị can Nguyễn Trí Liêm - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Nguyễn Thị Nhiên - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức trực tiếp phụ trách khoa xét nghiệm bị khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

8 bị can khác gồm: Vương Thị Kim Thành - Trưởng khoa xét nghiệm; Phan Thị Oanh, Nguyễn Thị Xuyên, Nguyễn Thị Nga, Vương Thị Lan, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Đồng Sơn cùng là nhân viên khoa xét nghiệm của bệnh viện đa khoa Hoài Đức bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ông Thu nhấn mạnh: “Họ đã làm cái việc mà trời không dung đất không tha, tức là chỉ đạo xét nghiệm khống. Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra xác minh ngay khi nhận được đơn thư tố cáo”.

Cũng theo vị Thượng tá này, căn cứ kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan CSĐT có đủ tài liệu chứng cứ chứng minh, Trưởng khoa và các kỹ thuật viên khoa xét nghiệm, Giám đốc, phó giám đốc bệnh viện đa khoa Hoài Đức có dấu hiệu của tội phạm hình sự.

Do vậy, cùng ngày 15/8, Cơ quan điều tra Công an Thành phố đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 10 đối tượng.

Ngày 19/8 Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội tiếp tục ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với 10 đối tượng có tên trên.

Sáng 20/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã tống đạt Quyết định khởi tố và tiến hành hỏi cung đối với  từng bị can theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và ra thông báo đảng viên vi phạm pháp luật đến nơi quản lý đảng viên biết theo quy định.

Tại cơ quan điều tra, họ đã khai gì?

Thiếu tướng Trần Thùy – Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong thời gian từ 1/8/2012 đến 31/5/2013, trưởng khoa cùng 7 nhân viên khoa xét nghiệm bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đã thực hiện 24.857 xét nghiệm huyết học, trong các kết quả xét nghiệm trên có 1.495 trường hợp có kết quả xét nghiệm bệnh nhân nội trú và ngoại trú trùng nhau.

 

Họ đã làm cái việc mà trời không dung đất không tha, tức là chỉ đạo xét nghiệm khống.

Thượng tá Phan Cao Thu, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra
 
Cơ quan CSĐT có đủ tài liệu chứng cứ xác định trong số 1.495 trường hợp trùng kết quả xét nghiệm có 764 kết quả xét nghiệm khống. Bảo hiểm y tế đã chi trả cho mỗi kết quả xét nghiệm khống này là 21.000 đồng/ kết quả.


Tại cơ quan CA, trưởng khoa và 7 nhân viên đều khai động cơ và mục đích của việc lập khống các kết quả xét nghiệm  là để đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế cho bệnh viện và vì nể nang tình cảm cán bộ, nhân viên bệnh viện đến xin nên đã cho.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc bệnh viện là người phụ trách chung toàn bộ công việc của bệnh viện, đã không thực hiện hết chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình, buông lỏng quản lỷ, không kiểm tra, giám sát, để xảy ra tình trạng các nhân viên khoa xét nghiệm lập khống kết quả xét nghiệm trả cho bệnh nhân nội trú, ngoại trú và các nhân viên khác ở bệnh viện trong một thời gian dài.

Đối với bà Nguyễn Thị Nhiên, Phó giám đốc bệnh viện là người được phân công phụ trách khoa xét nghiệm đã không thực hiện hết nhiệm vụ được giao, mặc dù biết quy chế của Bộ Y tế và Bệnh viện quy định chỉ có trưởng khoa xét nghiệm được quyền ký kết quả xét nghiệm nhưng đã để nhân viên trong khoa ký kết quả trả cho bệnh nhân.

Nói về lý do chưa tạm giam ai trong số 10 đối tượng nêu trên, Thiếu tướng Trần Thùy cho hay: “Lý do là vì 10 đối tượng này bị khởi tố đều là cán bộ viên chức, có lai lịch rõ ràng. Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, số đối tượng này đều tự giác, thành khẩn, không có biểu hiện trốn tránh. Sáng nay, chúng tôi đã triệu tập thông báo, họ đều đến và chấp hành đầy đủ”.

Trả lời câu hỏi về việc các kết quả xét nghiệm nhân bản có được dùng để điều trị cho người bệnh không, ông Thùy cho biết trong số hơn 700 xét nghiệm bị nhân bản, cơ quan cảnh sát điều tra đã tìm gặp được trên dưới 300 người.

Bệnh nhân xét nghiệm tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức
Bệnh nhân xét nghiệm tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức. 

Sau khi lục lại toàn bộ hồ sơ, cho đến giờ phút này, cơ quan cảnh sát điều tra xác định các xét nghiệm này được nhân bản với mục đích in khống ra để làm thủ tục thanh toán Bảo hiểm y tế (BHYT), chưa có trường hợp nào bị nhân bản xét nghiệm rồi đưa vào điều trị cho bệnh nhân.


Ông Thùy khẳng định sẽ cố gắng tìm hết số người đã nhận xét nghiệm giả để xem có ai bị dùng kết quả đó vào việc điều trị không.

Mặc dù kết quả điều tra cho thấy thiệt hại về mặt vật chất không lớn, nhưng Thiếu tướng Trần Thùy nhấn mạnh hậu quả lớn nhất của việc này là trái với đạo đức nghề nghiệp.

“Với thiệt hại vật chất ở mức này, với các vụ việc khác bình thường có thể GĐ không bị khởi tố. Nhưng ở góc độ quy định, đạo đức nghề nghiệp thì lại khác”, Thiếu tướng Thùy nói.

Về đơn tố cáo ngược chị Hoàng Thị Nguyệt, cho rằng chị đã tham gia vào quá trình “nhân bản” kết quả xét nghiệm, Phó giám đốc công an thành phố Hà Nội khẳng định sẽ làm rõ nội dung này để xác định độ chính xác và mức độ vi phạm (nếu có).

“Tuy nhiên, phải thấy sự dũng cảm của chị Nguyệt. Trong quá trình công tác tại khoa Xét nghiệm, có thể trước đó chị phải tham gia vào việc nhân bản xét nghiệm, nhưng sau khi biết chị đã dừng lại, sau đó thu thập thông tin và tiếp tục tố cáo (không rút lui như những người khác).

Đây là 2 sự việc khác nhau. Đơn tố cáo ngược chị Nguyệt chúng tôi sẽ xem xét nhưng cần cân nhắc thỏa đáng để xem nên xử lý ở mức độ hành chính hay hình sự”, tướng Thùy nhấn mạnh.

Tại buổi họp, ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết vụ án này dù số tiền không lớn nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở góc độ tác động xã hội, gây xói mòn lòng tin của người dân.

Về vấn đề khen thưởng chị Nguyệt mà báo chí đưa tin trong mấy ngày qua, ông Long cho rằng không nên quá coi trọng vấn đề tiền thưởng. Nhiều khi nhấn mạnh vào khía cạnh này lại có thể khiến người tố cáo bị xúc phạm vì cho rằng họ tố cáo vì vấn đề tiền thưởng.

“Việc khen thưởng tới đây thế nào sẽ còn tiếp tục, tùy thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra. Sở Y tế đã thực hiện khen thưởng theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật. Đây chưa phải đã kết thúc vụ việc mà vội đánh giá, đặt nặng vấn đề khen thưởng vật chất”, ông Long nhấn mạnh.

Hiện vụ án vẫn đang tiếp tục được điều tra.

VTC News sẽ thông tin tới quý độc giả về vụ việc trên.



Minh Quân


Bình luận
vtcnews.vn