Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và gia tài âm nhạc gần một thế kỷ

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 29/06/2015 01:30:00 +07:00

(VTC News) - Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu qua đời để lại một gia tài đồ sộ những ca khúc đi cùng năm tháng.

(VTC News) - Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời để lại một gia tài đồ sộ những ca khúc đi cùng năm tháng.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam với những đóng góp to lớn cho sự phát triển âm nhạc Việt Nam trong thế kỉ XX.
phan huỳnh điểu
Phần lớn các ca khúc của Phan Huỳnh Điểu là nhạc đỏ, nhưng ông cũng có nhiều ca khúc trữ tình đặc sắc. Ông được mệnh danh là 'Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam' và được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vì những đóng góp của mình cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam. Rất nhiều các bài hát của ông có lời từ các tác phẩm thơ.
phan huỳnh điểu
Ông sinh ngày 11/11/1924 tại Đà Nẵng. Ông cũng là người con thứ 11 trong một gia đình cha làm thợ may. Tuy sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, nhưng nguyên quán gốc của ông ở Điện Bàn, Quảng Nam.

Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam với những đóng góp to lớn cho sự phát triển âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX.


Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu kể về sự nghiệp sáng tác:

Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1940 trong nhóm tân nhạc. Sau ca khúc đầu tay Trầu cau, sáng tác của ông được biết rộng rãi là bài Đoàn giải phóng quân viết cuối 1945. Một nhạc phẩm nổi tiếng khác của ông là Mùa đông binh sĩ được viết khoảng giữa thập niên 1940.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Phan Huỳnh Điểu gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu 5. Thời gian này ông viết một số ca khúc như Nhớ ơn Hồ chủ tịch, Quê tôi ở miền Nam...
phan huỳnh điểu
Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, ông công tác ở Ban Nhạc vũ, Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông được cử vào Ban chấp hành là Ủy viên Thường vụ và công tác tại Hà Nội.

Tháng 12/1964, Phan Huỳnh Điểu vào chiến trường Trung Trung Bộ ở trong Ban văn nghệ Khu và nhận chức Chi hội phó Chi hội Văn nghệ giải phóng miền Trung – Trung bộ (1967). Thời gian đó ông viết bản hành khúc Ra tiền tuyến với bút danh Huy Quang.


Năm 1970 ông trở lại Hà Nội và nhận chức Ủy viên TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1971). Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1983).


Sau 1975, Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh và sống ở đó. Ông đã sáng tác và công bố hơn 100 ca khúc, quá nửa trong số đó là các bài hát phổ thơ.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nhận Huân chương Độc lập hạng 3 (1988) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật (2000)…
phan huỳnh điểu
Âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu có giai điệu trau chuốt, trữ tình, ngay cả trong thể loại hành khúc, như Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm.

Phan Huỳnh Điểu còn có nhiều ca khúc về đề tài tình yêu thành công như Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Đêm nay anh ở đâu, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Người ấy bây giờ đang ở đâu, Tình ca Đămbri, Tia nắng... Ông đã phổ nhạc thành công cho rất nhiều bài thơ.


Ngoài ra, ông còn sáng tác một số tác phẩm dành cho thiếu nhi, tiêu biểu là: Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác...

Những nghệ sĩ thể hiện thành công tác phẩm của ông có thể kể đến NSND Quốc Hương, NSƯT Vũ Dậu và NSƯT Tuấn Phong.

Ông từng tâm sự: 'Tôi cho rằng thơ phổ nhạc đạt đến mức độ cộng hưởng tâm hồn của nhạc sĩ và thi sĩ. Tìm thấy một bài thơ phù hợp, nhạc sĩ phổ nhạc và gửi gắm tâm trạng mình.

Xét đến cùng, chất thơ trong ca từ của một nhạc sĩ thuần túy không thể bằng được chất thơ trong ca từ vốn là bài thơ của một nhà thơ. Nhà thơ chắt chiu từng con chữ, nhạc sĩ chăm chút từng nốt nhạc sẽ cho ra một tác phẩm toàn vẹn và đầy đặn.

Bởi vậy, tôi hết sức thích phổ nhạc cho thơ. Thơ và nhạc như cặp anh chị em song sinh, thơ một cánh, nhạc một cánh cho tác phẩm bay lên'.
phan huỳnh điểu
Trầu cau

Ca khúc đầu tau Trầu cau được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết lúc 16 tuổi. Ông từng tâm sự rằng khi đó chưa biết nhiều về nhạc lý hay kỹ thuật sáng tác. Nhạc sĩ cũng tự nhận đó là kiểu ca khúc 'điếc không sợ súng'.

Tuy nhiên, từ sản phẩm đầu tay này, rất nhiều những ca khúc bất hủ khác đã được ra đời. Ông cho rằng cứ có cảm hứng là sẽ viết. Nếu để sau này, đợi khi được học hành bài bản rồi thì có khi chẳng thể viết được.

Đoàn Vệ quốc quân

Đoàn Vệ quốc quân, tên ban đầu là Đoàn Giải phóng quân, là bài hát do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sáng tác năm 1945, một trong những bài hát nổi tiếng nhất của ông.

Đoàn giải phóng quân
ra đời như là lời thề của thế hệ thanh niên lên đường ra trận. Bài hát được phổ biến đầu tiên ở Đà Nẵng.

Bài hát lan rộng ra nhiều tỉnh thành và nhiều người muốn có lời bài hát. Vì vậy, năm 1946, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đem bài hát ra Huế để tìm nơi xuất bản nhằm phổ biến rộng rãi cho công chúng.

Mùa đông binh sỹ

Tình cảm yêu nước dạt dào cũng là một trong những nguồn cảm hứng giúp nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có những tác phẩm lay động lòng người. Trong đó ca khúc Mùa đông binh sĩ sáng tác năm 1946 nhằm vận động quyên góp cho kháng chiến chống Pháp ở miền Nam không chỉ giúp cuộc quyên góp thành công mà còn được lan truyền rộng rãi và có sức sống mãnh liệt đến tận ngày nay.

Tình trong lá thiếp


Năm 1954, Hiệp định Geneva ký kết, đất nước chia làm hai miền. Những người con miền Nam tập kết ra Bắc. Họ ra đi để lại đằng sau những mẹ già những người vợ trẻ và cả những mối tình đầu say đắm. Chính trong điều kiện ấy hàng loạt bài hát hay đã ra đời: Tình trong lá thiếp.


Anh ở đầu sông em cuối sông

Nhà thơ Hoài Vũ từng chiến đấu ở chiến trường Long An ven sông Vàm Cỏ Đông. Ông sáng tác rất nhiều bài thơ về nơi này trong đó có bài thơ Gửi miền Hạ, năm 1978 được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành ca khúc Anh ở đầu sông em cuối sông.

Sử dụng điệu thức Ai của dân ca Nam bộ, ông đã viết nên giai điệu của bài hát vừa tha thiết vừa sâu lắng, thể hiện tình yêu gắn bó của đôi nam nữ đang chiến đấu chống giặc ở hai đầu con sông quê hương.

Những ánh sao đêm

Mùa hè năm 1962, như bao đêm nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu cùng các nhạc sỹ cùng thời thường tập trung lại nhà nhau, ngắm trời đêm Hà Nội, ngâm thơ, đàn hát trên nóc chung cư.

Nơi có căn phòng nhỏ của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điều sống và cho ra đời bao tác phẩm. Đêm đó nhìn về phía Tây, thấy khu tập thể Kim Liên đang xây dựng, dưới ánh đèn công trường là sự tấp nập, hối hả làm việc của bao công nhân xây dựng.

Thế là những ấp ủ về một tác phẩm hình thành. Đầu tiên tác giả chỉ sáng tác những lời ca ca ngợi công nhân xây dựng ở Miền Bắc.

Sau tác giả nghĩ lại, mình là người miền Nam, đất nước đang trong công cuộc xây dựng, đổi mới trên tất cả các mặt trận các miền quê,... bài hát cần thể hiện được công cuộc xây dựng đất nước trên mọi miền Tổ quốc, các lĩnh vực của công cuộc đổi mới.

Vì thế lời bài hát được chỉnh sửa dần và đến hoàn thiện là giai điệu. Bài hát được viết từ cảm hứng của nhà thơ trước công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc vào thời điểm hòa bình được lập lại.

Sau khi ra đời, ca khúc đã được lưu truyền rộng rãi, được phát sóng rất nhiều trên đài phát thanh và được rất nhiều công chúng hâm mộ.

Bóng cây Kơ nia


Bài thơ Bóng cây Kơ-nia được nhà thơ Ngọc Anh sáng tác trong những năm 1957-1958, lúc tác giả đang làm việc tại Ban Văn Sử Địa Trung ương.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc ca khúc này vào năm 1971, sau 6 năm công tác ở chiến trường miền Nam và Tây Nguyên. Ca khúc đầu tiên được NSƯT Măng Thị Hội thể hiện thành công và được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đánh giá là người thể hiện thành công nhất.

Ca khúc ra đời đã được công chúng yêu thích và đón nhận. Sau này bài hát đã được nhiều nghệ sĩ khác thể hiện và được hát nhiều trong các cuộc thi Sao Mai, Tiếng hát truyền hình các địa phương...

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã dùng chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên tạo nên một ca khúc sâu lắng, trữ tình lúc tha thiết nhớ nhung, lúc thôi thúc dồn dập, lúc vang vọng nhắn nhủ làm rung động biết bao người nghe.

(còn tiếp)

Yên Thảo

Bình luận
vtcnews.vn