Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Hai tiếng và cả cuộc đời

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 29/08/2011 11:43:00 +07:00

(VTC News) - "Tôi sáng tác bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng mất hai tiếng, nhưng là hai tiếng và cả cuộc đời".

(VTC News) - "Tôi sáng tác bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng mất hai tiếng, nhưng là hai tiếng và cả cuộc đời" - Nhạc sĩ Phạm Tuyên.

82 năm tuổi đời và 60 năm cống hiến cho sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được mọi thế hệ người dân Việt nhắc tới như một tương đài về âm nhạc, những giai điệu của ông vẫn ngày ngày vang lên khắp mọi nẻo đường, mọi miền quê.
 
Trong một buổi chiều chớm thu, ngồi trong căn gác tầng ba nhìn ra con phố hối hả những dòng người, tôi lại được nghe những lời ca đi cùng năm tháng, được người nhạc sĩ hiền hậu kể cho nghe về những tháng ngày đã qua... 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên 

- Chào nhạc sĩ, gần đây thấy báo chí có nhắc đến vấn đề giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh khá nhiều, trong ấy có trường hợp của ông. Cá nhân ông suy nghĩ như thế nào về những câu chuyện cũng như giải thưởng này?

- Tôi có làm đơn tới hội nhạc sĩ, nhưng hội không liên lạc gì với tôi. Về sau hội âm nhạc Hà Nội đứng ra bảo tôi gửi danh mục các sáng tác thì tôi có gửi, nhưng bên hội nhạc sĩ lại bảo đấy không phải hồ sơ, họ cứ đổ tại lẫn nhau, rồi khi họp báo thì nói vì tôi không gửi hồ sơ, không làm đơn nên họ không xét. Hội âm nhạc vẫn tiếp tục có ý kiến về trường hợp của tôi thì họ nói hội đồng sơ tuyển nó giải tán mất rồi nên không làm gì được nữa. Tôi chỉ nói thôi nếu không được thì thôi.
 
Tôi nghĩ phần thưởng lớn nhất đối với một người sáng tác là tác phẩm của mình có chỗ đứng trong lòng công chúng. Tôi còn nhớ cái hồi tôi còn ở Huế, khi đi trên sông Hương, ông trưởng ban tổ chức nói “Hôm nay có bác đi ở trên tàu thế này là vui lắm, lát để tôi giới thiệu là NSND. Tôi bảo không, tôi không phải NSND. Ông ấy lại nói thế bác là thứ trưởng à? Tôi nói không, tôi không phải thứ trưởng, tôi chỉ là người sáng tác nhạc thôi. Ra đến giữa sông  ông ấy đứng lên nói, hôm nay trên thuyền của chúng ta có một nhạc sĩ, đó là nhạc sĩ của nhân dân". Tôi rất cảm động về điều ấy, niềm vui lớn nhất cuộc đời của tôi là được làm người nhạc sĩ của nhân dân

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, việc xét đặc cách giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được thông qua. Nhạc sĩ sẽ gửi bản đăng ký các tác phẩm xét giải tới Bộ trước 10/9. Việc công bố giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay cũng sẽ không diễn ra vào ngày 2/9 như dự kiến.
 
Giải thưởng Nhà nước hay giải thưởng Hồ Chí Minh là rất cao quý, nhưng thú thật trong lần này tôi phải nói rằng tôi không quan tâm lắm, vì cái xét giải thưởng lạc hậu rồi. Vì sao? Vì âm nhạc có phải ra đời cái là nổi ngay đâu. Hai giám khảo công minh nhất là công chúng và thời gian, có những cái công chúng thích nhưng nó không vượt qua được thử thách của thời gian. Nếu xét giải thưởng âm nhạc không qua thử thách của thời gian có thể anh sẽ tặng nhầm. Tôi nghĩ giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh là rất cao quý, nhưng sao chúng ta không làm một cách khác, ví dụ như vào ngày sinh nhật của người đó, hoặc ngày quốc khánh, ta xem xét cả quãng đời hoạt động nghệ thuật của họ rồi trao tặng. Hoặc một cách nào đó, chứ làm như thế này tôi e không công tâm.

Cái cơ chế xin – cho như thế này rất gây hại vì nó đẻ ra một thói hư, vì người ta có thể chạy chức, chạy quyền và chạy cả giải thưởng, nên những người có tự trọng sẽ không bao giờ làm đơn xin cả. Nhiều người hỏi tôi có tiếp tục làm đơn không, tôi nói không, vì tôi đã có phần thưởng lớn nhất là sự yêu mến của nhân dân rồi, thế thôi.

- Ông được mọi người biết đến không chỉ vì một gia tài đồ sộ hơn 700 bài hát đi cùng năm tháng, mà còn vì ông là một trong số ít nhạc sĩ dành sự nghiệp của mình cho âm nhạc thiếu nhi, điều gì khiến ông có nhiều sáng tác cho thiếu nhi như vậy?

- Tôi thấy có một mảng mà nếu chú ý đến nó mới là có văn hóa, đó là mảng viết cho thiếu nhi, chẳng ai chịu quan tâm tới nó cả, vì viết cho thiếu nhi không có tiền, kiếm tiền không được, không nổi danh. Nhưng tôi phải nói rằng nó vô cùng quan trọng, vì nó đào tạo cho cả một thế hệ. Trẻ em hôm nay hát toàn tiếng Anh với tiếng Hàn, tiếng Nhật… hát nhại theo người lớn, rồi tôi xem trên Youtube thấy cả những bài trẻ em hát một nửa tiếng Anh, một nửa tiếng Việt, mà nói nghiêm khắc ra lại là tiếng Anh bồi. Tôi nhớ có một câu nói rằng “Khi anh mất chủ quyền về ngôn ngữ, sẽ mất nhiều thứ nữa, chứ không phải chỉ kinh tế”, rồi chúng ta sẽ thành một dân tộc nào đó chứ không phải dân tộc mình nữa.

Gần đây tôi thấy báo chí cũng nói nhiều, hình như người ta xem múa, xem trình diễn trang phục gì đó trên sân khấu chứ không còn nghe hát nữa, mà cũng chẳng còn ai chịu quan tâm tới âm nhạc dành cho thiếu nhi nữa. Những nhạc sĩ viết về tình yêu và thất tình nhiều quá.

Còn nhớ khi tôi sang Đức, có một ông tiến sĩ đã tới tìm tôi và cho tôi nghe bài hát Chiếc đèn ông sao được dịch sang tiếng Đức. Tôi hỏi “Ông có biết cái bài ấy nó nói về cái gì không?”, ông ấy nói “Tôi không biết chiếc đèn ông sao, nhưng tôi rất thích cái tiết tấu tùng dinh dinh của bài hát, nó giống âm nhạc ở Carnaval bên đất nước tôi”. Thế tôi mới nói âm nhạc có sức mạnh ghê gớm, nó còn vượt cả biên giới lãnh thổ và quốc gia.

Khi viết cho trẻ con, vì nó phát triển có gia tốc nên Bộ Giáo dục chủ trương vừa chơi vừa học, vừa học vừa chơi. Bây giờ là thời kì công nghiệp hoá, bên cạnh những bài hát nhẹ nhàng cần những bài hát sôi động. Những bài hát nhạc rock là thể loại có thể bộc lộ tình cảm mạnh mẽ nhất. Thế nên đừng phản đối những chuyện ấy, vấn đề là rock Việt Nam, rap Việt Nam… đừng lai căng là đựơc.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu có nói một câu rất cảm động “Đi tới tận cùng của dân tộc, chúng ta bắt gặp nhân loại”. Cứ sống đúng với tình cảm của dân tộc mình, chúng ta sẽ gặp cả thế giới thôi. Tình cảm của tôi là dành cho các em thiếu nhi của dân tộc mình.

Có một người đã nói với tôi “Trẻ con có thể nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hàn, tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Việt Nam, nhưng nó khóc giống nhau, nó cười giống nhau…”. Âm nhạc là tiếng nói của tình cảm, nên nó đến với trẻ con tự nhiên lắm.

Người nhạc sĩ của thiếu nhi 

- Ông có thể chia sẻ kỉ niệm về bài hát được nhắc tới nhiều nhất trong cuộc đời sáng tác của mình, bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”?

- Có thể nói đó là bài hát tôi tâm đắc nhất trong cuộc đời sáng tác của mình, bài hát được ngân lên đúng vào chiều ngày 30/4/1975, khép lại cả một chặng đường dân tộc chìm trong khói lửa chiến tranh, lời ca hân hoan rộn ràng đón chờ một cuộc sống mới không xiềng gông, nô lệ và áp bức. Đó là bài hát mà đi bất cứ đâu tôi cũng thấy nó ngân vang, và đó là điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi.

Có người không biết đã  hỏi tôi sáng tác bài hát Như có bác hồ trong ngày vui đại thắng mất bao lâu, tôi nói mất 2 tiếng. Người đó đã nói nhanh như vậy chắc ngày 8 tiếng làm việc bác phải sáng tác được 4 bài. Tôi cười nói, 2 tiếng và cả cuộc đời.
Sự thật là 2 tiếng và cả cuộc đời.

- Có thể nói cuộc đời lao động nghệ thuật của ông đã viết nên được một cuốn biên niên sử của dân tộc, vì giai đoạn nào ông cũng có những sáng tác gắn liền với thời khắc lịch sử.

- Tôi vẫn thường quan niệm viết nhạc giống như các anh các chị viết văn, phải tự hỏi viết để làm gì, viết cho ai và viết như thế nào. Tôi là người của nhân dân, tôi sáng tác nhạc cũng dành cho nhân dân và dân tộc này, mỗi khi đất nước bước vào thời khắc quan trọng, tôi phải cầm bút và viết.

Từ Chiếc gậy trường sơn, Hà Nội Điện Biên Phủ, đến Chiến đấu vì độc lập tự do…, mỗi thời khắc của dân tộc đều ghi dấu ấn trong tôi

- Và có những bài hát ra đời như tiếp thêm sức mạnh cho cả dân tộc...

- Sức mạnh của âm nhạc lớn lắm. Tôi nhớ bài Quốc ca của pháp, chỉ do một nhạc sĩ nghiệp dư viết thôi, nhưng khi Pháp có chiến tranh với Đức, khi bài hát đến tay người chỉ huy của Pháp, ông ấy đã nói bài hát tiếp cho chúng tôi sức mạnh bằng cả binh đoàn.
 
Tôi còn nhớ khi chúng ta đang có chiến tranh biên giới với Trung Quốc, bài Chiến đấu vì độc lập tự do được phát trên đài, đã có những chiến sĩ trong khu Năm gọi điện ra nói “Anh tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi rồi đấy anh Tuyên ạ”. Những điều như thế khiến tôi thực sự cảm động.

- Bây giờ ông có còn tiếp tục sáng tác nữa không ạ?

- Bây giờ hầu như tôi không sáng tác nữa, thấy tiếc vì quỹ thời gian của mình còn ít quá. 

Hiện tại tôi sống một mình, nhà tôi mất cách đây hai năm, nhưng tôi phải cảm ơn bà ấy rất nhiều, vì sự nghiệp sáng tác nhạc cho thiếu nhi của tôi đựơc bà ấy ủng hộ rất nhiều. Bà ấy là giáo sư tâm lý học, nên thường nói với tôi về tâm lý trẻ con để có những bài hát hợp với thiếu nhi nhất.

Tôi sống bằng lương hưu, một cuộc sống đạm bạc. Nhưng mấy năm nay cũng đỡ hơn khi trung tâm bản quyền phía Nam thỉnh thoảng lại gọi tôi vào lấy tiền vì các ca sĩ, các chương trình sử dụng bài hát của tôi. Không nhiều đâu nhưng cứ tích lại thì cũng được. Tôi nhớ cách đây hai năm, có một chị trong ấy gọi ra nói “Lần này anh được nhiều lắm nha, được những 30 triệu”, tôi ngạc nhiên lắm, vào xem danh sách các bài hát tôi thấy có tới 230 bài của tôi. Từ bài hát thiếu nhi đến bài hát về Trường Sơn, tôi rất vui vì điều đó, vì những sáng tác của tôi vẫn đựơc mọi người hát và nhớ tới nhiều. Tôi nghĩ đó mới là một phần thưởng lớn.

- Xin cảm ơn ông rất nhiều về cuộc trò chuyện, chúc ông thật nhiều sức khoẻ để có thêm những sáng tác hay cho thiếu nhi và dân tộc.


 Trong cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Phạm Tuyên, tôi đã đựơc ông cho xem một bức thư của người cựu chiến binh quê ở Hà Đông gửi cho mà ông vừa nhận được. Nhạc sĩ đã không giấu nổi những giọt nước mắt xúc động khi đọc bức thư và nói "Đây mới là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời mà tôi nhận được".

Đó là một cựu chiến binh ở Hà Đông, khi nghe tin báo đài nhắc tới trường hợp của nhạc sĩ Phạm Tuyên trong đợt xét giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh lần này, vì lòng yêu mến nhạc sĩ đã lâu mà ông quyết định viết bức thư này gửi cho nhạc sĩ. Trong thư có những đoạn rất xúc động:

..."T
hời kì chống Mỹ, tôi chiến đấu trong quân đội, nhờ bài hát của nhạc sĩ, đặc biệt là bài Chiếc gậy Trường Sơn, là nguồn cảm xúc động viên, thúc giục, nâng bước tôi trên đường hành quân, là tiếng kèn xung trận thúc giục chúng tôi chiến đấu và dũng cảm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.. và chúng tôi đã chiến thắng, sống trở về với quê hương.
Với tôi, chỉ có khi xuống mồ là không hát bài hát của nhạc sĩ, bài hát của nhạc sĩ đã thường trực trong trái tim tôi rồi. Cái đựơc và là phần thưởng cao qúy nhất là ở đó thưa nhạc sĩ".


Bức thư đầy cảm động gửi nhạc sĩ Phạm Tuyên 

 

 Thuỳ Linh(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn