Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn: Đời vắng anh rồi, vui với ai?

Tổng hợpThứ Tư, 02/10/2013 09:43:00 +07:00

... Và cứ mỗi mùa thu đến, thu đi, người ta lại nhắc đến Đoàn Chuẩn, đơn giản bởi mùa thu không thể vắng bóng ông.

“Trong tất cả các loại nhạc cụ hay nhất trên thế giới, nhạc cụ hay nhất là giọng hát con người. Nếu trời không phú cho ta giọng hát mà phải mượn tiếng đàn thì tiếng đàn của ai gần với giọng hát nhất, đó là tiếng đàn hay nhất”, Đoàn Chuẩn, người nhạc sĩ hào hoa, “gã trai si tình” của mùa thu đã từng nói như thế. Và cứ mỗi mùa thu đến, thu đi, người ta lại nhắc đến Đoàn Chuẩn, đơn giản bởi mùa thu không thể vắng bóng ông.

Tay chơi bậc nhất Bắc kỳ
Căn biệt thự cũ của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nằm khép mình trên phố Cao Bá Quát. Mặt trước của nó được xẻ ra cho thuê làm cửa hàng, chừa ra một ngách nhỏ để đi vào trong. Chỉ khi bước lên gác 2 của ngôi nhà mới cảm nhận được bóng dáng của người nhạc sĩ hào hoa qua những tấm hình treo trên tường, trên tay vịn của chiếc cầu thang gỗ, qua bộ bàn ghế, qua chiếc giường nơi ông đã nằm những giây phút cuối cùng trước khi rời cõi tạm để đến bến thiên thu.

 

Ngôi biệt thự rộng hơn 650m2 này là nơi cố nhạc sĩ đã sống cùng vợ và 6 đứa con trong suốt cả cuộc đời nay đã cũ kỹ nhưng những gì còn sót lại của một cuộc sống vương giả trong quá vãng vẫn khiến người ta phải choáng ngợp.
Nghệ sĩ đàn Hạ uy cầm Đoàn Đính, người con trai thứ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đưa cho chúng tôi mỗi người một nén nhang để thắp lên bàn thờ cha ông. Khói và mùi hương lan tỏa khắp căn phòng lẫn vào trong tiếng kể chậm rãi, hóm hỉnh. Ông Đính chỉ lên bức ảnh 6 chị em ông chụp cùng bố mẹ ngày còn bé xíu. Cả 6 mặc đồng phục tinh tươm sạch sẽ đúng kiểu tiểu thư, thiếu gia trong các gia đình giàu có xưa kia. Ông bảo, cụ thân sinh ra ông là con trai của ông chủ nước nắm Vạn Vân (nay là Cát Hải) nổi tiếng một thời. Gia đình ngày ấy giàu có lắm, 6 đứa con của Đoàn Chuẩn, mỗi người một cái ô tô riêng đưa đón đến trường, không ai chung đụng với ai. Dưới Hải Phòng cũng có tới 10 cái nhà, cái nào cũng bề thế. Riêng Đoàn Chuẩn có một một chiếc xe mà chỉ Thủ hiến Bắc Kỳ mới có một cái tương tự. Có tiền lại có tài, cả cuộc đời Đoàn Chuẩn là một phiêu du đầy những giai thoại. 
Trên tường, những tấm ảnh đen trắng tuy đã cũ nhưng bất cứ một ai xem cũng phải thốt lên, “trời ơi sao Đoàn Chuẩn đẹp trai và trông mới phong lưu làm sao”. Nhắc đến ông, đến tài tử Ngọc Bảo cũng phải thú nhận, ông đã chơi vào loại bậc nhất Bắc Kỳ mà Đoàn Chuẩn còn chơi hơn. Ngày đó, cả Việt Nam chỉ có 2 chiếc xe Cadillac, trong đó một cái của ông, ấy thế mà chỉ vì quá mê tiếng đàn Hạ uy cầm, hay còn gọi là guitar Hawaii mà ông đổi cả chiếc xe lấy cây đàn, để rồi sau này hầu hết, tất cả các sáng tác trong suốt cuộc đời Đoàn Chuẩn đều viết trên cây đàn guitar Hawaii. Ông bảo, tiếng đàn này kỳ lạ lắm, âm thanh của nó có thể vuốt từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên mượt như nhung chứ không bị rời hay vấp như những loại nhạc cụ khác. Vì vậy, những sáng tác của Đoàn Chuẩn cứ tựa như dải lụa, mềm và bay chẳng hằn một vết gấp. 
Nghệ sĩ Đoàn Đính trầm ngâm bảo, ông may mắn được học đàn guitar Hawaii từ bé. Ngày nhỏ, mỗi lần mở mắt dậy nghe tiếng đàn văng vẳng của bố mà ngỡ ngàng không biết bố đang chơi hay mở đĩa nữa. Trong tài sản của cụ có khoảng 3 ngàn cái đĩa than. Ngày còn sống, cụ hay mở đĩa ra chép nhạc. Sổ nhạc của cụ vẫn còn lưu bút tích năm nào “quyết tâm trong năm 1958 chơi hay hơn đĩa” và xóa đi định kiến của mọi người là guitar Hawaii nghèo nàn. “Bố tôi bén duyên với guitar Hawaii khi ra nước ngoài. Thích tiếng đàn, cụ mua sách vở, mua đĩa về tự học nhạc. Thế mới biết ý chí của cụ sắt đá đến thế nào”, nghệ sĩ Đoàn Đính kể. 

 

Trong số 6 người con của Đoàn Chuẩn, Đoàn Đính là người duy nhất chơi guitar Hawaii (còn lại chị Mai chơi Piano, Đoàn Chính là ca sĩ, Đoàn Châu chơi guitar - nay đã mất). Ông bảo, ngày còn bé, bố ông không dậy con mà cho đi học người khác. Sau một năm, ông mới bắt đầu dạy. Có những lúc không thuộc bài, Đoàn Đính bị bố nhốt trong phòng 5 tiếng đồng hồ cho đến khi nào đánh thuộc bài mới được thả ra. Trong đám học sinh của cụ, có một anh rất có năng khiếu nhưng chỉ vì đến học cợt nhả với con gái cụ mà cụ cho nghỉ luôn, không dạy nữa. Suốt bao nhiêu năm học đàn của bố, chưa bao giờ Đoàn Đính được ông khen chơi hay, cùng lắm cụ chỉ bảo “hôm nay đánh khá”. Thế thôi. 
Ông hồi tưởng, khi xưa còn sống cha ông không chỉ là người nghiêm khắc mà còn rất sâu sắc. Ông kể “Có lần chị tôi ra nước ngoài về khoe được chụp ảnh với Trịnh Nam Sơn. Bố tôi cười bảo, bố chán con quá, lẽ ra Trịnh Nam Sơn phải khoe được chụp ảnh với con gái bố mới phải, đằng này con lại khen ngược lại. Cụ rất tếu nhưng trong cái tếu táo ấy là lời răn dạy tế nhị, đi đâu cũng phải giữ danh tiếng gia đình. Danh tiếng gia đình còn hơn cả đồng tiền”.

Đã đi qua rồi mấy mùa thu
Sinh thời, Đoàn Chuẩn vốn giàu có, đẹp trai, lãng tử nên rất nhiều bóng hồng đã đi qua đời ông. Mỗi người đi qua đều vương lại chút dấu ấn trong các bản nhạc. Thế nên, các bản nhạc của Đoàn Chuẩn, bản nào cũng buồn da buồn diết, ca từ nào cũng lóng lánh tựa trăng thu và sâu sắc vô cùng. “Hồi còn sống bố tôi nói, trong tất cả các loại nhạc cụ hay nhất trên thế gian, nhạc cụ hay nhất là giọng hát con người. Nếu trời không phú cho ta giọng hát mà phải mượn tiếng đàn thì tiếng đàn của ai gần với giọng hát nhất, đó là tiếng đàn hay nhất. Sau này khi chơi các nhạc phẩm của ông, tôi không quên dặn mình phải hiểu cặn kẽ sáng tác của ông, thấm ca từ của ông, khi đó mới chơi được đến kiệt cùng cảm xúc”, Đoàn Đính chia sẻ. Ông bảo chẳng hạn như bài hát Lá thư, chưa có một ca sĩ nào ở Việt Nam hát hay được bằng cô Lưu Hồng ở hải ngoại. Không có một ai hát cái câu “thời gian như xóa lời yêu thương” mà như đang “xóa” thật giống cô Lưu Hồng. Đoàn Đính cho rằng, rất ít ca sĩ hiện nay hát nhạc của cha ông mà chú tâm vào ca từ, trong khi đó các sáng tác của Đoàn Chuẩn, ca từ luôn ẩn chứa điển tích và những ẩn ý sâu sắc, không những thế nó còn đẹp như những áng thơ. Ngày còn sống, Đoàn Chuẩn luôn tín nhiệm Ánh Tuyết và Khánh Ly khi trao những đứa con tinh thần của mình cho họ.
Năm 2001, Đoàn Chuẩn ra đi về cõi vĩnh hằng, cái quý giá nhất ông để lại cho đời là những bản nhạc. Cho đến nay, con cháu ông đã tập hợp lại được 20 ca khúc như Lá đổ muôn chiều, Cánh hoa duyên kiếp, Chuyển bến, Gửi gió cho mây ngàn bay, Thu quyến rũ… Sinh thời, Đoàn Chuẩn sáng tác không nhiều nhưng bài nào cũng để đời. Ngày còn “ở trọ trần gian”, Đoàn Chuẩn vốn tài tử, nhiều bản nhạc của ông thất lạc đến giờ vẫn chưa tìm thấy hết. Năm 2001 ông mất, đến năm 2002, gia đình ông mới nhận lại được bản Ánh trăng mùa thu do ca sĩ Ngọc Khôi - người đã giữ bản nhạc ấy suốt 35 năm gửi tặng. Rồi gần đây nhất, cách 2 ngày kỷ niệm sinh nhật của ông, tình cờ cô cháu ruột là Đoàn Quỳnh Hương đã tìm thấy bản Hoa thơm bướm lượn. Cũng nhờ Đoàn Quỳnh Hương, bản Thuở trâm cài cũng được tìm thấy.

 

Trong số các tập bản thảo tìm được, có một tập bên ngoài ghi: tập “Bài ca bị xé”- 1955. Con trai ông, nghệ sĩ Đoàn Đính cho rằng, có thể tập này được viết cho một người nào đó, về sau bị xé. Trong tập ấy, bài Vĩnh biệt được ca sĩ Ánh Tuyết thể hiện được Đoàn Chuẩn khen ngợi hết lời. Trước giây phút ông trút hơi thở cuối cùng, các con có hỏi ông, có muốn nghe bản nhạc ấy. Ông gật đầu. Vậy là trong đám tang của Đoàn Chuẩn, không có tiếng nhạc hiếu mà chỉ có tiếng hát Ánh Tuyết da diết “từ nay bèo trôi, cầu xiêu con đò nát và mây đìu hiu cây rụng lá, thân mình về đâu? Đàn trùng dây phím lỡ, mái đổ nhà xiêu, nhẹ như tiếng khóc thầm…”. 
Ngoài Ánh Tuyết, Đoàn Chuẩn đánh giá Khánh Ly là người hát nhạc của ông hay nhất. Một lần khi ông sang Canada gặp Khánh Ly, Khánh Ly nói muốn gửi tiền bản quyền cho nhạc sĩ trong suốt những năm cô ấy hát, Đoàn Chuẩn đã gạt đi và nói: “Đối với tôi, cô đừng nói chuyện tiền bạc, chỉ riêng việc cô hát nhạc của tôi đã là bản quyền lớn nhất rồi”. Sau này khi cụ mất, giữa không biết bao nhiêu mà kể những vòng hoa mang chữ “kính viếng”, riêng vòng hoa Khánh Ly gửi đến chỉ vỏn vẹn một dòng “Đời vắng anh rồi vui với ai”. 
Đoàn Đính bảo, tiếng đàn cha ông nghe vào đêm tịch mịch thì không gì buồn bằng. Nhiều lúc vừa chơi các bản nhạc của cha, ông vừa khóc. Từng câu, từng chữ thấm đến tận cùng nỗi cô đơn. Không phải nghiễm nhiên, Đoàn Chuẩn được coi là một trong những người nhạc sĩ của mùa thu. Cứ đến mỗi khi thu về xào xạc cõi lòng, người ta lại cất lên tiếng hát tha thiết trên tiếng tơ đàn day dứt khôn nguôi. Đêm nhạc Thu về trên phố ngày 14-9 vừa qua tại Hà Nội đã dâng trào cảm xúc mùa thu với nhiều nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn qua tiếng hát Ánh Tuyết, Mỹ Linh, Hồng Nhung và tiếng đàn guitar Hawaii - tiếng đàn ông đã yêu tha thiết cả một đời do nghệ sĩ Đoàn Đính, con trai ông thể hiện. Mùa thu đến rồi lại đi. Những nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn đã đi qua rất nhiều những đến - đi như thế. Bao năm qua rồi thế mà mùa thu vẫn vẳng đâu đây tiếng hát “Thu nay vì đâu nhớ nhiều? Thu nay vì đâu tiếc nhiều? Đêm đêm nhìn cây trút lá, lòng thấy rộn ràng, ngỡ bóng ai về…” 

Hà Trang
Bình luận
vtcnews.vn