Nhà văn Việt Nam đi nước ngoài (phần 2)

Tổng hợpThứ Hai, 23/08/2010 03:57:00 +07:00

au khi ngắm nghía và thử đi thử lại, ông quyết… thò tay vào túi rút tiền, thì hỡi ôi, cái tiếng sột soạt vọng vang sang trọng của tờ tiền chả thấy đâu...


 

CHUYỆN TIÊU

Nhà thơ Phạm Doanh đã về hưu và có vẻ không được dư dả như các nhà văn khác trong đoàn. Ông bảo tất cả chuyến đi có 5 triệu mà còn phải để dành vì đi xong là ông ở lại Hà Nội dự đại hội hội Nhà Văn luôn, vì thế ông ít tiêu pha và cũng không đổi tiền mà để tiền Việt trong túi. Tuy thế lúc ở Mã Lai, trước phong trào mua sắm rầm rộ của các nhà văn trong đoàn, ông quyết định mượn của cô HDV 100 đô Sing tức 70 đô Mỹ dằn túi, tôi thấy ông cầm tờ tiền màu hồng hờ hững đút vào túi quần. Hôm sau khi cả đoàn vào cửa hàng miễn thuế mua đồ kỹ thuật số, ông quyết định mua một món. Sau khi ngắm nghía và thử đi thử lại, ông quyết… thò tay vào túi rút tiền, thì hỡi ôi, cái tiếng sột soạt vọng vang sang trọng của tờ tiền chả thấy đâu, thay vào đó là sự lạnh lẽo của cái túi rỗng. Ông thông báo và cả đoàn ai cũng bùi ngùi cho ông. HDV gọi về khách sạn đề nghị kiểm tra xem có sót ở đấy không, mười lăm phút sau khách sạn trả lời là không có. Chim trời, cá nước, tiền trong túi, thế là như nhau.

Mà có phải mình Phạm Doanh đâu, người được gọi là đại gia mua sắm Chu Thị Thơm cũng mất… 10 đô Mỹ. Món đồ ấy có 110 đô, thế nào mà chị lại đưa 120 đô và có nhà phê bình Lưu Khánh Thơ trông thấy. Lúc lên xe, nghe mọi người nói 110 đô chị mới hỏi lại và HDV lại gọi về cửa hàng. Họ kiểm tra rất nhanh và thông báo chị là người mua hai món đồ, đã trả bằng ấy tiền, và món đồ ấy chị trả 110 đô. Hehe, chị bảo thôi, không cãi nữa. Chị trả tiền có Lưu Khánh Thơ thấy, tuy thế cuộc mua ấy chị không cầm hóa đơn, nhưng phía bán thì lưu trong máy rất kỹ. Thơm là người mua nhiều đồ nhất đoàn, mua không… mỏi tay và chụp ảnh không mỏi tay. Chị đang làm cho báo Giáo dục thời đại, tuyên bố, khi về sẽ viết mấy kỳ phóng sự ảnh và mấy kỳ phóng sự viết. Tôi còn chụp được cái ảnh Thơm rất kinh dị khi chị đi shopping ở một siêu thị bằng... chân đất, còn người xách guốc cho chị là nhà thơ Phạm Doanh.

Chu Thị Thơm phát hiện có bốn điều khiến các nhà văn khi ra nước ngoài căng thẳng đó là lấy thức ăn nhiều (khi ăn buffet) sợ bị… phạt; tính tỉ giá tiền lúc mua sắm; đi tàu điện ngầm và tìm phòng ở khách sạn 11000 tầng…  Chuyện tìm phòng ở khách sạn 11000 tầng tôi kể phía dưới, còn các căng thẳng còn lại, các bạn tưởng tượng tiếp, tất nhiên phải tưởng tượng cho ra tưởng tượng nó mới... hoành tráng.      

 

CHUYỆN NGỦ Ở KHÁCH SẠN 11 NGHÌN PHÒNG

Khi đến cao nguyên Genting, là một nơi du lịch nổi tiếng thế giới, chúng tôi được bố trí ở khách sạn Theme Park nằm trên cao nguyên Genting, cách thủ đô Kualalampua vài giờ xe chạy. Đây là một cao nguyên cao 2000 mét so với mặt nước biển, cao hơn một chút hoặc tương đương với Đà Lạt, Măng Đen, Sa Pa, Tam Đảo… bên ta, song về quy mô hoành tráng thì một trời một vực. Dân Mã Lai tự hào là khu này của họ không thua gì Ma Cao, Hồng Kông hoặc Las Vegas. Đường hai làn êm như ru và không ngoắt nghoéo như bên ta,  nườm nượp xe nối đuôi lên xuống. Tất cả các màu da các sắc tộc trên thế giới đều có mặt nơi này. Có mấy đường để lên, một là cáp treo, hai là xe con tự lái và ba là nếu đi du lịch xe to thì phải để xe lại lên xe của Genting mà đi. Kể nhiều lại bảo khen phò mã tốt áo, chỉ xin tường thuật cái khách sạn chúng tôi ở. Nó có tất cả… 11 nghìn phòng. Không nghe nhầm đâu, mười một nghìn phòng nhé, phòng tôi ở là phòng 2- 0256, từ lễ tân đi xuống phải ngoắt nghoéo 3 lần thang máy và chục cái rẽ đi bộ. Nhà thơ Chu Thị Thơm phải đặt vè cho dễ nhớ: Hai lên bảy xuống đến Lờ, hai ta lại cứ ngù ngờ như nhau, phòng ở đâu phòng ở đâu, tìm phòng sao lại bể dâu thế này…. Tức là phòng lễ tân ở tầng 6, gọi là tầng L, viết tắt loppy, muốn đến chỗ chúng tôi ở phải bấm thang máy về tầng 7, đi bộ mấy cái ngoắt nghoéo hành lang sâu hun hút, gặp một lọ hoa rất to thì bấm tiếp thang máy xuống tầng 2, từ tầng 2 tiếp tục ngoắt nghoéo mấy nhát nữa thì đến phòng. Vậy nên mọi người bảo, chả cần như ông Nghị Cảnh nói là phải làm đường sắt cao tốc mới IQ cao, mà lần tìm được đường về phòng mình cũng là một biểu hiện cao ngất của IQ rồi.

Cứ khen mãi xứ người thì có gì đấy không phải với dân tộc, nhưng quả là nghĩ mãi không ra, tại sao nhân dân ta hoành tráng thế, thông minh thế, cường lực thế, dân tộc ta mọi nhẽ thế, làm gì cũng được, trừ làm cho đất nước mình như người ta. Sang Mã rồi Sing, thấy đến 80% khách du lịch là dân đầu đen mũi tẹt nói tiếng… Việt. Tức là dân Việt ta, làm ăn khốn khổ, cực nhọc, tằn tiện chắt bóp, tích xu thành đồng, đồng đỏ thành đồng xanh… rồi… mang sang láng giềng tiêu. Mà như đã nói, tiền mình sang bên này mất giá vô cùng. Tiền Ring ghít thì 6 ngàn Việt đổi được một đồng, còn tiền Sing thì 1 đô Sing đổi 14,5 đến 15 ngàn tiền Việt, mà một chai nước hai đô Sing, một ly nước ở cái Bar bệnh viện gì đấy 40 đôla làm anh nào anh nấy mặt xanh như… đít nhái. Giá cả đắt đỏ vì lương của họ cực cao, đi bệnh viện trường học không mất tiền, chính phủ lo cho dân như lo cho con cái. Người dân Sing khi nói chuyện bao giờ cũng dùng từ “Chính phủ” rất trìu mến, ví dụ “Chính phủ chỉ cho hút thuốc đúng chỗ”, “Chính phủ bảo mọi người dân chỉ có một Singapo”, "ai hút thuốc hoặc vứt rác không đúng chỗ sẽ bị chính phủ phạt, bằng cách nộp 500 đô và chịu 5 roi rất đau", phần lớn ai bị đánh roi xong là đều được chuyển thẳng đến... bệnh viện… cứ ước dân ta bao giờ trìu mến với Chính phủ như thế…

Cái cao nguyên Genting ấy là của một người Phúc Kiến mua của Chính phủ Malaysia. Ông này xuất thân nghèo hèn, nhưng rồi nhờ có một bộ óc rất lỗi lạc, ông nổi lên như một tấm gương chịu khó, trở thành đại gia của Malaysia, giúp cho chính phủ Mã Lai rất nhiều việc, nên ông là một trong 10 người Mã Lai được phong tước Tan Sri Limgotong. Hồi ấy cao nguyên Genting còn rất hoang vu, ông ngỏ ý mua, và Chính phủ bán cho ông với một cái giá rất tượng trưng. Bây giờ thì, quả là tớ cũng là người có đầu óc tưởng tượng, nhưng cũng chả thể nào tả hết được cái  sự nó vĩ đại, nó hoành tráng thế nào. Từ toàn cục đến chi tiết đều không thể chê được một mẩu. Thôi thì gác lại đoạn tả để mọi người có ý thức tiết kiệm, dành dụm mà sang đấy đập phá cho nó thỏa cái nỗi sướng, nỗi tự tôn dân tộc bị dồn nén, bị không có nơi thể hiện phải sang nước người thể hiện. Chỉ biết rằng cái cao nguyên Genting ấy bây giờ là thiên đường du lịch, thiên đường mua sắm, thiên đường vui chơi và cũng là thiên đường cờ bạc ở Châu Á, nó lập kỷ lục về nhiều mặt: Là nơi không có đêm, vì không ai lên đây lại đi ngủ cả, là nơi tuyết rơi bốn mùa, là nơi có tổ hợp khách sạn nhiều phòng nhất, đường cáp treo Skyway Cable Car mỗi giờ có thể vận chuyển 2.000 hành khách. Ngay tên gọi "đường lên trời" - Skyway - cũng đủ thấy sự vĩ đại của thiên đường trên cao này rồi. Người Malaysia thích lập kỷ lục và Genting chính là thành phố chứa đựng nhiều cái “nhất” nhất trong cuốn Malaysia’s Guinness Book of Records. Con đường  từ Kualalampua lên đỉnh cao nguyên 2000m được thiết kế như công viên, chăm chút đến từng cọng cỏ, từng viên đá lơ đễnh ở khúc cua mà sạch như lau như ly đủ nói cái tầm nhìn và cách ứng xử đến từng tiểu tiết của người Mã nó khủng khiếp thế nào.

Ai đến Genting ngủ đêm cũng được phát một phiếu để vào... sòng bạc. Phiếu ấy kèm 1 tờ giấy trị giá 10 Ring ghit, muốn chơi thì phải bỏ vào đấy 10 ring ghit từ ví của anh. Nếu thắng thì sẽ được 20 Ring ghit, nếu thua thì thua 10 ring của anh, và phần lớn là... thua. Tôi không phải là loại máu me cờ bạc nên thua 10 ring ghit là đứng dậy đi... tham quan, ngắm người đánh bạc và các cô gái xinh đẹp đứng quản lý sòng bạc, còn có mấy bác máu thì không chịu thua... vô lý thế, rút thêm tiền để đánh, và kết quả là thua... có lý hàng trăm ring ghit. Còn loại đánh bạc chuyên nghiệp thì không kể làm gì, nghe bảo ở đây đã có rất nhiều người tự tử vì thua bạc và người Trung Quốc là loại máu me đánh bạc nhất thế giới...

Ngay năm đầu tiên khai trương, Genting, với tư cách là sòng bạc lớn nhất Châu Á, đã đón 13 triệu lượt khách. Kinh chưa...

Bình luận
vtcnews.vn