Nhà tư sản yêu nước với nhà máy in tiền đầu tiên

Thời sựThứ Bảy, 02/03/2013 05:57:00 +07:00

(VTC News) – Yêu nước, ông bỏ tiền mua đồn điền và nhà máy in của Pháp hiến cho chính quyền cách mạng.

(VTC News) – Bỏ tiền mua đồn điền và nhà máy in của Pháp hiến cho chính quyền cách mạng, ông chính là thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Pháp năm 1946.


Chân dung nhà tư sản yêu nước

Theo các tài liệu lưu trữ tại khu di tích nhà máy in tiền (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), ông Đỗ Đình Thiện sinh năm 1904 tại làng Noi (nay thuộc Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) trong một gia đình 4 anh chị em, có bố là thư ký cho một chủ đồn điền Pháp nhưng mất sớm.

Với sự nuôi dưỡng của mẹ, ông Thiện được học chữ Nho và chữ Quốc ngữ rồi sang Pháp du học.

Tại Pháp ông trường Đại học Canh Nông (Toulouse), vừa học vừa tham gia hoạt động cách mạng, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, rồi vào Đảng Cộng sản Pháp năm 1928.

Với sự hoạt động tích cực, ông bị cảnh sát Pháp để ý và bị bắt giữ khi khi trao truyền đơn cách mạng cho những binh sĩ người Việt Nam đang trên đường hồi hương. Ông bị kết án 4 tháng tù và bị trục xuất về nước.

Chân dung nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện. Ảnh tư liệu. 

Trước khi sang Pháp học, gia đình đã làm lễ đính hôn cho ông với bà Trịnh Thị Điền (SN 1912). Trong khi ông Thiện đang du học ở Pháp thì bà Điền ở trong nước cũng tham gia hoạt động cách mạng, bị bắt và bị kết án tù.

Từ khi ông Thiện bị trục xuất về nước và bà Điền ra khỏi tù, ông bà làm đám cưới. Ông bà quyết chí bất hợp tác với Thực dân Pháp bằng cả việc cưới mà không đăng ký kết hôn.

Bị kiểm soát gắt gao, nhà cửa thường xuyên bị khám xét, không thể trực tiếp hoạt động cách mạng được, ông bà Thiện chuyển sang làm kinh tế, mở hiệu buôn bán tơ lụa rồi tậu đất, dựng nhà máy, lập đồn điền… trước hết là để nuôi sống gia đình và sau đó để chờ thời, một khi có điều kiện sẽ ủng hộ cách mạng, giúp đỡ các đồng chí mình hoạt động.

Đến đầu những năm 40 của thế kỷ trước, ông bà Thiện đã được giới tư sản Hà Nội biết tiếng và kính nể. Ông tẩy chay Pháp bằng cả việc không đi xe ô tô của Pháp, mà tậu hẳn xe Ford của Mỹ.

Năm 1943, ông Thiện mua đồn điền Chi Nê (Lạc Thủy, Hòa Bình) rộng 7.331 ha, được xây dựng cuối thế kỷ XIX của chủ đồn điền Bô-Ren giá hai nghìn lượng vàng.

Năm 1946, trước khó khăn của Đảng không có nhà in riêng để in tiền, ông Đỗ Đình Thiện đã đứng tên và bỏ tiền ra mua lại nhà in Tô-panh của Pháp (vì người Pháp không chịu bán cho Chính phủ ta) và hiến cho Chính phủ để lập nhà in tiền.

Tháng 3/1946, nhà máy in tiền Tô-panh được chuyển về đồn điền Chi Nê của gia đình ông Thiện.
Ông Đỗ Đình Thiện khi lúc đang là sinh viên ở Pháp. Ảnh tư liệu. 

Sau cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng non trẻ rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân đoàn kết yêu nước, tập trung sức để giải quyết những khó khăn trước mắt, cải thiện đời sống nhân dân, ổn định tình hình xã hội.

Chỉ hai ngày sau khi tuyên bố độc lập, ngày 4/9/1945 Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh đặt ra Quỹ Độc lập để thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân tự nguyện đóng góp.

Thời kỳ này, ông Đỗ ĐìnhThiện được cử phụ trách Quỹ Độc lập Trung ương ở Hà Nội, đóng góp nhiều tiền, vàng cho chính quyền cách mạng.

Không những vậy, ông Thiện còn mua đấu giá bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do hoạ sĩ Nguyễn Sáng vẽ với giá 1 triệu đồng Đông Dương (khoảng gần 2.000 lạng vàng), sau đó tặng ngay cho Uỷ ban kháng chiến hành chính Thành phố Hà Nội, biến cuộc đấu giá thành một đám rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh về treo ở trụ sở Uỷ ban.

Việc làm trên của ông Đỗ Đình Thiện được đánh giá là để nhằm biểu thị lòng tin tưởng của nhân dân đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, chống lại những âm mưu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, đồng thời để tăng ngân sách cho chính quyền cách mạng.

Lúc mới giành được chính quyền, nhà nước chưa có bộ phận lễ tân chuyên trách do vậy việc tiếp các vị khách đặc biệt được giao cho một số gia đình có điều kiện ở Hà Nội. Ngôi nhà ở 54 Hàng Gai của gia đình ông bà Thiện trở thành "nhà khách" của Chính phủ.

Đồn điền Chi Nê không những trở thành nơi dưỡng quân cho các đơn vị trước khi lên đường vào Nam chiến đấu, điểm dừng chân của nhiều lãnh đạo Đảng. Từ cuối năm 1945 đầu năm 1946, nơi đây còn là cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm, trú quân cho các đơn vị lực lượng vũ trang Chiến khu 2.

Vị thư ký riêng của Hồ Chủ tịch trong chuyến đi Pháp năm 1946

Tháng 3/1946, Chính phủ Pháp mời Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cộng hoà Pháp vào hạ tuần tháng 5/1946. Ông Đỗ Đình Thiện được ông Nguyễn Lương Bằng đến 54 hàng Gai, Hà Nội, thông báo ý kiến của Hồ Chủ tịch về việc Bác muốn ông Thiện cùng đi Pháp.

Ông Thiện nhận lời và trở thành thư ký riêng của Hồ Chủ tịch.

Nhiều nhà sử học cho rằng, lý do Bác chọn ông Thiện tháp tùng trong chuyến đi này ngoài sự tin cậy còn bởi ông Thiện đã từng du học tại Pháp, thông thạo các địa danh nước Pháp.
Nhật ký làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do thư ký Đỗ Đình Thiện ghi chép. Ảnh tư liệu. 

Ông Thiện là Đảng viên Đảng cộng sản Pháp, là người có uy tín đối với Đảng Cộng sản Pháp và các tổ chức yêu chuộng hoà bình, phản đối chiến tranh tại Pháp, có uy tín với cộng đồng người Việt nam tại Pháp.

Trong khi đó chuyến đi lần này của Bác không chỉ là vì lời mời của Chính Phủ Pháp, mà Bác muốn nhân chuyến đi này gặp gỡ đông đảo kiều bào Việt Nam tại Pháp, gặp gỡ các tổ chức yêu chuộng hoà bình, gặp gỡ các nhân vật nổi tiếng tại Pháp ... để kêu gọi họ ủng hộ cách mạng Việt Nam, ủng hộ nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà còn non trẻ.


Ngày 22/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp máy bay tới Paris thực hiện chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Lễ đón tiếp chính thức Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 2-4/7/1946 tại Paris.

Lịch trình làm việc của Hồ Chủ tịch ở Pháp đã được ông Đỗ Đình Thiện ghi chép trong một cuốn nhật ký gồm 67 trang. Trong 99 ngày ở Pháp, Bác đã có tới 400 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các tổ chức, đảng phái, phóng viên báo chí, các nhà hoạt động chính trị, xã hội, văn hoá,...

Và trong thời gian ở Pháp, khi tháp tùng Bác đi thăm Normandie (Nooc-măng-đi) cùng với Sainteny (Sanh-tơ-ni), ông Thiện đã bị tai nạn ô tô rất nặng, nhưng may mắn thoát chết.

Là thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, song trên thực tế, ông Thiện còn là người trực tiếp chăm lo sinh hoạt, và những việc có tính chất riêng tư của Bác. Tài liệu hiện còn lưu tại Sở Cảnh sát Paris đã hầu như không bỏ sót chi tiết nào về những lần ông Thiện cùng Bác đi bệnh viện khám mắt, kiểm tra sức khoẻ...

Ảnh chụp gia đình ông Đỗ Đình Thiện tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu.

Sau trận bom ngày tháng 2 năm 1947, ông bà Đỗ Đình Thiện đưa cả gia đình gồm mẹ già và 4 con (nhỏ nhất 4 tuổi, lớn nhất 12 tuổi) lên Việt Bắc theo đuổi cuộc kháng chiến 9 năm.

Ông bà đã giao lại đồn điền Chi Nê cho Ban Kinh tài của Đảng quản lý. Sau đó ông cũng đeo ba lô, cùng trèo đèo, lội suối cùng anh em công nhân để xây dựng Nhà máy cơ khí đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc.

Ông bà cũng đóng góp gần nửa cổ phần để xây dựng Việt Nam công thương Ngân hàng (tiền thân của Ngân hàng quốc gia Việt Nam). Còn bà Trịnh Thị Điền, trong những năm kháng chiến đã công tác tại Ban Kinh tài của Đảng, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và một số cơ quan khác.

Ông Đỗ Đình Thiện nghỉ công tác năm 1953. Từ sau tai nạn ô tô ở Pháp, ông thường bị chóng mặt. Kháng chiến thắng lợi, gia đình trở về Thủ đô, sống tại nhà riêng ở 76 Nguyễn Du, Hà Nội.

Ông mất ngày 2/1/1972 tại Bệnh viện Việt Xô, hưởng thọ 69 tuổi. Thời điểm đó, máy bay Mỹ tạm ngừng đánh phá Miền Bắc và Hà Nội.


Nguyễn Dũng

Bình luận
vtcnews.vn