Nhà thơ Phạm Vân Anh: Hát trên cổng trời

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 19/09/2016 10:34:00 +07:00

Ngoài chức phận của một nhà biên kịch và đạo diễn, Phạm Vân Anh luôn soi rọi thực tiễn qua ánh sáng thơ ca, nên các phim tài liệu về các chiến sĩ bao giờ cũng thấm đẫm tình người.

Cách đây 17 năm, thật tình cờ tôi có mặt trong buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ thơ trẻ Hải Phòng. Một sinh viên ngoại ngữ tự giới thiệu mình là Phạm Vân Anh, 19 tuổi rồi đọc thơ. Đó là bài “Cho một ngày mới”. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ câu kết: “Chân trời mở. Luồng sáng tuôn theo cung đường gió”. Đó là ấn tượng đầu tiên về thơ của cô sinh viên có nụ cười răng khểnh, đáng yêu…

Sau này tôi lại có dịp đọc thơ của Phạm Vân Anh nhiều hơn, nhất là sau Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ VI, năm 2001. Từ đó, gương mặt thơ đất biển mới này xuất hiện ở một số báo ở Hà Nội và Trung ương đã thể hiện một nét mới lạ, góc cạnh và ẩn chứa những trăn trở nội cảm. Đó là một hành trình đi tìm mình và những cung bậc sáng tạo trong thơ. Phạm Vân Anh vượt qua những quãng đường chập chững ban đầu, và đã thể hiện một ánh sáng của thi pháp, có những câu mang yếu tố tượng trưng, như một sự kết hợp giữa mơ mộng và hiện thực. Đây đó có những câu thơ làm ngạc nhiên người đọc bởi một bi kịch nội tâm: “Chào mặt trời - thứ duy nhất lớn hơn tôi - Chào đám cây non cứ quẫy lên trong bão để không bật ra khỏi rễ”… Tất cả được dồn nén trong tập thơ đầu tiên “Tôi chào tôi” và tập thơ đã được giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2005), với sự khích lệ cho một gương mặt thơ trẻ có bản sắc riêng.

Mấy năm sau, nhà thơ trẻ Phạm Vân Anh khăn gói lên Hà Nội học tập, ra sách thơ thứ hai: “Mùa tình”, xây dựng gia đình rồi xin về công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng. Và, đó là một quyết định đúng đắn, bởi từ đây thơ của Phạm Vân Anh bước sang một giai đoạn mới, thể hiện sự phong phú và phát triển về phong cách cũng như triết lý nhân văn.

Sau tập thơ “Góc” (2009), nhà thơ trẻ Phạm Vân Anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, khi vừa tròn 29 tuổi. Với tập thơ thứ ba, thơ Phạm Vân Anh đã có những chuyển động mới, khi thể hiện những cảm xúc sâu sắc với những đề tài hướng tới cộng đồng. Những cảm xúc của cái “Tôi” được hòa cảm với cõi “Người”. Đó cũng là kết quả của những chuyến đi làm phim của Phạm Vân Anh, qua thực tế những vùng biên ải.

1

 Phạm Vân Anh đọc thơ trong Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu 

Ngoài chức phận của một nhà biên kịch và đạo diễn, Phạm Vân Anh luôn soi rọi thực tiễn qua ánh sáng thơ ca, nên các phim tài liệu về các chiến sĩ bao giờ cũng thấm đẫm tình người. Đó là những chuỗi hình ảnh xúc động, hàm chứa ý tưởng sâu sắc về hình tượng cao đẹp của người chiến sĩ luôn luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Bạn đọc đã hết sức thú vị với những câu thơ của Phạm Vân Anh qua những chuyến đi này như: “Mùa này. Non ngàn kiêu hãnh quá. Những đỉnh xa mời gọi bước chân người. Làm sao bám dấu nai trong rừng vắng. Hay trôi theo thác lá đổ về xuôi” (Múa lá nghiêng rơi); hay đó là: “Chạm vào cao nguyên khi hoàng hôn chập chùng đeo đầu đá. Má ửng tam giác mạch. Mắt lả đường ong bay” (Hát trên cổng trời); và nữa: “Thưa mẹ biên cương đang trở rét. Sa mộc reo lời đá ngàn năm. Có con chim Pí về chọn hạt. Đùa trên sương tuyết chốn con nằm” (Thưa mẹ)…

Phải nói tính công dân trong thơ của Phạm Vân Anh đã làm cho mạch cảm xúc lãng mạn của tứ thơ thêm bay bổng cho dù đề cập tới những đề tài về chiến sĩ ngỡ như khô khan.  

Gần đây, tôi gặp nhà thơ Phạm Vân Anh, mới hay chị đang sống trong một không khí luôn luôn sôi động, và cập nhật những câu chuyện nóng bỏng của thời cuộc. Hàng trăm bộ phim tài liệu thời sự là kết quả của những chuyến đi khắp mọi vùng biên cương của Tổ quốc. Nhà thơ Phạm Vân Anh đã tiếp xúc với nhiều đơn vị, chiến sĩ sống trên những mảnh đất tiền tiêu đầy gian khổ, nhưng luôn luôn để lại niềm tin yêu cho đồng bào các vùng biên ải. Cảm xúc lại dâng trào, mỗi khi Phạm Vân Anh được nghe lại những câu chuyện hy sinh dũng cảm của biết bao chiến sĩ các quân binh chủng trên rừng núi hay nơi đầu sóng ngọn gió. Và những câu thơ ra đời cùng với hàng nước mắt đã có sức lay động độc giả, giúp độc giả hiểu thấu hơn những cam khó, hiểm nguy nơi phên dậu biên thùy.

DSC_0902

Phạm Vân Anh trong chuyến công tác miền núi 

Chị bỗng nhớ lại có lần đoàn làm phim đi quay một chương trình cắm cột mốc giữa biên giới Việt - Trung, tai đỉnh núi Phố Là, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Đây là cột mốc số 380 được cắm trên độ cao 2000m so với mặt biển. Đường mòn nhỏ rậm rịt cây rừng và dựng đứng không dễ dàng gì. Đoàn làm phim cùng các chiến sĩ biên phòng và những người khênh cây cột mốc nặng hàng tạ lên đỉnh núi. Từ chân núi phải leo cả ngày mới tới nơi vì đoàn làm phim cũng phải khênh máy quay hàng chục ký trên lưng. Nhà thơ Phạm Vân Anh là một chiến sĩ nữ duy nhất trong đoàn. Những câu chuyện trên đỉnh núi của các chiến sĩ kể lại đã làm nhà thơ xúc động về cuộc sống và ý chí son sắt một lòng bảo vệ biên cương của những anh hùng trong cuộc chiến. Đồng thời những hình ảnh của người dân vùng biên ải cũng trở thành những người đồng hành cùng gìn giữ bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Dường như mỗi gia đình trở thành một chòi canh, cảnh giới những hành vi xâm phạm chủ quyền.

Những hình ảnh trên đã trở thành nguồn cảm xúc cho những bài thơ ra đời. Trong nỗi xúc động còn bồi hồi trong tim, nhà thơ Phạm Vân Anh đọc cho tôi nghe những câu thơ trong bài “Hạt đèn cực Bắc”. Đó là hình tượng dù nhỏ bé, ánh sáng của những ngôi nhà dân bản trên cao, như những hạt đèn thể hiện một hình ảnh quê hương nước Việt, một chủ quyền bền vững: “Đỉnh cao 2000. Núi uốn thang mây. Những đôi vai sần chai địu quẩy tấu chung chiêng. Nghìn bước chân không mỏi. Dựng nên cột cờ vạn thuở… Người nằm lại miền Trời. Có nghe rông đá chuyển mình. Dìu dịu sáng những hạt đèn cực Bắc”.

Ngay cả chuyến đi ra đảo Trường Sa thực tế sáng tác, nhà thơ cũng có nỗi xúc động không kìm nén nổi, nên đã viết ra những câu thơ ngay trong đêm. Đó là những ký ức không thể nào quên: “ Tam giác lửa…? Hay tam giác máu…? Tên gọi nào cũng buốt xót niềm đau. 26 năm rồi đảo đêm đêm vẫn thức…” (Gặp ở Cô Lin) - Trường Sa - 2014…

Những năm công tác tại Điện ảnh Biên phòng, nhà thơ, nhà biên kịch Phạm Vân Anh đã được trao nhiều giải thưởng. Ta có thể kể ra những tác phẩm đáng ghi nhận: Phim “Vẫn còn có ngày mai” (HCB - Liên hoan TH toàn quốc - 2010);  Bút ký “Hoa nở giữa niềm năm” (Giải Nhất - Bộ Y tế trao - 2013); Phim “Tà đạo Hà Mòn - đằng sau niềm tin mù quáng” (HCB - Liên hoan TH toàn quốc - 2014); Phim “Đội quân tóc dài trên biển Tây” (Giải thưởng Khu vực Châu Á Thái Bình Dương-2015)…

IMG_1946

Vân Anh hòa cùng cuộc sống đồng bào dân tộc để lấy cảm hứng sáng tác 

Cũng trong giai đoạn này nhà thơ Phạm Vân Anh còn in hai cuốn truyện ngắn và truyện ký. Hiện chị cũng đang viết kịch bản phim truyền hình hơn 30 tập về công tác chống ma túy của các chiến sĩ biên phòng. Trước mắt lại là một hành trình dài dằng dặc, khắp các tụ điểm nóng bỏng tệ nạn mua bán ma túy, đầy hiểm nguy đối với nữ nhà báo này. Nhiều đồng nghiệp rất ngạc nhiên về sức làm việc dồi dào và hành trình sáng tạo không ngừng của chị.  

Gặp lại trước thềm Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ 9, thật bất ngờ, nhà thơ Phạm Vân Anh hồ hởi cho biết vào cuối tháng 9-2016, chị sẽ có một cuốn sách mới tặng các bạn đồng nghiệp. Đó là tập Trường ca “Sa Mộc”, do NXB Lao Động ấn hành. Nhà thơ sôi nổi kể, bản trường ca này cũng là kết quả của 8 năm tích lũy thực tế, sau hàng trăm chuyến đi làm phim, và sống cùng các chiến sĩ ở các trạm biên phòng trên miền biên cương phía Bắc. Vốn sống đầy ắp trong những thời gian gắn bó với đời sống chiến sĩ tạo nên nguồn cảm xúc chất chứa trong tâm hồn thi sĩ. Hình tượng cây Sa Mộc cao vút, vững chãi bắt gặp trên mọi nẻo đường biên cương trở nên thân thiết với nhà thơ Phạm Vân Anh. Và, mạch nguồn để hình thành bản trường ca bắt đầu từ đây, nó biểu tượng cho ý chí kiên trung của dân tộc vững vàng bảo vệ bờ cõi linh thiêng của đất nước ta.

Bản trường ca “Sa Mộc” chia làm 7 chương, như 7 tổng phổ của bản giao hưởng đất nước. Nhà thơ Phạm Vân Anh sôi nổi nói về ý tưởng của từng chương. Những câu thơ cứ cuồn cuộn tuôn trào. Tôi như được sống cùng với những cung bậc của bản trường ca. Khi thì lắng đọng với không khí sử thi hào hùng của dân tộc qua những câu thơ: “Máu của cây hay máu người yêu nước. Ngàn năm mở cõi. Dâu bể thăng trầm. Chốn tiền đồn xanh rạng chiến công. Mây tụ về hóa lũy thép thành đồng”; Và, đây là sự ám ảnh tâm linh của hồn người đã hy sinh cho đất nước vọng lên qua lời kể của những hàng cây sa mộc: “Chít vành sa đầu núi. Mây gió để tang người. Uống ngụm gió Bắc. Cột mốc bơ phờ lặng mặc đời trôi. Điếu thuốc chưa thơm râu. Người đã đi quá vội”. Bản trường ca bỗng bừng lên sắc tươi của hoa của nương rẫy trong những tháng ngày “Mở núi”.

IMG_2326

 Trong chuyến công tác 

Và rồi đất và người biên cương tất cả đều “Thức cùng non sông” trong những cuộc hành quân: “Tuần tiễu giữa mùa đi bát ngát. Ngả mũ chào người tiêu binh ải Bắc. Lá vẫy ngang đèo. Chúng tôi đi và hát. Ấm đất bước tuần tra”. Những người lính ấy xác định “Đường biên cương không tính tháng tính ngày. Tính màu thời gian trên cột mốc. Thiêng liêng phút giây chào Tổ quốc. Nhìn thế núi, mạch sông nhận cương vực ngàn đời...” Hay “Đất nước trăm miền trăm xao xuyến. Xao xuyến nào bằng lời kí thác đêm nay. Đường ong bay đường hoa đường mật. Khắc vào không gian một hình dung rất thực. Đường nào ngọt bền bằng lòng dạ biên cương„

 Tôi thực sự ấn tượng trước những câu thơ mà Phạm Vân Anh đã thay mặt cho đồng đội của mình cất lên với niềm tự hào: “Chúng tôi. Những người trai giữ đất đêm nay. Giữ ánh mắt trẻ thơ trong veo trời biên giới. Giữ minh triết người già về nguồn cội. Bảo vệ từng trang dã sử ngàn đời”. Có lẽ hình ảnh đẹp và trở thành nút kết của bản trường ca hào hùng về người lính gìn giữ biên cương, mà nhà thơ đã gửi gắm lòng mình: “Ở nơi này tìm thấy một tình yêu. Trong thế núi dáng sông. Trong nhà dựng sát mái nhà, mái kề liền mái. Trong vầng mặt trời ngày lại ngày giục con gà gáy sáng. Trong con đường sắc đỏ trải mênh mông”.

Nhà thơ Phạm Vân Anh đã thể hiện khá sâu sắc chủ đề cao cả - Tổ quốc. Đây là một trường ca mới và duy nhất về đề tài bảo vệ biên giới phía Bắc tính cho đến nay. Cũng có thể nói Phạm Vân Anh là nhà thơ nữ trẻ đầu tiên thử sức mình với một hành trình lao động sáng tạo đầy gian khó với thể loại trường ca và đề tài về người lính nơi biên cương. Đó là bản lĩnh của một nhà thơ khoác áo lính.

Đồng thời qua bản trường ca bạn đọc đã nhận ra một chân dung thơ Phạm Vân Anh có màu sắc phong phú hơn. Ngoài tính hiện thực lãng mạn kiêu hùng của người chiến sĩ biên phòng, nhà thơ Phạm Vân Anh còn đem lại cho bạn đọc những cảm xúc lắng sâu về tình yêu đất nước và sự hòa hợp dân tộc trong công cuộc bảo vệ biên cương bờ cõi. Khi gấp lại những trang cuối cùng của tập trường ca “Sa Mộc”, bất ngờ một câu thơ bỗng găm lại trong trí nhớ tôi: “Tuần tiễu giữa mùa đi bát ngát”. Có lẽ đó chính là lời hát trên tán cây Sa Mộc cao vút giữa rừng xanh biên giới.  

Vương Tâm

Bình luận
vtcnews.vn